Trong khu rừng huyền diệu ở rìa thế giới có một nơi được gọi là xứ sở thần tiên. Có lẽ với người viết, thế giới được tạo tác bởi câu từ chính là vùng đất thiêng ấy.
Người yêu câu chữ bước chân vào đường viết chẳng khác nào nàng Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Bao màu nhiệm hiện ra trước mắt làm cô gái mải mê chân bước càng lúc càng sâu hơn.
Thế giới viết đầy sáng tạo, tự do, đồng cảm và chinh phục mở ra trước mắt. Đôi khi, chúng ta lạc chân ở nơi diệu huyền ấy mà quên khuấy cuộc đời thực tế vẫn đầy rẫy những điều cần giải quyết ngoài kia.
Trong viết, bạn có câu từ như một thứ vật liệu thần kỳ. Với nó, bạn tự do xây lên tòa lâu đài nguy nga. Hay là một ngôi nhà gỗ cheo leo trên nhánh cây già cỗi. Bạn có thể chu du ngàn dặm dưới đáy biển. Hoặc bạn tự nhiên khiêu vũ trên lởm chởm mặt trăng. Với nó, bạn giành vai của Đấng Sáng Thế. Bạn tự tạo ra những sinh vật theo ý mình. Dĩ nhiên, số phận của họ do bạn an bài. Và bạn tùy ý chọn bám sát vào đời sống hay tạm xa rời nó để đến không gian ảo vọng. Cách nào cũng vô cùng nhanh chóng.
Thế còn cuộc đời ngoài kia thì sao? Cuộc đời có màu nhiệm như trong trang viết?
Chắc chắn là không. Bài viết phản chiếu đời sống. Nhưng bài viết không hoàn toàn là đời sống. Nó đã được khúc xạ qua một lăng kính khác mang màu sắc cá nhân của người viết. Như bóng trăng trong đáy nước, nó đã ít nhiều biến đổi, không còn chân xác.
Tôi đã lắng nghe tâm sự của nhiều người bạn viết trong thời gian qua. Tôi cũng dành thời gian trò chuyện với chính mình. Họ sợ. Và tôi sợ.
Liệu những người còn đang chập chững trên đường viết như chúng tôi có đang mộng du giữa đời thường?
Chúng tôi viết và viết. Dành nhiều thời gian cho viết nhưng chẳng biết làm thế nào để sống được với nó. Không nhiều người trong đời tìm được và sống được với đam mê nào đó của mình. Chắc lẽ vậy nên thi sĩ Tản Đà mới thốt lên: “Văn chương rẻ ế coi mà chán!”
Nếu chỉ viết, viết hằng ngày, liệu người viết sẽ đi tới đâu? Người viết thương mại có lẽ dễ dàng kiếm được tiền hơn. Còn người viết sáng tác và người viết mới thì sao? Con đường nào nên đi? Con đường nào có thể đi? Và đi bao lâu mới đủ thời gian để kiếm được thu nhập từ viết, để sống được nhờ con chữ của mình? Tôi không biết, họ không biết. Chúng tôi trò chuyện. Chúng tôi bế tắc. Những khoảnh khắc nản lòng ngày một nhiều hơn.
Lâu lắm rồi tôi mới dùng hai từ xót xa để mô tả tâm trạng. Xót xa cho người đang học viết, cho người yêu viết mà tư duy làm việc viết không lành nghề như cách đẽo chữ gọt câu.
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Bài thơ Giới thiệu của nhà thơ Xuân Diệu
Suy cho cùng điều ngáng chân người viết, khiến họ không thể kiên trì thường bởi vì tài chính. Người ta có thể thích viết dù không bàn đến nhiều ít thế nào. Nhưng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thực cứ như kẻ lạnh lùng chực dội vào họ xô nước đá lạnh tanh thì sự yêu thích kia cũng phải xê ra mà nhường chỗ cho hàng tá hóa đơn cần thanh toán. Hoặc cũng có khi là đủ thứ công việc cần hoàn thành.
Chưa kể, viết cần nhiều thời gian, nỗ lực và chất xám. Viết mãi không ra tiền thì làm sao người viết không bị dày vò trong nỗi thống khổ và mặc cảm vô dụng? Người xung quanh có thể lấy đó làm lý do dè bỉu hay mạt sát.
Đồng tiền có thể không là tất cả. Nhưng chua chát thay, nó gầy dựng nên tiền đề và thúc đẩy tiến độ của nhiều việc. Bạn cứ viết hoài, viết mãi. Nhưng khi người nào đó hỏi thăm thu nhập thì lại phải cúi đầu lảng sang chuyện khác. Nghĩ thôi đã thấy tủi.
Thảng hoặc, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một người khệnh khạng trên đôi cà khoeo cao chót vót. Một chân họ đạp vào vùng đất viết ngập tràn ánh sáng. Còn một chân tấp tễnh trên đời thường lầy lội.
Bức tranh nghiêng ngả, đôi chân chới với, mất thăng bằng. Tôi muốn mình đi sâu, đi lâu trong địa hạt viết lách. Ấy vậy mà tôi lại sợ mình lún vào rồi “vẫy vùng trong vũng lầy”.
Tình yêu đôi khi làm người ta đau. Nhất là khi yêu say đắm mãi mà không nhận được câu hồi đáp.
Người mộng du lúc nào đó sẽ tỉnh. Hoặc có thể gặp chuyện ngoài ý muốn. Đâu ai có ý thức trong lúc đang mộng du? Người mới bắt đầu viết dễ rơi vào trạng thái này hơn.
Bởi thế giới được xây nên bằng các viên gạch ngôn từ đẹp đẽ quá. Người viết với nhau tử tế quá. Cảm giác khi viết hạnh phúc quá. Giấc mơ trong viết lấp lánh quá. Người ta chìm đắm vào đấy chẳng còn muốn thoát ra. Chẳng muốn nhập lại làm một với cuộc đời trần tục đầy đớn đau và muôn vàn lo lắng.
Như một kẻ trốn chạy cố nhìn về phía ánh sáng, người ta quên mất dưới chân mình đầy gai nhọn. Tới khi máu chảy ướt nóng bàn chân và gai đâm tê thớ thịt mới nhận ra mình càng đi càng lạc lối vào khu rừng bóng tối.
Người lạc quan tới đâu cũng không thể cười mãi nếu cuộc sống đẩy vào tay anh ta hàng tá thứ phải lo. Đôi chân của kẻ trốn chạy rớm máu nhưng không thể ngừng lại. Cuối cùng chỉ còn cách men theo tia sáng mờ nhạt kia. Cũng là men theo chút hy vọng bảng lảng để vượt qua khu rừng.
Người đi lạc sẽ mãi kẹt lại ở nơi tăm tối nhất nếu không cố gắng cho tới lúc thấy được lối ra. Chân ta có thể dẫm lên gai nhọn. Mắt ta có thể không thấy rõ đường. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải không ngừng tìm kiếm ánh sáng. Khi đứng lại là lúc tự chôn chân mình một chỗ.
Nếu người viết là kẻ mộng du thì xin hãy mộng du trong trang viết và tỉnh táo giữa cuộc đời. Cuộc đời tạo nên trang viết. Nhưng cũng lắm khi từ trang viết nuôi ngược lại cuộc đời. Tất cả những gì tôi nghĩ tới bây giờ không nằm ngoài kiên nhẫn, học hỏi và chủ động.
Sẽ không ít lần khi viết, tôi và bạn bị nỗi hoài nghi lấn át niềm tin. Không ít lần xấp hóa đơn cần chi trả dày hơn cả số trang vừa viết được. Chỉ hy vọng sau lúc băn khoăn, người viết vẫn cứ viết mà không cần quá lăn tăn. Viết ngay cả khi không phải để kiếm tiền. Đơn giản nhất hãy viết để được là chính mình trọn vẹn hơn từng ngày.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter