“Truyện ngắn – trữ tình hóa” là một loại hình truyện ngắn “phi cốt truyện” tập trung vào mô tả những trạng thái tâm tưởng của nhân vật.
Cốt truyện trong truyện ngắn – trữ tình hóa
Chức năng của cốt truyện trong truyện ngắn – trữ tình hóa là bộc lộ trạng thái tâm tưởng của cốt truyện
Nếu như “truyện ngắn – kịch hóa” thường có cốt truyện, tình huống, sự kiện rõ ràng, kịch tính thì truyện ngắn giàu yếu tố trữ tình lại hướng đến trạng thái tâm tưởng của nhân vật, nhóm nhân vật, cộng đồng.
Ví dụ:
Trong Trở về, nhân vật Tâm – một người tỉnh lẻ lên thành thị làm viên chức, lấy được cô vợ nhà giàu thì sợ mọi người biết đến nguồn gốc của mình, trốn tránh ký ức tuổi thơ cơ cực. Một lần có dịp đi chơi gần quê, anh chọn ở khách sạn và chỉ ghé thăm người mẹ trong chốc lát. Anh cũng coi thường cô hàng xóm đã lớn lên cùng mình. Cuộc trở về nội tâm của anh thực ra là một cuộc chạy trốn quá khứ, gốc gác thấp kém của mình. Ngược lại, nhân vật Thanh trong Dưới bóng hoàng lan mỗi lần về quê đều cảm thấy lòng yên bình lắng lại, yên tâm và như được tiếp thêm sức sống.
Truyện ngắn – trữ tình hóa thường là những truyện ngắn phi cốt truyện
Các sự kiện, hành động lời nói, ý nghĩ trong truyện đều xoanh quanh các trạng thái tâm tưởng. Chất liệu cơ bản của cốt truyện là “sự kiện nội tâm”. Nhà văn có thể kể các sự việc bên ngoài nhưng nó phải vang động trong tâm hồn người kể chuyện hay nhân vật chính. Theo dõi chuỗi sự kiện xảy ra trong “truyện ngắn – trữ tình hóa” thực chất là đang theo dõi diễn biến trong nội tâm, sự thay đổi từ trạng thái tâm lý này đến trạng thái tâm lý khác.
Ở đây không có những sự kiện xung đột, gay cấn mà chỉ có những trạng thái tinh thần được biến chuyển tinh tế.
Ví dụ:
Truyện Cuốn sách bỏ quên chủ yếu nói về một cuốn sách bị bỏ quên từ đó nảy sinh những tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Từ buồn bã vì không được xuất bản sách đến vui sướng tột đỉnh khi có người đọc sách của mình và cuối cùng là hụt hẫng, chùng xuống khi cuốn sách đó lại bị bỏ quên trên xe.
Tổ chức cốt truyện truyện ngắn – trữ tình hóa được xây dựng trên nguyên tắc “chuyển hóa và lặp lại”
Trong “truyện ngắn – trữ tình hóa”, xung đột nội tâm giữ vai trò quan trọng trong tổ chức cốt truyện, dựa trên những mặt đối lập của cảm giác, tâm trạng nhân vật như: buồn – vui, ấm – lạnh, hạnh phúc sum vầy – cô đơn lạc lõng… Những cặp cảm giác này đan cài trong mạch cảm xúc của nhân vật.
Nguyên tắc chuyển hóa và lặp lại trong tổ chức cốt truyện tạo nên tính nhạc, độ ngân vang, xúc cảm khiến cấu trúc truyện gần với cấu trúc của một tác phẩm trữ tình.
Nhân vật trong truyện ngắn – trữ tình hóa
Nhân vật tư tưởng
Đây là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Với xu hướng trữ tình hóa truyện ngắn, nhân vật tư tưởng không đơn thuần khái quát nên tính cách, bản chất lịch sử xã hội của con người mà chủ yếu bộc lộ tư tưởng có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Còn nhân vật loại hình là nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định trong một thời đại.
Nhân vật loại hình
Trong “truyện ngắn – trữ tình hóa”, loại nhân vật này thường được nhà văn xây dựng có tâm lý hết sức đa dạng, phức tạp, giàu cảm xúc, tình cảm. Cả hai loại hình nhân vật trên đều là loại nhân vật nhạy cảm, tinh tế, có khả năng cảm nhận sâu sắc về thế giới và bản thân mình.
Chi tiết nội tâm – chất liệu chủ yếu trong xây dựng nhân vật trữ tình hóa
Trong “truyện ngắn – trữ tình hóa”, nhà văn miêu tả thế giới nội tâm phong phú, đa dạng của con người thấm đẫm cảm xúc, suy tư, trăn trở… Các chi tiết nội tâm thường lặp lại, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Chi tiết miêu tả ngoại hình hay miêu tả hành động của nhân vật không có vai trò lớn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật.
Xung đột nội tâm là cơ sở cấu trúc nên nhân vật trữ tình hóa.Những mặt đối lập luôn chuyển hóa lẫn nhau, làm điểm tựa cho cấu trúc nhân vật.
Trần thuật trong truyện ngắn – trữ tình hóa
Diễn ngôn trần thuật thường là những lời văn mang đậm thái độ chủ quan của người kể chuyện
Lời trần thuật (lời kể) trong truyện thực hiện chức năng gợi cảm. Lời gián tiếp của người kể chuyện có sự hòa quyện giữa cảnh và tình. Lời trực tiếp thường bày tỏ, bộc lộ cảm xúc, thái độ, quan điểm của chủ thể trữ tình. Do đó, lời văn thường tha thiết, mãnh liệt theo mạch tình cảm của chủ thể.
Ví dụ:
Các tập truyện ngắn như Quê mẹ của Thanh Tịnh hay Gió đầu mùa của Thạch Lam là những câu chuyện về quê hương, con người, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật.
Lời miêu tả là thành phần cơ bản của diễn ngôn trần thuật
Trong diễn ngôn trần thuật ở các tác phẩm tự sự, lời trần thuật rất phong phú: lời kể, lời tả, lời triết lý, lời bình luận, lời trữ tình, ngoại đề… Theo đó, tùy mỗi loại tác phẩm mà lời trần thuật được sử dụng khác nhau. Trong “truyện ngắn – trữ tình hóa”, lời văn tả cảnh và tả tình thường hòa quyện với nhau. Lời văn miêu tả thấm đẫm chất trữ tình, hoa mỹ.
Ví dụ:
Trong truyện Dưới bóng hoàng lan, Thạch Lam miêu tả cảnh nhân vật Thanh mới về quê sau một khoảng thời gian dài như sau: “Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán – bên ngoài trời nắng gắt – rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa.”
Trần thuật trong loại hình truyện ngắn – trữ tình hóa sử dụng nguyên tắc trùng điệp
Để tạo chất thơ cho truyện, các nhà văn thường sử dụng thủ pháp trùng điệp. Truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh… được tổ chức với mỗi đoạn văn giống như một khổ thơ, gắn với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Trong đó có sự lặp lại những chi tiết, hình ảnh, lời văn tạo ấn tượng và xúc cảm với người đọc. Bên cạnh đó, lời trùng điệp cũng là một đặc điểm trong tổ chức diễn ngôn trần thuật. Giống như trong thơ trữ tình, sự trùng điệp trong truyện ngắn trữ tình phản ánh quá trình vận động, phát triển của cảm xúc, tâm trạng. Vì vậy, trong tác phẩm, luôn có sự lặp lại những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ. Bên cạnh đó là sự lặp lại của những cảm giác, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Ví dụ:
Ở đoạn kết của Dưới bóng hoàng lan, những hình ảnh ở đầu bài xuất hiện một lần nữa: “Rồi chàng bước ra đi nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương.”
Tiểu kết:
Như vậy, trong loại hình “truyện ngắn – trữ tình hóa”, cốt truyện không kịch tính mà là các sự kiện nội tâm, lời trần thuật giàu xúc cảm và tính cách nhân vật thể hiện qua trạng thái tâm tưởng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!