Giấc mơ rừng già

Sự tử tế không chỉ có giữa con người với nhau mà còn trong cách ta dành nó cho cuộc đời, cho môi trường sống quanh ta.

1.

     Dễ đến cả tuần nay Minh không ngủ được, giấc ngủ đến với Minh muộn mằn và chập chờn như trò đuổi bắt. Đêm nào Minh cũng trằn trọc mãi, mắt dán lên trần nhà như nhìn vào hố đen sâu thẳm, tối tăm và vô vọng. Trong những lúc miên man nửa tỉnh nửa mê, Minh cảm tưởng như cái hố sâu hoắm ấy cứ xoáy sâu mãi vào tim óc mình với những vòng xoáy lặp lại không ngừng trong một biên độ rộng dần ra, tới khi Minh biến mất giữa những đợt xoay tròn bất tận ấy. Tay chân Minh vùng vẫy, mồ hôi túa ra ướt đầm chân tóc và cả nước mắt đang khô đi, bám rịt vào da mặt. Minh mở mắt. Vẫn là chiếc giường quen thuộc với tấm màn xanh rủ xuống, vẫn là trần nhà với những lớp ngói cũ xô nhau. Minh không tài nào ngủ lại được nữa. Đây không phải lần đầu tiên Minh mơ thấy mình ở giữa một trận xoáy lốc đen ngòm xoay như cù ấy. Nó bắt đầu từ khi Minh theo bạn vào rừng mỗi ngày. Minh cũng đã gửi mail xin việc tới một công ty truyền thông khá lớn trên phố. Có cái gì đó khiến Minh thấy bất an dù giấy tờ không thiếu và những bài viết được yêu cầu Minh cũng chuẩn bị đầy đủ. Chỉ là về chính Minh…

     Minh lặng lẽ đi xuống mở tủ bếp tìm một chai nước lạnh, những ngụm nước mát khiến Minh tỉnh táo hơn. Minh mở cửa ra ngoài hiên, ngồi lên chiếc xích đu tái chế từ lốp xe cũ trước nhà. Đêm thật tĩnh lặng. Và làn hơi lạnh len lỏi qua lớp biểu bì, Minh có chút rùng mình. Minh ngước lên trời cao, một màu đen loang lổ, chỉ có ánh trăng non chênh chếch phía đông, đã gần 3 giờ sáng. Thi thoảng có tiếng chó sủa ma từ phía bên kia hồ vọng tới và tiếng côn trùng ri ri đều nhịp. Gà đã bắt đầu gáy sáng và tiếng máy làm giá công nghiệp nhà bên đã kêu xình xịch.

     Minh nhớ lại những ngày theo bạn đi thăm khu bảo tồn Tây Nam, nơi có rất nhiều loài cây lớn bé khác nhau cùng hàng trăm loài sinh vật. Bạn Minh làm việc ở đó và kể cho Minh nghe nhiều câu chuyện thú vị. Minh cũng chụp được nhiều tấm ảnh hay ho mà chỉ ở rừng mới có. Trong rừng có nhiều loài cây to, những cây lấy gỗ lớn, dược liệu và cả những loài thực vật nhỏ, thân leo. Có những cây cổ thụ đã hằng trăm năm tuổi, cao vài chục mét, tán lá sum suê và đường kính thân hơn cả mét. Chúng thường là các loài gụ, pơ mu, trắc, sưa… Rêu, dương xỉ và đám dây leo thường bám vào những thân gỗ này để sống nhờ, còn có cả lan rừng rất đẹp. Những người bảo vệ trong khu bảo tồn rất quan tâm những loài cây này vì chúng có giá trị kinh tế cao, dễ bị trộm xẻ để nhập cho dân buôn gỗ. Trong khi các cây lớn là lớp khiên bảo vệ rừng, là nơi sinh sống của các sinh vật nhỏ như chim chóc, côn trùng và các loài lớn hơn như sóc, vượn, khỉ… Thảm thực vật đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo khí hậu của khu vực luôn trong trạng thái điều hoà, cung cấp oxy cho sự sống và ngăn cản dòng nước khi mưa bão lớn, tránh gây lũ lụt. Nếu để rừng bị phá, cây bị chặt còn trơ lại đất trống đồi trọc thì mỗi khi vào mùa mưa bão, nước lũ sẽ như con thú dữ gầm gừ nuốt trọn ngôi làng phía dưới.

     Những ngày này, Minh phát hiện ra trong khu bảo tồn có nhiều loài động vật rất ngộ nghĩnh. Những con sóc màu nâu sẫm, bé như lon nước ngọt thích tìm ăn trái chín cây. Nhưng chúng rất láu, chỉ ăn phần chín ngọt còn lại sẽ vứt đi. Sóc bay lớn hơn, lông màu vàng sậm thường nhảy từ cành này sang cành khác, lớp da gần bụng căng ra như đôi cánh. Rừng nhiều chim, từ chim bé như chèo bẻo, chìa vôi, chiền chiện, sáo… tới các loài chim lớn như cú mèo, diều hâu, gà lôi, chim trĩ… Chúng bay lượn tự do trong khu rừng, làm tổ, kiếm mồi. Mỗi khi có âm thanh lạ, cả đàn xáo xác bay lên, những đôi cánh như mũi tên xé gió vượt lên bầu trời cao rộng cùng những tiếng hót báo động hiểm nguy.

Minh thích nhìn theo những cánh chim bay lên trời cao cùng âm thanh trong trẻo hoặc khi trời sập tối, nhìn chúng bay về tổ sau một ngày vất vả kiếm ăn. Những cánh chim vút lên cao cùng với tự do trong chính đôi cánh của mình. Chúng có niềm tin mãnh liệt vào bản thân để phóng mình lên không trung. Bản lĩnh của chúng làm Minh ngưỡng mộ. Minh chụp rất nhiều ảnh những đàn chim tung cánh bay cao. Lũ khỉ thường đu qua đu lại giữa các cành cây hoặc bắt chấy cho nhau. Trông chúng tình cảm chẳng khác con người. Có lúc thấy một con khỉ mẹ chăm con Minh còn ngạc nhiên sao chúng khéo thế. Rồi cả những con bươm bướm đủ màu bay chập chờn dưới những tán cây, dập dìu bên các khóm hoa dại. Tiếng đập cánh rất khẽ nhưng đồng bộ, Minh lắng tai nghe trong khi tay đã lại giơ lên tanh tách.

     Những lúc ở trong rừng, Minh thấy bình yên và háo hức. Minh luôn mang chiếc máy ảnh cũ theo mình. Có lần Minh đi tới gần một hồ nhỏ giữa rừng, nước trong vắt và lạnh ngăn ngắt. Hồ không lớn nhưng nước xanh như ngọc, Minh có thể nhìn xuống tận đáy nước. Những hòn đá dưới lòng hồ đã bị dòng nước bào mòn, mềm mại và bo tròn lại, xung quanh có một lớp rong rêu phủ nhẹ. Mấy con cá nhỏ bơi tung tăng, có vài cánh hoa rừng rơi cùng lá, mặt hồ xao động những sóng nước nhè nhẹ rồi trở về vẻ tĩnh lặng ban đầu.

Bạn hỏi Minh có thích đi rừng như vậy không, Minh gật đầu, ngày nào Minh cũng dành thời gian lang thang cả ngày cùng bạn trong rừng. Cũng có khi Minh tách bạn ra đi một mình nhưng việc này rất nguy hiểm vì Minh còn chưa thông thuộc hết mọi ngóc ngách khu bảo tồn và trong rừng bao giờ cũng có nhiều thứ không lường trước được. Sợ nhất là độc của các loài cây, rắn rết, côn trùng hoặc những chỗ trơn dốc hay vách rừng. Thường những khi như vậy Minh cũng chỉ dám quanh quẩn gần đấy. Bạn Minh làm ở đây mấy năm rồi, hơn nữa lại theo ba đi rừng từ nhỏ. Công việc chính của bạn là bảo vệ sự tự nhiên vốn có của khu rừng và làm đa dạng thêm các loài sinh vật. Có thể là trồng thêm cây ở khu đất còn trống, cải thiện hệ sinh thái để càng nhiều đàn chim bay về đây cư ngụ và các các loài sinh vật sẽ phong phú thêm. Minh thấy công việc của bạn đầy ý nghĩa nên mỗi khi theo bạn vào rừng Minh cũng hăng hái giúp bạn dù chỉ còn một cánh tay. Một bên tay trái bị teo do bệnh sởi khi bé.

     Ở gần hồ nước trong rừng có một cái hang khá sâu, nhìn vào chỉ thấy tối và lạnh. Minh vào được vài mét đã thấy khó thở và đột ngột lo sợ. Nó giống với hố đen lặp đi lặp lại trong giấc mơ của Minh.

2.

     Vậy là đã hơn một tuần tôi theo chân Tuấn vào rừng mỗi ngày. Rừng đẹp quá, có rất nhiều thứ làm tôi choáng ngợp. Tôi đã từng đứng dưới một gốc cây cổ thụ cao vài chục mét, ngước cổ lên ngắm những tán lá đủng đỉnh đưa theo gió. Những đốm nắng lấp lánh dịch chuyển giữa các khe ánh sáng khi đám lá rung rinh. Gió thổi nhè nhẹ. Trời cao vời vợi và xanh ngắt. Dù nắng giòn ruộm nhưng đứng dưới tán cây trong khu rừng chỉ cảm thấy cái lạnh khoan khoái khắp cơ thể. Tôi giơ cánh tay duy nhất của mình lên, xoè những ngón tay ra để thấy nắng chiếu qua kẽ tay lấp lánh. Một cánh bướm vàng be bé bay ngang qua trên đầu các ngón tay. Tôi cứ nhìn theo mãi tới khi cánh bướm ấy bay khỏi tầm mắt. Tôi cũng từng theo Tuấn leo lên đỉnh đồi cao, từ đó phóng tầm mắt ra không gian bao la trước mặt, thấy bầu trời xanh giao thoa với mặt đất xanh ở cuối trời xa tít tắp. Tuấn hỏi tôi:

  • Minh có thích rừng không?
  • Có chứ, cảm ơn Tuấn đã dẫn Minh theo trong những ngày này. Nếu không có Tuấn làm sao Minh khám phá được vẻ đẹp tuyệt vời của khu rừng như vậy.
  • Minh đã nhận được kết quả chưa?
  • Chưa, Minh vẫn đang đợi nhưng chẳng hiểu sao gần đây Minh hay mất ngủ.
  • Đừng lo quá, mọi thứ sẽ tốt cả thôi, Minh đã cố gắng lắm rồi mà.
  • Nhưng Minh sợ họ không sẵn lòng tuyển một người khuyết tật.
  • Minh viết tốt lại chụp ảnh đẹp, nếu họ không tuyển là thiệt thòi cho họ. Đừng nghĩ nhiều nữa. Cứ chịu khó theo mình đi rừng thì tối về sẽ ngủ ngon.
  • Mà Minh đừng gọi bản thân là người khuyết tật – Tuấn quả quyết.
  • Đúng rồi nhỉ. – Tôi đáp lại rồi nheo mắt cười để Tuấn yên tâm.

     Tuấn lúc nào cũng bên tôi như thế, lặng lẽ và động viên. Tuấn không nề hà khi phải dắt theo tôi vào rừng. Có những khi Tuấn phăm phăm đi trước, tôi mãi ngắm cảnh hoặc chụp hình theo không kịp nên bị bỏ lại khá xa. Tuấn chẳng rầy la gì, vẫn quay lại đi cùng tôi, chỉ cho tôi từng ngóc ngách của khu rừng. Đi vào rừng với Tuấn chẳng khác nào đi cùng một hướng dẫn viên tận tình. Tuấn mang ba lô giùm tôi và đi trước dẫn đường. Tôi hỏi gì Tuấn cũng ôn tồn giải thích, nếu không biết Tuấn sẽ về nhà tìm hiểu rồi hôm sau nói lại cho tôi nghe. Tuấn cũng có những trăn trở vì khu rừng ngày càng bị nhiều kẻ buôn gỗ lẻn vào khai thác. Rồi cả người đi săn thú săn chim. Nó làm cho khu rừng mất cân bằng sinh thái, các loài động vật sợ hãi nên có xu hướng trốn tránh con người hoặc bỏ đi tìm nơi sinh sống khác an toàn hơn. Những chỗ đất trống cũng còn nhiều, lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng nên không thể canh gác tốt suốt đêm ngày được. Tuấn nói gần đây, đêm rừng thường hay có những âm thanh gầm gừ rất lạ. Không biết có phải một loài thú mới tới hay không.

     Mặc dù địa phương cũng ra sức hỗ trợ và vận động, tuyên truyền cho người dân cùng tham gia công tác bảo vệ rừng nhưng chưa cải thiện được tình hình. Ba Tuấn cũng là người gác rừng, Tuấn theo ba vào rừng từ nhỏ nên hiểu rất rõ khu rừng và tập tính của các loài vật nơi đây. Cả ngày Tuấn ở trong rừng hoặc vườn ươm, chỉ về nhà khi trời tối. Có lần nửa đêm nghe tiếng súng nổ, Tuấn vội vàng gọi thêm người rồi chạy lên ngọn đồi. Chỉ thấy vết máu còn sót lại trên cây và mặt đất cùng ánh đèn loang loáng lẩn khuất phía xa. Kể đến đấy mắt Tuấn long lên vừa thương cảm vừa bất lực. “Tuấn không ghét người đi săn nhưng Tuấn ghét việc họ làm”. Tuấn từng nói với tôi như vậy. Những ngày cùng Tuấn lang thang tôi mới hiểu tại sao Tuấn chọn về đây làm thay vì ở lại phố. Sự gắn bó của Tuấn với khu rừng giống như đứa con bảo vệ ngôi nhà linh thiêng của mình.

     Ba Tuấn cũng vậy. Ba Tuấn bị bỏng khi cùng mọi người dập một trận hoả hoạn giữa tháng năm đỏ lửa. Có ai đó đã vứt lại tàn thuốc lá sau khi rời đi và cái đốm lửa bé xíu ấy nhanh chóng bén vào lá khô, bùng cháy rồi la liếm cả khoảnh rừng rộng. Lúc đó ba Tuấn đang đi khảo sát trong rừng nên nhanh chóng tri hô rồi lao vào dập lửa. Nhưng do núi cao và xa nguồn nước nên đám cháy theo gió ngày càng lan rộng ra như chảo lửa. Tới khi cứu hoả đến thì trời cũng bỗng dưng đổ mưa và đám cháy được dập sau đó không lâu. Nhưng ba Tuấn thì bị bỏng.

 Ông đã cố gắng lao vào lửa để cứu một chú khỉ con mắc kẹt. Ông hay kể với Tuấn là may có khu rừng nếu không chắc ông chẳng còn mạng để về sau trận cháy ấy. Bây giờ ba Tuấn làm ở vườn ươm, ông ngày ngày trồng các cây con và hướng dẫn mọi người cách chăm sóc. Ông vẫn vào rừng mỗi ngày, có khi cùng Tuấn, có khi đi một mình. Tình yêu rừng của Tuấn được thừa hưởng từ người cha tận tâm và dũng cảm của mình. Chính vì vậy mà mỗi khi đi cùng nhau, tôi luôn thấy Tuấn nói về khu rừng đầy vẻ say mê xen lẫn tự hào. Tình yêu cao đẹp rất dễ lan toả, và tôi cũng yêu khu rừng hơn từ độ ấy.

3.

     Minh nhận được mail của công ty truyền thông vào một ngày mưa xối xả. Trên mái nhà, tiếng mưa rơi lộp độp không ngừng, thi thoảng không gian như nứt toác ra bởi một tiếng nổ đùng của sấm theo đó là tiếng sét rạch da trời và ánh sáng như luồng điện làm Minh giật mình. Trong mail họ đánh giá cao những tác phẩm mà Minh gửi nhưng nói rằng ngoại hình của Minh sẽ là một chướng ngại và rất xin lỗi vì phải từ chối. Thật ra Minh không bất ngờ. Ngay từ khi gửi mail ứng tuyển Minh đã biết khả năng đậu rất thấp. Nhưng Minh không tránh khỏi nỗi buồn từ sự mặc cảm sâu xa. Dù Minh nỗ lực đến đâu, sự chuẩn bị của Minh có kĩ như thế nào vẫn sẽ bị loại bởi một lí do chẳng thuộc về chuyên môn.

Minh nhớ lại trong mục yêu cầu, công ty không hề để tiêu chí ngoại hình. Minh nghĩ tới cái hố đen như lốc xoáy trong những giấc chiêm bao. Nó cứ ăn dần ăn mòn tới khi Minh hoàn toàn biến mất giữa các vòng xoay. Bao giờ Minh mới có thể bước ra khỏi cơn lốc của chính mình? Làm sao Minh có thể thoát khỏi đó chỉ với một cánh tay? Liệu có ai sẽ đưa cho Minh đôi tay của họ để Minh có thể bám vào?

     Năm mười tuổi Minh bị sởi, căn bệnh hành Minh chết đi sống lại với những cơn nóng lạnh bất thường. Cả người Minh nổi mẩn đỏ và rất ngứa. Mẹ đã tìm bác sĩ đến nhà chữa trị, bệnh của Minh cũng dần khỏi nhưng chẳng hiểu sao tay Minh ngày càng mềm ra rồi teo lại. Minh mất dần cảm giác ở cánh tay bên trái và phải tập làm quen với việc để sử dụng một cánh tay làm hầu hết mọi việc. Mẹ Minh đau lòng lắm và tự trách bản thân nhiều, mẹ nói tại mẹ không kiêng khem kĩ cho Minh, để Minh bị nước bị gió mới vậy. Minh không trách mẹ, Minh chỉ buồn. Minh đủ lớn để cảm nhận nỗi đau của sự mất mát, mất mát một phần của chính mình. Minh cũng thấy người ta thường trêu ghẹo những người không giống mình.

Mới hôm nào Minh còn là đứa trẻ lành lặn vẫn dùng hai tay phụ mẹ việc nhà, dùng hai tay ôm mẹ hít hà và chơi chuyền cùng bạn. Bây giờ chỉ có thể dùng một tay, Minh lặng lẽ hơn, co mình lại vào thế giới riêng. Cũng may có Tuấn, Tuấn gần nhà nên biết chuyện của Minh, Tuấn an ủi Minh nhiều và cố gắng kéo Minh tham gia cùng mình trong các hoạt động của lớp. Minh không phải người năng nổ nhưng rất giỏi viết và dựng kịch bản nên lớp Minh vẫn thường được giải trong các cuộc thi, phong trào. Mỗi lần như vậy Tuấn đều khen Minh, động viên Minh đi theo con đường ấy. Nó cũng giúp Minh tự tin hơn, không co mình lại trong vỏ ốc nữa và cũng không còn bị ai trêu ghẹo.

     Nhưng lúc này đây, Minh lại vấp ngã mất rồi. Minh đã thắp lên một hi vọng nhỏ nhoi cho con đường viết lách của mình vậy mà… Minh thấy buồn quá, lòng Minh rười rượi ướt như cái khoảng sân gạch trước mặt đầy nước. Minh rúc đầu vào trong cánh tay phải, vai rung lên theo từng nhịp nấc.

     Bỗng điện thoại của Minh kêu lên những hồi chuông gấp gáp, là Tuấn gọi.

4.

     Tiếng Tuấn trong điện thoại làm tôi sợ bắn, trời mưa to vậy mà Tuấn lại đang vào rừng. Tuấn ở hồ nước trong gần hang động, cần tôi mang lên đó ít thuốc giảm đau và băng gạc y tế. Những ý nghĩ không may lướt qua làm tôi sợ hãi, quên cả nỗi buồn vì bị từ chối. Tôi lục tủ thuốc gom hết những gì có thể mang đi và cho vào ba lô. Tôi nhét luôn cả máy ảnh và cuộn phim vào rồi mặc áo mưa phóng lên rừng, men theo lối mòn quen thuộc, mưa lớn quá, mưa phả ào ào vào mặt, ướt hết mắt mũi. Tôi phải cố căng mắt ra để nhìn cho rõ đường đi. Nhiều nhánh cây lớn bé gãy rụng xuống, bầy chim xáo xác, lũ khỉ đã trốn biệt tăm. Cả khu rừng chìm trong bóng tối vì bụi mưa và tán cây. Đất dưới chân tôi trơn trượt thi thoảng lại rung cục bộ như một tiếng thở trầm luân, đôi giày dưới chân chốc chốc bật ra khỏi gót. Tôi lôi luôn ra bỏ ở một gốc cây gần đó rồi xắn ống quần, lội chân trần. Nước mưa làm cho lớp đất dưới chân trơn nhẫy, dẻo nhoạnh lại, chốc chốc tôi lại giẫm lên lớp lá mục hoặc vũng nước nhỏ. Tôi phải giơ tay lên vuốt mặt liên tục để có thể nhìn thấy đường. Chẳng có cánh bướm nào quanh quẩn theo tôi.

     Đi mãi cũng tới chỗ hồ nước. Tôi ngó quanh không thấy Tuấn đâu. Hồ nước đục ngầu, những bọt nước vỡ tung toé trên bề mặt đầy lá và cành vụn. Vết máu đỏ nhàn nhạt loang trong nước mưa làm tôi rùng mình. Tôi nhìn theo hướng ngược lại, vệt máu bắt đầu từ cửa hang gần đó. Tôi lắng tai nghe xem có có âm thanh nào kì lạ không? Bấm vội số điện thoại của Tuấn, tôi nghe tiếng reo từ trong hang. Miệng hang khá tròn, những lớp địa tầng xô đẩy nhau bị bao phủ bởi một màn rêu thẫm màu. Trước hang có mấy đám cây dương xỉ loà xoà, che mất một phần cửa hang. Tôi nhìn thử vào trong, tối quá. Tôi có cảm giác như lòng hang đang xoay tròn, từ từ, từ từ. Tôi cởi luôn áo mưa, nhẹ nhàng bước vào trong, vẫn có tiếng chuông điện thoại nhưng không thấy Tuấn bắt máy. Tôi bấm nút đỏ trên màn hình. Âm thanh kia ngừng hẳn. Bật đèn flash của điện thoại lên, tôi rón rén bước vào sâu hơn. Thành hang ẩm mốc nhưng khá cao, chắc là nước mưa ngấm vào nên đôi chỗ loang ướt, từng giọt nước tụ lại rơi độp… độp. Tôi lia lia điện thoại để tìm các dấu vết khắp nơi, có những vệt máu đỏ tươi dưới nền đất, chúng còn ướt và kéo dài vào bên trong. Mùi ẩm mốc của lòng hang với sự ngột ngạt và mùi máu tanh thoang thoảng làm tôi rùng mình kinh hãi. Tại sao Tuấn không trả lời điện thoại? Tại sao lại có nhiều vệt máu như vậy? Có chuyện gì xảy ra? Bao nhiêu câu hỏi cứ đua nhau mãi trong đầu. Nhưng tôi đi tới cuối hang vẫn không thấy bất cứ gì, chỉ có một vũng máu to hơn còn ướt với vài sợi hoe hoe bạc bên cạnh phần vách hang trồi lên như gốc cây to. Có chuyện gì vậy nhỉ?

     Âm thanh tu tu của gió qua vách núi luồn vào hang làm tôi choáng váng, có tiếng đất đá vụn ra dưới chân, lòng hang mở rộng ra gấp ba lần hồi nãy. Những tầng địa chất bên trong lòng hang chồng chéo nhau, giống như những vòng xoáy trong giấc mơ của tôi. Một giọng nói ồm ồm đưa đến.

  • Ngươi là ai? Ngươi là ai? Ngươi là ai? Sao ngươi tàn sát những đứa con ta? Sao ngươi phá hoại vương quốc của ta?

     Tôi giật lùi, đồng tử mở to và cơ mặt căng như đá. Từ cuối hang âm u bỗng sáng lên loá mắt, ở đó một gốc cổ thụ khổng lồ với bộ rễ dài tua tủa như bộ râu của vì chúa tể hiện ra. Gốc cổ thụ trồi dần lên cao hơn, đẩy lòng hang mở rộng ra và cao thêm. Tôi té ngửa ra sau. Một gốc cây hay một vị thần?

     Thần rừng? Chẳng lẽ thần rừng không phải chỉ là truyền thuyết thôi sao?

     Người dân nơi đây đều thuộc lòng câu truyện cổ kể về vị thần bảo vệ vùng rừng này. Đó là một vị thần già ẩn hiện dưới dáng dấp của cây cổ thụ. Bộ râu thần là những chiếc rể dài to khoẻ, khuôn mặt thần là thân cây vạm vỡ. Thần ngự ở nơi cao nhất trên cánh rừng, nhìn xuống toàn bộ lãnh thổ của rừng và chở che cho nó. Muông thú là con của thần, cây cối là hiện thân của thần, đất đai là vương quốc của thần. Thần trị vì ngàn kiếp trên lãnh thổ của mình, không để ai xâm hại tới. Nếu có kẻ nào dám liều lĩnh, cả gan giết chóc trên đất của thần. Thần sẽ trừng phạt, sẽ trừng phạt, bằng sức mạnh của một vị thần nơi u linh.

5.

     Hình dáng to lớn và kì quái của Thần rừng làm Minh chết sững. Cô giật lùi về sau rồi ngã ngồi xuống đất. Minh không hiểu chuyện gì đã xảy ra, điều gì đã đánh thức Thần rừng, làm cho Thần phẫn nộ? Chẳng lẽ là do vệt máu kia? Hay là do Tuấn? Tuấn đâu rồi?

     Minh chồm về phía trước, cúi đầu thành khẩn trước vị Thần tối cao của núi rừng.

  • Con chỉ là một người bình thường, chưa từng làm điều gì phạm đến con của Ngài, đất của Ngài.

     Thần Rừng nghe xong càng tức giận, những chiếc rễ vươn ra dài hơn, siết lấy Minh rồi nhấc bổng lên:

  • Tại sao các con ta đổ máu? Tại sao toàn thân ta đau đớn? Không phải loài người các ngươi thì là ai? Là ai? Ai dám đụng đến lãnh địa của ta?
  • Các ngươi sẽ phải chịu sự trừng phạt của Thần rừng. Các ngươi sẽ phải chịu sự thống khổ do lòng tham và sự độc ác của mình gây ra.

     Nói rồi ném Minh mạnh xuống đất, cũng may Minh chạm đất nghiêng nên không bị thương. Những chiếc rễ rút lại trong tích tắc, lòng hang nhanh chóng thu hẹp lại như ban đầu cùng tiếng gió vụt thoát ra và sự biến mất của vị Thần quyền lực.

     Chỗ Thần xuất hiện còn đọng lại một vệt nước trong, Minh tò mò xem thử. Bỗng một cái hố đen lớn xuất hiện, những vòng xoáy lặp lại không ngừng. Minh bị nuốt chửng vào đó, không thể nào vùng ra được. Xoáy nước trong hố đen ngày càng mạnh hơn, cánh tay duy nhất của Minh chới với tới khi lần nữa bị thả xuống một vách núi. Đất rùng rùng chuyển động dưới chân Minh, bầu trời vần vũ những mây đen và mưa không ngừng rơi. Vậy là hố đen đã đẩy Minh ra bên ngoài hang.

     Minh nhìn thấy một thân cây bị ngã chìa ra phía ngoài, đất cát đang theo dòng nước chảy xuống. Có một con khỉ, là một con khỉ mẹ đang nhoài người xuống phía dưới. Một tay nó bám chặt cái cây đã ngã kia, một tay bị che đi bởi mặt đất. Con khỉ to lớn như loài tinh tinh, giống với những người Eskimo Minh từng xem trên tivi. Minh dụi dụi mắt, khu rừng có loài linh trưởng to lớn như vậy sao? Hay là Minh hoa mắt rồi? Minh tự hỏi không biết điều gì làm cho nó bám vào cái cây kia trong khi mưa to gió lớn. Đám lông nó màu hoe hoe bạc, ướt nhẹp và dính bết vào da. Con khỉ không nhận ra hay không thèm để ý tới sự có mặt của Minh, nó vẫn nhìn chăm chăm vào phía dưới, thân hình căng ra như đang chịu một sức nặng nào đó.

     Minh chạy lại gần bờ vực. Minh không tin nổi vào mắt mình. Là Tuấn, Tuấn ở dưới kia cùng với một con khỉ con trong lòng, máu chảy ra từ chỗ đùi Tuấn, đỏ cả lên đám lông của con khỉ nhỏ nhưng nó vẫn ngoan ngoãn bám vào bắp tay Tuấn. Còn Tuấn thì vắt vẻo giữa một bên là con khỉ mẹ và một bên là cái rễ lớn chìa ra của cây cổ thụ gần đó. Minh gọi Tuấn, Tuấn ngước lên nhìn Minh, gương mặt đẫm nước, thi thoảng nhăn lại do đau đớn nhưng ánh mắt rất rạng rỡ, rạng rỡ hơn cả sự lấp lánh khi Minh soi nắng qua kẽ lá. Tuấn bảo Minh vào hang lấy sợi dây thừng trong ba lô của Tuấn ra. Con khỉ mẹ có lẽ cũng không chịu đựng lâu hơn được nữa. Nó nhìn Minh với đôi mắt long lanh như cầu cứu và âm thanh ư ử trong miệng.

     Minh không thể chạy vào hang lúc này nên cắt một đoạn dây leo rừng, quấn quanh cây cổ thụ nơi Tuấn đang bám vào rễ đó rồi thả xuống cho Tuấn. Khó quá, hai tay Tuấn đều đang phải cố bám giữ để không bị rơi. Con khỉ con hơi hoảng, nó cựa quậy và muốn lên với mẹ làm Tuấn mất thăng bằng. Đất vẫn đang chảy xuống không ngừng một cách giận dữ. Minh quẳng đầu dây còn lại xuống chỗ người Tuấn. Vì chỉ có một tay, Minh không thể làm thay việc của con khỉ mẹ được. Minh đưa tay ra vẫy khỉ con, hi vọng nó hiểu mà nhảy lên tay mình. Như vậy sẽ làm giảm bớt sức nặng lên tay Tuấn. Con khỉ con hiểu ý, nó trèo lên vai Tuấn và nhảy mạnh về phía Minh. Cú nhảy làm Minh ngã lùi về sau nhưng con khỉ thì an toàn.

     Minh bế nó vào cửa hang rồi chạy ra chỗ Tuấn đang loay hoay với sợi dây, tay phải đã buông ra khỏi tay con khỉ mẹ và đang cố gắng quấn chặt sợi dây leo. Con khỉ mẹ vẫn ngồi chỗ cũ, mắt nhìn như thôi miên vào người phía dưới. Thi thoảng nó nhổm dậy đi đi lại lại bằng hai chân. Lúc này Minh mới thấy nó thật sự to lớn. Đám lông hoe bạc của nó rất dài, mượt như tóc nhưng đã ướt hết cả. Có lúc nó vò đầu, ánh mắt đầy lo lắng. Rồi con khỉ bỗng tru lên một tràng dài, trong âm vực có thể nghe ra một lời thỉnh cầu. Nó ngước đầu lên cao, ngửa mặt về phía cửa hang và tru như vậy một hồi lâu.

      Dưới kia Tuấn đã quấn dây leo quay cánh tay phải, bàn tay nắm chặt đầu dây. Tuấn ra hiệu cho Minh kéo lên. Minh chạy lại kiểm tra chỗ đầu dây cột vào thân cây rồi tiến tới bên mép vực kéo sợi dây lên. Một tay không đủ lực, Minh phải đứng sát vào sợi dây rồi bắt đầu xoay tròn. Sợi dây thít chặt vào người Minh, da thịt bị dây thừng siết vào đau điếng. Mỗi lần Minh xoay sợi dây bị kéo ngắn lại và dần dần cái đầu ướt sũng của Tuấn trồi lên được mặt đất trên này. Tuấn bám một tay lấy thế cùng lực kéo của Minh để tiến tới rồi Tuấn gác một chân lên trước. Con khỉ mẹ cũng chạy lại gần Tuấn, nó cầm cánh tay của Tuấn kéo lên. Khi Tuấn trèo được khỏi chỗ nguy hiểm thì Minh cũng tự quấn mình vào sát thân cây. Con khỉ mẹ nhìn vào chân Tuấn rồi nó chạy biến đi. Minh nghĩ nó đi tìm con mình trong hang.

 Tuấn lết lại chỗ Minh, giúp Minh nới lỏng sợi dây. Do dùng lực quấn nhiều vòng nên dây siết rất chặt, Minh quá mệt nên cứ thở hổn hển. Phổi Minh nóng ran và hơi thở nặng nề hắt ra. Tuấn nhìn Minh mỉm cười. Nhưng chưa kịp hoàn hồn thì mặt đất ngưng sụt xuống, dây leo quấn quanh người Minh tự trườn ra rồi trở về chỗ gốc cây cổ thụ. Mặt đất chỗ hai người đang ngồi bỗng dưng nứt toạc, cả hai bị cuốn vào một vòng xoáy và đáp xuống đất.

6.

     Tôi thật không thể ngờ cô bạn bé nhỏ của mình lại can đảm như vậy. Cô ấy dùng một tay kéo tôi lên, tự quấn mình lại trong sợi dây rừng cho tới khi bị nó siết chặt vào thân cây. Dù chân tôi đau nhưng vẫn có thể đi được, tôi tiến lại gần Minh, giúp cô ấy nới lỏng vòng dây. Minh không quá khoẻ mạnh, do cánh tay như vậy nên Minh ít khi chơi thể thao. Cô ấy có thể ngồi cả ngày để viết hoặc theo tôi vào rừng nhưng hôm nay tôi đã bắt Minh quá sức rồi.

Trời mưa to quá. Tôi vào rừng kiểm tra xem có điều gì bất thường không, thời tiết này dễ làm cho cây cối gãy đổ hoặc đất sụt lún như ban nãy. Có khi lũ thú rừng bị kẹt hoặc bị thương trong mưa nên không thể nới lỏng cảnh giác. Nhất là chúng dễ dính bẫy của thợ săn. Hơn nữa tôi nghe ra cả âm thanh rì rầm từ mặt đất dịch chuyển.

Lúc tôi đi ngang qua hồ nước đã thấy một vũng máu, có lẽ con vật nào đó bị thương. Không biết do cây rừng hay do kẻ săn trộm. Tôi lần theo vết máu vào trong hang nhưng đã chẳng còn thấy ai. Tôi để lại ba lô và điện thoại trong đó cho khỏi ướt rồi chạy ra ngoài tìm hướng của âm thanh. Đó là tiếng khẹc khẹc của khỉ. Một con khỉ con bị dòng nước cuốn theo cùng với lớp đất đá sụt xuống vách núi mà chúng tôi chưa kịp cải tạo. Nó đã bám được vào một cái rễ nhỏ. Con khỉ mẹ ở trên chạy theo con kêu éc éc nhưng nó không biết phải làm gì. Tôi nhảy theo dòng chảy, một tay bám vào rễ cây to hơn để không bị tụt đi quá xa. Tôi túm được con khỉ nhỏ nhưng chân đột ngột đau điếng, một tảng đá nhọn hoắt cắt qua đùi tôi rồi trôi xuống, máu tôi chảy ra, ướt cả lông con khỉ nhỏ. Nó biết tôi cứu nó nên ngoan ngoãn leo lên bám vào tay tôi. Bây giờ thì nó đã an toàn ở trong hang khô ráo.

     Hai chúng tôi cũng bị một vòng xoáy lạ kì cuốn vào lại trong hang. Minh đỡ tôi vì đùi tôi vẫn không ngừng chảy máu. Hai mẹ con khỉ đã chờ sẵn. Chúng ngồi xuống bên cạnh một gốc cây to uy mãnh. Con khỉ mẹ chìa ra một nắm lá rừng, thấy chúng tôi ngơ ngác, nó đặt mớ lá lên chỗ máu đang rỉ ra ở đùi tôi. Hoá ra là mấy cây dược liệu. Lúc này tôi mới để ý phía dưới bụng của con khỉ mẹ cũng máu đang chảy ra, nó đã tự đắp lên đó một ít lá y hệt nhưng chưa cầm được máu.

Tôi bảo Minh lấy thuốc và bông băng. Tôi tự lau rửa vết thương ở chân mình còn Minh giúp con khỉ mẹ làm sạch chỗ đau. Tôi quan sát bụng nó, đó là vết đạn sượt qua, không sâu lắm, có vẻ nó đã tránh được viên đạn ghim vào người nhưng đường bay của đạn làm con vật bị thương và chảy máu khá nhiều. Vậy những vệt máu kia là của nó. Không biết kẻ độc ác nào lại ra tay với bầy khỉ. Đây cũng không phải lần đầu tiên lũ thú rừng bị săn bắn, dù là khu bảo tồn thiên nhiên vẫn không tránh khỏi mánh khoé của những kẻ săn thú. Tôi nhìn hai mẹ con khỉ đang vỗ về nhau, lòng nghẹn lên. Đến con vật còn có tình thương chẳng hiểu sao loài người vẫn thường hay tàn nhẫn với thiên nhiên và với chính đồng loại của mình.

7.

     Sau khi xử lí tạm thời vết thương cho khỉ mẹ và Tuấn, chúng tôi ngồi lại trong hang. Tôi bỗng thấy vài tia sáng lọt vào phía cửa. Không còn nghe tiếng mưa nữa. Lạ quá! Tôi thầm nghĩ, nhưng bây giờ mà về cũng không an toàn, hơn nữa Tuấn muốn mang hai mẹ con khỉ về để kiểm tra, khỉ mẹ cần được điều trị kĩ hơn, để ngoài tự nhiên Tuấn không yên tâm.

     Lại có tiếng gió tu tu qua lòng hang và những chiếc rễ nơi gốc cây cổ thụ bắt đầu phát sáng. Thần rừng đã trở lại nhưng khuôn mặt không còn giận dữ như lúc trước.

     Thần cất lên âm thanh vang động như tiếng vọng khi ta hét to giữa đại ngàn.

  • Hỡi loài người, các ngươi đã cứu các con ta. Các ngươi đã bảo vệ vương quốc của ta. Chính đứa con của ta đây đã nói cho ta tất cả, nó đã cầu xin ta cứu lấy ngươi.
  • Ngươi hãy dùng nắm lá ấy mà đắp lên vết thương, rồi ngươi sẽ sớm khoẻ mạnh lại thôi.

     Tuấn bất ngờ khi nhìn thấy Thần rừng nhưng không tỏ ra bất an hay sợ sệt. Dường như Tuấn luôn tin vào sự hiển linh của Thần rừng ở đất này, tin vào sự bảo vệ của Thần. Và Tuấn hiểu vì sao Thần nổi giận. Tôi thấy Tuấn khẽ gật đầu với Thần rừng, ánh sáng vụt tắt, gốc cổ thụ biến mất theo tiếng vút của gió thoát ra khỏi lòng hang. Chỉ còn lại hai chúng tôi và mẹ con nhà khỉ.

     Trong lúc Tuấn loay hoay xem lại vết thương cho khỉ mẹ, tôi lôi máy ảnh ra bấm. Bức ảnh tối màu nhưng phát ra nét dịu dàng, trong ảnh một thanh niên trẻ đang chỉnh lại băng gạc trên bụng con vật, đôi mắt con khỉ ngước nhìn đầy biết ơn và tin tưởng. Nó cũng trở về với dáng vẻ một con khỉ bình thường, không còn to lớn như loài tinh tinh nữa. Chú khỉ con bên cạnh tĩnh lặng dựa vào lòng mẹ, đôi mắt thiêm thiếp chìm trong giấc ngủ.

     Hai tháng sau. Tôi đã mang bức ảnh gửi tới một cuộc thi về bảo vệ động vật hoang dã và giành được giải nhất cùng câu chuyện ý nghĩa phía sau. Người bên tổ chức cũng mời tôi làm biên tập cho chuyên mục Con người và Hệ sinh thái của họ. Tôi rất vui, không phải vì đoạt giải mà vì bức ảnh cùng bài viết đã có thể lan toả tới nhiều người hơn. Từ khi bức ảnh được đăng, nhiều người trong vùng đã tới đăng kí hỗ trợ khu bảo tồn. Họ cũng tham gia trồng cây gây rừng và cải tạo hệ sinh thái của khu vực. Lòng tốt đã được lan toả và tình yêu thương, sự trân quý của con người với tự nhiên, với đất mẹ càng lớn thêm.

     Tuấn vẫn ngày ngày vào rừng, tôi cũng đã có được công việc phù hợp với bản thân. Cuối tuần, tôi lại lẽo đẽo theo Tuấn hoặc tới vườn ươm. Chúng tôi cùng trồng những mầm cây non để phủ xanh khu rừng. Tôi vẫn mang theo chiếc máy ảnh cũ của mình, chụp lại những điều mà tôi thích thú. Khu rừng chưa bao giờ hết xinh đẹp và hấp dẫn với tôi. Tôi đã viết rất nhiều bài về khu bảo tồn này, về cánh rừng và những người gác rừng thầm lặng, về sự tri ân của con người cho đất mẹ. Nhưng tôi sẽ không bao giờ kể câu chuyện về cuộc gặp gỡ Thần rừng của chúng tôi. Những giấc mơ của tôi cũng không còn bị các hố đen nuốt chửng nữa.

     Trong mơ tôi thấy mình đi giữa cánh rừng thân thuộc vào một sáng mùa thu trời trong vắt. Tôi lại nhìn theo ánh nắng nhảy nhót qua vòm lá. Tuấn ở phía sau tôi, bắt chước tôi xoè bàn tay để xem nắng lung linh qua từng ngón dài thô ráp. Tay Tuấn chạm khẽ vào tay tôi, run rẩy và ấm áp. Có tiếng hai con khỉ kêu khẹc khẹc, bầy chim giật mình vỗ cánh bay lên không trung, xào xạc. Cả khu rừng rung lên khe khẽ.

Đọc thêm sáng tác của Sẻ nâu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .