Đêm mơ màng sương rơi, mưa chưa tan hết nên vương mãi trên những cánh lá thâm u. Làn hơi mỏng giăng giăng như tấm rèm thưa rũ thấp, khẽ khàng ôm ấp khuôn mặt hiền lành say giấc của mẹ Gaia. Tiết trời thanh sạch tựa tấm gương cũ lâu năm được mang ra gột rửa. Đoá quỳnh hương trắng muốt trở mình, e thẹn ngẩng đầu lên khiêu vũ. Hương thơm dịu ngọt len khắp không gian, trêu ghẹo nụ hồng còn đang chúm chím giấu nồng nàn mang tặng ngày mới.
Cô gái thả đôi chân trần xuôi theo bậc tam cấp. Nếp váy lụa dịu dàng ve vuốt mắt cá chân, mơn man làn da thanh mát. Cô áp một bên má phơn phớt hồng như đoá đào phai lên cánh tay để trần. Những sợi tóc đổ dài qua vai, mượt như khe suối huyền lặng chảy. Cô đưa ngón tay măng thon thon vẽ vẩn vơ vào bầu không một hình thù chẳng rõ, miệng ngân nga một giai điệu quen. Đôi mắt đen tuyền hoà vào đêm, bừng sáng như vì sao giữa ngày mưa bão. Không gian tĩnh vắng, chỉ có khoé môi khe khẽ cong lên, thanh âm từ vòm họng ru dịu ngọt đêm thu.
Tiếng hát cô trong veo, bảng lảng cùng đêm. Đêm dịu dàng, đêm tịch mịch, đêm an yên sau ngàn ngày bão tố. Cuối cùng cô đã trút bỏ được những khổ đau dằn vặt đời mình. Hóa ra, thứ làm người ta chết đi sống lại không hẳn là cuộc đời, không hẳn là những vết thương xát muối lòng ta. Thứ làm ta khổ là chính tâm can ta hết lần này tới lần khác để cho người khác cơ hội dày vò, chi phối. Cô mỉm cười, giọt nước mắt khẽ khàng rơi xuống. Lần đầu tiên sau nhiều năm cô hiểu thế nào là bình yên từ tâm. Lần đầu tiên cảm nhận được mình đang sống, như bao người, được quyền khát khao, được quyền hạnh phúc, được quyền yêu và được quyền từ bỏ.
——————
Một chiều thành phố xám xịt bởi màn mây nặng trĩu, Quỳnh theo người con trai cô yêu lên Đà Lạt xây dựng cuộc đời mới. Bất chấp những lời ngăn cấm từ gia đình, họ bỏ lên núi để sống cùng nhau. Tình yêu tuổi trẻ bao giờ cũng thế. Dữ dội như vũ bão, ầm ào như đại dương dù có nghe bao nhiêu lời cấm cản cũng không bằng một lần tay đan. Người yêu cô tên Đông, con trai một trong gia đình giàu có. Từ nhỏ đã sống trong sung sướng, Đông có cái vẻ thư sinh nho nhã ai nhìn cũng mê. Song mấy lúc đưa cô lên phố bay đêm anh chẳng tỏ ra kém ai chút nào. Anh sành sỏi tên từng loại rượu, biết hết mấy vũ trường mà đám thanh niên thường lui tới. Cũng tại vũ trường Khói lạnh một đêm kia hai người gặp nhau.
Khác với anh, Quỳnh chưa từng được gọi tiếng cha từ khi ra đời. Cô sống với mẹ trong căn nhà bà ngoại để lại mỗi một năm qua càng thêm tồi tàn. Mẹ cô từng là ca sĩ nổi tiếng nhất nhì khắp các vũ trường. Đàn ông si mê bà thời đó xếp thành hàng dài. Nhưng bà cũng nghe nát tai tiếng mỉa mai “xướng ca vô loài”. Như một thứ định mệnh thường thấy trong những tiểu thuyết tình yêu, mẹ cô bị người tình phụ bạc sau khi thông báo có thai. Bà sinh ra cô với hi vọng được người ta ngó tới nhưng thứ bà nhận được chỉ là cái hất tay lạnh lùng cùng những lời miệt thị đau cắt tâm can. Phụ nữ vẫn thường ngây thơ tin rằng đứa trẻ sẽ giúp họ níu chân một kẻ đào hoa mà không biết rằng điều ấy chỉ giúp hắn thêm cái cớ để rời xa họ sớm hơn. Chán chường, mẹ cô chìm trong thuốc lá, rượu Tây và ánh đèn màu quán bar. Bà vẫn yêu, những tình yêu để báo thù đàn ông dưới lớp vỏ cuồng nhiệt. Chỉ tiếc là điều ấy chẳng khiến bà hạnh phúc hơn. Năm tháng qua đi, nhan sắc phai tàn. Bà không còn là cô ca sĩ vũ trường được người ta săn đón. Cánh hoa nào chả tới lúc xác xơ.
Trong lúc bà chìm đắm với hơi men thì Quỳnh cũng dần lớn lên. Thừa hưởng nhan sắc hút hồn và giọng hát thiết tha của mẹ, từ năm mười sáu tuổi cô đã được mẹ dắt đến quán bar, phòng trà xin hát. Rồi như thế, cô trở thành cần câu cơm của mẹ. Bà tối ngày say sỉn. Cô gái nhỏ đêm đêm đợi thành phố lên đèn đi hát, ban ngày lại cắp sách đi học. Việc học vì thế chẳng mấy mà sa sút. Cố gắng học hết cấp ba, cô quyết định không thi lên nữa mà chính thức trở thành ca sĩ nghiệp dư đi hết nơi này tới quán khác biểu diễn.
Tà váy đuôi cá đính kim sa dài quét đất, chốc chốc lại sáng lên lấp lánh dưới ánh đèn sân khấu đủ màu khác nhau. Đôi giày cao gót như đóng đinh lên nền sân khấu. Bờ vai thiếu nữ trắng ngần được khoe trọn trong chiếc đầm cúp ngực. Đêm ấy Quỳnh tỏa hương. Đông ngồi giữa vũ trường, nơi ánh đèn hắt sáng lên anh. Đôi mắt không ngừng dõi theo từng cử động của khóe môi đỏ tươi mấp máy, của bờ vai rung rung theo mỗi thanh âm. Trước mắt anh là cô gái kiêu sa nhất với giọng hát du dương nhất mà anh được gặp. Mỗi lần cô luyến láy đều khiến anh đê mê. Đông chìm trong tiếng hát, say ngắm những đường nét mềm mại trên khuôn mặt Quỳnh lúc hòa mình cùng âm nhạc. Cô gái trước mắt anh lấp lánh không thua những viên đá được đính trên chiếc váy gợi cảm làm cô trông trưởng thành hơn tuổi thật.
Đêm. Vũ trường vắng dần bóng người. Đông vẫn ngồi yên tại chỗ với ly whisky quen thuộc. Anh chờ bóng hồng kia tan làm. Chào khắp lượt mọi người trước khi ra về, Quỳnh không quên lén nhìn vị khách thường chọn bàn đầu tiên gần cô nhất trong những hôm cô biểu diễn. Đứng trên sân khấu, gò má cô nóng lên bởi ánh đèn còn trái tim râm ran thiêu đốt bởi ánh nhìn nhìn của ai kia. Cố tỏ ra bình tĩnh, cô bao giờ cũng xử lý tốt bài hát của mình. Đôi mắt yêu kiều thường nhắm lại theo điệu nhạc say sưa. Đâu ai biết cô đang giả vờ để trốn chạy tia lửa tình bỏng cháy từ gã thợ săn đăm đăm nhìn mình.
Quỳnh bước nhanh ra khỏi quán. Đêm đã muộn, bóng người thưa thớt. Quỳnh cũng như đóa hoa cùng tên, đều rực rỡ trọn sắc hương vào đêm. Cô thoáng nghĩ rồi leo lên chiếc xe máy cũ chuẩn bị ra về. Ánh đèn pha sáng quắc từ phía sau rọi tới, Quỳnh hơi khó chịu, nheo nheo mắt. Chiếc xe máy bên cạnh đã chờ tới, tiếng đàn ông cợt nhả vang lên:
“Đi đâu vậy cô em xinh tươi? Trông em ngon quá, về làm vợ anh đêm nay không?”
Hai tên đô con, khuôn mặt bặm trợn chạy kè kè theo xe Quỳnh, cố ép cô vào sát lề đường. Quỳnh loạng choạng tay lái, cô liếc sang xem chúng định làm gì rồi cố phóng nhanh hơn. Không được, bọn chúng vẫn bám riết lấy cô. Quỳnh định kêu lên nhưng quang cảnh xung quanh khiến cô im lặng. Phía trước không hề có chiếc xe nào. Ngó thử kính chiếu hậu, cô thấy phía sau có một ánh đèn đang tiến tới mỗi lúc một gần hơn. Quỳnh giả vờ chạy chầm chậm lại, định bụng chờ tới khi chiếc xe phía sau sát thêm sẽ kêu cứu.
Tim cô đập thình thịch, tay chân căng cứng cố gắng gượng để xe không ngã. Không ít lần cô bị những tên lưu manh trêu ghẹo kiểu này. Mấy lần trước đều nhờ người cứu giúp. Sau này mỗi khi đi đâu cô đều mang theo máy chích điện phòng hộ bên mình vì biết chẳng ai cứu được mãi. Xui cho cô, hôm nay máy hỏng. Cô đành trông vào vận may. Ánh đèn phía sau đã rọi lên chói mắt. Quỳnh nghe thấy giọng nam quen thuộc hét lớn:
“Đ.m. Mấy thằng mày chán sống rồi phải không?”
Cùng với tiếng hét là tiếng khối kim loại nặng bị đạp mạnh xuống đất. Quỳnh trông thấy người quen. Là vị khách vẫn hay ngồi bàn đầu. Cô ngạc nhiên nhìn anh ta đạp đổ xe của hai gã lưu manh. Rất nhanh, anh phi xuống xe, lao lại phía bọn chúng quất tới tấp. Trên tay anh là cây côn nhị khúc chuẩn bị sẵn từ lúc nào. Hai gã kia cũng không vừa. Chúng chửi thề, đẩy chiếc xe sang một bên rồi đứng dậy lao bổ vào Đông. Quỳnh gào lên cầu cứu người đi đường trong vô vọng. Đông cầm côn múa mấy đường võ làm cho hai gã kia xanh mật. Thân thủ anh nhanh nhẹn lại đang lúc giận dữ và có men trong người nên đôi mắt vằn lên như loài thú. Anh quất khúc côn liên tục. Quỳnh tưởng nghe được cả tiếng xé gió. Biết không có cửa đánh thắng, chúng leo vội lên xe rồi rồ ga chạy mất hút. Đi được mấy mét còn ngoảnh lại chỉ vào mặt hai người chửi thề.
Lúc này cả hai mới thở phào. Đông nhìn Quỳnh âu yếm hỏi han:
“Em không sao chứ? Anh thấy nghi bọn chúng từ nãy nên đi theo xem có chuyện gì.”
“Dạ em không sao, hơi sợ một chút. Cảm ơn anh nhiều ạ! Không có anh chắc em không biết làm thế nào nữa. Hôm nay đường vắng quá!”
Quỳnh trả lời, vén lại mấy lọn tóc vừa bị xổ tung. Nét e ấp, dịu dàng làm lòng Đông càng thêm xốn xang.
“Để anh đưa em về! Sợ lỡ tụi nó đi theo thì khổ nữa đó.”
“Vậy có phiền anh không ạ?”
“Không phiền. Vinh dự thôi!”
Đông cười, Quỳnh cũng cười theo. Hai người nhanh chóng lên xe của mình. Suốt đường đi Đông còn hỏi Quỳnh nhiều câu chuyện nữa. Tiếng nói cười làm quãng đường từ vũ trường về nhà cô ngắn đi đến lạ.
Khi hai người về đến trước cổng nhà Quỳnh thì đêm cũng đã khuya. Cô cảm ơn anh lần nữa rồi bước vội qua cổng. Môi không ngừng mỉm cười. Đôi mi cong cúi xuống thẹn thùng. Đông chờ cô khóa cổng rồi quay xe theo hướng ngược lại. Chẳng ai biết phía sau ô cửa sổ có một cặp mắt lạnh ngắt chăm chú theo từng cử chỉ của hai người.
——————
Choang. Xẻng.
“Mày điên rồi!”
Tiếng thét chửi cùng đồ đạc vỡ toang khiến căn nhà vốn nghèo nàn càng thêm xơ xác. Bà Lan vơ vội mọi thứ trong tầm tay ném mạnh xuống đất. Các mảnh vụn rơi vãi khắp nơi. Đôi mắt bà long lên sòng sọc, đầu tóc rũ rượi, hai hàm răng trệu trạo nghiến vào nhau. Bà thở hồng hộc trong khi nhìn chòng chọc vào đứa con gái trước mặt. Vất vả bao năm nuôi con khôn lớn, bà cho con đi làm ca sĩ để con có tiền báo đáp mình. Thế mà nó định vì một thằng con trai mà bỏ đi nơi khác sống. Còn dám nói dối bà. Tức điên, bà nhay đi nhay lại sự tệ bạc của con gái, trút hết bao tủi hờn ngần ấy năm qua.
Xưa nay Quỳnh luôn nhẫn nhịn mẹ. Cô biết mẹ đau khổ vì sự phản bội của cha cô. Cô cũng biết mẹ chưa bao giờ hết oán hận ông. Mỗi lần mắng cô mẹ đều nói tính tình cô giống bố y hệt. Quỳnh cũng không bao giờ hỏi mẹ về cha từ khi hiểu ra những điều ấy. Từ bé đến lớn cô không cảm nhận được nhiều tình thương của mẹ dù cho hai người sống chung nhà và đáng ra phải là cả thế giới của nhau.
Đôi lần ngà ngà vì men rượu, bà mới gọi con gái vào ngồi kế mình mà ôm ấp, xoa đầu trìu mến. Hình như những lúc đó bà mới nhớ Quỳnh là con của bà. Và cũng chỉ những lúc đó bà mới biết xót xa cô không có cha dạy bảo, không được ai đỡ đần. Bà thường vuốt ve khuôn mặt cô trong lúc lâng lâng. Rồi bà kéo đầu cô vào lòng mình như kéo một đứa trẻ. Bà khóc. Gương mặt lấm lem mascara và nước mắt. Bà vỗ vỗ vào lưng con gái, hát ru cô bằng bài hát mà cha cô không bao giờ bỏ lỡ mỗi khi bà biểu diễn:
“Anh còn nợ em công viên ghế đá
Công viên ghế đá lá đổ chiều êm
Và còn nợ em dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ con sông êm đềm
Anh còn nợ em chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng
Nụ hôn vội vàng nắng chói qua rèm
Anh còn nợ em con tim bối rối
Con tim bối rối anh còn nợ em
Và còn nợ em cuộc tình đã lỡ
Cuộc tình đã lỡ anh còn nợ em…” (*)
Mỗi lần hát bài bà đều khóc, tiếng khóc càng lúc càng lớn dần cho tới khi bà ngủ thiếp đi vì mệt và vì say. Quỳnh cũng khóc. Cô có thể hiểu được phần nào những điều mà người mẹ khốn khổ của mình đang trải qua. Ai đó sẽ đánh giá bà chẳng ra sao. Ai đó sẽ nói bà là đồ ca kỹ nên không biết dạy con. Nhưng với Quỳnh, mẹ cô đơn giản từng là một cô gái trẻ bị tổn thương, bị thất vọng, bị ruồng bỏ. Thực tại nghiệt ngã cộng hưởng với lòng tự tôn cao ngất khiến bà tìm cách trốn chạy nỗi đau của mình trong hơi men và khói thuốc. Thế nên càng lớn cô càng đối xử với mẹ mình như một đứa trẻ, cố gắng nhẫn nhịn chiều lòng bà.
Nhưng rồi sáng hôm sau khi bà tỉnh dậy mọi chuyện lại trở về như cũ. Bao năm nay vòng tuần hoàn ấy vẫn đều đặn xuống lên như thủy triều biến động mỗi ngày. Quỳnh quen dần đi, cô không còn trông mong gì vào tình thương của mẹ nữa. Cô chấp nhận mẹ dù mẹ có ngọt ngào hay cay nghiệt. Điều cô lo chỉ là sức khoẻ của mẹ ngày càng tệ hơn vì rượu và thuốc. Cô càng không dám yêu ai bởi yêu là cô đang hạnh phúc hơn mẹ ruột. Mà hạnh phúc trong lúc mẹ lay lắt một đời vì mối tình không thành với cha cô thì thật là bất hiếu.
Cô gái đương thì mang theo suy nghĩ ấy chạy trốn những gì đẹp đẽ nhất của thanh xuân. Nhưng cuộc sống vốn chẳng giống ta mong cầu. Xinh đẹp, kiều diễm, cô chạy đâu cho thoát được mũi tên mù quáng của thần tình yêu.
—————————
Sau lần được Đông giúp đỡ, Quỳnh dần dần mở lòng hơn. Cô không còn giữ khoảng cách quá xa với anh. Cô kể cho anh nghe về mẹ, về nỗi khổ đau đã giam hãm cuộc đời bà. Và về cả những lắng lo của cô. Đông luôn tỏ ra rất chân thành, ngày nào cũng đều đặn đưa cô về vì không muốn ai chọc ghẹo như lần trước. Nói chuyện với nhau nhiều, Quỳnh thương Đông hơn. Chưa có người đàn ông nào đối xử với cô dịu dàng như vậy. Hơn nữa, cô cũng chưa từng được đón nhận sự chăm sóc của một ai bao giờ. Khao khát được nhận tình yêu thương trong Quỳnh sôi sùng sục tựa dung nham núi lửa chờ thời điểm tuôn trào. Cô chỉ luôn dùng lý trí để át đi mà thôi.
Người trẻ bên nhau, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Có lần Đông nói với Quỳnh:
“Anh chở em đi Đà Lạt chơi nhé? Lãng mạn nhất chỉ có nơi đó thôi. Sau này lấy nhau, anh cũng muốn mình lên đó sống. Em có thích không?”
Đông vừa hỏi vừa nhìn vào mắt Quỳnh chờ đợi. Ánh mắt anh chân thành và âu yếm. Cô đồng ý dù nghĩ suy rối rắm như tơ vò. Tối hôm đó hát xong, Quỳnh không về nhà mà cùng Đông đi phượt lên vùng đất tình yêu. Cô biết mình sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được mẹ cho đi chơi xa vơi đàn ông. Thà rằng đi trước rồi xin lỗi mẹ sau. Quỳnh đánh liều. Tình yêu khiến người ta can đảm hơn nhưng cũng ngốc nghếch hơn là vậy.
Hai người đi Đà Lạt vào ban đêm. Xe chạy qua những dốc cao, những con đèo ngoằn nghèo. Cô ngồi sau ôm chặt lưng anh. Không khí mỗi lúc một lạnh hơn. Gió thổi vù vù qua đôi tai. Cô ngoảnh mặt đón từng luồng gió lạnh trôi qua. Chưa bao giờ cô thấy mình được sống tự do, hạnh phúc chừng ấy. Cô như cánh chim hoang yến một lúc nào đó sổng khỏi cái lồng ngột ngạt. Một chút khí trời đã khiến cô run rẩy sung sướng. Cô ngả đầu lên tấm lưng rộng vững chãi của anh, gạt hết mọi muộn phiền qua một bên, muốn tận hưởng trọn vẹn từng phút giây hiện tại.
Hai người không nói với nhau nhiều, Đông lái xe, cô nghĩ ngợi vẩn vơ. Hai cơ thể tự động biết tìm nhau sưởi ấm. Cô ngồi sát vào anh hơn, tay đút vào túi áo khoác của anh. Đêm lạnh mà lòng Quỳnh ấm áp. Tấm lưng Đông là điểm tựa an toàn nhất mà cô có được trong đời. Vừa nghĩ cô vừa cười tủm tỉm suốt quãng đường dài. Điện thoại Quỳnh đã tắt nguồn. Cô khai thật với mẹ khi trở về. Hai người trẻ tuổi đưa nhau đi du lịch. Họ trải qua những ngày hạnh phúc nhất trong đời. Hai người đi thung lũng tình yêu, lên đồi thông hóng gió, tới hồ Tuyền Lâm… Những nơi nào người yêu nhau thường tới Đông đều đưa Quỳnh đi. Cả hai cố tận hưởng cho trọn vẹn những giờ phút yên bình bên nhau. Cũng ở nơi này, một tối cao nguyên lạnh giá, Đông quỳ xuống tỏ tình, hứa sẽ yêu thương, chăm sóc cô cả đời. Dẫu chẳng có 999 đóa hồng hay nhẫn hột xoàng quý giá song Quỳnh vẫn khóc nức nở vì hạnh phúc.
Ngày vui thường qua mau. Lẳng lặng bước vào nhà sau ba ngày đi chơi, Quỳnh không thể ngờ mẹ mình lại phản ứng dữ dội như vậy. Bà tát cô xây xẩm mặt mày ngay khi cô vừa bước vào nhà chào mẹ. Bất ngờ, Quỳnh tức phát khóc nhưng vẫn cố gắng xin lỗi vì đã trốn đi chơi mà không cho mẹ biết suốt mấy ngày liên tục. Cô càng rối rít, bà Lan càng điên tiết. Những gì trong tầm tay với đều bị bà hắt đổ.
“Tao nuôi mày lớn từng này để mày vì một cái thằng ất ơ nào đó mà nói dối mẹ mày hả? Đúng là cái đồ chó phản chủ!”
Bàn tay bà rớt mạnh trên má cô, năm ngón tay in hằn lên làn da trắng nõn. Quỳnh nhìn mẹ chăm chăm. Mắt cô rớm lệ.
“Mẹ nói con là chó phản chủ, vậy con là con của mẹ hay là loài thú vật?”
“Mẹ lạnh lùng với con ngần ấy năm vẫn không đủ sao? Con cung phụng mẹ ngần ấy năm không đủ sao? Mẹ không nhận được yêu từ cha rồi mẹ cũng không muốn con gái mình có được tình yêu của riêng nó ư? Mẹ thật ích kỷ!”
Bà Lan vẫn hằm hè, ánh mắt bà cháy lên nỗi giận dữ của người bị lần nữa bị lừa dối, bị bỏ rơi. Thế nhưng khi nhìn thấy làn da con gái ửng đỏ dấu ngón tay, tia mắt bà chuyển qua đau đớn. Bà làm thinh chờ con gái xin lỗi.
Áp bàn tay mình lên gò má mình cho dịu lại cơn đau, Quỳnh vừa khóc tức tưởi vừa quay đầu bỏ chạy. Cô chạy trốn khỏi căn nhà nơi cô chưa lần được cảm nhận thứ hạnh phúc đơn sơ của tình mẫu tử. Cô đâu biết sau bóng lưng mình trốn chạy là hình ảnh mẹ cô ngồi thụp xuống bưng mặt khóc nức nở trong căn nhà tối tăm.
—————–
Đem chuyện kể với Đông, anh rủ cô theo mình lên Đà Lạt sống. Anh muốn cô tránh xa người mẹ cả ngày chỉ biết làm tổn thương cô bằng những lời đay nghiến và những cái bạt tai. Ba mẹ anh có một căn nhà ở Đà Lạt đang không có người thuê. Anh có thể nói ba mẹ để hai đứa ở đó một thời gian cho ổn định rồi tìm cách làm ăn. Cô sẽ không phải đêm đêm đi hát quán bar, vũ trường. Hai người có thể bán đồ ăn, quà lưu niệm hay là làm vườn. Vùng đất lành quanh năm mát mẻ chắc hẳn có thể cưu mang hai người trẻ dư sức lao động.
Nghe tới việc ngừng đi hát, Quỳnh thoáng buồn. Cô chưa từng làm việc gì khác ngoài đi hát và làm việc nhà. Nhưng rồi sự háo hức cùng những câu nói đầy hi vọng của Đông cuốn cô theo. Có lẽ ngưng đến những chốn thị phi đèn màu sẽ giúp cuộc đời cô bình yên hơn. Dù sao cũng chẳng có người đàn ông nào lại muốn bạn gái mình suốt đêm ăn mặc hở hang phục vụ người khác. Dẫu chỉ là lời ca tiếng hát đi chăng nữa.
Hai người không soạn sửa gì nhiều. Mang theo một túi niềm tin, họ cùng nhau lên phố núi lạ lẫm xây cuộc đời mới, bỏ lại sau lưng những ngày tháng cũ. Trên chuyến xe đêm xóc nảy qua bao dặm đèo dốc, Quỳnh tựa người vào vai Đông, cảm thấy an toàn vì bên mình vẫn còn có chỗ dựa. Bao năm qua cô một mình bươn chải. Người thân duy nhất là mẹ cũng không quan tâm gì đến cô ngoài việc dạy hát và giúp cô tìm nơi biểu diễn. Nghĩ đến mẹ, cô thấy mình bất hiếu. Mẹ có thể là người tổn thương cô nhiều nhất nhưng mẹ vẫn là người cho cô hình hài này, giọng hát này, cuộc đời này. Quỳnh khóc câm suốt chặng đường đi. Không biết mỗi giọt nước mắt khô đi có giúp cô trả được chút nào ơn sinh thành của mẹ.
Vẫn biết thế nhưng Quỳnh cũng thấy mình chẳng thể sống cùng mẹ như vậy mãi được. Lần này cô đi, cô sẽ sống tốt rồi nghĩ chuyện báo hiếu mẹ sau. Chỉ mong sao mẹ ở nhà có thể tự chăm sóc tốt cho mình. Quỳnh cũng hi vọng khi cô đi xa mẹ sẽ có thời gian mà bình tâm nghĩ lại tất cả những chuyện đã qua. Mẹ cô đã ném đi cuộc đời tươi đẹp của mình từ khi người ấy rời xa. Bà sống với nỗi căm thù mấy mươi năm rồi. Có lẽ đã tới lúc bà cần nhận ra cuộc sống hiện tại quan trọng hơn quá khứ tồi tệ đã qua. Một ngày đó khi yên ổn chút đỉnh cô nhất định đón mẹ lên Đà lạt sống cùng. Nơi đây khí hậu ôn hòa, biết đâu sẽ làm mẹ cô thay đổi tâm tính. Cô sẽ đưa bà đi dạo đồi thông mỗi ngày. Rồi rủ bà trồng hoa. Cô tin những điều ấy có thể xoa dịu lòng mẹ. Tưởng tượng thôi Quỳnh đã thấy nhẹ nhõm hơn rồi, cô khẽ nở nụ cười rồi chìm vào giấc ngủ.
——————————-
Căn nhà của ba mẹ Đông là kiểu nhà gỗ rất thích hợp làm homestay nhưng xung quanh toàn là những đồi thông hoang sơ. Người nào thích đi phượt, sống giữa thiên nhiên sẽ chuộng nhưng khách du lịch thích tiện nghi thì chần chừ. Lần đầu đặt chân đến đây Quỳnh đã mê say trước quang cảnh ngôi nhà. Dù không có bàn tay người chăm sóc song những khóm hoa dại mọi khắp nơi làm tôn lên vẻ yên bình của căn nhà gỗ nhỏ. Khi hai người bước vào trong, mùi cũ mốc khiến cả hai thoáng giật mình song một ngày sau mọi thứ đã sạch sẽ, tinh tươm đâu vào đó dưới bàn tay Quỳnh.
Suốt một tuần đầu tiên, hai người dành thời gian sắp xếp nhà cửa, trồng thêm rau và hoa. Vì muốn Quỳnh ở nhà nên Đông xông xáo đi tìm việc bên ngoài. Trước đây anh đi làm cho có công việc chứ tiền bạc ba mẹ cho sẵn nên không cần lo nghĩ. Đông không quen phải tính toán tủn mủn hay nghĩ ngợi xa xôi. Lúc mới đi xin việc hồ hởi vậy thôi nhưng làm gì cũng được vài hôm là anh than mệt, than chán. Đông lại sỉ diện, nhất quyết không cho Quỳnh đi hát dù rằng ở Đà Lạt chẳng thiếu những quán cà phê âm nhạc hay phòng trà làm ăn đàng hoàng. Ở không mãi tiền bao nhiêu cũng cạn. Khi nói ba mẹ cho mượn căn nhà trên này để ở với bạn gái làm ăn, Đông trót hứa tự lo liệu nên cũng không có mặt mũi nào xin tiền họ. Mới được một tháng hai người đã bắt đầu mâu thuẫn. Trong một lần nói chuyện về công việc, Đông sửng cồ:
“Cô có giỏi thì tìm việc gì bình thường mà làm chứ cô còn nghĩ tới hát hò thì đừng trách sao tôi bỏ mặc cô.”
Lúc nghe câu nói ấy, Quỳnh bàng hoàng. Với sự nhạy cảm của một đứa trẻ từng chịu nhiều tổn thương, cô hiểu rằng những lời Đông nói không chỉ bởi tức giận nhất thời. Cô im lặng bỏ ra ngoài đi dạo. Cô cần bình tâm lại, không muốn gây sự với anh. Băng qua những vạt đồi, không khí lành lạnh cùng vẻ đẹp và thanh âm của núi rừng giúp Quỳnh bình tĩnh hơn nhiều. Cô trở về nhà khi thấy lòng mình đã lặng sóng:
“Anh xin lỗi, em đừng giận anh nữa nhé!”
Thấy cô về, Đông từ trong nhà lao ra ôm chặt rồi thơm liên tục lên khuôn mặt cô. Quỳnh không chống đối. Cô vẫn đứng ngoan ngoãn trong vòng tay khóa chặt cứng của anh. Cô nhìn thẳng vào mắt Đông để xem mình có hiểu nổi người đàn ông trước mắt này. Nhưng rồi vòng tay anh mỗi lúc một siết chặt hơn, hơi thở anh gấp gáp hơn. Bờ môi anh vồ vập lấy cô ngấu nghiến. Cứ thế, những đê mê xác thịt giúp hai người làm hòa nhanh hơn. Câu chuyện cứ thế ít hôm lặp lại một lần. Trước áp lực của đồng tiền thì thứ tình yêu non nớt dễ vỡ tan.
Hai người vẫn bên nhau. Ngoài những lúc mâu thuẫn vì chuyện việc làm, hai người vẫn có những giờ phút ngọt ngào lẫn nồng nàn. Quỳnh nhanh chóng có bầu. Cô xin phụ bán hàng cho một tiệm hoa tươi. Đông cũng bắt đầu theo người ta tập tành buôn bán linh kiện điện tử. Muốn nhập hàng cần chuyển một khoản tiền cho trung gian vì Đông không nói được tiếng Hoa nên không thể đặt hàng trực tiếp. Chỗ kia cũng là anh họ của Đông nên hai người đều tin tưởng. Dốc hết số tiền còn lại chuyển khoản cho anh ta, hai người ngóng hàng về từng ngày. Khi thì nghe báo kẹt biên, lúc thì bảo bị hải quan kiểm tra. Hai người sốt ruột, gọi điện hối anh ta liên tục nhưng chỉ nhận về những câu vỗ về yên tâm đi. Cả tháng sau vẫn chưa thấy hàng đâu, gọi vào số điện thoại của ông anh họ xa không liên lạc được. Bấy giờ hai người mới vỡ lẽ là bị lừa. Cuộc sống chưa kịp yên ổn đã lại thêm khốn khó. Quỳnh cũng không trách móc Đông nửa lời, trái lại còn động viên anh chịu khó làm việc kiếm lại. Cô cũng sẽ chăm chỉ hơn. Trời không phụ người siêng năng bao giờ.
Quỳnh vẫn làm ở cửa hàng, tôi chịu khó đi sớm về muộn. Chủ thương nên tháng nào cô cũng được thêm ít đồng tiền thưởng. Đông thì ngược lại. Anh không muốn làm công việc tay chân hay gò bó trong bốn bức tường. Quỳnh bảo làm việc gì anh cũng chê. Có lần cô nói anh nếu không muốn làm thuê thì thôi chạy xe ôm tạm. Dù vẫn phải thông qua công ty điều phối nhưng tự do hơn. Anh cũng không cần phải ngồi mãi một chỗ. Thế thôi mà Đông đã trợn trừng mắt, chỉ thẳng vào mặt cô:
“Cô nói thằng này đi làm xe ôm? Cô còn xem tôi ra gì không hả?”
“Làm xe ôm có gì đâu mà anh khó chịu. Bao nhiêu người vẫn chạy xe ôm nuôi gia đình đấy thôi. Bây giờ em bầu rồi, anh cũng sắp làm cha. Không để dành tiền mai mốt lấy gì mà đi sinh em bé. Rồi sinh xong còn tã, sữa bao nhiêu thứ phải lo. Em lại không đi làm được. Ba mẹ anh ở xa, mẹ em thì không nói tới nữa rồi. Anh nghĩ xem cứ như vậy hoài sao được.”
Vừa nói Quỳnh vừa khóc. Bầu bì làm cô trở nên mệt mỏi và nhạy cảm hơn. Mỗi lần tủi thân cô đều dừng lý trí dằn lại. Cô không muốn những mệt mỏi của mình làm tình hình hai người căng thẳng hơn. Dù không bao giờ nói nặng trước mặt Đông nhưng Quỳnh luôn mong anh có thể trưởng thành và thực tế hơn. Khổ nỗi, mỗi lần muốn nói đều bị anh quy vào tội dạy đời, bắt chồng làm theo ý mình. Rốt cuộc lần nào cũng kết thúc bằng cãi vả. Không cãi vả thì là khoảng im lặng suốt mấy ngày liền. Lần này vợ nói vậy Đông nguôi đi. Anh mang xe đi chạy xe ôm thật dù suốt ngày gây sự với khách. Mà gây sự xong tối về nhà lại hầm hè với vợ con.
Hôm nọ đang bán hàng, Quỳnh lên cơn đau bụng. Sáng hôm đó cô đi làm vội chẳng kịp ăn gì. Cả tối hôm trước ăn bao nhiêu nôn ra hết cả rồi. Không muốn làm phiền chị chủ tiệm, cô gọi cho chồng tới đón. Vừa thấy vợ, Đông đã càu nhàu:
“Làm cái gì mà giờ này gọi nhặng lên? Không muốn cho ai làm ăn hay sao? Anh còn đang chay xe ngoài trời nắng cực khổ. Em bán hoa trong mát mà còn đau cái gì?”
“Thôi anh đưa em vào bệnh viện. Em sợ con có chuyện gì.”
Khi ấy cô đã bầu gần năm tháng. Bé con trong bụng bình thường vẫn đạp mẹ. Chẳng hiểu sao hôm ấy im re. Bụng cô nhấm nhẳng đau hoài không hết. Làm thủ tục nhập viện xong, Quỳnh lặng lẽ ngồi trên băng ghế bằng inox lạnh lẽo chờ tới lượt mình vào khám. Cô không ngừng cầu nguyện thầm trong dạ để con yêu được bình an, khỏe mạnh đến khi chào đời. Chỉ cần con cô không có chuyện gì thì cực khổ tới mấy cô cũng chịu được. Đông ngồi bên cạnh cô, sốt ruột vì chờ lâu lại không rõ vợ mình có chuyện gì, anh mất dần kiên nhẫn:
“Em ở đây đợi khám một mình được không? Anh đi chạy thêm mấy chuyến”
“Anh ở đây với em lỡ có chuyện gì chứ bây giờ thêm mấy chuyến quan trọng vậy sao?”
“Anh biết là em muốn anh ở đây nhưng mà anh ở lại cũng có giúp được em chút nào đâu. Để bác sĩ họ làm không phải tốt hơn sao?”
“Anh không lo cho mẹ con em luôn hả?”
Giọng Quỳnh mỗi lúc một lớn hơn, vừa tủi hờn vừa trách móc. Đông nhìn vợ bất mãn rồi đi qua đi lại xoa đầu bứt trán. Anh không muốn chờ đợi, cái gì cũng thích nhanh chóng. Mà chắc cũng không có gì nghiêm trọng. Có khi cô lại ăn uống gì linh tinh nên mới đau bụng. Từ trong thai kỳ đã bị vài lần rồi có sao đâu. Đông thầm nghĩ vậy dù không nói ra.
Chờ mãi cũng tới lượt Quỳnh vào phòng khám. Anh định đi theo nhưng bác sĩ không cho. Thế là dặn dò vợ nghe lời bác sĩ, khi nào xong gọi anh đến đón rồi Đông lấy xe đi vội cho kịp chuyến xe người ta đang đặt trên hệ thống. Quỳnh nhìn theo bóng lưng chồng xa dần. Cô khệ nệ vác bụng bầu theo bác sĩ vào trong.
“Tim thai đã ngừng đập hơn sáu tiếng. Thai phụ không nhận ra sự bất thường này sao?”
Câu hỏi của bác sĩ khiến Quỳnh choáng váng, chút lý trí cũng bay biến mất. Tai cô ù đi.
“Tôi, sáng nay tôi bận quá nên không để ý. Tới khi đau bụng mới nhớ ra con không đạp thì vội đến khám ngay. Bác sĩ ơi bác sĩ cứu con tôi với! Cứu con tôi với bác sĩ ơi!”
Quỳnh khóc, nước mắt nước mũi tèm lem không buồn lau. Một tay ôm bụng không ngừng vuốt ve theo đường tròn để an ủi con, một tay cô níu lấy tay bác sĩ cầu xin. Càng xin cô càng khóc nức nở hơn. Bác sĩ lắc đầu. Trường hợp như cô không phải hiếm. Rất nhiều phụ nữ sơ sẩy không lắng nghe những cử động của con trong thai kỳ dẫn đến tình trạng hư thai, khô thai, lưu thai hay tim thai ngừng đập giống Quỳnh. Mà đa phần là những bà mẹ bầu con so, chưa có kinh nghiệm gì.
“Vì thai đã khá lớn nên chúng tôi buộc phải mổ bắt con ra. Nếu để bên trong sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của cô. Nghiêm trọng hơn là dẫn đến nhiễm trùng hoặc thậm chí tử vong khi không được xử lý kịp thời.”
Lần này Quỳnh không còn khóc nổi nữa. Cô cứ ngước mắt lên nhìn bác sĩ cầu xin. Miệng không nói mà đôi mắt cô ám ảnh quá. Bác sĩ quay đi, dặn dò y tá chuẩn bị cho bệnh nhân vào mổ. Quỳnh ngẩn ngơ, mới vừa hôm qua thôi cô còn nghe thấy nhịp tim con đập sau lớp da mỏng, còn nhăn mặt mỗi lần con quẫy đạp. Thế mà giờ đây tất cả những gì cô có thể làm được là nằm im cho người ta mổ lấy con ra. Cô bất động trên bàn khám, nước mắt rơi lặng thầm không thành tiếng. Nhìn đăm đăm vào trần nhà, cô cố hít thở sâu trấn tĩnh rồi nói với bác sĩ:
“Xin bác sĩ đừng làm đau con tôi! Xin hãy nhẹ nhàng thôi!”
Vì phải gây tê nên Quỳnh chẳng còn cảm nhận được nỗi đau xác thịt khi bác sĩ rạch từng đường dao bén ngót vào bụng, qua hết lớp biểu bì này tới lớp tế bào khác. Phòng mổ trắng toát một màu tang thương. Sắc áo xanh cũng lạnh lẽo hơn bình thường và tiếng kim loại lẻng xẻng làm trái tim cô cũng như nổi gai ốc cả lên. Với sự nhạy cảm của một người mẹ, cô cảm nhận rõ ràng mỗi động tác của bác sĩ trên ổ bụng mình. Khi con được bế ra, Quỳnh òa khóc, nước mắt thi nhau rơi lã chã khắp mặt, len lỏi vào chân tóc, ướt đầm đìa. Thuốc tê không giúp trái tim cô bớt đau. Nó chỉ làm thân xác cô không giãy giụa vì dao cứa. Ngực cô nhói đến nghẹn thở và bắt đầu không kiềm chế được hành động. Đầu cô cử động trái phải liên hồi, mồ hôi mướt mải. Cô trải qua một cuộc chiến tàn khốc trong tâm trí. Dùng chút ý chí còn sót lại sau khi ngấm thuốc tê, Quỳnh bám chặt hai bàn tay vào hai bên thành bàn mổ tới lúc những gân xanh nổi lên, lớp da xung quanh trắng bệch. Y tá phải giúp cô giữ cân bằng phần đầu để cô không lắc qua lắc lại liên hồi tới mất sức.
Cảm nhận con được đưa ra khỏi cơ thể mình để lại phần da thịt bỗng dưng trống hoác và cả quả tim cô cũng gần như không còn muốn đập. Quỳnh cứ khóc mãi không ngừng. Một cô y tá lặng lẽ giúp cô lau giọt nước mắt nặng nề. Cô tự trách bản thân không để ý đến lời kêu cứu của con. Cô đã không lắng nghe con. Là do cô vô tâm, cô đáng chết. “Sao người chết không phải con mà lại là con của con hả ông trời?” Quỳnh lặp đi lặp lại câu nói ấy, oán trách bản thân tột cùng. Nếu có thể chết để con mình được sống cô cũng sẵn lòng đánh đổi. Cứ nghĩ tới con còn chưa đủ tháng đủ ngày, chưa được nhìn thấy ánh sáng hay khuôn mặt mẹ mà đã không còn là Quỳnh chẳng thể nào bình tĩnh được.
Người ta định mang đứa trẻ đi tắm rửa và lo hậu sự. Quỳnh thều thào xin được ẵm con dù chỉ một lần. Lần đầu tiên, duy nhất mà cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời mới thật sự bắt đầu chưa bao lâu. Cô từng tưởng tượng hàng nghìn lần ngày mình được da tiếp da với con, được thơm lên bàn tay bé xíu mềm mại của con, được hít hà mùi sữa thơm thơm trên da thịt trẻ nhỏ, được ôm con vào lòng cho con bú những giọt sữa đầu tiên. Không ngờ cuối cùng chỉ còn lại trong những giấc mơ chập chờn bị đánh cắp.
Bác sĩ tần ngần đặt đứa trẻ tím tái bất động lên ngực Quỳnh, cô ôm ấp con dịu dàng nhất có thể. Bằng giọng khản đặc, cô lẩm nhẩm:
“Mẹ xin lỗi con, xin lỗi con! Đều tại mẹ không tốt, mẹ đã không biết khi con ngừng đi!”
Quỳnh khóc suốt, bọng mắt sưng lồi, hai con ngươi đỏ mọng. Cô ôm con mãi không muốn rời. Y tá gỡ tay cô ra và động viên cô để cho đứa trẻ được lên thiên đường. Lúc bấy giờ Quỳnh mới buông tay. Con cô còn nhỏ quá chưa vướng bận hồng trần. Chắc chắn con sẽ được về trời làm thiên sứ. Chỉ có thiên sứ mới thanh thuần, trong trẻo như thế thôi. Quỳnh thầm nghĩ. Rồi đứa bé được bế đi tắm rửa sạch sẽ, được mặc bộ quần áo sơ sinh thơm tho của bệnh viện. Nếu ai không biết còn tưởng em đang ngủ một giấc an lành. Quỳnh cũng ngủ thiếp đi sau đó. Nhân viên bệnh viện phải liên hệ cho Đông tới vì cô chẳng hề gọi cho anh từ khi nghe bác sĩ thông báo tin không lành.
Đến khi bế con trên tay Đông vẫn không tin là mình đã mất con. Nhìn con nằm bất động, da tái mét, anh không kiềm lòng được mà bật khóc. Làm sao một đứa trẻ lại có thể mất trong bụng mẹ. Anh không hiểu cũng không muốn hiểu. Trông vào phòng hồi sức thấy vợ mình đang nằm mê mệt, anh càng buồn rười rượi. Anh không biết bản thân đã làm gì sai với ông trời mà vợ con mình ra nông nổi ấy. Rồi tới lượt Đông hối hận. Anh trách mình không chăm sóc Quỳnh tử tế, không sốt sắng quan tâm mỗi biểu hiện của cô. Anh viện cớ chạy xe ôm để trốn những phiền hà mỗi khi cô nhờ vả. Giá mà anh đừng vô tâm, đừng ích kỷ, lười biếng thì có lẽ con anh đang còn đạp thình thịch trong bụng mẹ như mỗi tối cô cho anh nghe. Đông cứ ôm con rồi khóc. Bây giờ hối hận cũng không còn kịp nữa. Hộ lý phải nhắc anh lo liệu các thứ cho con và chăm vợ vì cô vừa trải qua một cú sốc tinh thần cũng như thể chất quá lớn.
Các cụ nói “một lần sảy bằng bảy lần đẻ”, Quỳnh được dặn phải ở nhà ít nhất nửa tháng để hồi phục. Xuất viện, hai vợ chồng tổ chức đám tang lặng lẽ cho con rồi mang tro cốt lên chùa gửi. Đứng trước tượng thờ Quan Âm, Quỳnh thành tâm khấn cầu:
“Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Con xin lạy mẹ Quan Âm phù hộ độ trì cho con của con sớm đầu thai kiếp khác. Nếu còn duyên nợ, xin được gặp lại con trong kiếp này. Con xin nguyện cả đời ăn chay hướng Phật. Con lạy nam mô a di đà Phật! nam mô a di đà Phật! nam mô a di đà Phật!”
Gửi con trên chùa, làm đủ các thủ tục lễ bái, cô thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Tiếng kinh cùng tiếng chuông chùa tô điểm thêm cho cảnh chùa thanh tịnh. Gửi gắm con ở đây cô thấy yên lòng. Rồi con cô sẽ sớm được siêu sinh hóa kiếp. Biết đâu con lại về với cô lần nữa như lời khấn cầu. Đông cũng nhẹ nhàng đi bên vợ an ủi. Anh hiểu rằng vợ đang trong thời gian khó khăn. Mọi chuyện hai người đều gác qua một bên để hồi tâm lại.
Tầm một tuần sau cả hai đi làm bình thường trở lại. Khoản tiền nợ từ lần bị lừa trước sắp đến ngày phải trả. Chẳng biết làm thế nào, Quỳnh bàn với chồng đi hát trở lại.
“Dù chẳng quen biết ai nhưng anh có thể chở em khi thử khắp các quán cà phê, phòng trà hoặc quán bar. Kiểu gì cũng có chỗ nhận thôi.”
“Anh đã nói không muốn em đi hát. Em không nghe lời anh sao? Em đi hát, ăn mặc đẹp đẽ cho ai coi trong khi chồng xem chạy xe ôm rạc mặt ngoài đường?”
“Em chỉ xin đi hát ở những quán cà phê có phục vụ âm nhạc thôi. Anh chạy xe càng tốt chứ sao, có thể chở em đến chỗ làm. Em là người kêu anh đi chạy xe thì làm sao có chuyện em khi dễ anh được?”
“Em không khi dễ nhưng người ta khinh thường anh. Rồi người ta lại nói em làm ca sĩ mà ở với thằng xe ôm.”
Nói rồi Đông rít một hơi hết điếu thuốc đang hút dở. Anh dúi đầu lọc vào gạt tàn. Từ lúc con mất, Đông hút thuốc nhiều hơn. Anh cũng uống rượu suốt để quên đi những chuyện không muốn nghĩ đến. Quỳnh thì khác, cô cố gắng sống mạnh mẽ, lạc quan để con được yên tâm về mình. Cô tin rằng con sẽ luôn dõi theo cô dù có trách móc cô bao nhiêu đi nữa.
Thuyết phục mãi, cuối cùng Đông cũng để cho Quỳnh đi hát. Được sống lại với niềm đam mê của mình, Quỳnh dần dần vui vẻ hơn. Khí hậu Đà Lạt mát mẻ, nhan sắc của Quỳnh ngày càng làm người ta say đắm. Không chỉ là đường nét kiều diễm trên khuôn mặt mà còn bởi đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn thăm thẳm như hồ trên núi. Dù thẳng thắn chuyện mình đã có chồng nhưng vẫn không ít lần cô nhận được những bó hoa, những lời tán dương của cánh đàn ông. Quỳnh cũng chỉ lịch sự từ chối. Với cô, người đầu tiên đưa tay đỡ cô dậy sẽ là người cô muốn đi cùng tới cuối đời. Vậy nên ngày nào Quỳnh cũng cố ý nhờ chồng đưa đi đón về. Cô muốn mọi người hiểu rằng cô đang hạnh phúc và cô là một đóa hoa có chủ. Làm thế cũng để Đông được yên lòng không nghĩ ngợi lung tung.
Quỳnh quên mất mình đã gặp chồng trong hoàn cảnh nào. Đông đâu lạ gì chốn vũ trường, càng biết tỏng mấy chiêu tán tỉnh gái đẹp. Không thừa nhận ghen nhưng chẳng hôm nào Đông không tra hỏi Quỳnh gặp ai, nói chuyện với người nào. Anh còn kiểm tra xem vợ có gì lạ, quần áo có mùi gì không quen. Sự nghi ngờ càng lúc càng tăng thêm. Sợ chồng ghen, Quỳnh chủ động hỏi anh có muốn làm bầu sô cho mình. Quỳnh không phải ca sĩ nổi tiếng nhưng cũng có lịch trình khá dày. Cô lại không muốn phải đi bàn bạc hợp đồng nhiều. Thế là Đông trở thành quản lý của vợ, giúp cô nhận show, sắp xếp lịch trình biểu diễn.
Thời gian đầu, Đông vui vẻ trở lại. Mỗi khi đi cùng nhau, anh luôn chau chuốt ngoại hình để không kém cạnh vợ. Làm quản lý, Đông thoải mái ngẩng cao đầu mà không còn phải tự ti vì làm xe ôm như trước. Thái độ của anh cũng ngày càng có phần kiêu ngạo. Quỳnh không biết chồng làm việc với mọi người như thế nào. Cô tập trung vào việc hát. Thấy chồng vui vẻ, cô cũng thoải mái hơn. Cuộc sống hai vợ chồng có thêm nhiều ngày vui. Ngoài những lúc bận rộn, hai người đi khám phá nhiều ngóc ngách của Đà Lạt. Nơi này có quá nhiều cảnh đẹp làm Quỳnh nao lòng. Cô thật mong sống ở nơi này mãi. Chờ thêm một chút nữa thôi, cô sẽ về xin lỗi rồi đón mẹ lên cùng. Quỳnh tự nhủ. May mà nhờ được cô Anh hàng xóm thi thoảng qua lại chăm sóc mẹ nếu không Quỳnh cũng chẳng thể nào yên tâm.
Tuần nào Quỳnh cũng lên chùa thăm con và nghe kinh. Cô không muốn con cảm thấy cô đơn. Sư trụ trì bảo cô đừng làm như vậy nhiều sẽ khiến con không muốn siêu thoát vì còn quyến luyến. Hãy để cho đứa trẻ được yên lòng đi đầu thai. Thế nên cô đành gửi gắm tất cả cho sư trụ trì. Cô ít lên chùa hơn nhưng vẫn nhang khói cho con mỗi ngày. Mỗi khi thắp nhang, Quỳnh vẫn dành thời gian tâm sự cùng con. Đông thấy vậy không tham gia cùng nhưng cũng chẳng phản đối.
Cuộc sống sẽ bình yên vậy mãi nếu không có sự xuất hiện của Phương. Phương là chàng trai chơi ghita bass mới được tuyển về cho ban nhạc của phòng trà Xứ mùa đông nơi Quỳnh là một trong những nữ ca sĩ chính. Phương để tóc dài, thường cột lên nửa đầu phong trần, lãng tử. Dù ít hơn Quỳnh vài tuổi nhưng ở Phương có sự trải đời cùng đôi mắt xám như màu khói thuốc. Phương lầm lì ít nói. Dẫu vậy vẫn rất quan tâm Quỳnh. Mỗi khi cô hát, anh luôn chú ý chỉnh nhạc cho hợp với tông giọng. Quỳnh mệt hay giọng yếu đi dù chỉ một chút Phương cũng biết. Quỳnh buồn Phương cũng là người đầu tiên nhận ra. Dẫu chẳng bao giờ cố tình tiếp cận cô nhưng ai tinh ý đều thấy thái độ anh dành cho Quỳnh không đơn thuần là đồng nghiệp. Quỳnh cũng biết điều ấy. Cô mặc kệ, vẫn cư xử với Phương như một người bạn trong nhóm, một cậu em trai.
Nhân ngày kỷ niệm thành lập phòng trà, mọi người được mời tham gia một bữa tiệc. Hôm ấy Đông cũng có tiệc nên không thể đi cùng Quỳnh. Vì quá vui nên mọi người giỡn rất nhiều, lại không có chồng Quỳnh ở đó nên mọi người cố tình chọc ghẹo cô với Phương. Cả hai đều không hưởng ứng mà chỉ ngồi im chỗ của mình. Phương khó chịu vì mọi người suồng sã còn Quỳnh im lặng. Cô uống quá nhiều rượu hôm nay rồi. Trông thấy Quỳnh ngồi lặng im một chỗ, gò má đỏ hồng lên vì rượu mà đôi mắt lờ đờ say, Phương động lòng.
“Thôi chúng ta về đi! Nhiều người say rồi.”
“Về là về thế nào? Nhậu xong thì phải ca mới là phòng trà chứ hả? Ca sĩ có, ban nhạc có mà về là thế nào?”
Ông chủ phòng trà lên tiếng. Mọi người đều ủng hộ. Quỳnh ngấm rượu nhưng nghe tới hát vẫn vỗ tay ngốc hùa theo. Phương không dám rời mắt khỏi cô quá lâu, sợ cô có chuyện gì. Anh biết cô đã có gia đình, cũng không muốn tiến tới gần cô. Anh chỉ muốn làm khán giả, lặng thầm ngắm bức tranh đẹp nhất. Làm thính giả nghe giọng ca ngọt ngào nhất. Thế nên Phương ngồi ra ở hướng ngược với Quỳnh, vừa quan sát được cô vừa không tạo ra tình huống khó xử cho Quỳnh.
Sau mấy tăng nhậu liên tục, ai trong tiệc cũng say. Quỳnh không uống nhiều nhưng là người xỉn sớm nhất. Cô không giỏi uống. Vào phòng karaoke hát được vài bài, cụng thêm vài ly là Quỳnh đã ngủ thiếp đi. Điện thoại cô reo liên tục, hết tin nhắn tới cuộc gọi. Tên trong danh bạ là “Chồng yêu”. Phương thấy như vậy mãi cũng không ổn nên gọi Quỳnh dậy nghe điện thoại cho chồng cô yên tâm. Trong âm thanh xập xình, hỗn tạp, Phương nghe thấy chồng cô hỏi cô ở đâu, sao mãi chưa về. Anh ta còn nói thêm vài câu khó nghe nữa. Nhìn sang Quỳnh, cô vừa buồn ngủ vừa cười ngốc.
Nhưng lạ lắm, khóe mắt cô long lanh, một giọt nước rơi xuống dù miệng vẫn cười và mắt nhắm tịt. Phương đỡ Quỳnh ngồi dựa vào sô pha, phủ áo khoác của mình che lên cho cô. Rồi anh lấy điện thoại trong tay Quỳnh, mạo muội nhắn tin cho người kia.
Nửa tiếng sau tiện tàn. Mọi người gọi xe ra về. Quỳnh cũng đi ra trước cửa quán karaoke. Cô chưa kịp gọi điện thì một chiếc xe đã lao đến dừng trước mặt. Thấy Đông, cô ngạc nhiên thích thú:
“Ơ chồng, sao anh biết em ở đây mà đến đón vậy?”
“Em còn nói nữa hả? Đàn bà con gái có chồng mà còn đi ăn nhậu đến khuya không về. Lên xe!”
Nghe Đông quát, Quỳnh bĩu môi nhưng rồi cũng ngoan ngoãn lên xe. Vừa lên xe cô đã đổ lên lưng chồng, vòng tay ôm chặt lấy anh. Phương đứng trong góc tối nhìn theo. Dù sao cũng yên tâm vì cô được đưa đón cẩn thận.
Mấy hôm sau đó, Quỳnh nhận được một bó bông lớn cùng với lá thư từ một người nặc danh. Chẳng ai biết người gửi là ai nhưng hoa rất đẹp. Mọi người lại được phen trêu ghẹo Phương. Quỳnh không biết người gửi nên để bó hoa lại trưng trong phòng trà. Lá thư gửi kèm cũng không được cô đọc. Đêm ấy Quỳnh vẫn biểu diễn như bình thường. Lúc chồng cô tới đón, bé nhân viên lễ tân mới không biết chuyện nên đưa lại cả hoa cả thư cho Đông còn không quên khen anh lãng mạn, tạo bất ngờ cho vợ.
Mặt Đông hằm hằm. Anh chờ vợ ra xe, không nói năng gì. Thấy chồng cầm bó hoa với lá thư, Quỳnh ngạc nhiên. Hiểu tính chồng, cô lặng lẽ lên xe. Vừa vào đến trong nhà, Đông đã bóp cổ Quỳnh đẩy xuống ghế sô pha. Đôi mắt anh long sòng sọc, những ngón tay ấn mạnh hơn vào chiếc cổ tròn của vợ:
“Cô nói xem của thằng nào hả? Cô đi hát hay đi cô đi làm đĩ?”
Quỳnh ngỡ ngàng, hành động của Đông nhanh quá, cô chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Tay Đông lại to và khỏe, Quỳnh không thở được. Cô càng không thể tin chồng sẽ dùng vũ lực với mình.
“Anh bỏ tay ra! Anh không hỏi đầu đuôi mà đã cư xử như một gã du côn sao?”
“Đầu đuôi gì? Tôi còn chưa thèm nói tới thằng nào hôm trước trong điện thoại cô? Cái hôm cô đi tiệc sinh nhật phòng trà. Nói, có phải nó gửi mấy thứ này cho cô không? Cô làm gì với nó rồi?”
Mỗi lần hỏi Đông lại ấn tay vào cổ cô mạnh hơn. Quỳnh khó thở, cầm hai bàn tay cố gỡ tay chồng ra mà không được.
“Anh bỏ ra!”
Cô nhìn thẳng vào mắt anh chẳng chịu sợ hãi. Ánh mắt Quỳnh làm Đông khựng lại. Anh ta buông tay khỏi cổ Quỳnh rồi ngồi xuống ghế đối diện.
“Nói đi!”
“Em không biết người gửi hoa là ai. Bức thư cũng không để tên người gửi. Còn người hôm trước trong điện thoại là thế nào em nhớ gì cả. Nhưng chắc là mấy anh em trong đoàn thấy em say nên nói đỡ thôi. Anh cũng quen hết mọi người ở phòng trà chứ xa lạ gì đâu?”
“Tôi quen nhưng làm sao tôi biết được sau lưng tôi cô có làm gì với ai. Thế còn thằng Phương thì sao? Nghe bảo nó quan tâm cô lắm hả?”
“Sao anh nói thế mà nghe được? Toàn là anh em làm chung với nhau. Anh ghen quá rồi anh Đông ạ! Em nhắc lại là em không biết ai nói chuyện với anh hôm trước cũng không biết ai gửi đồ hôm nay. Anh còn như này nữa thì làm sao mà con yên tâm được.”
“Lại con. Cô đừng thấy tôi ân hận mà lần nào cũng mang con ra nói. Không phải tại cô vô tâm thì sao mà con mất. Con ở trong bụng cô mà cô còn không biết. Cô làm mẹ cái kiểu gì? Thế mà lúc nào cũng một câu nhắc con, hai câu nhắc con. Cô mà thương con, quan tâm con thì đã không để con mất trong bụng cô như vậy.”
Những câu nói của Đông làm Quỳnh bất động. Cô không còn lời gì để nói. Không phải vì chẳng thể thanh minh mà là vì sốc. Không tin được người nói ra những lời độc ác ấy là người má ấp môi kề với mình. Quỳnh chết lặng trên ghế. Cô không nói thêm lời nào, lặng lẽ đứng lên.
“Cô đi đâu?”
Đông hét vào mặt khi Quỳnh đứng dậy bỏ đi nhưng cô chỉ quay lại nhìn chăm chăm vào mắt Đông. Ánh mặt cô lộ rõ vẻ thất vọng lẫn nỗi đau cùng cực. Đông nhận ra điều bất thường trong mắt vợ nên không nói thêm gì. Rồi Quỳnh đi tắm còn Đông cố lục tung bó hoa và lá thư để xem ai là người gửi. Không được, anh ta mang tất cả ném ra ngoài thùng rác.
Sau hôm đấy, khoảng cách giữa hai vợ chồng Quỳnh ngày càng xa. Đông quản lý vợ chặt hơn. Kiểm soát mật khẩu điện thoại và Facebook của vợ. Quỳnh mặc kệ chồng. Cô chẳng làm gì để phải sợ nhưng lòng cô cũng nguội lạnh dần. Những cuộc nói chuyện giữa hai người ngày càng ít. Ngoài lúc đưa đón hay làm chung, ai có khoảng trời riêng của người ấy. Cả hai không còn đưa nhau đi phượt đó đây càng không có kỷ niệm ngọt ngào nào được tạo ra nữa. Đông ngày càng hút thuốc nhiều hơn, rượu bia cũng uống liên tục. Khuyên vài lần không được, Quỳnh mặc kệ Đông. Cô dành thời gian rảnh đi chùa nghe kinh, đọc sách và tham gia thiện nguyện. Dẫu chẳng có chồng quan tâm nhưng Quỳnh vẫn sống rất ý nghĩa.
Không giống với Đông, Quỳnh chẳng quản chồng. Cô để cho anh làm những gì anh muốn, không kiểm tra điện thoại hay mảy may nghi ngờ gì. Cho tới khi thấy chồng ngày nào cũng đi vệ sinh cả tiếng đồng hồ. Đã vậy còn mang theo điện thoại vào. Anh vui vẻ hơn, lâu lâu lắm những việc ngọt ngào với vợ. Chuyện vợ chồng tuy không nhiều song thăng hoa hơn trước. Thi thoảng còn mua cho cô một món quà. Quỳnh hạnh phúc. Cô nghĩ chồng mình đã suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện nên muốn bù đắp cho vợ. Mặt mũi cô vì thế cũng rạng rỡ hơn.
Đêm nọ đang hát Quỳnh nhận được thư yêu cầu của khán giả. Trong bức thư không ghi tên bài hát mà chỉ có vỏn vẹn dòng chữ “Tôi đã có thai với anh Đông. Cô tránh xa anh ấy ra. Đồ đàn bà không biết đẻ.” Đọc lá thư xong Quỳnh tím mặt. Cô thấy trong người không khỏe nên xin lỗi khán giả và quản lý phòng trà rồi rời đi.
Phương nhận ra điều bất ổn từ khi Quỳnh đọc xong mảnh giấy. Nếu chỉ là thư yêu cầu bài hát sẽ không thể khiến cô hành động và biểu cảm bất thường như vậy. Quỳnh bỏ vào phòng hóa trang ngồi trong khi buổi biểu diễn vẫn ồn ào bên ngoài. Căn phòng lộn xộn, ngổn ngang nào gương, kính, đồ trang điểm, phục trang… Quỳnh ngồi trước gương, đọc đi đọc lại mẫu giấy đã vò nát trong tay. Rồi cô òa khóc lên như một đứa trẻ. Đứa trẻ bị người khác cướp mất thứ giá trị nhất với nó.
Cô đã sớm linh cảm điều không bình thường trong mối quan hệ với chồng. Người ta vẫn bảo bỗng dưng người chồng tệ bạc đối xử tốt với vợ chỉ có thể vì anh ta đang có nhân tình. Có nhân tình nên vui vẻ, nên thỏa mãn. Và cái sự hưng phấn ấy được mang từ chỗ người tình về bố thí cho vợ. Có nhân tình nên mỗi lần sắm sửa cho người tình lại tiện thể mua luôn cho vợ như là cách để an ủi để bản thân không thấy tội lỗi. Quỳnh từ lâu đã lờ mờ đoán ra nhưng cô không muốn thừa nhận. Cô càng không thể nghĩ người thứ ba kia lại trơ trẽn đến thế. Đến cùng thì bi kịch đời cô cũng chẳng khác mẹ cô là bao. Hóa ra kiếp xướng ca cũng là kiếp đa đoan đàn bà.
Quỳnh tìm lại cô bé tiếp tân đã đưa mảnh giấy cho mình để hỏi xem cô gái kia trông như thế nào. Những gì cô nhận được là hình ảnh một người con gái mặc đồ thời trang nhưng bịt mặt kín mít. Ngay cả mắt cũng được che bằng đôi kính mát lớn. Nghĩ ngợi một hồi, Quỳnh bình tĩnh hơn. Cô nhắn tin cho Đông hẹn tối về nói chuyện. Có thể chính anh cũng chưa biết chuyện này. Dù sao thì mặc kệ mãi không phải là cách. Đến lúc cô cần đối mặt với sự thật rồi.
Đêm hôm đó, Quỳnh chuẩn bị một bữa ăn khuya đơn giản nhưng ấm cúng với nến và rượu vang. Cô bật thêm bản nhạc Pháp dìu dặt. Không gian chìm trong vẻ nồng nàn khác lạ. Hình như từ lúc sống với nhau chưa lần nào hai người có bữa ăn lãng mạn như thế tại nhà. Chờ mãi Đông mới về, Quỳnh đã ngồi sẵn vào chiếc ghế của mình.
“Ngày hôm nay của anh thế nào? Có mệt mỏi lắm không?”
“À, anh bình thường. Cũng mệt nhưng nhìn thấy những thứ này thì khỏe lại ngay. Mà hôm nay kỷ niệm gì sao anh không nhớ?”
“Đúng rồi, hôm nay là một ngày kỷ niệm đáng nhớ của hai chúng ta.”
“Sao anh không nhớ ra nhỉ? Nhẩm ngày nào cũng không phải.”
“Anh nâng ly lên đi! Em muốn chúc mừng anh.”
Choang. Hai chiếc ly thủy tinh va vào nhau tạo thành âm thanh rất giòn. Đông đã hơi nhíu mày. Quỳnh cũng không để anh đợi thêm.
“Hôm nay là ngày mình cùng đón chào con của anh.”
“Con của chúng ta sao? Em có bầu rồi sao?”
“Không phải! Con của anh. Không phải con của chúng ta. Con của chúng ta đang nương nơi cửa Phật rồi.”
“Con của anh…?”
Đến lúc này Đông lúng túng. Anh khẳng định với cô là không hề có chuyện đó.
“Em lại nghe ai đồn gì rồi phải không?”
“Em không nghe ai đồn mà em nhận được thư của người ta nói là đã có con với anh và em thì nên biến đi vì chẳng thể giữ được con của chúng ta. Em đã nói nếu không còn thương nhau thì cứ thẳng thắn. Mình vẫn chưa đăng ký kết hôn. Em sẵn sàng rời đi để anh được về bên người đó. Nhưng tại sao ngay cả sự thật anh cũng không cho em biết? Anh giấu giếm em. Anh tỏ ra là người chồng thương chiều vợ. Anh mua cho em hết thứ này tới thứ khác. Em đã nghĩ sẽ đợi anh thay đổi song nó là không thể.”
“Anh… Tại vì em ăn chả nên anh mới ăn nem. Em cũng đâu trong sáng gì mà buộc tội anh?”
“Em đã nói với anh chuyện đó là như thế nào thế nhưng anh luôn muốn em là người có lỗi. Anh sống với niềm tin do anh tự tạo rồi cho mình cái quyền được cặp bồ.”
“Em đã chuẩn bị quần áo. Ngày mai sẽ rời khỏi ngôi nhà này. Anh cũng không cần nói gì thêm nữa. Em từng nghĩ dù khó khăn như thế nào cũng sẽ không bao giờ buông tay anh. Em không muốn mất người từng si mê em, cưu mang em trong những ngày đau khổ. Nhưng kinh Phật giúp em hiểu ra nhiều điều. Ta chẳng thể giữ một người muốn đi. Cho dù họ bên mình mà tâm ở nơi khác thì càng đau khổ cho tất cả.”
Nói rồi Quỳnh lặng lẽ ăn tiếp món bít tết trệu trạo trên đĩa. Cô không nhìn Đông cũng chẳng nói thêm lời nào. Anh hiểu rằng cô càng không muốn nghe anh nói. Chưa bao giờ Đông thấy Quỳnh xa cách và lạnh lùng như vậy. Tất cả những gì anh làm được với cô lúc này là nói câu xin lỗi.
Hôm sau Quỳnh đi khỏi ngôi nhà thân thuộc. Cô mang theo cả bài vị và bát nhang của con. Dù cho cô và Đông không còn bên nhau thì con vẫn là điều hạnh phúc lớn lao nhất cô từng được cảm nhận trong suốt những ngày sống cùng. Cô cũng không nỡ để con xa mình. Đông không tiễn cô. Khi cánh cửa nhà đóng lại, Đông nằm im nghe tiếng vợ rời đi. Anh biết mình chẳng còn tư cách gì để giữ chân cô lại.
——————-
Quỳnh đứng trước cổng cấp bốn xập xệ quen thuộc. Không gian tĩnh vắng lạ thường. Những bức tường nhiều rêu hơn, cửa gỗ cũng mục hơn. Cô đẩy cửa bước vào, âm thanh rệu rã như muốn bung xổ cả.
Căn nhà thân quen hiện lên trước mắt Quỳnh. Vẫn là mái ngói thấp rêu xanh, xiêu vẹo. Vẫn là hai cánh cửa gỗ mở hết cỡ nhưng chẳng đủ làm ngôi nhà sáng hẳn dù là ban ngày. Cô nhìn quanh nhà tìm dáng người thân thương. Không thấy người đâu, Quỳnh đi vòng ra sân sau. Lúc ngang qua vườn, cô nhận ra những bông hồng tỉ muội đang chúm chím nở. Vườn xanh um những loại rau trồng xen nhau. Nghe thấy tiếng nước chảy, Quỳnh bước mau hơn. Mẹ cô ngồi đấy, quay lưng về phía cô nên không thấy. Bà cũng không nhận ra có người vào nhà.
Quỳnh bước thật chậm lại phía mẹ. Bà đang rửa rau. Vừa rửa rau vừa khe khẽ hát một giai điệu rất quen. Thi thoảng đang hát bà ngừng lại ho rũ rượi một hồi. Bài hát ấy bà vẫn thường ru cô mỗi lần say xỉn. Quỳnh ôm mặt, rưng rưng. Không biết mẹ đang say hay tỉnh. Nhìn kỹ hơn, cô thấy mẹ gầy đi, cũng không ăn mặc diêm dúa như trước, lại còn ho hắng liên tục. Trông mẹ cô bây giờ đã bình thường như bao bà mẹ khác trong xóm. Cô bước lại gần mẹ thêm chút nữa. Chừng như cảm nhận được điều gì, bà quay mặt về phía sau. Thấy con, bà giật mình, bật khóc.
Rồi bà lật đật đứng dậy, Quỳnh cũng bước vội tới. Hai mẹ con ôm nhau. Thời gian xa cách đủ lâu để người ta nhận ra đâu mới người thương mình nhất, người mình thương nhất. Và để đứa con biết đâu là nơi mình có thể trở về sau những ngày bão giông. Cứ thế ôm nhau, chẳng vội hỏi han câu gì, họ chỉ khóc sụt sùi. Lần này nước mắt không còn là nỗi đau mà đã mang thêm cả màu nhung nhớ. Đôi khi xa cách giúp người ta đánh vần chữ thương và tìm được con đường để về.
Mấy tháng sau, Quỳnh đã lại đi hát trong một phòng trà gần nhà. Dù không khí ở nơi đây chẳng được như thành phố sương mờ nhưng không vì vậy mà cô khó chịu. Với cô giờ đây chẳng có gì hơn là bình yên. Mà muốn bình yên nên biết cách chấp nhận và buông bỏ. Càng vọng cầu nhiều càng khổ đau lắm.
Tiếng nhạc đệm từ ban nhạc vẫn vang lên đều đều. Quỳnh mặc một chiếc váy hoa trắng dài chấm gót, chân nọ vắt chéo lên chân kia. Tóc cô vẫn dài óng ả đổ nghiêng một bên vai. Quỳnh nhắm hờ mắt, đôi môi dịu dàng ngân nga ca từ trong bài hát của Trịnh Công Sơn mà cô thuộc lòng đã lâu:
“Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi ngắm mây bay ngang trời…”
Khuất phía cuối sân khấu, Phương đội nón lưỡi trai che nửa khuôn mặt chỉ để lộ ra nụ cười ấm áp chốc chốc lại nhoẻn lên theo tiếng hát trong veo đang ngân lên. Cuối cùng, anh đã tìm ra cô.
(*) Lời bài hát Anh còn nợ em
Bạn đọc thêm truyện của Sẻ nâu nhé!