Viết lách và làm phim: sự tương đồng đầy tính nghệ thuật

Viết lách và làm phim có nhiều điểm tương đồng đầy tính nghệ thuật. Vì thế mỗi cây viết cũng như một người làm phimngười đứng sau biến câu từ thành hình ảnh và thanh âm trong trí tưởng tượng của người đọc.

Viết lách tương đồng với nhiều bộ môn nghệ thuật

“Mọi người nói cười rôm rả. Nhưng mắt mẹ tôi thật lạ, nó buồn, một tia mắt buồn ám ảnh. Nó cắt cứa tim tôi bằng những đường sắc mảnh. Tôi biết mẹ không bằng lòng.”

Đoạn văn trên có khơi gợi trong tâm trí bạn một hình ảnh nào không?

Với tôi, trên vai trò của người viết, tôi luôn tâm niệm dùng câu chữ của mình để phác thảo một bức tranh trong đầu người đọc. Thậm chí còn tham vọng dựng lên cả một bộ phim đầy đủ âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, chuyển động, góc máy… Nhất là đối với thể loại sử dụng nhiều kỹ thuật tự sự và miêu tả như tản văn hay các loại hình tự sự (truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết…). Sự góp mặt của các yếu tố này sẽ mang lại hiệu quả gần như ngay lập tức lên trí tưởng tượng của người đọc, kéo họ cùng sáng tạo với người viết.

Nếu dùng lối ví von để gọi tên nghệ thuật này thì tôi sẽ gọi những cây viết là những nhà làm phim âm thầm. Âm thầm dùng từng câu từng chữ lặng im trên trang giấy để dựng nên thước phim sinh động trong lòng người đọc. Sự sáng tạo của họ cộng hưởng với trí tưởng tượng nơi người đọc để cùng hoàn thiện một tác phẩm. Cũng chính vì vậy mà hình dung về một nhân vật, một câu chuyện trong mỗi người ít nhiều có những khác biệt. Nó giải thích vì sao có những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nhưng lại bị khán giả phản ánh không giống với nguyên tác.

Sự tương đồng giữa nghề viết và các nghề khác

Sỡ dĩ có sự ví von ấy là bởi vì giữa hai loại hình nghệ thuật này có nhiều nét tương đồng. Nhà làm phim biến mọi đối tượng trở nên trực quan hơn qua hàng loạt các hiệu ứng và tác động đồng thời tới nhiều giác quan. Người viết đơn giản hơn nhưng cũng cầu kì hơn khi gom tất cả vào một qua con đường thị giác. Ai càng có khả năng truyền tải hình ảnh tốt càng dễ chiếm được lợi thế. Bởi não bộ ghi nhớ và chuyển đổi hình ảnh thành câu chữ bao giờ cũng nhanh và chuẩn hơn. Song không chỉ có làm phim, viết lách còn tương đồng với nhiều bộ môn nghệ thuật khác nữa.

Người viết và nhiếp ảnh gia

Trước tiên, người viết có thể vừa giữ vai nhiếp ảnh gia vừa giữ vai hoạ sĩ khi xây dựng các hình ảnh cho bài viết. Khi viết, trong đầu họ có thể diễn ra đồng thời (hoặc lần lượt) hai hành động. Hồi tưởng lại hình ảnh ấy như đang xem một tấm hình cũ. Hoặc chụp nhanh một tấm hình mới bằng trí tưởng tượng.

Khi miêu tả cô gái mặc váy đỏ bé nhỏ giữa biển chiều mênh mông, trong đầu tôi hiện lên tấm hình cô ấy. Đây không phải hình ảnh tôi từng thấy ngoài đời thực. Nhưng là thứ mà não tôi chụp lại được từ óc sáng tạo. Bạn có thể xem ví dụ ở đoạn trích bên dưới.

Người viết và họa sĩ

Việc tiếp theo của người viết chính là chuyển vai từ nhiếp ảnh gia sang làm hoạ sĩ. Tức là họ có khă năng mô phỏng, tái hiện lại hình ảnh ấy một cách chân xác nhất. Qua đó, người đọc có thể bắt cùng tần sóng cảm nhận giống người viết về đối tượng.

Để thực hành, bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm kiếm một đối tượng khác có những điểm tương đồng hoặc đối nghịch. Sau đó đưa vào phép so sánh hoặc ẩn dụ. Tôi thấy cô gái đứng trước biển giống như vết mực đỏ trên trang giấy nên tôi viết:

“Tà váy đỏ bay phần phật trong gió biển mặn chát, bám rịt lấy làn da mỏng manh nom như vệt mực tàu đỏ chót phết lên trang giấy trắng ngần. Đốm đỏ xiêu vẹo, đốm đỏ mong manh, đốm đỏ leo lét neo đầu phiến đá, in một nét thẫm đặc giữa ánh chiều tà nhập nhoạng nơi cửa biển.”

Dùng lối ví von giữa hai hình ảnh kết hợp với các từ láy tượng hình là tính từ giúp đối tượng được viết như hiện ra rõ ràng trước mắt người đọc. Việc miêu tả hoặc trần thuật cần đi vào chi tiết. Như người hoạ sĩ tỉ mẩn phảy từng nét cọ mảnh. Càng tỉ mỉ càng khiến bức tranh tiệm cận với thực tế đời sống. Điều này góp phần tạo nên ấn tượng và thậm chí là điểm nhấn trong bài viết của bạn.

Người viết và nhạc công

Người viết cũng có thể kiêm nhiệm vai trò như một nhạc công để câu chữ giúp bạn cất lên thanh âm cuộc sống. Tiếng Việt có một hệ thống từ láy tượng thanh phong phú. Điều ấy hỗ trợ tối đa việc mô phỏng đủ kiểu âm thanh khác nhau. Trước hết, hãy nhớ lại những tiếng động được phát ra như thế nào. Sau đó, tìm kiếm trong đầu bạn một từ ngữ thích hợp để miêu tả chúng.

“Tiếng lách cách cánh cửa gỗ vừa mở, tí tách giọt cà phê nâu buổi hẹn nồng, róc rách con suối mát lành uốn quanh, vi vu gió thổi qua ngọn tre xanh, ra rả ve ngân trưa hè ruộm nắng hay tiếng rầm rập đoàn tàu chạy miết đường ray, ầm ầm con sóng cao gầm gào cơn bão.”

Dường như mọi âm thanh đều có thể được tái hiện sinh động và tinh tế qua các từ láy. Chúng gieo nhạc điệu, tạo hình ảnh cho câu văn nên mỗi khi đọc các từ láy lên, ta bỗng thấy nhạc tính râm ran từ trong các nơ-ron thần kinh tới tận đầu lưỡi. Chúng xung động nhanh hơn tới người đọc và cũng đọng lại lâu hơn so với các loại từ khác.

Ứng dụng các kỹ thuật làm phim trong khi viết

Nước ảnh trong bài viết

Ánh sáng và góc máy có thể tạo nên hình ảnh trong phim và cả trong bài viết. Bạn sẽ thấy mỗi dạng phim khác nhau thường chuộng dạng màu phim riêng. Phim thần tượng dùng màu tương đối tươi sáng gợi lên vẻ ngây thơ, thanh thuần. Dạng phim tài liệu thường có màu khá cũ kĩ. Phim phóng sự sử dụng màu tự nhiên… Ánh sáng (hay nước ảnh) trong mỗi bài văn, đoạn văn cũng sẽ thay đổi linh hoạt, phù hợp nội dung. Viết về nỗi buồn ít khi dùng các chi tiết rực rỡ hoặc viết về hạnh phúc chẳng mấy ai dùng hình ảnh cũ nhàu.

“Tôi rơm rớm nước mắt, chạy vội ra bên ngoài. Anh vẫn còn ngồi lại với ba mẹ tôi và mẹ anh trong phòng trọ bé tới ngộp thở. Không gian đặc quánh lại sau những lời cự cãi của người lớn hai bên. Bước chân tôi nặng nề, thất thểu. Con hẻm vắng tối om, xa xa le lói vài ánh đèn đường. Tôi cứ lang thang mãi hết khúc quanh này tới khúc quanh khác. Nặng lắm. Nặng trĩu. Tôi không khóc ra được. Nước mắt tôi không rơi. Cái khối đá nặng nề và gồ ghề nén chặt lên lồng ngực như người ta cố nén cho chặt vại dưa chua vừa muối.”

Góc máy dựng bài viết

Ngoài ánh sáng, việc căn chỉnh góc máy cũng quan trọng không kém để có các khung hình đẹp. Như khi chụp ảnh, góc máy ngược sáng hoặc thiếu sáng đều làm giảm chất lượng của bức ảnh. Trong viết, góc máy chính là điểm nhìn mà người viết đặt lên tác phẩm. Điểm nhìn có thể từ xa tới gần, cao xuống thấp, bao quát tới chi tiết hoặc ngược lại. Thay đổi điểm nhìn sẽ mang tới những cảm nhận khác nhau và toàn diện về đối tượng.

Những chiều quê dịu dàng, yên ả vỗ về lòng qua mấy nẻo ngả nghiêng. Đời chòng chành như con thuyền lá tre hôm nào mang thả giữa trưa hè, sóng đưa gió đẩy. Kí ức vẹn nguyên đấy mà có nhiều ngày quên.

Hít một hơi cho đẫy cái ngòn ngọt sót lại tựa như cắn bông lúa đòng đòng đã thấy lòng mình êm dịu. Bình yên và khắc khoải, thực tại và mộng tưởng. Đan cài, rối rắm. Sợi tóc bay qua chiều, vương nỗi buồn khó gỡ. Tâm tư mảnh như tơ không dệt nổi thoi đời.”

Hai đoạn trên chuyển cảnh từ buổi chiều quê với không gian rộng mở vào những điểm nhìn cụ thể của thuyền lá tre, lúa đòng đòng, sợi tóc. Hình ảnh nối nhịp cùng hình ảnh tạo nên tính bắc cầu liên tục khiến người đọc không ngừng tưởng tượng, không ngừng ghi nhớ.

Nghệ thuật chuyển cảnh

Chuyển động trong phim gần như kết hợp cả âm thanh và hình ảnh. Khi viết về sự chuyển động, người viết cần tạo được hình dung về hình dáng, kích thước, tiếng động. Động từ và tính từ được trưng dụng để phát huy tối đa khả năng kiến tạo một đoạn video bằng câu chữ.

“Vài bận lại qua rồi Mây yêu gã. Thuyền ghé bãi lấy cá, Mây phụ dì xong còn ráng nán lại chuyện trò. Mây say sưa những câu chuyện gã kể về dòng sông Mê Kông trăm ngàn nhánh rẽ, về biển Đông ầm ầm sóng vỗ, về những ngày dài theo thuyền đánh bắt xa khơi. Gã sống tự do như chim trời, không ràng buộc, không luyến lưu chi.

Ấy vậy mà khi nằm bên cạnh Mây trên mũi thuyền cùng ngửa mặt lên trời ngắm ánh trăng vằng vặc, gã thủ thỉ đường mật yêu đương. Gã biểu muốn tìm việc gì ổn định để hai đứa lên bờ sống. Rồi sẽ có những đứa con kháu khỉnh. Hoặc là gã sẽ kiếm cách xoay lấy một cái ghe bẹo, cũ cũng được, rồi hai vợ chồng kiếm kế sinh nhai như dì Năm.”

Đoạn văn như thước phim chiếu lên cảnh đôi trai gái yêu nhau đang say sưa chuyện trò. Người đọc thông qua câu chữ cùng với những hiểu biết đã có của bản thân sẽ mường tượng lên trong đầu một khung hình có người có cảnh có tiếng.

Hình ảnh trong bài viết

Không chỉ trong văn miêu tả hay tự sự ta mới cần hình ảnh. Ngay cả khi viết về các khái niệm, lí thuyết thì hình ảnh vẫn là phương pháp hiệu quả để diễn đạt một cách trực diện mà dễ hiểu. Chẳng hạn như trong các đoạn văn sau.

“Giống như nghệ nhân Kintsugi dùng vàng để tô điểm cho những vết nứt trên gốm sứ, người cầm bút cũng có thể khéo léo sử dụng những câu chưa hoàn chỉnh để tạo tác nên vẻ đẹp của bài viết.”

“Giống như cách dùng compa vẽ các đường tròn đồng tâm, bạn cần chú ý nhất vào cái thần – linh hồn của bài khi viết tản văn. Các biểu hiện bên ngoài cũng chỉ như các đường tròn, vô cùng đa dạng. Kết nối chúng với tâm hồn sẽ giúp bạn viết ra dễ dàng hơn.”

Với người không nắm vững các lí thuyết văn học thì câu không hoàn chỉnh hay tản văn đều là những khái niệm xa lạ. Nếu cứ khư khư giải thích bằng thuật ngữ e rằng người đọc thông thường khó lòng hiểu được. Tận dụng những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống giúp việc diễn giải thú vị hơn, cụ thể hơn và cũng dễ hình dung hơn.

Tiểu kết

Mỗi người viết hãy xem mình như một nhà làm phim. Hãy lặng thầm dùng ngòi bút để dựng nên những thước phim sinh động về đời sống qua cả âm thanh và hình ảnh. Sự ví von, so sánh hay các phép liên tưởng, ẩn dụ bao giờ cũng tác động tới người đọc nhanh hơn, rõ hơn và chính xác hơn. Thật khó để ghi nhớ một bài viết chỉ có chữ và chữ. Nhưng sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nếu có những hình ảnh đẹp với sức gợi hình, gợi cảm cao.

Bạn đọc thêm các Hướng dẫn viết tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .