Dễ dãi trong viết lách là tự hủy hoại ngòi bút của mình

“Cô Hòa sửa bài khó hơn cả BTV báo luôn mà, chứ gửi cộng tác nhiều khi câu chuyện, thông điệp hay thời điểm phù hợp là vẫn được lên.”

Mình mới vô tình biết được vài người có suy nghĩ này. Và với mình, nó là một suy nghĩ “đáng buồn”. Còn đáng buồn như thế nào thì mình sẽ nói tiếp phía sau.

Mình tự hào khi là một người khắt khe trong chuyện chữ nghĩa

Trước tiên, mình vẫn thấy mừng vì mọi người nhận xét đúng là mình đánh giá bài kỹ, mình sửa bài khắt khe và mình đòi hỏi cao ở một bài viết, cả về nội dung lẫn hình thức. Chí ít thì đó là sự thật. Nếu ai từng học với mình hoặc mình từng có dịp góp ý bài viết cho mọi người thì đều sẽ nhận được một file chi chít chỗ chỉnh sửa chính tả, câu từ, diễn đạt và những nhận xét về nội dung, về sự logic, về định hướng điều chỉnh bài sao cho chất lượng hơn. Học viên mình vẫn thường nói vui là mở file thấy bảy sắc cầu vồng hay thấy con số báo hơn 100 lỗi mà hoảng. 

Vế sau của câu chuyện vẫn đúng. Tất nhiên khi BTV chọn bài sẽ dựa trên nhiều tiêu chí. Bài của bạn đáp ứng được những tiêu chí ấy, nó được chọn. Thông điệp, câu chuyện, tính thời điểm… cũng nằm trong số đó nên là những yếu tố tất nhiên phải có ở một tác phẩm gửi đăng báo, chứ không phải là một kiểu ăn may, theo cách này hay cách khác. Ngay cả khi bài viết của bạn được chọn đăng, nó cũng không chỉ đơn thuần là vì bạn viết tốt. Tự nhiên nhất vì nó phù hợp song cũng có những trường hợp hi hữu khi báo bị trống mục nên cần chèn bài gấp, có vấn đề nào đó phát sinh và bài của bạn là một cách để tòa soạn khắc phục… và không chỉ có vậy. 

Bạn có nhận ra dù tồn tại nhiều “cơ duyên” để bài viết được chọn đăng báo nhưng cốt lõi nhất, bền vững nhất vẫn là bạn nên có thực lực viết lách, bài viết của bạn nên là một tác phẩm thực thụ với nội dung hấp dẫn và hình thức trình bày chỉn chu không?

Xin đừng là người dễ dãi trong chuyện viết

Sẽ thế nào nếu bạn chỉ coi trọng thông điệp và câu chuyện mà gửi đến tòa soạn bài viết đầy những lỗi về câu cú, diễn đạt lủng củng, dấu câu còn dùng sai và chính tả, lỗi đánh máy thì lộ liễu và dày đặc? Điều đó không chỉ là bạn thiếu tinh thần nghiêm túc với viết lách, thiếu tôn trọng với BTV tòa soạn mà với chính bản thân, bạn cũng đang để cho tư duy về sự dễ dãi thống trị trong đầu mất rồi. 

Là một người viết, thay vì tìm hiểu để thể hiện nội dung rõ ràng, thu hút thông qua một văn bản sạch sẽ, mạch lạc, chỉn chu thì bạn lại mang tâm lý qua loa, đại khái. Một món ăn để nguyên trong nồi thì người ta vẫn ăn được thôi nhưng nếu nó được bày trên những chiếc đĩa sạch sẽ và trang trí cho bắt mắt vẫn khiến người ta thấy ngon miệng hơn rồi đánh giá cao hơn về người làm cơm. Các món ăn ngày giỗ chạp bao giờ cũng độc đáo hơn, được chuẩn bị cầu kỳ hơn và bày biện chăm chút hơn là vì sao? Vì người ta không phải nấu chỉ để ăn mà để bày tỏ lòng thành, để dâng lên cho Trời Phật, tổ tiên… Tương tự như vậy, một bài viết “ẩu”, người viết không tâm huyết trong chọn lọc nội dung, sắp xếp các ý lớn nhỏ; không để tâm tới từng câu từng từ, từng dấu phẩy, dấu chấm thì ngay cả khi đã được đăng báo vẫn chẳng thể để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Tệ hơn là nó sẽ khiến những người viết khác, những người có chuyên môn hay kinh nghiệm về lách khó lòng mà đánh giá cao tác phẩm của bạn. 

Văn là người. Khi văn của bạn còn cẩu thả, rất khó để thuyết phục người khác tin rằng bạn là người tỉ mỉ, dụng công, dụng tâm khi viết.

Văn là người. Khi văn của bạn còn cẩu thả, rất khó để thuyết phục người khác tin rằng bạn là người tỉ mỉ, dụng công, dụng tâm khi viết.

Việc cầu toàn, kỹ tính hay khắt khe khi viết cũng có nghĩa là bạn không viết ẩu, không hời hợt, không xem nhẹ chuyện phiêu du cùng con chữ. Mình vẫn luôn tự hào dù thường nghe mọi người than vui rằng những gì mình dạy học viên là quá nhiều (nội dung thường mấy trăm trang A4 cho mỗi khóa học), cách sửa bài của mình là quá khó tính (sửa bài như cách một BTV làm việc) nhưng mình đã và vẫn đang hướng mọi người tới sự chỉn chu và duy mỹ trong viết lách, đặc biệt là trong sáng tạo văn chương. Giống như trong chương trình giảng dạy về tư duy viết lách của mình gần đây, viết cần cả đúng – đủ và đẹp, không thể thiếu đi cái nào.

Bạn sẽ không thể đi đường dài với viết nếu bạn nôn nóng, dễ bỏ cuộc và chỉ chăm chăm vào việc lên được bao nhiêu tờ báo, xuất bản được bao nhiêu cuốn sách. Bây giờ, tự xuất bản sách có khó không? Không hề khó. Bây giờ, chất lượng sách có tốt không? Không phải cuốn nào cũng tốt. Thậm chí có những cuốn quá tệ, không thể đọc nổi, không hiểu vì sao được xuất bản. Ngoài ra thì chuyện sách giả, sách lậu tràn lan cũng làm cho chất lượng chung của sách bị ảnh hưởng.

Thế thì bạn muốn trở thành một người viết như thế nào? Một người luôn theo đuổi sự chỉn chu, tâm huyết, tỉ mỉ, sáng tạo hay chỉ đơn giản là một người viết dễ dãi với vài bài lên báo mà chẳng rõ là do mình viết tốt hay vì đâu? 

Khi bạn tự cho phép mình cẩu thả trong viết, bạn đang tự giết chết con người cầm bút trong bản thân

Bạn muốn được nhớ đến là người cầm bút thả hồn mình vào con chữ, cầu kỳ và chọn lọc khi dùng từ, luôn tìm tòi cách thể hiện mới hấp dẫn hơn hay bạn muốn là người góp phần tạo ra thêm những tác phẩm khiến người đọc chỉ có thể thở dài ngao ngán vì vụng về và cẩu thả?

Trước những lựa chọn, mong bạn sẽ nhớ rằng: Khi bạn tự hạ tiêu chuẩn viết của mình xuống cũng là lúc bạn đang tự giết chết tố chất người cầm bút bên trong mình.

Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi FacebookPodcastYoutube và tham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tìm kiếm điều gì đó . . .