Có bao giờ bạn thấy mình suy nghĩ nhiều, cảm xúc dồi dào nhưng đặt bút xuống chỉ toàn những từ ngữ nghèo nàn lặp đi lặp lại? Như một họa sĩ chỉ có hai màu trên bảng pha, dù ý tưởng của bạn có đẹp đến mấy cũng khó lòng được diễn tả trọn vẹn.

Đây không phải là nỗi buồn của riêng bạn. Nó là nỗi trăn trở chung của nhiều người viết mới, cũng là lý do khiến không ít người bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, mình tin bạn không nên làm vậy. Vốn từ vựng không phải năng khiếu bẩm sinh, nó là kiến thức. Bạn hoàn toàn có thể rèn luyện, trau dồi và phát triển vốn từ của mình, nếu bạn biết học đúng cách và có đủ kiên trì.
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với bạn 5 phương pháp thực hành tăng vốn từ vựng của các nhà văn, nhạc sĩ. Đây không phải là những mẹo áp dụng nhanh. Chúng là những cách thức đòi hỏi sự kiên trì và chủ động để qua đó, bạn thực sự biết làm chủ con chữ.
5 bí quyết tăng vốn từ vựng dễ thực hành cho người mới
1. Ghi chép từ vựng kèm ngữ cảnh sử dụng
- Lý giải phương pháp: Việc ghi chép từ ngữ nên bao gồm cả nghĩa của từ và ngữ cảnh sử dụng, không gian, cảm xúc đi kèm. Một từ hay là từ khiến ta ngạc nhiên ngay khi bắt gặp, vì nó gọi tên được điều ta chưa biết. Khi bạn ghi lại các từ trong bối cảnh cụ thể, từ ngữ sẽ sống động hơn. Bởi nó gắn liền với một câu chuyện hoặc một hình ảnh cụ thể trong tâm trí bạn.
- Công dụng: Giúp bạn hiểu sâu sắc sắc thái nghĩa của từ, cách dùng từ tự nhiên và chính xác trong từng tình huống. Từ ngữ không còn là khái niệm khô khan mà trở thành một phần của trải nghiệm, dễ dàng được gợi nhớ khi bạn cần dùng chúng trong diễn đạt. Khi một từ được gắn với cảm xúc thật, bạn sẽ nhớ nó hơn bất cứ từ điển khô khan nào.
- Cách luyện tập:
- Khi đọc sách, báo, nghe nhạc, xem phim, nếu gặp một từ hay, một cụm từ độc đáo, bạn đừng chỉ gạch chân hay nhẩm trong đầu.
- Hãy ghi lại vài thông tin: Từ đó xuất hiện ở đâu? Nó được dùng cho tâm trạng gì, bối cảnh gì? Vì sao nó khiến bạn chú ý?
- Ví dụ: Bạn đọc câu văn: “Cây cầu tre chênh chao nỗi nhớ, người ta tha phương mà quắt quay hoài cố hương.”
Bạn ghi lại từ: “chênh chao”.
Ngữ cảnh sử dụng: trong câu văn về một người xa quê nhìn cầu tre mà nhớ quê.
Cảm nhận: từ chênh chao gợi cảm giác không ổn định, không rõ ràng, không vững chắc và mơ hồ.
Áp dụng: có thể dùng để viết về trạng thái vật lý hoặc trạng thái tâm lý.
2. Học từ âm nhạc và ngôn ngữ thơ ca
- Lý giải phương pháp: Ca từ trong âm nhạc và ngôn ngữ thơ ca thường mang tính biểu cảm cao, giàu hình ảnh và có những cách kết hợp từ độc đáo, vượt ra ngoài khuôn khổ cú pháp thông thường. Đây là một dạng “ngôn ngữ bán thơ” rất dễ chạm đến trái tim người nghe/đọc.
- Công dụng: Giúp bạn cảm nhận được nhịp điệu của từ ngữ, sự uyển chuyển trong cách diễn đạt và mở rộng khả năng sáng tạo của người viết trong việc kết nối các từ với nhau để tạo ra những hình ảnh mới lạ.
- Cách luyện tập:
- Hãy chọn những bài hát Việt Nam mà bạn yêu thích, đặc biệt là những bài có ca từ sâu sắc, gợi cảm xúc cao (ví dụ: các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, Phan Mạnh Quỳnh, Phú Quang… hoặc những bài thơ được phổ nhạc).
- Đọc thật chậm lời bài hát, cảm nhận từng chữ, từng cụm từ và cách chúng được đặt cạnh nhau.
- Chép lại theo dạng “tách cụm từ đẹp ra”: Ví dụ trong các bài hát của Trịnh Công Sơn có những cụm như “từng phiến băng dài”, “tuổi đá mòn”, “lời ru miệt mài”…
- Thử viết một đoạn văn hoặc thơ ngắn từ chính những cụm từ ấy, theo cách của bạn.
- Ví dụ: Từ cụm “từng phiến băng dài”, bạn có thể viết: “Khi bàn tay anh lồng vào tay em, từng phiến băng dài cũng thôi buốt giá. Lòng em như con chim nhỏ, se sẽ hót lên một tiếng ca.”
Thực hành theo phương pháp này đều đặn, bạn sẽ thấy từ vựng của mình phong phú hơn, mềm mại hơn và giàu sức gợi hơn.
3. Đọc đa dạng, không chỉ đọc cái mình thích
- Lý giải phương pháp: Mỗi tác giả, mỗi thể loại văn học, mỗi tác phẩm báo chí… đều có một “hệ ngôn ngữ” riêng, một kho từ vựng đặc trưng và thậm chí là những nhịp điệu câu văn khác biệt. Nếu chỉ đọc một thể loại yêu thích, bạn sẽ bị đóng khung trong một nhóm từ cố định. Từ đó tự giới hạn vốn từ của mình.
- Công dụng: Giúp bạn mở rộng tầm nhìn về ngôn ngữ, tiếp xúc với đa dạng phong cách diễn đạt, học được cách dùng từ trong nhiều bối cảnh khác nhau (từ đời thường đến hàn lâm, từ sắc sảo đến mơ mộng…).
- Cách luyện tập:
- Vượt ra khỏi vùng an toàn: Đừng chỉ đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn, hãy thử đọc thơ, kịch, tiểu luận, báo chí phân tích chuyên sâu… hoặc cả văn học dịch của các nước khác.
- Khám phá các tác giả mới: Đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam hiện nay có văn phong độc đáo hoặc tìm hiểu các tác phẩm dịch của những tác giả nước ngoài nổi tiếng giúp bạn cảm nhận sự khác biệt trong ngôn ngữ.
- Ví dụ: Đọc một cuốn tiểu luận sẽ giúp bạn làm quen với ngôn ngữ logic, chặt chẽ; đọc thơ giúp bạn cảm nhận sự cô đọng, giàu hình ảnh; đọc kịch giúp bạn hiểu hơn về ngôn ngữ đối thoại tự nhiên…
Càng tiếp xúc với nhiều loại văn bản, bạn sẽ càng có vốn từ dồi dào và cảm nhận được “nhịp” của câu văn, giúp bài viết uyển chuyển và hấp dẫn hơn.

4. Lập sổ tay từ vựng theo nhóm nghĩa
- Lý giải phương pháp: Thay vì ghi chép từ vựng ngẫu nhiên hay theo bảng chữ cái, việc nhóm các từ theo chủ đề, trường nghĩa hoặc đặc biệt là theo nhóm cảm xúc sẽ giúp bạn tạo ra một kho từ vựng sẵn sàng cho những khoảnh khắc mà cảm xúc cần được bộc lộ.
- Công dụng: Khi cần viết về một nỗi buồn sâu thẳm, một tình yêu nồng cháy hay một ký ức chập chờn, bạn không phải “lục lại não” mà chỉ cần mở cuốn sổ của mình ra. Điều này giúp bạn tìm được từ chính xác, giàu sắc thái nhất cho từng cung bậc cảm xúc, làm cho câu chuyện thêm phần chân thực và lay động.
- Cách luyện tập:
- Dùng một cuốn sổ tay hoặc ứng dụng ghi chú trên điện thoại.
- Tạo các mục chính theo nhóm nghĩa hoặc cảm xúc. Ví dụ:
- Nỗi buồn: man mác, rười rượi, ủ rủ, se thắt…
- Niềm vui: khấp khởi, rộn ràng, hân hoan…
- Mỗi ngày, chọn một cụm từ hoặc một từ trong nhóm nào đó.
- Viết 1 đoạn văn ngắn hoặc một bài thơ tự do có sử dụng từ/cụm từ đó, tập trung vào việc khai thác cảm xúc mà từ đó gợi ra.
- Ví dụ: Với từ “rười rượi” trong nhóm Nỗi buồn, bạn có thể viết: “Má nó quày quả bỏ đi, chẳng đoái hoài đến sau lưng mình có đứa trẻ tả tơi rười rượi đứng trông theo.”
Bài tập này không chỉ giúp bạn tăng vốn từ theo trường nghĩa mà còn rèn luyện cho bạn khả năng liên kết từ ngữ với cảm xúc, giúp lời văn có chiều sâu hơn.
Sổ tay tản văn của Yêu lại tiếng Việt cũng có các hướng dẫn và bài thực hành giúp bạn phát triển vốn từ đẹp cho chính mình.
5. Sử dụng từ điển đúng cách để khám phá chiều sâu ngôn ngữ
- Lý giải phương pháp: Với người viết, từ điển không chỉ là nơi để tra nghĩa của một từ mà còn là công cụ để khám phá sắc thái, sự đa dạng và chiều sâu của ngôn ngữ. Mỗi từ có thể có nhiều nghĩa bóng, nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau tùy thuộc vào từng ngữ cảnh.
- Công dụng: Giúp bạn tránh lặp từ, chọn được từ chính xác nhất cho từng tình huống và diễn đạt phong phú hơn, tránh lặp từ, lặp cách mô tả.
- Cách luyện tập:
- Dùng từ điển đồng nghĩa – trái nghĩa tiếng Việt: Khi bạn muốn diễn tả một ý nhưng cảm thấy từ mình dùng quá cũ hoặc chưa đủ sức gợi, hãy tra từ điển đồng nghĩa để tìm các lựa chọn khác. Ví dụ, thay vì chỉ viết từ “đi”, bạn có thể dừng từ “rảo bước”, “tản bộ”, “lang thang”… Mỗi từ đều mang một hình ảnh và cảm xúc riêng.
- Dùng từ điển thành ngữ – tục ngữ: Giúp bạn mở rộng cách nói theo dân gian, gần gũi mà sắc bén. Thành ngữ, tục ngữ là tinh hoa đúc kết từ đời sống, mang tính biểu cảm cao và thường rất giàu hình ảnh.
- Tham khảo từ điển Hán Việt, từ điển điển tích – điển cố: Nếu bạn viết nhiều về cảm xúc, văn hóa, tâm lý…, những loại từ điển này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về gốc rễ của từ ngữ, các tầng nghĩa ẩn chứa bên trong nó.
Sử dụng từ điển một cách chủ động và thường xuyên sẽ biến chúng từ một công cụ tra cứu đơn thuần thành một kho báu ngôn ngữ thực sự.
Không ai sinh ra đã có sẵn vốn từ vựng phong phú, sẵn sàng để viết nên những tác phẩm để đời. Tất cả những người viết tốt, những người làm chủ ngôn ngữ điêu luyện đều là những người… sống sâu, đọc rộng và viết đều đặn, không bỏ cuộc dễ dàng.
Vốn từ không hình thành nhờ việc học thuộc lòng một danh sách dài các từ mới. Nó đến từ sự sống động khi bạn kết nối con chữ với cảm xúc thật của mình và dám thử sai, dám thử lại, dám mài giũa từng từ một.
Nếu bạn thấy vốn từ của mình còn nghèo nàn, đừng tự trách móc bản thân. Thay vào đó, bạn nên hành động.
Hôm nay, hãy bắt đầu bằng một trong những việc nhỏ sau:
- Ghi lại một từ khiến bạn thấy có gì đó rung động trong lòng.
- Viết một câu có sử dụng từ đó.
- Ngày mai, hãy làm tương tự với 1 từ khác, duy trì như vậy trong 1 tuần.
Nếu những con chữ được lắng nghe và nuôi dưỡng đúng cách, chúng sẽ dẫn bạn đi xa hơn những gì bạn nghĩ trên hành trình sáng tạo đầy kỳ diệu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi Facebook, Podcast, Youtube và tham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.