Trong khóa Viết truyện 02, tôi đã có trải nghiệm đọc và phân tích truyện ngắn “Hậu thiên đường” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cùng các học viên. Dẫu cô trò đã nói khá nhiều về tác phẩm này trong buổi Zoom nhưng tâm trí tôi vẫn còn quẩn quanh trong cái hậu thiên đường đầy ám ảnh ấy mà chưa thoát ra được. Tôi còn ngẫm, còn nghĩ, còn không ngớt ồ à về một hiện tượng của văn học Việt Nam hậu hiện đại.

Ở truyện ngắn Hậu thiên đường, tôi ấn tượng với nhiều điều.
1/ Mở đầu đơn giản, khơi gợi óc tò mò của độc giả
Nói đến tác phẩm tự sự không thể bỏ qua cảnh mở đầu, bởi nó là khởi nguồn cho tất cả và cũng quyết định tới việc người đọc có muốn tiếp tục khám phá câu chuyện nữa hay thôi. Hậu thiên đường bắt đầu bằng một tình huống chẳng như mơ là mấy khi nó dự báo về một điều gì đó kinh khủng (có vẻ) sắp xảy ra.
“Tôi cứ tưởng là mình đã quên mọi chuyện từ lâu. Bỗng dưng chiều nay, tất cả ùa về. Đầy ắp ứ, như thể có ai đó đã thu gọn mọi thứ vào một cái bao tải to tướng, buộc chặt nút lại. Và nay, đem mở òa ra trước tôi. Đầy đủ nguyên vẹn.”
Điều gì đó đã khởi phát từ rất lâu, đè nén trong cái bao tải chật chội tới khi ứ đầy, to tướng. Bởi không nhìn thấy nó, hoặc người ta muốn giả như không nhìn thấy nó, nên đến khi bị mang tất cả ra bày trước mặt đầy bất ngờ, người ta sững sờ vì nó vẫn còn y đó. Chẳng mất đi tí nào, chẳng hề vô hình như người ta vốn tưởng là đã quên sạch sành sanh.
Mặc dù truyện được mở ra với một nhân vật “tôi” không rõ ràng, không có bối cảnh cụ thể nhưng cái “cần câu” là một bao ứ đầy chuyện cũ bị khui ra cũng đủ khiến người đọc thắc mắc điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.
2/ Xây dựng nhân vật thông qua những nét phác họa
Trong tác phẩm này, nhà văn Thu Huệ không chú trọng vào việc phác họa ngoại hình hay tính cách nhân vật một cách cụ thể mà đi từ những lời kể để người đọc hình dung về họ.
Truyện không có nhiều nhân vật, xuất hiện nhiều nhất là nhân vật “tôi” – người kể chuyện, con gái của “tôi” và người tình của con gái tôi. Một số nhân vật khác có mặt để thực hiện những chức năng rõ ràng.
2.1/ Nhân vật “tôi” – người kể chuyện
Đầu tiên là nhân vật tôi, một con người hiện lên đầy tính tự sự, cũng là người kể lại câu chuyện. Ở đoạn cuối, vai trò kể chuyện bị thay thế bởi người kể chuyện ngôi thứ ba vô danh, còn lại là lời trần thuật của tôi nên những xúc cảm hiện lên đầy chân thực, gia tăng cảm giác về sự bẽ bàng, chua xót, lo lắng và bất lực của nhân vật.
Nhân vật này cũng có nhiều mâu thuẫn nội tâm, ngoại hình không được thể hiện quá rõ ràng nhưng vẫn giúp người đọc hình dung ra dáng vẻ bên ngoài lẫn cuộc sống hiện tại của cô.
“Tôi nhìn tôi trong gương. Khuôn mặt đàn bà sang tuổi bốn mươi. Mí mắt bắt đầu sụp xuống. Biết là mình vẫn còn đẹp, nhưng cũng bắt đầu nhầu nhò rồi.”
Đó là người phụ nữ trung niên, độc thân, có một cô con gái 16 tuổi và thường chạy trốn tuổi già bằng những trò vui thâu đêm như nhảy đầm hay lăn lộn trong vòng tay của hết người đàn ông này đến người đàn ông khác. Cô cũng là người đầy tổn thương sau khi bị người yêu phụ bạc, không tự tin và không đủ lòng tin để tìm kiếm một tình yêu đích thực, ít quan tâm đến con nên không nhận thức được những thay đổi trong tâm sinh lý của con từ sớm.
“Đắng ngắt. Thế nào nhỉ? Bốn mươi tuổi tôi đã có cái gì cho mình. Tiền tài thì vớ vẩn chỉ đủ ăn và sống một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy, áo để đi dạ hội và nhảy đầm. Công việc diễn ra đều đều và nỗi nghi ngờ đàn ông… Bỗng dưng, tôi thấy sập xuống người mình, một nỗi trống trải hoang vắng khủng khiếp.”
Người phụ nữ ấy năm 24 tuổi đã bước chân vào thiên đường dưới sự dìu dắt của người yêu để rồi sáu tháng sau đó rơi vào địa ngục mãi tới tận khi mọi thứ thật sự kết thúc.
2.2/ Nhân vật con gái của “tôi” – người đàn bà 16 tuổi
Cô con gái hiện ra qua lời kể của tôi với một vài đặc điểm được nhấn mạnh về độ tuổi 16 và đang là học sinh. Qua cuốn nhật ký, cô bé ghi lại những chuyện xảy ra hàng ngày, những suy nghĩ và những mong ước cỏn con. Nhưng điều đặc biệt nhất trong cuốn sổ ấy chính là những dòng viết về người tình mà cô cảm thấy yêu hơn tất thảy, cần hơn tất thảy, tin hơn tất thảy mọi thứ trên đời.
Cô bé không có cha, cũng không nhận được sự quan tâm hay tình yêu thương đầy đủ của mẹ. Cô hiểu chuyện nên thường hay khiến bản thân thiệt thòi chỉ vì muốn làm vui lòng mẹ, muốn được mẹ thương hơn một tý.
“Nó… ngã lăn xuống cầu thang. Máu trên đầu nó loang xuống mặt. Nó không khóc, chỉ mím môi lại và bảo: “Không sao đâu mẹ ạ. Con không đau đâu. Mẹ về, con mừng quá”. Tôi đỡ nó dậy và nói: “Thì đã bao giờ mẹ không về đâu. Chỉ có sớm hay muộn thôi”. Nó hơi cố cười. Dù sao tôi biết lúc ấy, nó rất đau: “Mẹ về sớm, hôm nay là sinh nhật con, mẹ mua hoa cho con, con sung sướng quá nên chạy ra đón”.”
Chính người mẹ cũng không ít lần thốt lên những câu tương tự như “Chỉ có con tôi là khổ thôi.” Sự ngây thơ, lòng tin người và những khao khát về sự che chở của người cha, về tình yêu thương và một mái ấm gia đình khiến cho cô bé dễ dàng trở thành nạn nhân của một trò lừa tình từ gã đàn ông lọc lõi có tuổi đời ngang với cha cô.
2.3/ Nhân vật người tình của cô con gái – trâu già khoái gặm cỏ non
Nhân vật này chỉ hiện lên qua nhật ký của cô con gái chứ không trực tiếp xuất hiện trước mặt nhân vật “tôi”. Tuy nhiên, người đọc vẫn dễ dàng hình dung được đó là người như thế nào. Hắn là gã đàn ông đã già, có 2 đứa con riêng, 1 bà vợ đang chờ li dị (theo gã nói). Gã keo kiệt, thô lỗ, lúc nào cũng chỉ cà phê và luôn dùng lời nói để lừa gạt tình cảm và lợi dụng cả tình lẫn tiền của cô gái trẻ người non dạ.
Gã đưa cho cô bánh xà phòng rẻ tiền giá 2.500đ thôi, bỏ vào túi mình 7.500đ người bán hàng trả lại cho cô. Gã mặc nhiên khẳng định “ăn vặt làm gì, chua mồm!” khi cô muốn ăn bánh chuối rán. Gã bảo cô ăn xôi cho chắc bụng thay vì tô bún riêu mà cô đang thèm. Gã chỉ ôm cô và gã biết chắc là bấy nhiêu đã đủ với cô gái cần tình yêu hơn mọi thứ khác trên đời.
Gã còn hứa hẹn với cô về việc li dị vợ, rằng chuyện sẽ kết thúc sớm, vợ gã sẽ trắng tay còn gã sẽ nuôi một đứa con. Mà đứa con ấy cô đã đến chăm nom thay tả, đã nghĩ là quấn quýt với cô. Gã cũng tô vẽ trong cô về một ngôi nhà với những đứa trẻ mà cả hai sẽ cùng yêu thương, dạy dỗ.
Nhưng gã có làm gì hay không thì chỉ gã biết, mẹ cô biết và khán giả có lẽ cũng biết. Còn cô gái ngây thơ vẫn mãi tin vào những mật ngọt ấy để rồi bước vào “hậu thiên đường” từ khi nào mà không biết.
Ba nhân vật xuất hiện đan xen trong những dòng tự sự của nhân vật “tôi” góp phần hoàn thiện cho câu chuyện và cũng tự nó đưa đến những lý giải cần thiết để người đọc đi giải mã ý nghĩa của tác phẩm.

3/ Những ẩn dụ đầy trăn trở
Không chỉ tài năng trong việc xây dựng các nhân vật mà Nguyễn Thị Thu Huệ cũng để lại dấu ấn bằng những hình ảnh ẩn dụ đầy trăn trở. Mỗi một ẩn dụ đều khiến người đọc phải không ngừng suy nghĩ, không ngừng truy ngược lại vào câu chuyện, vào thực tiễn cuộc sống để có thể hiểu đúng và hiểu hết. Thậm chí có thể là không hiểu hết nhưng vẫn cứ muốn đọc, cứ trầm trồ và khó lòng thoát ra khi còn chưa hiểu tác phẩm.
3.1/ Cái cặp học sinh rơi xuống
Hình ảnh cô con gái âu yếm với người tình trong khi cái cặp học sinh rơi xuống ẩn dụ rằng con đường học hành, tương lai, trí tuệ, ánh sáng trong cuộc đời của cô bé cũng đã vỡ tan tành. Khi ấy, chỉ còn lại những khao khát tình yêu và đam mê thể xác dẫn lối cô gái trẻ.
“Tôi cảm thấy tôi nhìn thấy nó, ngồi bên người đàn ông. Hắn nhếch nhác trong bộ quần áo màu gạch, bẩn thỉu và hôi hám. Hắn đang ôm hôn con gái tôi, hai bàn tay lùng sục trong áo nó. Con gái như mê đi trong vòng tay hắn. Chiếc cặp sách rơi dưới đất. Trên bàn là hai cốc cà phê loãng toét, họ vào quán đâu phải để uống nước.”
3.2/ Hai người bị hiểu nhầm là cha con khi đi hẹn hò
Có hai chi tiết khác liên quan tới nhau làm tôi nghĩ ngay tới hệ quả của việc người đàn ông bỏ rơi người yêu khi đang mang thai và hai cha con không hề biết mặt nhau. Đó là trong các câu trần thuật: “Mặt con gái tôi giống người bố của nó. Nó không bao giờ biết được điều đó vì khi nó hiện hữu trên đời này thì người thực sự là bố của nó đã ở một nơi xa tít tắp.” và “Sáng nay hai đứa đi ăn xôi. Bà bán xôi bảo: Hai bố con ngồi đây ăn xôi đi!”. Chúng khiến người đọc mơ hồ suy nghĩ về hình ảnh một người đàn ông trung niên và một cô gái 16 tuổi có khuôn mặt na ná nhau. Đó có thể là một ám ảnh về việc l o ạ n l u â n. Biết đâu, người tình già của cô gái trẻ lại chính là người đã làm cho mẹ cô đau khổ 16 năm trước?
3.3/ Thiên đường và hậu thiên đường
Hình ảnh “thiên đường” và “hậu thiên đường” cũng mang nhiều ý nghĩa. Chúng vừa là hiện thân của những hoan lạc thể xác, những yêu đương (tưởng chừng) đắm đuối vừa là nơi bắt đầu của địa ngục trần gian được khoác lên lớp áo hậu thiên đường. Hai hình ảnh ẩn dụ này là sự lên án, lời cảnh tỉnh vừa xót xa, thương cảm vừa dự báo về những hậu quả của một xã hội đang chuyển biến nhanh chóng theo cơ chế thị trường, theo lối sống mới những năm 90. Ở thời đại đó, con người ta chọn ăn ở với nhau, sung sướng với nhau nhưng qua những phút mây mưa ở thiên đường ấy rồi thì còn lại gì, ai là người đau khổ thì chỉ có những người liên quan mới thấm thía hết.
“Người đàn ông ấy vừa mở cửa để cho tôi kịp thấy những vòng hào quang của nỗi đam mê thì lập tức, sau đó sáu tháng, anh ta dẫn tôi đến một cái hang sâu hun hút rồi đẩy tôi vào đó. Đến tận bây giờ.”
“Chỉ có con tôi là khổ thôi. Cũng như cái sự sinh ra nó trên đời này. Ngày ấy, khi sung sướng chúng tôi chỉ nghĩ đến mình, nhưng khi đau khổ tôi lại mang nó ra mà so, mà ngắm, và nhìn nó như một chướng ngại vật cản trở tôi trên bước đường đời. Nó chẳng có tội gì. Nó là sản phẩm của nỗi đam mê. Ai sướng. Ai hạnh phúc? Nó không biết. Chỉ được biết và được hưởng sự cô đơn, nỗi dằn vặt mà thôi.”
3.4/ Vòng lặp của mẹ và con gái
“Lúc nào tôi cũng tưởng tượng ra cảnh con gái tôi, mười sáu tuổi, nước mắt nhòe nhoẹt trên mi “Anh ấy bỏ con rồi” hoặc “Con sắp chết rồi mẹ ơi”. Lúc nào tôi cũng chỉ thấy nó, đang bò từ bờ vực này đến bờ vực khác. Những vũ trường, những ánh đèn, làm tôi kinh hãi khi nghĩ rằng con gái mình sẽ ở trong đó. Tôi thường về nhà sớm, tối thì không đi đâu nữa.”
Nhân vật “tôi” đã vô cùng sợ hãi khi đọc những dòng nhật ký của con gái và qua đó biết được con đang yêu, yêu đắm đuối. Mà người con yêu lại là một gã đàn ông đã nhiều tuổi, có vợ, có con, chưa li hôn và keo kiệt, hôi hám, lại chẳng cưng chiều hay muốn chi tiền cho con. Cô chuyển từ tâm trạng lo lắng con có thể sẽ đi vào vết xe đổ của mình khi mới biết con đang yêu tới tâm trạng hoang mang, bất lực, cấp bách và đau khổ thống thiết khi biết chắc con gái mình đang ở trong vực thẳm mất rồi. Và cô thì không có cách nào để kéo con gái mình ra khỏi đó được.
Những gì người mẹ đã trải qua, yêu – sung sướng trong tình yêu – bị phụ bạc – sống một cuộc đời cô độc không nên người, đang lặp lại ở con gái cô nhưng với biên độ rộng hơn, mức độ nghiêm trọng hơn. Và cô dù có tỉnh táo bao nhiêu, nhìn rõ thế nào cũng chỉ có thể bất lực nhìn con. Cho đến khi tai nạn giao thông mang cô đi khỏi thế gian.
3.5/ Cái chết của người mẹ và địa ngục của người con
Tác giả không nói thẳng với chúng ta rằng người mẹ đã chết trong vụ tai nạn. Tác giả cũng không khẳng định cặp tình nhân trong quán cà phê là cô con gái và gã người tình của cô ấy nhưng thông qua các chi tiết, người đọc vẫn hiểu ra được.
Trước lúc chết, người mẹ đã không ngừng nghĩ về con gái với mong muốn duy nhất là kéo cô ra khỏi người đàn ông tồi tệ ấy. Sự bấn loạn trong tâm trí làm cho mất tỉnh táo, nhìn ai ngoài đường cũng thấy khuôn mặt của con gái rồi cuối cùng gặp chuyện không may.
“Tôi run rẩy đứng lên. Chống chếnh và quay cuồng. Sao lại thế hả con? Con lú mất rồi. Tôi phải làm gì bây giờ hả trời? Không phải còn đang chập chững ở miệng vực nữa mà con đang ở trong vực rồi. Bao giờ thì chìm xuống đáy?”
Nghiệt ngã là ngay cả khi chuyện tồi tệ đang diễn ra với người mẹ thì người con vẫn không hề hay biết. Cô còn bận chiều chuộng người tình và tận hưởng cảm giác đê mê mà tình yêu vụng trộm “vĩ đại” ấy mang lại.
“Cô gái vội đặt tách cà phê xuống, nhưng người đàn ông cũng vừa tợp xong tách cà phê của mình và choàng tay ôm lấy cô gái. Cô nhắm nghiền mắt, say lịm đi, không kịp nhìn lên màn hình. Phải chăng đó là điều may mắn cuối cùng của cô trước khi bước vào… hậu thiên đường?”
Cô không kịp dừng lại để nhìn xem ai là người gặp tai nạn mà tin tức đang nói tới còn người mẹ thì hoàn toàn hết cơ hội để kéo con mình ra khỏi hậu thiên đường mà con đã vẽ nên bằng những mộng mơ của tuổi hoa niên.
4/ Phản ánh những vấn đề của đời sống xã hội
Tác phẩm không chỉ hấp dẫn tôi bởi kỹ thuật làm việc với câu chuyện của người viết mà còn bởi những nội dung mà nó thể hiện. Hậu thiên đường phản ánh bức tranh xã hội với những mặt tối mà con người cần phải đối diện để bước qua.
4.1/ Sự thiếu hiểu biết về tình yêu và phòng tránh thai ở người trẻ
“Đứa nào nhỉ, đứa nào mang mất khuôn mặt đợi chờ của con gái tôi đi mất và trả cho nó khuôn mặt đàn bà, vừa đằm thắm vừa non nớt của cô bé tuổi mười sáu? Nó đã đến tuổi thành niên đâu cơ chứ.”
“– Con năm nay mới mười sáu tuổi. Sao vội vàng thế? – Tôi cay đắng hỏi nó.
– Hai năm nữa, chúng con sẽ lấy nhau. Khi ấy con đủ tuổi để lấy chồng rồi! – Nó hớn hở dần lên.
– Đấy chẳng lẽ là tất cả cuộc sống của con hay sao? – Tôi hỏi, tim buốt nhói vì một lần nữa, tôi lại chậm.
– Đấy là thiên đường, mẹ ạ! – Nó ngẩng nhìn tôi, mắt lóe sáng – Chúng con sẽ đi làm, sẽ chỉ có nhau và những đứa con. Con sẽ không bao giờ phải buồn như mẹ.”
Những lời độc thoại của người mẹ và cả cuộc đối thoại giữa hai mẹ con đã cho thấy sự thiếu hiểu biết của cô gái nhỏ về tình yêu, trách nhiệm trong một mối quan hệ và mặt trái của tình yêu – hôn nhân. Cô còn ngây thơ, trái tim cô trong sáng và luôn mong muốn dùng yêu thương để lấp đầy những thiếu thốn yêu thương trong gia đình mình trước đây. Điều ấy lại vô tình đẩy cô vào vực sâu không thể nào thoát ra được.
4.2/ Việc làm mẹ đơn thân trong một xã hội còn nhiều định kiến
Mặc dù không khai thác tập trung vào cuộc sống của người làm mẹ đơn thân trong xã hội miền Bắc Việt Nam những năm 90, thế nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhìn thấy những bất ổn trong gia đình của “tôi” và con gái. Người mẹ đơn thân chạy trốn sự cô đơn bằng những cuộc vui thâu đêm, rượu và người tình. Cô không quan tâm tới con gái ở nhà một mình như thế nào, cũng không muốn ân cần chăm sóc cô bé. Dù không có nhân vật nào xuất hiện để chê bai hoàn cảnh của “tôi” nhưng qua cách kể của tác giả, người đọc vẫn biết cuộc sống của cô tệ thế nào. Nhất là khi những người đàn ông cô qua đêm đã có vợ và họ chẳng bao giờ bỏ vợ để chọn cô.
4.3/ Những gã đàn ông già lừa tình các cô gái trẻ
Khi đã muốn lừa gạt, người ta sẽ nghĩ ra đủ lý do. Nhân vật người tình của cô con gái trong câu chuyện cũng vậy. Hắn là hình ảnh hiện thân của không ít gã đàn ông già dùng miệng lưỡi để lợi dụng sự ngây thơ, lòng thương người, tình cảm và cả tình cảnh của các cô gái trẻ nhằm thỏa mãn những dục vọng của bản thân. Hắn không mất gì, chỉ được thêm người tình, thi thoảng là chút tiền bòn được từ cô bé.
“Anh sẽ nuôi một đứa, còn mụ vợ nuôi một đứa. Anh sẽ đấu tranh với mụ vợ để chiến thắng. Mụ ta sẽ phải bật xới khỏi nhà và tay trắng. Rồi anh ấy sẽ lấy mình. Sao anh ấy khổ thế nhỉ? Ước gì mình có thể chia sẻ cho anh ấy được”.
“Tôi cảm giác con gái tôi đang vuốt ve âu yếm hắn, xoa lên khuôn mặt nhăn nhúm vì tuổi tác của hắn với vẻ trìu mến và trải đời lắm. Hóa ra, đàn bà, ai cũng có những khả năng giống nhau: yêu đương, ghen tuông và cuồng si.”
“Anh yêu em, lúc nào cũng thèm em, không thể vắng được em trong những năm cuối cuộc đời anh.”
Trò quen thuộc của những gã đàn ông này là dùng lời đường mật vẽ ra một tình yêu thắm thiết, một tương lai của hai ta và cả một cuộc đời đáng thương mà người tình là ánh sáng để khiến cho các cô gái non nớt không thể bỏ được mình mà ngày càng phụ thuộc và vâng lời hơn.
4.4/ Việc ngoại tình và có nhiều bạn tình cùng lúc
Trong câu chuyện, người mẹ khi lo cho con gái có nhắc tới một cặp vợ chồng mà cô quen. Họ cặp kè với nhau trong lúc hai người vẫn đang ở trong cuộc hôn nhân với người khác. Sau nhiều lần cùng nhau lên “thiên đường” ở nhà nghỉ, họ cuối cùng cũng bỏ người cũ, lấy nhau và sinh con nhưng chẳng có chữ “hậu” nào dành cho họ cả.
“Họ lấy nhau. Hai bên đều bỏ vợ bỏ chồng vì cái gọi là hậu thiên đường nó to dần lên trong bụng người đàn bà. Người đàn bà trông nhàu nhò hơn, giống như một nắm giẻ lau. Rồi họ đẻ ra một đứa con, quặt quẹo vì bố mẹ chúng cũng mệt mỏi lắm rồi…”
Ngay chính “tôi” cũng lăn lộn hàng đêm với đủ những người đàn ông khác nhau nhưng chẳng thật sự thuộc về người nào. Để rồi đến cuối cùng, cô chỉ thấy bản thân trống rỗng như đang rơi vào một cái hố vô tận. Những sung sướng nhất thời không khỏa lấp được một trái tim cô đơn, thiếu vắng những yêu thương chân thành.
Cho dù là chuyện của “tôi” hay của hai người quen mà “tôi” kể cũng đều phản ánh một xã hội đang có nhiều điều cần cần lên án và cần phải bài trừ.
4.5/ Nỗi bất hạnh của những đứa trẻ thiếu thốn sự hiện diện, dạy dỗ, yêu thương và đồng hành của cha mẹ
Cha mẹ là những người sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Bất cứ điều gì của cha mẹ cũng sẽ ảnh hướng lên tính cách và cuộc đời của con.
Cô bé trong truyện không biết cha là ai, lại không được mẹ chăm sóc. Cô thiếu sự che chở và giáo dục của cha, thiếu luôn sự quan tâm và chăm chút của mẹ. Vì vậy mà cô càng muốn yêu và được yêu nhiều hơn, muốn có “thiên đường” của riêng mình là một người chồng yêu thương, những đứa con ngoan ngoãn và một gia đình hạnh phúc. Khao khát này khiến cô bé dễ dàng bị rơi vào bẫy tình mà không nhận ra khi những mong ước biến thành hoang tưởng.
“Hôm nọ. Nó về, thay quần áo, tôi lấy đi giặt. Chợt sững người vì mở quần áo nó đầy mùi khai nước giải trẻ con. Tôi hỏi nó tại sao, nó bảo: “Con anh ấy ốm, con phải đến trông đỡ vì anh ấy không thể nghỉ làm”. Nó còn hãnh diện mắt sáng lên bảo rằng thằng nhóc quấn nó lắm, và con gái cảm thấy đứa trẻ như con trai của mình.”
Sự lợi dụng của người tình lại được cô bé hiểu là sự san sẻ và tin tưởng. Việc chăm con cho vợ chồng người khác lại khiến cô vui vì đứa trẻ con của người tình có vẻ quấn quýt với mình như là con trai vậy.
4.6/ Những chấn thương vô tình được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
Những chuyện xảy ra trong cuộc đời người mẹ mang tới chấn thương tinh thần và những hệ quả khủng khiếp cho cô. Nhưng nó cũng được di truyền sang con gái cô, thậm chí còn tệ hơn bởi cô bé còn quá nhỏ.
“… Mẹ ơi, ngày sau con có phải khổ như mẹ không? Mẹ có khổ đâu? Có, mẹ có khổ, đêm nào con cũng thấy mẹ khóc? Ừ, mẹ buồn mẹ khóc? Bố làm mẹ buồn à? Con đừng nhắc đến người đàn ông khốn nạn ấy nữa. Không, đấy là bố con, lúc nào con cũng đợi bố về…”
“Con ơi, con ở đâu. Sao khổ thế hả con, ai cứu con tôi bây giờ, ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ?”
“Tôi không biết gì nữa ngoài cảm giác tất cả tan biến hết. Con gái… Chẳng còn gì. Ngoài sự hư vô. Bầu trời pháo hoa vụt tắt và mở ra hun hút một vực sâu…”
Cô bé sợ mình sẽ khổ giống mẹ. Người mẹ cũng sợ điều ấy. Nhưng rồi chúng vẫn xảy đến còn hai mẹ con lại không thể nói trực tiếp với nhau. Bi kịch nối tiếp bi kịch, chấn thương nối tiếp chấn thương.
5/ Kết cấu dòng ý thức nhiều sự kiện chồng chéo
Những câu chuyện của hiện tại – quá khứ – hiện tại đan lồng vào nhau qua lời kể chuyện – lời độc thoại nội tâm của nhân vật “tôi”. Trong đó có cả những dòng nhật ký của con gái mà nhân vật đọc được và kể lại. Những câu chuyện nhỏ được lồng trong một câu chuyện lớn hơn khiến cho người đọc không thể ngưng lại giữa chừng vì sợ sẽ không hiểu đúng, hiểu hết khi tác phẩm kết thúc.
Có những đoạn đang kể chuyện thì nhân vật “tôi” lại sực nhớ về quá khứ hoặc chiêm nghiệm về việc gì đó.
“Giống như người điên. Lại giống như kẻ bị mất của… Tôi lao ra đường.
… Mẹ ơi, mẹ đừng đi guốc cao thế, ngã thì sao? Không, mẹ không ngã đâu. Mẹ ơi, mẹ làm thế nào mà xinh thế? Mẹ chẳng làm gì con ạ. Mẹ ơi, mẹ đi chơi với con nhé. Không, mẹ bận rồi.
Con tôi ở đâu, giữa phố đông mịt mùng người và xe. Mạnh ai người ấy sống bởi gánh nặng của kiếp người đè ụp lên vai.”
“Tôi” lúc bấy giờ lao ra đường để tìm con, cứu con nhưng rồi những đối thoại giữa hai mẹ con khi xưa lại xuất hiện. Nó nhắc nhân vật nhớ về sự quan tâm của con dành cho mình và sự thờ ơ mà mình đã dùng để đáp lại con. Nó cũng khiến cho khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng xa hơn, cuối cùng là kéo họ xa hẳn khỏi nhau, không thể nào gần được nữa.
6/ Nghệ thuật kể chuyện độc đáo
Ngoài việc ứng dụng kết cấu dòng ý thức và truyện lồng trong truyện, Thu Huệ cũng là người có nghệ thuật kể chuyện độc đáo khi dẫn người đọc từ ngạc nhiên này ngạc nhiên khác.
6.1/ Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm triệt để
Trong tác phẩm này, ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật “tôi” chiếm phần lớn dung lượng. Từ góc nhìn trần thuật của nhân vật này, tác giả dễ dàng cho thấy những chuyển biến phức tạp, những giằng xé, day dứt, mâu thuẫn và tự trách của một người mẹ trước những việc đang diễn ra với con gái mình.
Trước mỗi một hành động, lời nói hay những dòng tâm sự của con, cô đều có rất nhiều suy nghĩ. Những suy nghĩ chuyển từ quan sát con sang lo lắng, hoang mang, sợ hãi, muốn bảo vệ rồi cuối cùng là bất lực. Cả tình yêu thương cũng được thể hiện qua những dòng độc thoại của riêng cô thay vì là đối thoại giữa cô và con gái.
“Tôi không biết gì nữa ngoài cảm giác tất cả tan biến hết. Con gái. Người đàn ông thích ăn xôi buổi sáng cho chắc dạ và uống cà phê trong lúc yêu đương, lúc nào cũng chỉ cà phê. Những chùm pháo hoa… Thiên đường tuổi mười sáu!…
Chẳng còn gì. Ngoài sự hư vô. Bầu trời pháo hoa vụt tắt và mở ra hun hút một vực sâu…”
6.2/ Câu từ ngắn gọn, sắc sảo tạo cảm giác lạnh lùng nhưng chua xót
Trong tác phẩm, tác giả không sử dụng nhiều câu dài mà thay vào đó là rất nhiều câu ngắn, thậm chí chỉ một, hai từ. Cô cũng sử dụng nhiều câu hỏi để tăng thêm cảm giác lạnh lùng. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận được sự chua xót và thương cảm mà tác giả dành cho những nhân vật của mình.
Những dấu phẩy và dấu chấm được sử dụng liên tục cũng tạo ra nhịp điệu đứt gãy, vụn vỡ, góp phần nhấn mạnh cảm xúc mà câu chuyện muốn mang tới cho người đọc.
“Giống như người điên. Lại giống như kẻ bị mất của. Cũng như người đánh xổ số, chỉ chệch một số cuối cùng của giải độc đắc. Cuồng điên, tiếc nuối và bất lực. Tôi lao ra đường. Những khuôn mặt chạy ngược lại tôi, nhạt nhòa. Ai cũng mang khuôn mặt con gái. Chỉ có điều, đấy không phải là khuôn mặt đợi chờ mà là khuôn mặt đàn bà. Người đàn bà mười sáu tuổi.”
“Con tôi ở đâu? Bên những người đàn ông một vợ hai con chỉ thích ăn xôi cho chắc bụng lại còn bòn rút từng đồng một. Ấy vậy mà con tôi, ngỡ rằng, nó đang ở thiên đường?”
6.3/ Kể chuyện qua những dòng nhật ký
Tác giả đã rất khéo khi chọn nhật ký của con gái là một phương thức kể chuyện. Bởi lẽ hai mẹ con không có sự gắn bó với nhau nên không thể có chuyện cô con gái tỉ tê với mẹ đủ thứ trên đời.
Bằng cách cho người mẹ đọc được nhật ký của con, nhân vật có thể thâm nhập vào thế giới nội tâm của con gái để hiểu hơn về con mà không phải trực tiếp đối diện để hỏi han hay chất vấn, cấm đoán hay ép uổng điều gì. Con thích cái gì, con chơi với ai, con đang yêu người nào, con nghĩ về điều chi… Tất cả đều hiện lên trên những trang viết của con. Và khi đọc những dòng chữ đó, người mẹ cũng có thời gian riêng tư để thể hiện cảm xúc của mình, để suy nghĩ lại về tất cả.
Cấu trúc “Ngày + sự kiện + suy nghĩ của người con” lặp lại nhiều lần trong truyện, từ từ giúp nhân vật “tôi” và người đọc lật mở những mảnh ghép để hiểu trọn vẹn câu chuyện.
7/ Ngôn từ mang tính dự báo cao
Văn học có tính dự báo và Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng thực hiện rất tốt chức năng này.
Trước tiên là những dấu hiệu dự báo trong phạm vi của văn bản. Ở đó, những chi tiết nhỏ xuất hiện ở trước sẽ là sự hé mở cho những việc sẽ xảy ra theo sau.
“Bao nhiêu năm tôi luôn nhìn nó để tỉnh táo hơn trước đàn ông và mọi cạm bẫy.
Bỗng dưng hôm nay, mọi sự đó tan biến trong tôi. Con gái tôi lớn quá rồi. Sao lâu nay tôi không biết rằng ngực nó đã dội lên sau lớp áo và lưng nó đã nở nang hơn. Khuôn mặt nó đã đầy lên, loáng thoáng có cái trứng cá. Mặt nó vẫn còn trong sáng lắm. Nó đang loay hoay thay cái áo này mặc cái quần kia, hồi hộp như cô dâu sắp về nhà chồng.”
Những điều người mẹ nhìn thấy ở đứa con gái mới lớn của mình dường như là tín hiệu cho một cái gì kinh khủng lắm sắp diễn ra. Những hành động lạ lùng của con đã cho thấy con biết yêu và con đang háo hức chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với một người mà con rất yêu.
“Tôi lại bàn học của con gái. Nét chữ nó tròn xoe nắn nót và hàng lối rất nghiêm chỉnh. Con người nó chắc cũng như dòng chữ nó viết. Một là một, hai là hai, chứ không hai cộng hai bằng năm như tôi. Nó đã yêu hay ghét, chỉ là thế chứ không bao giờ thay đổi.”
Chi tiết về nét chữ của con cũng cho thấy cô con gái sẽ là người yêu hết lòng hết dạ, một mực tin tưởng và thủy chung, không nghi ngờ gì. Những cô gái như vậy lại thường hay bị lừa tình, lợi dụng và phụ tình.
Trong phạm vi đời sống, truyện ngắn này tuy đã được viết từ năm 1992 nhưng vừa bắt kịp những hiện trạng của xã hội đương thời vừa còn nguyên giá trị với xã hội ngày nay.
Khi cô con gái nghĩ rằng một người đàn ông lớn tuổi đang vui vẻ giặt tã lót đầy phân của con là kiểu người yêu thương vợ con nghĩa là tác giả cũng đang tái hiện một phản ứng của tâm lý con người. Một người con gái thiếu hình bóng cha sẽ dễ bị thu hút bởi những hình mẫu người cha yêu thương vợ con. Những người đàn ông hơn tuổi mang lại cho họ cảm giác được chở che, thương yêu. Họ muốn xây dựng gia đình để tạo ra hạnh phúc của riêng mình, khác với gia đình thiếu thốn tình thương mà họ đã trải qua trong thời thơ ấu.
Câu chuyện về những người đàn ông vừa đểu vừa có vẻ tử tế thường thu hút những cô gái trẻ cũng không xa lạ, dù là những năm 90 hay hiện tại.
“Tớ thích đàn ông phải như Hoanmanuen, vừa bàn nhau tống tiền người ta xong, lại mê cái đàn pianô ngay. Đàn ông phải có hai bộ mặt, vừa tử tế, vừa đểu giả, thế mới quyến rũ.”
8/ Kết chuyện khiến người đọc không thoát ra được
Thông thường, kết truyện sẽ là khi người đọc có thể buông mọi thứ xuống nhưng ở đây, tác giả không cho chúng ta làm điều ấy. Bởi bà đã tạo ra một cái kết thỏa đáng với tính cách, hoàn cảnh của nhân vật nhưng đầy ám ảnh và day dứt.
“Cô gái vội đặt tách cà phê xuống, nhưng người đàn ông cũng vừa tợp xong tách cà phê của mình và choàng tay ôm lấy cô gái. Cô nhắm nghiền mắt, say lịm đi, không kịp nhìn lên màn hình. Phải chăng đó là điều may mắn cuối cùng của cô trước khi bước vào… hậu thiên đường?”
Đọc tới đây, độc giả hoàn toàn có thể khẳng định cô con gái sẽ lại bước vào một “hậu thiên đường” – địa ngục trần gian còn khủng khiếp hơn cả mẹ mình. Vả lại, trong lúc cô đang “say lịm đi” trước những vần vò của người tình thì mẹ cô đã rời khỏi cõi tạm đầy đau khổ này. Rời khỏi vì đi tìm cô. Rời khỏi vì muốn kéo cô lên từ vực sâu mang tên ái tình mù quáng.
Chúng ta sẽ có những cảm nhận khác nhau, những đánh giá khác nhau khi đọc một tác phẩm. Bài viết này chỉ dừng lại ở những phân tích và xúc cảm của cá nhân trước một truyện ngắn đầy ám ảnh. Tôi đã đọc đi đọc lại Hậu thiên đường để rồi tự hỏi liệu có thiên đường nào cho những người như mẹ con nhân vật “tôi”?
Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi Facebook, Podcast, Youtube và tham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.
2 bình luận
Hay quá
Haha, tui tưởng bà bình luận cái gì dài lắm cơ. Không ngờ ngắn gọn vại. Đọc mấy bài luận về văn chương như vậy cũng thú vị ha!