Có những người chỉ thương một thời nhưng cả đời vẫn không quên nhau được. Có con đường mang tên Tạm Thương mà lòng người nào đâu thương tạm.
“Hà Nội, những ngày cuối năm…
Gấp lại cuốn sách vừa đọc xong, mình ngồi bên cửa sổ, mải mê nhìn xuống đường phố. Mùa đông dường như đã chiếm lĩnh cả không gian, trên vòm lá đỏ ối của cây bàng già dưới ngõ, sà vào cốc cà phê đang uống dở trên bàn. Tiết trời hanh hao và lành lạnh này khiến trong lòng mình có chút bâng khuâng.” (*)
Thương Hà Nội là thương nhất mùa đông
Đọc văn của Meo Meo chợt thèm Hà Nội nhiều. Dấu yêu! Thông thường tôi sẽ thu xếp để về Hà Nội mỗi năm. Dù không có công việc gì quan trọng cả. Đơn giản là muốn tìm nơi nương náu lòng mình để bình yên lắng lại. Tôi khoan khoái tận hưởng chút hơi đông len vào xống áo. Ngay cả giây phút đứng giữa lòng Hà Nội, nỗi nhớ trong tôi vẫn không mấy nguôi ngoai. Và dù viết bao nhiêu câu từ về Thủ đô vẫn khó lấp đầy trống vắng những ngày xa.
Phải chăng tôi sợ những tàn phai? Sợ ngày mai sẽ phải nói lời từ biệt? Phải chăng tôi luyến tiếc? Như thói quen của kẻ nghèo dè sẻn từng chút nhớ để nuôi lại mình sau mỗi đận chông chênh.
Tôi tưởng tượng cô nàng Meo Meo ngồi bên cửa sổ với trang sách đọc dở, li cà phê uống dở, mùa đông lưng chừng nửa. Meo bâng khuâng vì mùa đông ngoài khung cửa, tôi chùng chình đông về giữa trang văn. Người ta đâu cần tận mắt ngắm nhìn mới thấy trọn vẻ đẹp. Đâu cần tận tai lắng nghe mới tường tận thanh âm. Đông Hà Nội hiển hiện trong tôi bằng thứ tình yêu không cầu kì tô vẽ, bằng nỗi nhớ không đếm được theo giờ.
Đôi khi, tôi nghĩ tới chuyện về Hà Nội để sống. Tôi sẽ không còn là người đứng bên ngoài để nhìn vào một quả cầu pha lê. Tôi sẽ thấy thành phố cựa quậy đổi thay theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cái rét ngọt hồng lên cánh đào xuân, cái nắng chang chang vườn sen hạ, hoa cúc dịu dàng vàng nắng thu qua và mùa đông gõ cửa cùng lời thì thầm của gió bấc sương sa. Thế rồi tôi lại sợ gần quá hóa hư không.
Là thương cả tháng ba rét ngọt
Tôi vẫn thường nhớ về mùa rét cuối tháng ba. Rét trở lại cho nàng Bân đan áo, cho người ta bịn rịn chút ít trước khi cất tấm chăn bông dày sụ để đón nắng hè gay gắt. Sân bay Nội Bài hai năm trước, tôi bước xuống cầu thang với váy xẻ tà và đôi xăng đan cao gót. Gió lạnh quật vào mặt, tôi chới với đôi chút. Mưa lâm râm ẩm vạt áo. Bầu trời ảm đạm, nước tù đọng lại. Tôi bối rối vì thời tiết chuyển biến rất nhanh chỉ sau hai giờ. Từ Sài Gòn nắng khô, ngột ngạt tới Hà Nội mưa lạnh, ẩm ướt.
Chúng tôi đi từ vùng ngoại ô, qua vài ba cây cầu rồi dừng chân ở một địa điểm giữa lòng phố. Quang cảnh biến đổi nhiều dọc theo bánh xe quay. Hoa sưa trắng mong manh nằm run trong mưa lạnh. Những cánh hoa sưa li ti, xám nhạt rơi xao xác. Tôi ngồi trên xe, lơ đãng ngắm phố phường trôi vùn vụt trước mắt. Hà Nội đây, tôi hít cho căng đầy lồng ngực.
Tôi nào có bệnh tình gì đâu thế mà mỗi lần xa Hà Nội quá lâu vẫn thấy tim mình nhoi nhói. Tôi như quả bóng mất dần khí heli qua một lỗ thủng kim bé tẹo. Ngày qua ngày, vơi dần, vơi. Phải tới khi đặt chân lên địa phận Thủ đô mới thấy mình được bơm đầy hứng khởi. Lồng phổi phập phồng không chỉ bởi oxy. Tôi thấy mình hồ hởi, cũng thấy mình trầm yên. Muộn phiền, âu lo, hôm qua hay mai này, tất thảy hóa hư vô. Tôi chỉ muốn được hòa vào với phút giây hiện tại, được tan trong lòng phố.
Hà Nội đâu nào chỉ bình yên. Hà Nội càng không thuần cổ điển. Nhưng giữa xô bồ, giữa phức tạp vẫn tìm được một góc phố khẽ xôn xao. Giữa âm thanh ồn ào vẫn nghe được tiếng rao hàng từ ngày cũ. Mái nhà rêu phủ, hàng cổ thụ lặng im, những góc đường quen, cuốc xích lô êm đềm. Hà Nội luôn là bản giao hưởng tôi chẳng thể gọi tên.
Duy ngõ Tạm Thương thôi cũng đủ giữ lòng tôi neo lại mãi. Là Tạm Thương nhưng ai đâu nào thương tạm.
“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương.”
Tôi cũng hỏi cùng một câu với Chế Lan Viên. Thương trọn một đời người sao nỡ gọi Tạm Thương? Trót thương một con đường mà đem lòng yêu phố. Trót thương một con người mà nhớ hoài thủ đô.
Bạn đọc thêm tản văn của Sẻ nâu tại Nhặt chữ nhé!