Luyện viết lách cho người mới bắt đầu không phải việc dễ dàng nhưng bạn có thể áp dụng 21 cách sau đây để viết tốt hơn mỗi ngày.
1. Xác định một mục tiêu cụ thể
Trước khi viết, hãy xác định cho mình một mục tiêu cụ thể. Khi làm việc không có mục tiêu bạn thường không đủ nỗ lực và kiên trì để theo đuổi đến cùng. Con người sẽ cố gắng nhiều hơn khi làm một việc gì đó có thể mang lại lợi ích cho họ. Vì vậy, bạn hãy nghĩ về điều mà mình muốn nhận được từ viết lách. Mục tiêu càng cụ thể bạn sẽ càng có trách nhiệm hơn với nó.
Mục tiêu của bạn khi luyện viết có thể đơn giản như: cải thiện kỹ năng viết trong 30 ngày để có thể đăng bài Facebook thể hiện suy nghĩ của bản thân một cách trôi chảy. Hoặc mục tiêu lớn hơn như có thể tìm được công việc liên quan tới viết trong vòng 3 tháng. Việc luyện viết lách cho người mới bắt đầu sẽ dễ dàng duy trì hơn khi có mục tiêu cụ thể và nỗ lực đủ nhiều.
2. Chọn không gian viết phù hợp nhất với bản thân
Không gian viết cũng là một yếu tố quan trọng để việc luyện viết của bạn trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Nếu bạn là người không thể làm việc khi có tiếng ồn vậy hãy chọn cho mình một không gian yên tĩnh nơi bạn có thể thoải mái cùng câu từ. Có thể một chút nhạc nhẹ với âm lượng nhỏ sẽ giúp bạn sáng tạo nhiều hơn.
Nếu bạn là một người có thể làm việc ngay cả khi có âm thanh trắng hoặc tiếng ồn, tiếng nhạc… thì bạn chỉ cần chọn một nơi để có thể ngồi viết. Nhiều người thích mang máy tính ra quán cà phê ngồi viết cũng vì vậy.
Mỗi người trong chúng ta sẽ có cảm giác khác nhau trong các không gian khác nhau. Vì vậy hãy chọn cho mình một không gian giúp bạn phát huy tối đa khả năng viết lách và sáng tạo của bạn.
3. Chuẩn bị nước và bàn ghế thoải mái để viết tốt hơn
Có nhiều người cần ngồi làm việc trong một căn phòng yên tĩnh có bàn ghế phù hợp nhưng cũng không ít người có thể viết trên một cuốn sổ hay bấm điện thoại ở bất cứ đâu. Sự linh hoạt sẽ cho phép bạn tận dụng được thời gian rảnh rỗi để luyện viết bất cứ lúc nào, ở đâu.
Tuy nhiên, nếu bạn ở nhà hãy chuẩn bị cho mình một bộ bàn ghế để có thể ngồi viết trong tư thế khoa học và thoải mái nhất. Có những người quen ngồi viết trong nhiều giờ đồng hồ liên tục. Điều đó về lâu dài có thể gây ra những áp lực lên cột sống, đốt sống cổ, vai, gáy và cổ tay của bạn. Ngồi viết trên bàn ghế có kích thước phù hợp với chiều cao của bạn sẽ giúp hạn chế những vấn đề kể trên.
Bạn cũng đừng quên để trên bàn một ly nước lớn để bất cứ khi nào cũng có thể uống ngay. Đôi khi dòng chảy cảm xúc hoặc áp lực công việc khiến bạn quá tập trung mà quên bổ sung nước cho cơ thể. Việc này hoàn toàn không tốt. Nếu bạn thường quên uống nước thì để sẵn nước trong tầm tay và cài đồng hồ nhắc giờ uống nước là giải pháp cho bạn. Đừng đợi tới khi khát tới mức không chịu được mới uống. Sức khoẻ từ thân thể là nền tảng để bạn phát triển sức khoẻ tâm và trí.
4. Thực hành nghi thức hoặc thói quen giúp bạn bắt đầu viết tốt hơn
Nhiều người có thói quen thực hiện một nghi thức để mang lại năng lượng tích cực trước khi viết. Có người thì uống một ly cà phê hoặc trà trước khi ngồi vào bàn để viết. Có người thích bật một bản nhạc trong khi làm việc. Cũng có người thích xông tinh dầu hay thắp nến thơm để không gian ngập tràn mùi hương…
Hãy chú ý đến một hoạt động nào đó có thể giúp cho tinh thần của bạn trở nên tốt hơn. Việc thực hiện các nghi thức này mỗi ngày dần dần sẽ tạo nên một thói quen cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc tới việc bị lệ thuộc vào nghi thức tinh thần khiến cho bạn khó làm việc hiệu quả nếu không thực hiện điều này trước khi bắt đầu.
5. Tập trung: Tắt hết các thiết bị có thể làm bạn xao nhãng khi viết
Làm việc tập trung bao giờ cũng mang lại kết quả tốt hơn cho chúng ta. Với viết cũng không ngoại lệ. Chúng ta thường rất dễ bị xao nhãng bởi những thứ bên ngoài như tiếng ồn, các thiết bị điện thoại, câu chuyện của những người khác hay thậm chí là vẻ đẹp bầu trời ngoài ô cửa sổ hay mấy cuốn sách trên kệ.
Ngay bên trong tâm tưởng chúng ta cũng có hàng tá những suy nghĩ nhảy nhót tới lui khiến cho não bạn bị nhiễu và việc tập trung trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, hãy tránh tối đa những điều có thể làm bạn bị xao nhãng để tập trung hơn vào việc viết.
Bạn có thể tắt các thiết bị điện tử, để chúng ra xa tầm mắt; tạo cho mình một không gian vật lý và không gian tinh thần yên tĩnh; cài đặt thời gian khi viết… Ngay cả khi bạn là một người đa nhiệm cũng nên tập trung hoàn thành từng đầu việc một thay vì đang làm việc này mà cứ nghĩ về việc khác có thể dẫn đến nhầm lẫn hoặc chậm trễ trong cả hai việc.
Tập trung từ trong tâm trí là cách luyện viết lách cho người mới bắt đầu và cả người đang làm công việc hiệu quả.
6. Thực hành viết tự do vào lúc bạn có thời gian hoặc có cảm hứng
Sẽ khó luyện viết lách cho người mới nếu ngay từ đầu đã phải viết với quá nhiều quy tắc và tiêu chuẩn. Những bài viết tự do khi có thời gian rảnh hoặc khi có cảm hứng là một bài thực hành phù hợp hơn ở thời điểm này.
Khi viết theo cảm hứng, bạn được các suy nghĩ và xúc cảm dẫn đường nên có thể viết một mạch dễ dàng. Điều này sẽ khó xảy ra hơn nếu bạn bị mất hứng hoặc không có ý tưởng, cảm xúc nào. Thông thường, viết theo dòng chảy cảm xúc cũng mang lại cho bạn cảm giác hài lòng cao hơn với bài viết của mình.
Nhiều người cho rằng viết hoàn toàn là công việc của tâm trí và người viết phải là những người có năng khiếu. Điều này không hoàn toàn đúng. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi người làm việc bỏ thời gian ra để nghiên cứu, tìm tòi và thực hành. Viết cũng vậy. Sau giai đoạn viết một cách bản năng, bạn cần học hỏi các kỹ thuật viết và thực hành viết liên tục để cải thiện kỹ năng viết của mình. Đến một lúc nào đó, ngay cả khi không có quá nhiều cảm hứng bạn vẫn có thể viết ra một bản nháp đầu tiên của bài.
Tuy nhiên, viết tự do vào những thời gian trống và lúc có cảm hứng sẽ là cách luyện viết lách cho người mới bắt đầu dễ dàng thực hiện.
7. Thực hành copywriting các trích dẫn hoặc đoạn văn/thơ bạn ấn tượng
Như những đứa trẻ, bắt chước là cách đầu tiên để chúng học một điều gì đó. Bạn cũng có thể bắt đầu luyện viết bằng việc chép lại các trích dẫn, những đoạn văn, đoạn thơ mà bạn thấy ấn tượng và ý nghĩa. Việc “copywriting” này không chỉ giúp bạn ghi nhớ giọng điệu, cách dùng từ của các tác giả mà còn là một cách giúp bạn cải thiện khả năng viết của mình. Bạn sẽ mở rộng vốn từ của bản thân, biết cách sử dụng từ ngữ và viết câu mạch lạc hơn. Nhiều khi các ý tưởng mới cũng sẽ xuất hiện trong lúc bạn thực hành copywriting như vậy.
8. Luyện tập viết trên ứng dụng hạn chế thời gian như Dangerous writing
Không ít học viên của mình đã than thở về việc họ mất quá nhiều thời gian cho một bài viết. Điều này không có gì lạ, nhất là với những người mới luyện viết. Bạn có thể gặp vấn đề từ việc tìm cảm hứng, tìm ý tưởng tới bế tắc trong cách triển khai hoặc lựa chọn từ ngữ để viết.
Đừng căng thẳng, bạn có thể khắc phục điều này bằng cách luyện viết trên những ứng dụng hạn chế thời gian như squibler.io. Ứng dụng này cho phép bạn cài đặt những khoảng thời gian và đòi hỏi bạn phải tập trung cao độ nếu không muốn mất những gì bạn đã gõ.
Rất nhiều người viết lách chuyên nghiệp đang sử dụng những ứng dụng hạn chế thời gian như thế này để viết tập trung trong một thời gian cố định. Như mình thường cài đặt 5 phút, 10 phút hoặc tối đa 15 phút cho các bài viết từ 500 đến 1300 từ. Tất nhiên bạn cũng cần hiểu tốc độ suy nghĩ và đánh máy của bản thân để cài đặt thời gian phù hợp. Sau đó bạn từ từ rút ngắn thời gian đối với một dung lượng từ cụ thể. Ví dụ ban đầu bạn gõ 500 từ trong 15 phút nhưng dần chỉ cài 10 phút, 5 phút. Và quan trọng là bạn có thể thất bại nhiều lần, bị xóa bài nhiều lần nhưng hãy kiên trì. Thành quả sẽ đến với người nào đủ nhẫn nại.
9. Cài đặt thời gian cho mỗi lần viết
Ngoài việc viết trên các ứng dụng giới hạn thời gian bạn cũng có thể tự đặt thời gian cho mỗi lần viết bằng cách hẹn giờ trên điện thoại.
Nếu viết trên ứng dụng viết nguy hiểm phù hợp cho những bài viết ngắn, có thể hoàn thành trong thời gian ngắn như 5 phút, 10 phút thì cài báo thời gian trên điện thoại sẽ hợp hơn khi bạn viết các bài dài nhưng vẫn cần tập trung và không muốn kéo dài việc viết tới mức dây dưa.
Khi bạn rảnh một buổi sáng và cứ thế ngồi viết thì có thể bạn sẽ không hoàn thành bài viết ngay cả khi buổi sáng đã trôi qua. Đó là vì bạn hoàn toàn có thể bị xao nhãng từ chính tâm lý “tôi có thời gian”. Nếu bạn có thể viết 1000 từ trong 30 phút thì hãy đặt báo thức 30 phút để bạn tập trung vào đó và ý thức được mình đã hết giờ.
Không chỉ viết mà bạn cũng nên thử áp dụng cách này vào các việc khác để không bị kéo dài thời gian hoàn thành công việc ngoài ý muốn.
10. Đọc sách hướng dẫn viết và theo dõi các chuyên gia, cây viết kinh nghiệm
Một trong những cách luyện viết lách cho người mới bắt đầu là đọc nhiều sách. Đặc biệt là các sách hướng nghiệp cho người viết và sách chuyên môn về các ngành liên quan tới lĩnh vực mà bạn viết.
Việc đọc sách luôn mang lại nhiều lợi ích cho con người, nhất là người viết. Đọc sách hướng dẫn viết càng cần thiết hơn nữa. Một số cuốn sách mà bạn có thể đọc như: Ux Content 4.0, Cứ viết đi, Từ câu sai đến câu hay, Hôm nay phải mở mang, 3 cuốn sách của tác giả Linh Phan: Viết đi đừng sợ, Con đường trở thành Freelance writer, Bút hết nặng viết hết đau…
Ngoài sách giấy, bạn có thể theo dõi các kênh chính thức của những chuyên gia trong ngành cũng như của người viết tốt: website, blog, Facebook, Insta, Linked in… Khi theo dõi các kênh này, đừng quên đọc bài và thậm chí là bình luận để học hỏi và tương tác với họ. Điều này sẽ giúp bạn tiếp thu với nguồn kiến thức chính thống, có thêm hiểu biết và có thể là mở rộng mối quan hệ, có cơ hội việc làm… Chí ít thì bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều điều từ những người đi trước và có chuyên môn, kinh nghiệm hơn mình.
Mỗi người viết chuyên nghiệp thường sẽ chọn ra một hoặc một số ngách viết để theo đuổi. Ví dụ như anh Huỳnh Vĩnh Sơn (soianchayne.com) viết về nghề copywriter và quảng cáo, marketing; anh Ngọc đến rồi (ngocdenroi.com) hướng dẫn cách viết bài và có thu nhập từ blog/website; chị Linh Phan (linhphan.co) viết về parenting và nghề freelancer; bạn Hải Dương hướng dẫn viết blog hoặc blog hoaluong.com của mình cũng rất nhiều bài hướng dẫn viết chi tiết…
Đừng bao giờ bỏ qua việc đọc nếu bạn muốn cải thiện việc viết lách của chính mình.
11. Hình thành thói quen viết hàng ngày
Đối với người mới luyện viết, việc duy trì viết hàng ngày có thể sẽ là một thử thách khó lòng thực hành. Tuy nhiên, bạn luôn biết rằng thói quen có thể khiến chúng ta tự giác thực hiện và khó bỏ. Thế nên để viết tốt hơn không có cách nào tốt hơn là biến viết từ một sở thích làm lúc nào cũng được trở thành một thói quen mà nếu không làm sẽ khiến bạn cồn cào, bứt rứt.
Bắt đầu thói quen viết sẽ đơn giản hơn nếu bạn không ép bản thân phải hoàn thành một bài viết dài và hạ bớt tính cầu toàn. Bạn có thể chỉ viết vài câu, một đoạn ngắn hoặc thậm chí là chỉ một câu mỗi ngày vào thời điểm bắt đầu. Dần dần bạn hãy tăng số lượng từ viết mỗi ngày lên. Để làm được điều này, bạn cũng nên ghi chú lại tất cả các ý tưởng xuất hiện trong đầu và triển khai chúng thành các dàn ý. Như vậy bạn sẽ có nhiều chất liệu hơn để bắt tay vào viết.
Tất nhiên, sẽ có lúc bạn gặp phải tình trạng writing block (không thể viết). Lúc đó bạn có thể cho phép bản thân nghỉ ngơi, nhìn sâu vào bản thân để tự hỏi và trả lời chính mình về tình trạng hiện tại của bạn, thay đổi không khí bằng một kỳ nghỉ ngắn hoặc một chuyến đi, thực hiện các hoạt động cải thiện tâm trạng…
12. Tham gia vào một cộng đồng viết lách tích cực
Việc luyện viết lách cho người mới bắt đầu sẽ trở nên thú vị và hứng khởi hơn nếu bạn tham gia vào một cộng đồng viết lách tích cực và lành mạnh. Gợi ý cho bạn là Yêu lại tiếng Việt, Khi phụ nữ đọc, Phát triển nghề viết, Ngày đẹp trời để viết và On writing daily. Ở các nhóm này không chỉ có những người đang luyện viết mà còn có các chuyên gia, những hướng dẫn viết để bạn học hỏi miễn phí.
Khi có một cộng đồng, bạn sẽ bớt đi tự ti, sợ hãi và hứng khởi hơn, tự tin hơn để viết và công khai bài viết của mình.
13. Tham gia một dự án hoặc cuộc thi viết lách nào đó
Tham gia một dự án viết hoặc các cuộc thi viết cũng là cách để bạn cọ xát nhiều hơn với viết và các công việc liên quan.
Khi tham gia các cuộc thi viết, bạn sẽ biết cách tuân thủ các thể lệ, viết bài theo nội dung yêu cầu và có thể nhận được những góp ý của người đọc hoặc giám khảo để cải thiện. Chưa kể tới cơ hội được xuất bản bài viết hoặc nhận được nhuận bút nếu bài của bạn được chọn.
Tham gia các dự án viết dù là có lương hoặc không lương cũng sẽ giúp bạn nắm được những hoạt động, công việc liên quan tới nghề viết. Ví dụ như khi tham gia vào dự án viết cho người bị ung thư thì bạn cũng có thể học được cách trao đi các giá trị, làm việc đội nhóm, chịu được áp lực, tổ chức hoạt động…
14. Tham gia vào các thử thách viết cùng một hội nhóm hoặc tự bản thân đặt ra
Trên các cộng đồng viết lách thường hay có những thử thách viết trong một thời gian nhất định hoặc theo một chủ đề nào đó. Các thử thách này tui không có phần thưởng lớn nhưng quan trọng nhất là rèn cho bạn tính kỷ luật, bám sát chương trình và chiến thắng cơn lười cũng như sự tự ti trong bản thân.
Nếu không sẵn sàng tham gia cùng cộng đồng, bạn có thể tự đặt ra thử thách cho mình và chinh phục nó. Ví dụ như thử thách viết 1000 từ mỗi ngày trong 30 ngày liên tục, thử thách viết 5 phút buổi sáng…
15. Làm một công việc liên quan tới viết để có kinh nghiệm và trách nhiệm
Giống như khi tham gia vào một dự án viết lách, làm một công việc liên quan tới viết ngay cả khi bạn chưa có quá nhiều kinh nghiệm cũng là cách luyện viết lách cho người mới bắt đầu. Đương nhiên, trước khi xin việc bạn cũng cần có khả năng viết tạm ổn. Về kinh nghiệm, nhiều nơi tuyển dụng người viết content, viết S.E.O không yêu cầu quá cao và sẽ đào tạo trong thời gian thử việc.
Thay vì chờ tới khi thật giỏi mới dám đi tìm công việc thì bạn hoàn toàn có thể vừa làm vừa học vì kinh nghiệm thực chiến bao giờ cũng đáng giá và củng cố thêm cho nền tảng lý thuyết của bạn.
16. Lập nhóm cùng nhau viết để nâng cao tinh thần
Nếu tham gia một cộng đồng lớn vẫn không làm cho bạn bớt tự ti thì bạn có thể rủ người khác lập nhóm cùng nhau viết. Mọi người thống nhất đề tài hoặc viết tự do, đặt ra các quy định, có thưởng có phạt càng tốt rồi cùng nhau luyện viết. Trong quá trình viết cùng nhau, mọi người nên đọc, nhận xét hoặc biên tập bài chéo cho nhau để cùng nhau tiến bộ. Tuy nhiên, việc này rất dễ bị bỏ dở vì không có tính ràng buộc cao.
17. Thử viết trên nhiều công cụ khác nhau: sổ, điện thoại, máy tính…
Mỗi người viết đều có thể sử dụng một hoặc nhiều công cụ để hỗ trợ cho việc viết của mình. Có người thích viết vào sổ tay, có người thường xuyên bấm điện thoại và cũng có người hễ viết là sẽ mở laptop, máy tính bàn. Ngoài ra, bạn có thể viết online trên FB, Notion, Google Drive…
Tuy nhiên, khi bạn tập viết và ngay cả khi viết lâu, bạn vẫn nên duy trì việc viết trên nhiều công cụ khác nhau. Linh hoạt sử dụng từng công cụ tùy theo cảm hứng, thời gian, bối cảnh… sẽ giúp bạn có thể viết bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu.
18. Biên tập bài viết nhiều lần
Một điều quan trọng mà người viết không thể bỏ qua là biên tập bài viết của mình. Nhưng biên tập một lần là chưa đủ nếu bạn muốn bài viết chỉn chu, hạn chế tối đa lỗi. Bạn nên biên tập bài nhiều hơn một lần, biên tập ngay sau khi viết và sau đó một khoảng thời gian nhất định. Ngay cả khi bài viết đã được đăng tải bạn cũng nên đọc lại xem còn vấn đề gì chưa được khắc phục không.
Để khách quan hơn, bạn có thể nhờ ai đó có chuyên môn hoặc có hiểu biết về viết lách đọc và góp ý bài viết cho bạn trước khi công khai hoặc gửi cho khách hàng, toàn soạn… Bởi vì chúng ta thường có trách nhiệm và bắt lỗi tốt hơn khi đọc bài của người khác và chủ quan khi đọc bài của chính mình.
19. Chấp nhận hoàn thành hơn hoàn hảo
Nhiều người mới học viết nhưng luôn muốn được viết ra những bài thật dài, thật hay và rất ít lỗi giống như những chuyên gia. Điều này vẫn tốt vì đó là sự cầu thị của bạn. Tuy nhiên, khi bạn mới bắt đầu luyện viết mà đòi hỏi sự hoàn hảo thì có thể sẽ chẳng viết được một bài nào.
Trong cuộc sống hay trong việc viết lách cũng vậy, đôi khi ta phải biết chấp nhận hoàn thành hơn hoàn hảo. Nghĩa là nếu bạn đặt mục tiêu viết mỗi ngày thì chỉ cần mỗi ngày bạn đều viết đã là hoàn thành rồi. Bạn không nhất thiết phải ép mình ngồi mãi trước màn hình để nặn ra những con chữ gượng ép.
Cầu toàn là tính cách giúp bạn luôn nỗ lực trong công việc để đạt được kết quả tốt nhất nhưng nó sẽ làm bạn tự ti và phủ nhận sự cố gắng của bản thân nếu bạn luôn chấp vào đó. Cầu toàn cũng cần đúng lúc. Khi đang là một người luyện viết, bạn nên cố gắng hoàn thành mục tiêu trước khi cố gắng để đạt được sự hoàn hảo.
20. Đăng ký học viết online hoặc với mentor
Việc gì cũng vậy, bạn có thể học được dần dần bằng cách tự tìm tòi hoặc từ va chạm thực tế nhưng để rút ngắn thời gian, hình thành tư duy hệ thống cũng như định hướng đúng đắn hơn thì bạn nên có một người hướng dẫn (mentor).
Hiện nay có nhiều người hướng dẫn viết (writing mentor) là những người có kinh nghiệm và kỹ năng viết lách tốt. Họ có thể giúp bạn cải thiện kỹ thuật của mình nhanh hơn; nhìn ra sở trường – sở đoản của bạn để gợi ý cho bạn những định hướng viết lách phù hợp. Chưa kể tới
Tự học viết có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí nhưng cũng có thể khiến bạn chán nản vì mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu và hướng đi như thế nào. Còn khi tham gia một khóa học và có người hướng dẫn, bạn tốn một khoản tiền nhưng tiết kiệm được thời gian và có thể xây dựng nền tảng cho mình. Tuy vậy, bạn cũng cần lưu ý chọn những khóa học phù hợp, người hướng dẫn uy tín và tận tâm để không mất tiền oan và học được nhiều điều bổ ích.
21. Đọc và góp ý, hướng dẫn cho người khác
Điều cuối cùng để luyện viết lách cho người mới bắt đầu là đọc bài, góp ý và thậm chí là hướng dẫn cho người khác. Đừng nghĩ rằng bạn phải thật giỏi mới có thể làm những điều này. Khi góp ý cho người khác, ngoài chuyên môn hay kỹ thuật, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ với họ cảm nhận của bạn về bài viết, những điều bạn tâm đắc hoặc còn thắc mắc.
Họ từ những trường hợp cụ thể bao giờ cũng nhanh và giúp bạn nhớ lâu hơn là đọc mãi lý thuyết đơn thuần.
Có rất nhiều cách để luyện viết lách cho người mới bắt đầu nhưng quan trọng nhất là bạn phải làm chủ tâm trí của mình. Mọi thứ sẽ dễ thực hiện hơn nếu tâm trí bạn thật sự muốn viết và kiên trì với nó.
Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!