7 sai lầm khiến tản văn của bạn không được đăng báo

Hồi mới viết, mình cũng háo hức gửi những bài tản văn đến các tờ báo và có lúc chỉ nhận được một email ngắn gọn: “Bài viết chưa phù hợp, cảm ơn bạn đã gửi bài!”. Lúc đó mình vừa buồn vừa hoang mang, không biết tại sao bài “không hợp”, càng không biết nên làm gì để “hợp” vào lần sau. Nhưng sau nhiều năm viết, gửi bài và hướng dẫn học viên, mình đã rút ra được 7 sai lầm phổ biến khi viết tản văn khiến bài không được báo chọn để chia sẻ cùng bạn ngay bây giờ. Cuối bài, mình cũng sẽ gợi ý cách khắc phục để bạn tự tin gửi bài cộng tác báo và chinh phục biên tập viên. 

Nhận diện 7 sai lầm khiến tản văn của bạn không được đăng báo và áp dụng các cách khắc phục để tăng cơ hội cộng tác.

Sai lầm 1: Cấu trúc bài viết lỏng lẻo, thiếu mạch lạc và logic

Một bài tản văn gửi báo, cũng như bất kỳ bài viết nào khác, đều cần có cấu trúc chặt chẽ. Trừ khi bạn viết tự do để rèn luyện kỹ năng hay chăm sóc nội tâm, còn lại dù là thể loại nào, dạng bài nào, bạn cũng cần viết theo cấu trúc. Nhiều bạn có thói quen “nghĩ gì viết nấy” nên bài viết lan man, không có mở đầu, cao trào hay kết thúc rõ ràng. 

Ví dụ như bạn mở bài bằng cách nhắc lại một kỷ niệm tuổi thơ nhưng giữa chừng, vì nó có liên quan tới một chuyến đi về quê ngoại, bạn vô thức kể về những kỷ niệm ở đó rồi kết bài mà không nhận ra mình vừa “đi lạc”. Thông điệp và cảm xúc trong những kiểu bài như vậy cũng không cụ thể. Biên tập viên là những người bận rộn. Họ thường không có thời gian để “đọc và đoán ý” của bạn nên bài viết dễ bị từ chối.

👉 Cách khắc phục:  

Trong các bài viết về tản văn trên blog hoaluong(chấm)com, mình từng chia sẻ cấu trúc của thể loại này là vòng tròn đồng tâm. Bạn nên xây dựng một bố cục cơ bản cho bài tản để tránh mắc lỗi trên:  

  • Mở bài: Giới thiệu nội dung trọng tâm, câu chuyện hoặc cảm xúc chính, tạo sự tò mò.  
  • Thân bài: Triển khai lần lượt các ý chính làm sáng tỏ cho nội dung, tập trung vào câu chuyện và khai thác cảm xúc. 
  • Kết bài: Nêu cảm nhận, đưa ra thông điệp, bài học hoặc một cảm xúc để lại ấn tượng.  

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn:  

Trước khi vào giai đoạn viết, bạn hãy phác thảo dàn ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi: “Mình nên mở đầu thế nào cho hấp dẫn? Nội dung chính của bài là gì? Mình muốn bài kết thúc ra sao?”. Những điều này giúp bài viết của bạn mạch lạc và dễ theo dõi hơn. Nếu bạn cần hướng dẫn chi tiết hơn về cách làm dàn ý và muốn được phản hồi, tất cả các khóa học viết của mình đều có.

Sai lầm 2: Thiếu cảm xúc, không khiến người đọc rung động

Tản văn là thể loại của tính cá nhân mà cảm xúc là thứ không thể thiếu khi biểu đạt. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn quen viết theo lối kể chuyện khô khan từ đầu đến cuối, không truyền tải được những rung động cần có để chạm tới người đọc. 

Bạn viết: “Tối hôm đó trời mưa, tôi buồn nên ngồi trong nhà.” sẽ không khiến người đọc đồng cảm, vì nó thiếu tính sinh động đến từ việc miêu tả và không thể hiện được một cảm xúc sâu sắc. Biên tập viên thường tìm kiếm những bài tản văn có khả năng khiến người đọc rung động. Nếu bài viết của bạn thiếu cảm xúc, nó sẽ khó được chọn. 

👉 Cách khắc phục:

Trong tản văn, bạn nên tập trung vào việc truyền tải cảm xúc qua những hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ diễn đạt. Thay vì chỉ viết về nỗi buồn như minh họa trên, bạn có thể viết: “Mưa vẫn rơi lất phất ngoài hiên. Màn đêm u tịch càng thêm não nề. Tôi ngồi co ro trong góc nhà ẩm mục, nghe từng giọt mưa rơi vào nỗi nhớ, lòng nặng một nỗi buồn không tên.”. Câu văn miêu tả thường dễ khiến người đọc cảm nhận được cảm xúc của nhân vật thông qua hình ảnh, từ ngữ và nhịp điệu.  

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn: 

Khi viết, bạn nên lắng nghe cảm xúc của chính mình và tự hỏi: “Mình cảm thấy như thế nào? Mình muốn người đọc cảm nhận điều đó ra sao?”. Sau đó dùng từ ngữ để tái hiện vào bài tản. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: “7 cách thêm cảm xúc cho bài viết của bạn” trên blog mình nhé!

Một số tác phẩm đăng báo của học viên Hòa gần đây
Một số tác phẩm đăng báo của học viên Hòa Lương trong dịp Tết – xuân 2025

Sai lầm 3: Không hiểu yêu cầu và phong cách của tờ báo

Mỗi tờ báo, tạp chí đều có phong cách riêng nhưng nhiều bạn vô tư gửi bài đi mà không hề tìm hiểu trước. Đó cũng là lý do mà trong những khóa Viết tản văn đăng báo của năm nay, mình để học viên thực hành phân tích gu báo nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau.

Lấy một ví dụ đơn giản, bạn gửi bài tản dài hơn 2000 từ cho một tờ báo chỉ đăng bài khoảng 1000 từ như báo Phụ Nữ thì cơ hội cho bạn gần như bằng 0. Nếu bạn gửi bài viết đầy phiến diện và tiêu cực cho một tạp chí chuyên về phong cách sống tích cực và lành mạnh thì việc bài viết bị từ chối không khó để dự đoán.

👉 Cách khắc phục:

Trong bài “Bí kíp cộng tác báo chí mảng sáng tác: cách học viên mình có 350+ bài đăng báo trong 1 năm”, mình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cộng tác báo. Bạn cũng không được bỏ qua một việc rất quan trọng là phân tích kỹ yêu cầu của tòa soạn trước khi gửi bài:

  • Đọc các bài tản văn đã được đăng trên báo đó để hiểu phong cách của họ (ngôn ngữ, độ dài, chủ đề…). Báo Hoa Học Trò thường thích những tản văn với độ dài vừa phải, chủ đề xoay quanh cuộc sống và tâm sự tuổi teen, những cảm xúc và câu chuyện của các cô cậu học trò…
  • Điều chỉnh bài viết của bạn cho phù hợp. Phong cách viết của bạn có thể không trùng khớp hoàn toàn với tờ báo. Hãy xem bạn có thể biên tập, chỉnh sửa để đáp ứng các yêu cầu của họ không. Nếu vẫn quá khác biệt, bạn nên tìm bài khác hợp hơn với tờ báo đó hoặc ngược lại, tìm tờ báo mà bài viết của bạn có cơ hội được đăng cao hơn.  

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn:  

Lúc mới bắt đầu, bạn có thể gửi bài cho những tờ báo hoặc tạp chí nhỏ có yêu cầu không quá khắt khe, cần số lượng bài lớn để làm quen với việc gửi bài. Khi có kinh nghiệm cộng tác báo, bạn có thể thử sức với các tòa soạn lớn hơn. Trong các khóa học, mình thường sẽ hướng dẫn học viên cách nghiên cứu tờ báo, xác định mức độ phù hợp và quy trình gửi bài cho báo. Đồng thời, mình cũng định hướng nên gửi báo nào để bài dễ lên hơn.

Đọc thêm:

Một số vấn đề khi viết tản văn và hướng khắc phục

Viết tản văn đăng báo: khóa học viết cho người muốn cộng tác báo

Phân biệt truyện ngắn và tản văn: Sự khác nhau giữa 2 thể loại văn xuôi thường gặp

Sai lầm 4: Viết dài dòng, không biết cách cô đọng ý tưởng

Nhiều bạn vẫn nghĩ tản văn là thể loại tự do nên cứ viết thoải mái, viết càng dài càng tốt. Trên thực tế, ản văn gửi báo cần cô đọng, có độ dài phù hợp. Bởi biên tập viên và độc giả thường không có thời gian để đọc những bài viết lan man. Hơn nữa, mỗi mục trên báo đều có giới hạn về không gian (số trang) nên không thể đăng những bài quá dài, chiếm “đất” của bài khác, mục khác được.

Nếu bạn viết một bài về lần phẫu thuật đầu tiên của mẹ nhưng lại mất tới 3 đoạn dài để tả cảnh bệnh viện mà kể vào câu chuyện, không đi sâu vào những suy nghĩ, cảm xúc của mẹ và của bạn thì bài viết vừa lê thê mà cũng không có sức hút.

👉 Cách khắc phục:

Muốn viết hiệu quả, bạn cần học cách cô đọng ý tưởng và tập trung vào cảm xúc chính của bài. Mỗi câu văn, mỗi đoạn văn đều cần phục vụ cho một mục đích nào đó, như là thể hiện thông điệp hoặc bộc lộ cảm xúc. Thay vì viết 3 đoạn tả bệnh viện, bạn có thể nói nhiều hơn về tâm trạng lo lắng của cả hai mẹ con, những điều mẹ chia sẻ khiến ban phải suy ngẫm, sự yêu thương và xót xa của bạn khi thấy mẹ phải chịu đựng cơn đau, thông điệp về tình mẫu tử và việc chăm sóc mẹ… Những điều này khiến tác phẩm của bạn có giá trị hơn.

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn:  

Khi đã viết xong, bạn cần đọc lại bài nhiều lần và tự hỏi bản thân: “Câu văn này, chi tiết này có thực sự cần thiết trong bài không? Nó giúp gì cho việc truyền tải cảm xúc chính?”. Nếu câu trả lời là không, bạn hãy mạnh dạn cắt bỏ chúng. 

Sai lầm 5: Bài viết nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, không để lại ấn tượng

Tản văn cần sự tinh tế và cảm xúc nhưng nhiều bạn vẫn thường “kể chuyện suông”, không có điểm nhấn để gây ấn tượng với biên tập viên. 

Giả sử bạn viết một bài tản về những kỷ niệm tuổi thơ nhưng chỉ kể khơi khơi tất cả những gì bạn nhớ được về năm tháng đó mà không có câu chuyện nào cụ thể, không tạo được cảm xúc rõ rệt cho người đọc thì dễ bị từ chối. Biên tập viên có thể nhận tới hàng trăm bài viết mỗi ngày. Họ thường sẽ đọc lướt trước và chọn ra những bài có điểm nhấn dễ khiến người đọc dừng lại và suy ngẫm.

👉 Cách khắc phục:

Khi viết, hãy tạo ra một điểm nhấn cho bài tản văn của bạn. Đó có thể là một chi tiết, một cảm xúc hoặc một bài học khiến người đọc nhớ mãi. 

Thay vì chỉ kể “Tôi bắt được con cá.”, bạn có thể viết: “Dưới dòng nước nóng bỏng đọng váng phèn tháng sáu, tôi quờ quạng mãi mới bắt được một con cá nhỏ. Nhưng tôi đã thả nó về lại với dòng nước, bởi tôi sống nương tựa vào đồng ruộng thì không thể tận diệt những loài sinh vật cũng giống như tôi.”. Chi tiết này vừa tạo cảm xúc vừa để lại một thông điệp ý nghĩa cho bài viết.

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn:   

Bạn có thể tự hỏi bản thân xem: “Điều gì trong câu chuyện khiến mình xúc động nhất? Mình muốn người đọc cảm nhận được gì từ đó? Chi nào khiến mình nghĩ mãi về nó?”. Trg khi viết bài, bạn nên tập trung vào chi tiết đó và khai thác nó thật sâu. 

Sai lầm 6: Ngôn ngữ không phù hợp với phong cách của tờ báo

Tản văn gửi báo thường cần ngôn ngữ tinh tế và tự nhiên nhưng nhiều bạn đang rơi vào một trong hai lỗi khá cực đoan: hoặc là viết quá đơn giản, như văn của học sinh (Tôi thích quê lắm, quê tôi có nhiều cây xanh, không như thành phố.) hoặc viết quá hoa mỹ, dùng quá nhiều từ Hán Việt hay các từ ngữ sáo rỗng (Hương quê tha thiết gọi mời, ôi biết bao niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi.). Cả hai cách dùng từ trên đều không đạt chuẩn báo chí. Biên tập viên mục tản văn thường tìm kiếm những bài viết có ngôn ngữ mượt mà, tự nhiên và dễ chạm đến cảm xúc người đọc. Nếu ngôn ngữ của bạn không phù hợp, bài viết sẽ không được chọn.

👉 Cách khắc phục:

Bạn cần phân tích phong cách ngôn ngữ phù hợp với tờ báo ngay từ đầu. Sau đó tìm ra sự cân bằng khi sử dụng từ ngữ: không quá đơn giản nhưng cũng không quá cầu kỳ. Với tản văn, bạn có thể tập trung vào việc sử dụng những từ ngữ gợi hình, gợi cảm và gần gũi. Đừng viết: “Làng tôi có nhiều cây xanh.” mà thử viết: “Làng tôi yên bình, rợp bóng tre xanh, nơi mỗi cơn gió thổi qua đều xào xạc tiếng lá.”

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn:  

Bạn nên đọc nhiều tản văn được đăng trên tờ báo mà bạn muốn cộng tác. Thêm vào đó, bạn cũng nên đọc văn của các tác giả nổi tiếng như Thạch Lam, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… để học cách họ sử dụng ngôn ngữ. Sau đó, thực hành viết với những từ ngữ và kỹ thuật mà bạn học hỏi được từ họ. 

Sai lầm 7: Bài viết thiếu sự chân thật, gượng ép, không tự nhiên

Tản văn là thể loại cần sự chân thật nhưng bạn có thể sẽ vô tình mắc lỗi “làm màu” hoặc viết những điều không xuất phát từ cảm xúc. 

Nếu bạn chưa từng sống ở miền quê mà cố viết một bài tản về quê hương với những chi tiết như như mùi lúa chín, tiếng gà gáy sáng… đầy khiên cưỡng thì có thể sẽ khiến bài viết trở thành gượng ép, không thuyết phục. Biên tập viên rất nhạy với những bài viết thiếu sự chân thật nên họ sẽ từ chối ngay.

👉 Cách khắc phục:

Đối với tản văn, bạn hãy cứ viết từ những trải nghiệm và cảm xúc thật. Chủ đề của tản văn không cần là những chuyện lớn lao mà có thể nhỏ bé và gần gũi nhưng chân thật. Bạn sống ở thành phố, bạn viết về những tòa nhà, về những lần kẹt xe, về một góc yên giữa phố phường… sẽ hay hơn là bạn cố gắng viết về miền quê chỉ vì nghĩ như vậy dễ được báo chọn hơn. Sự chân thật mới làm cho bài viết của bạn chạm đến trái tim người đọc.  

🌱 Mẹo nhỏ cho bạn: 

Bạn có thể viết nhật ký cảm xúc mỗi ngày để ghi lại những khoảnh khắc khiến bạn xúc động. Sau đó, chọn một trong số chúng để phát triển thành bài tản. 

Chị Ngọc Nữ học khóa Tản văn 04 từ năm 2024, đến nay đã có hơn 70 tản văn đăng báo
Chị Ngọc Nữ học khóa Tản văn 04 từ năm 2024, đến nay đã có hơn 70 tản văn đăng báo chỉ trong vòng 1 năm

Câu chuyện học viên

Chị Ngọc Nữ – học viên khóa Tản văn 04 của mình – đã có gần 70 bài đăng báo chỉ trong vòng chưa tới 1 năm. Chị cũng từng có những bài gửi đi mà không được chọn ngay, phải sửa tới sửa lui hoặc gửi cho báo khác mới thật sự hợp để đăng. Việc tham gia vào workshop và khóa học viết tản văn theo mình là một cuộc đầu tư thành công của chị. Bởi không chỉ được nuôi dưỡng tâm hồn, chị còn có một danh sách bài đăng báo, nhuận bút và những chị em trong nhóm STKT, những người bạn viết lách trong một thời gian khá ngắn. Mình tin đó là những “món quà ngoài kỳ vọng” mà chị không thể đoán được trước khi học với mình. 

Hôm 01/04, mình đã gửi chị phần thưởng cho học viên xuất sắc nhất quý 1/2025 vì chị có tổng 19 bài đăng báo trong quý này. Như vậy, trung bình chị có khoảng 7 bài được đăng mỗi tháng, một con số của rất nhiều nỗ lực với một cây viết mới. Chị xứng đáng với những gì được nhận.

Nếu bạn cũng đang muốn học chi tiết hơn về cách viết tản văn hay và cần có tài liệu bài bản, được cầm tay chỉ viết, chỉ ra những lỗi sai trong bài sửa từng bài viết một thì khóa Viết tản văn đăng báo TV09 khai giảng ngày 27/05 này thực sự phù hợp.


Mình chỉ còn 3 suất cho khóa học tháng 5 nên nếu bạn quan tâm, hãy nhắn tin mình để được tư vấn chi tiết nhé! Ngoài ra, nếu bạn muốn chuẩn bị trước, mình gợi ý bạn khám phá Sổ tay tản văn mà mình đã biên soạn với rất nhiều bài tập thực hành và mẹo viết tản văn hữu ích.

Inbox cho mình để nhận tư vấn lộ trình phát triển khả năng viết lách từ cơ bản tới chuyên sâu phù hợp với mục tiêu và năng lực hiện tại của bạn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi FacebookPodcastYoutube và tham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tìm kiếm điều gì đó . . .