Ký ức bài thơ từ lời ru ầu ơ của mẹ

Những lời ru ầu ơ của mẹ từ thuở ấu thơ bằng một cách nào đó vẫn đi vào tiềm thức tôi mãi không phai nhòa, cho tôi biết rung cảm với vẻ đẹp quê hương, với những đau thương mà đất nước này gồng gánh.

Lời ru ấu thơ nuôi dưỡng tâm hồn giàu yêu thương của những đứa trẻ

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được…

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích

Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi…”

Những câu thơ mẹ ru em tròn 20 năm trước đến bây giờ vẫn lưu luyến hồn tôi. Hồi đó nghe mẹ đọc thơ theo lối ầu ơ của bài hát ru con rồi thuộc luôn lúc nào chẳng rõ. “Quê hương” của Giang Nam không phải văn bản trong sách tôi học nhưng lại là bài thơ nhiều lần làm tôi mỉm cười đỏ mặt hay day dứt niềm thương.

Lên 6 tuổi tôi đã biết chăn trâu, cả tuổi thơ quanh quẩn bên đít trâu (vì toàn đi sau con trâu) và những cánh đồng làng. Mỗi ngày đến trường một buổi, buổi còn lại dong trâu ra chăn đồng xa. Tôi thích những ngày nhẩn nha sau mùa gặt, cánh đồng chỉ còn gốc rạ trơ trơ. Tôi chẳng cần lo trâu ăn lúa bị bảo vệ trách phạt, tha hồ thả trâu mà nghịch chơi tha thẩn. Cánh đồng rộng không một bóng cây lớn, có tiếng chim vẫn hót trên nền trời nhưng tôi không tài nào mơ màng nổi cánh chim bay. Bởi trên ấy là vòm trời xanh cao rộng, mây trắng bay như thuyền lướt bồng bềnh. Tôi nheo mắt lại dưới chiếc mũ rộng vành lem nhem vệt đất, dõi theo vầng dương chói lóa ở trên đầu rồi vài phút sau đã thấy mắt cả hoa.

Tôi chẳng có những ngày “trốn học đuổi bướm cạnh cầu ao”, cũng chẳng bị “mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc” nên chỉ nhớ hoài ký ức trẻ chăn trâu. Ấy vậy mà những câu thơ vẫn in hằn vào đầu, khảm lên kỷ niệm sau mấy mươi năm ngọt đắng. Có gì đó trong veo, có gì đó êm đềm quá đỗi nên dẫu xa rồi vẫn vẹn một tuổi thơ.

Tôi biết đến những rung động đầu đời cũng trong chính những vần thơ mà Giang Nam đã viết về mối tình trong trẻo của hai người chiến sĩ. Thuở ấy tôi chưa biết thế nào là thơ trữ tình cách mạng, tôi chỉ biết trong bài thơ có cái gì hào hùng, bi tráng như một khúc binh ca lại cũng có cái gì ngọt ngào, lưu luyến như một bức tình thư:

“Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…”

Còn gì vui bằng giữa đường chiến dịch, đạn bom rơi và bóng giặc đầy trời vô tình bắt gặp một gương mặt quen. Nụ cười em bao năm vẫn khúc khích, đôi mắt em vẫn đen tròn. Tôi cứ hình dung chàng chiến sĩ ôm trên tay cây súng, đường hành quân vội vã bước chân, đi ngang qua một quân đoàn khác chợt nhận ra cô bạn nhỏ nhà bên nay đã lớn. Em vẫn là em, hồn nhiên, trong trẻo nhưng đã biết quên mình khi Tổ quốc gọi tên. Tự tưởng tượng rồi tôi tự mỉm cười, chẳng hiểu sao đôi má mình cũng đỏ. Và đã từ khi đó, tôi biết mình yêu mến thi ca.

Nhưng niềm vui chẳng được bao nhiêu, bài thơ này có một khổ mà mỗi lần đọc tới đều làm tôi đau đáu, xót thương:

“Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa con người!”

Những kỷ niệm của hai người bạn tuổi nhỏ trở thành những rung động khẽ khàng của tình yêu đôi lứa. Chưa ai kịp hẹn ước cùng nhau đã âm dương cách biệt. Người con gái nhỏ hay cười khúc khích, người thiếu nữ lặng im để anh nắm bàn tay giờ đây đâu còn nữa… Chiến tranh tàn khốc bởi cướp đi mạng sống của bao người, cướp giật luôn tình yêu vừa chớm nở chưa một lần kịp nói cho người tỏ:

“Hoà bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa…

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…”

Có mối tình e ấp mới chớm bông, có nụ cười thẹn thùng của cô bé ngày nào bẽn lẽn, có bàn tay nhỏ lặng yên trong bàn tay thinh lặng. Hình ảnh đẹp đẽ ấy, tình yêu thơ mộng ấy nhanh chóng bị câu thơ “Giặc bắn em rồi quăng mất xác” làm vỡ tan tành. Càng đẹp càng đau, càng nhớ càng buồn. Tôi chẳng thể nào tưởng tượng được hết cảm giác của người ở lại khi hay tin người mình thương giờ không tìm thấy xác. Còn đâu cô bé nhà bên năm xưa cười khúc khích, còn đâu người em gái ngày nắm tay ngậm ngùi? Hòa bình lặp lại, người anh chiến sĩ trở về, đâu có ai ngờ người ở lại trên quê hương đã vội chết trên quê hương.

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi…

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi”

Kết thúc buồn nhưng không bi thương, bài thơ khép lại đẹp đẽ như cách mà nó được bắt đầu. Tình bạn trở thành tình yêu rồi cuối cùng hóa vào tình thương xứ sở. Mỗi một nắm đất quê hương đều có thể mang một phần xương thịt của “em tôi”. Bao tình yêu hòa vào làm một để rồi yêu vẫn mãi là yêu thôi, mỗi ngày thêm một chút. Tình yêu quê hương không còn là những bức tranh tuổi nhỏ mà là thân thuộc tới hiển nhiên – yêu từng nắm đất.

Đến bây giờ trong những lúc ngược xuôi dòng hồi ức tôi vẫn như nghe da diết bên tai tiếng mẹ hát ru em ầu ơ, ơ ầu. Và những câu thơ trong bài “Quê hương” của Giang Nam vẫn vấn vương, bịn rịn. Tuổi thơ tôi từ những bài hát ru “cách mạng” của mẹ, của cha mà vun bồi thêm tình yêu đất nước, từ những ngày tha thẩn khắp đồng quê mà nuôi dưỡng một tâm hồn mộc mạc:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .