Tăng vốn từ tiếng Việt

Tăng vốn từ tiếng Việt không chỉ cần thiết cho mọi người mà còn đặc biệt cần cho người viết, người làm việc với chữ nghĩa. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện vốn từ tiếng Việt của mình bằng cách hiểu và thực hành.

Trau dồi vốn từ vựng là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt do thầy Hoàng Phê chủ biên, “trau dồi” có nghĩa là “làm cho ngày càng trở thành tốt đẹp hơn, có chất lượng hơn”. Vậy việc trau dồi vốn từ Tiếng Việt chính là làm cho vốn từ vựng Tiếng Việt của chúng ta đầy hơn, đẹp hơn và chất lượng hơn.

Trong thực tế cuộc sống, vô tình hay cố ý, chúng ta vẫn đang thực hiện những thao tác có liên quan tới từ ngữ nên không cần quá căng thẳng khi nghe tới bốn chữ “trau dồi vốn từ”.

Các giai đoạn trau dồi vốn từ tiếng Việt

Mình tạm chia việc này làm ba giai đoạn: tiếp cận, lĩnh hội và vận dụng.

1. Giai đoạn tiếp cận từ vựng

Đây là quá trình tiếp xúc với từ ngữ thông qua các hoạt động nghe, nhìn, đọc… Việc này bắt đầu từ rất sớm khi còn là một đứa trẻ, chúng ta được nghe tiếng mẹ đẻ từ mọi người xung quanh và ghi nhớ ý nghĩa của chúng. Lớn hơn là đi học và tiếp thu từ trong sách vở song song cùng việc tiếp thu từ đời sống.

Học từ vựng qua sách giáo khoa

Tuy nhiên nhiều người chưa nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ từ sách giao khoa và các bài học trong nhà trường. Một phần vì khi còn nhỏ chưa quan tâm, chưa có nhu cầu ghi nhận. Và khi lớn hơn, đôi lúc ta quên đi mất hoặc không nghĩ tới.

Bản thân mình thấy sách vở, tất cả các môn, là một kho từ vựng khổng lồ. Nhất là sách Văn bởi lẽ ở đó đầy rẫy các văn bản đã được chọn lọc với câu từ và nội dung đẹp đẽ. Các tác phẩm được giảng dạy hầu hết đều tiêu biểu cho phong cách sáng tác và đại diện cho một tác giả nên không khó hiểu khi chúng là trò chơi ngôn từ đầy hấp dẫn.

Thậm chí những câu văn, đoạn văn ngắn trong phần ví dụ hoặc ngữ liệu đi kèm các tiết tiếng Việt, tập làm văn cũng rất thú vị. Chúng không những mang ý nghĩa phù hợp với bài học mà thường đi kèm các thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Từ nhỏ mình đã thích đọc các bài học trong sách Ngữ văn. Nó là cuốn sách duy nhất mà ngay khi mua về mình háo hức mở ra và đọc cho hết, cả hai tập. Tới hôm học chính thức càng mê hơn vì có nhiều câu, từ không hiểu trước đó nhưng sẽ được giáo viên giảng giải, bình luận trong tiết học.

Tới khi đi dạy, mình có cơ hội đọc lại những văn bản ấy, tìm hiểu sâu hơn về nó và càng trầm trồ cách dùng từ, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật và góc nhìn của người viết. Hiện tại mình đang đọc lại sách Văn của 12 khối bởi có nhiều bài mình chưa được biết hoặc không còn nhớ rõ. Khi chúng ta bé vẫn thường vô tình bỏ qua nhiều điều thú vị, phải không?

Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có sách Văn mới dành cho người thích chữ nghĩa. Với riêng mình, sách nào cũng hay. Bạn đâu chỉ dùng những câu từ chau chuốt trong cuộc sống và bài viết. Có những từ ngữ thông thường hoặc từ ngữ chuyên ngành vẫn được sử dụng cho các lĩnh vực cụ thể khác nhau và thật thú vị biết bao khi mình biết thêm về chúng. Chẳng hạn như các kiến thức về địa lí, lịch sử, sinh học hay nghệ thuật… cũng chứa vô vàn các từ ngữ mà bạn có thể tiếp thu.

Ngoài ra còn hàng loạt cách tiếp cận từ ngữ khác thông qua sách, truyện, báo chí, phim ảnh, âm nhạc hoặc các phương tiện truyền thông xã hội…

Thực chất, chúng ta tiếp xúc với từ ngữ hằng ngày, chỉ là ta có muốn “năng nhặt chặt bị” hay không. Thậm chí khi bạn chỉ lướt qua con chữ thì việc tiếp cận nhiều lần với nó cũng khiến não bộ vô thức ghi nhớ. Và nếu bạn có ý muốn ghi nhớ nghĩa của nó thì đó chính là bạn đang góp thêm một chút vào kho từ của mình.

Học từ vựng bằng cách theo dõi người giỏi

Đối với người thích đọc và thích viết, hẳn bạn sẽ có những tác giả/cây viết mà bản thân yêu thích. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không học hỏi cách dùng từ của họ. Vừa đúng gu lại vừa phong phú. Đây sẽ là một nguồn từ vựng khơi gợi được sự hứng thú nhiều đấy.

Học từ vựng qua từ điển

Tiếp theo không thể bỏ qua từ điển. Thứ nhất là Từ điển Tiếng Việt, cuốn sách tập hợp gần như đầy đủ kho từ vựng nước ta với nhiều nghĩa có thể khiến bạn ngả ngữa. Đây là một cuốn sách nên có của mỗi người, nhất là người viết và yêu tiếng Việt. Mình cũng hi vọng sẽ càng có nhiều người dành tình cảm cho ngôn ngữ dân tộc bởi đó là một thứ tiếng đẹp và là một thứ tiếng hay. Vừa có ý nghĩa, giàu sắc thái biểu cảm lại mang cả âm điệu có thể tạo nên những bản nhạc “không dòng kẻ” chỉ với cách chơi trên ngôn từ.

Tiếp theo là từ điển song ngữ. Đừng cho rằng chúng chỉ dùng để dành ngoại ngữ. Việc tra cứu nghĩa của một từ nước ngoài cũng có khả năng giúp bạn biết thêm một hoặc một số từ đồng nghĩa/trái nghĩa trong tiếng ta.

Ngoài ra còn có từ điển thành ngữ tục ngữ, từ điển ca dao, từ điển chuyên ngành… mà bạn có thể tham khảo.

Học từ vựng trong giao tiếp

Giao tiếp hằng ngày cũng là một cách thức giúp chúng ta tiếp cận được từ mới bởi khi trao đổi thông tin với người khác, ta có thể thu lượm không ít từ mà ta chưa biết hoặc chưa rõ nghĩa.

Học từ vựng qua tưởng tượng

Phương pháp cuối cùng của mình là tưởng tượng. Tự mình liên tưởng các từ ngữ trong đầu xem như thế nào sẽ phù hợp với đối tượng mà mình muốn đề cập tới. Bằng hướng này, mình có thể kết hợp các từ đã biết theo một cách khác đi hoặc tìm lại những từ ngữ đã tiếp xúc nhưng mình không còn nhớ rõ. Nó giống như một cách đánh thức lại kí ức của mình với từ đó.

Như vậy có rất nhiều cách khác nhau để bạn tiếp cận được với kho từ vựng khổng lồ. Chỉ cần bạn đừng chậc lưỡi cho qua thì đâu đâu cũng là bữa tiệc ngôn từ cho bạn tha hồ thưởng thức.

2. Giai đoạn lĩnh hội từ vựng

Lĩnh hội là tiếp thu và hiểu được một cách thấu đáo” một đối tượng nào đó, ở đây là từ ngữ. Như vậy, quá trình này giúp chúng ta nhớ, hiểu nghĩa và biết cách sử dụng một từ cụ thể trong hoàn cảnh nhất định của lời nói hoặc văn cảnh.

Lĩnh hội có thể được thực hiện thông qua các phương thức giúp ghi nhớ từ ngữ đó như tiếp xúc nhiều lần, ghi chép lại… và tra cứu các nghĩa tồn tại của từ.

Có rất nhiều từ chúng ta chưa biết hoặc đang dùng nhưng không hiểu rõ nghĩa hoặc chưa tiếp cận hết tất cả các nghĩa của chúng. Bởi nhiều từ trong tiếng ta không chỉ mang một nghĩa duy nhất như ta thường biết tới.

Ví dụ từ “hệ thống” có hẳn một “hệ thống” nghĩa như sau:

1. Tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất (hệ thống giao thông, hệ thống tuần hoàn, hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm).

2. Tập hợp những tư tưởng, nguyên tắc, quy tắc liên kết với nhau một cách logic, làm thành một thể thống nhất (hệ thống chính trị, hệ thống các phạm trù ngữ pháp).

3. Phương pháp, cách thức phân loại, sắp xếp sao cho có trật tự, logic (hệ thống phân loại thực vật, hệ thống thể loại, hệ thống nhân vật).

4. Tính chất có trình tự, có quan hệ logic giữa các yếu tố (kiến thức có hệ thống, sai lầm có hệ thống)”.

Mặc dù có nhiều cách để lĩnh hội từ ngữ nhưng thao tác 1 và 2 của bài sẽ trở nên lãng phí nếu bạn không thực hiện bước cuối cùng là vận dụng những từ mà mình góp nhặt được vào đời sống, công việc hoặc trong viết lách.

3. Giai đoạn vận dụng từ mới

Vận dụng” là “đem tri thức lí luận dùng vào thực tiễn” – chính là quá trình sử dụng các từ ngữ mà ta thâu góp được trong những hoàn cảnh phù hợp giúp ta đạt được một mục đích nhất định.

Đây quá trình cũng ta tái sử dụng ngôn ngữ và cung cấp cho nó một ngữ cảnh mới, hoặc thậm chí là một cách dùng mới đầy sáng tạo, một lối chơi trên ngôn từ.

Điều này quá rõ ràng để hiểu nên mình không giải thích nhiều nhưng cần nhớ rằng ngôn ngữ là sinh ngữ và nó chỉ có thể thực sự “sống” khi được sử dụng trong đời sống để phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của con người.

Việc vận dụng có thể giữ nguyên bản như từ ngữ vốn có cũng có thể được thực hành một cách sáng tạo để tạo nên điểm nhấn riêng biệt mang màu sắc cá nhân, nhất là trong các công việc có tính đặc thù như sáng tác.

Từ và cách dùng từ chính là một thủ pháp tạo nên dấu ấn sinh động của mỗi cá nhân và cũng có khi là cách tạo nên “nhãn tự” cho văn bản – những thứ giúp định vị một người giữa nhiều người khác. Tất nhiên đây không phải tất cả các yếu tố nên có và để xây dựng được thương hiệu bản thân cần nhiều hơn thế nữa.

Trên đây là những trải nghiệm của mình đối với từ ngữ, chắc chắn còn mang tính cá nhân và phiến diện nhưng mình hi vọng chia sẻ này có thể giúp ích phần nào cho mọi người. Nhất là những người có tình yêu với tiếng Việt và mong muốn sử dụng chúng tích cực hơn trong đời sống cũng như công việc của bản thân.

Suy cho cùng, ngôn từ là cái gốc của văn chương và là phương tiện trao đổi thông tin không thể thiếu trong đời sống. Việc trau dồi vốn từ chính là bước đầu tiên trên bất cứ hành trình nào của bạn. Đừng chờ đợi để học thêm từ mới và cũng đừng ngần ngại để thử thách bản thân trong “trò chơi kì diệu” của ngôn từ.

Bạn đọc thêm Hướng dẫn viết tại đây nhé!

3 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .