Vị Tết nồng nàn ở thế gian

Vị Tết trọn vẹn nhất là khi ta được ở bên cạnh những người thân yêu. Dẫu vậy, cuộc sống vốn muôn màu. Mỗi người có một cuộc đời riêng. Thế nên Tết là dịp lễ chung nhưng vẫn mang dư vị khác biệt trong tim từng người.

Tản văn Vị tết nồng nàn ở thế gian
Vị tết nồng nàn ở thế gian

Tết trong suy nghĩ của nhiều người là đoàn viên, đủ đầy, trọn vẹn. Là dịp nghỉ dài sau một năm làm ăn vất vả. Là khi người ta được tạm quên đi cuộc sống bộn bề. Người ta trở về với ngày thong thả, với những người nhà. Nhưng Tết không chỉ có nồng nàn. mà còn có cả gian nan kiếp người.

Tết nồng nàn cho những ai được thư thả trở về

Người ở xa đã dự trước được ngày về

Tôi không dùng chữ thư thả theo cách hiểu thong dong, tự tại thông thường. Tôi chọn thư thả để chỉ sự trở về có thể tiên định trước. Tính an toàn và chắc chắn cũng tương đối cao. Người đi làm xí nghiệp xa nhà, cứ khoảng tầm 27 Tết sẽ được nghỉ Tết. Họ dựa vào lịch trình đấy mà đặt mua trước vé máy bay, vé xe đường dài. Tới ngày tới giờ, họ chờ lên chuyến đi ấy mà về lại bản xứ.

Về lại với mái nhà suốt thời thơ trẻ nằm nghe nắng, nghe mưa. Lắng tai ngóng giọng nói trìu mến của mẹ cha đã pha sương dạn gió. Về với khoảng sân nhỏ trước nhà vốn đã rêu xanh. Với đám vườn con dăm loài cây mẹ để dành chờ ngày con hái quả. Với những tháng năm xa xưa từ lâu lắm như được trôi ngược dòng hoài niệm.

Gợi nhớ những ngày xưa bé dại

Vào dịp Tết, người ta thường nhớ lại ngày bé dại. Ta ngong ngóng Tết đến để mẹ đi chợ về khoe tấm áo mới mua cho. Người ta háo hức mong Tết để lăng xăng phụ việc nhà, lau lá, canh nồi bánh chưng. Dù nửa đêm ngủ gà ngủ gật vẫn ương bướng đòi trông cho kỳ được.

Người ta mong tới mồng Một để được cha mẹ lì xì phong bao đỏ rói. Tiếp đó là đi từ nhà nội tới nhà ngoại gom cho đầy ống heo. Ống heo của trẻ nít toàn bị mẹ giữ mãi không trả. Thế mà năm nào người ta (thời bé) cũng vui lại cái niềm vui sớm đã thuộc lòng. Không hiểu sao vẫn háo hức trông mong.

Phải trở về nhà, phải thấy mẹ thấy cha, thấy đàn gà cục ta cục tác trong chuồng cũ, thấy con chó già đủng đỉnh nằm trông ra cổng nhà mới cảm nhận cái Tết của mình tròn vẹn nhất.

Nồng nàn hương cũ cảnh quen

Tết nồng nàn khi người ta được hít hà lại mùi khói của rơm khô, củi ngô, gốc lạc đã bao ngày không tự tay nhóm cháy. Được huơ bàn tay lạnh giá trước ngọn lửa bập bùng sưởi ấm trời đông. Người ta nhớ mẹ cha đã đành. Nhưng cũng dành một phần ký ức để nhớ cái màu đen bồ hóng bám trên gác bế. Và cả cái góc nhà đã loang ố màu tháng năm, cái tủ gỗ đôi chỗ mối mọt chen nhau ăn lỗ chỗ.

Người xưa chuyện cũ

Người ta được nhai lại miếng trầu nhón trộm của mẹ, của bà. Hít thở bầu không khí thanh lành của đồng quê. Chạy xe chầm chậm qua từng con đường làng nhỏ tí lượn quanh. Ngắm con sông quê mùa đông lặng lờ, ngắm những vạt đồng bùn đất chỏng chơ. Người ta có thể tham lam trong vẻ khoan khoái vô cùng được phập phồng thở sau mấy lớp áo bông dày sụ, được cảm nhận bề mặt êm ái của len dạ hay bông, nhung cứ mơn man da thịt.

Thoang thoảng hương xưa

Người ở trọ mấy ai thờ cúng gia tiên. Gia tiên là cái nôi gắn với gia đình, là một phần của dòng tộc. Vậy nên nó gắn bó sâu sắc với quê hương, với ngôi nhà nơi mẹ cha sinh sống. Tết không về quê, mâm cơm Tết vắng nén nhang trầm, vắng lời lầm rầm khấn vái bởi nào đâu có bàn thờ hay di ảnh để dâng lên người thiên cổ.

Giá mà được trở về nhà trong bầu không khí vừa vội vã luôn tay vừa thư thả ngày lễ Tết mới nhẹ lòng thắp nén nhang trầm dâng người cõi Phật. Người ta nhớ quay quắt gian nhà cũ của cha mẹ. Mấy ngày Tết mùi thơm của nhang trầm như nhịp cầu nối hai bờ hư thực, bắc ngang qua mấy cõi thiên – trần.

Vương hương vị cổ truyền không phai đâu được

Người ta có thể mua hay tự tay nấu những món ăn ngày Tết ở bất cứ đâu trên dải đất chữ S này. Nhưng không hiểu vì sao chỉ khi về nhà, ngồi vào mâm cơm quen thuộc, trong căn nhà quen thuộc, giữa người người thân thuộc mới cảm nhận đến cùng vị dẻo ngậy của miếng bánh chưng vừa cắt tan trong đầu lưỡi, vị béo mềm của miếng thịt kho nhừ dưới bếp than đỏ, vị giòn rau ráu của dưa món phơi héo ngày nắng chang.

Cũng phải ở nhà người ta mới lâng lâng cảm giác xấp ngửa luôn tay chuẩn bị cho ngày Tết, ra đụng mặt, vào đụng tiếng. Thứ làm nên mùa xuân không phải chỉ có đất trời giao thoa mà chính là lòng người ta phơi phới trong niềm phấn khởi trông mong một năm mới an lạc giữa cảnh cũ, người quen.

Là hương vị của tình thân

Với những người sống ở nhà cả năm, Tết chắc lẽ không khác mấy với ngày thường. Có chăng nhộn nhịp hơn chút, đông đủ hơn chút, dư thừa hơn chút. Còn với những người đi xa trở về, Tết là cả năm dài ngóng đợi một chuyến hồi hương. Như đàn cá hồi đen phải ngược dòng để tìm về con suối đầu nguồn nước ngọt nơi thế hệ mới từ đó được sản sinh, con người cũng xuôi ngược để trở về nhà trước đêm ba mươi Tết, để kịp lắng nghe đất trời chuyển giao, kịp cho cha mẹ an lòng, mừng vui khấp khởi. Miễn là đông đủ người thương yêu thôi, Tết nghiễm nhiên thấy trọn vẹn rồi.

Không chỉ nồng nàn, Tết còn vô vàn hương vị khác của thế gian

Như là vị mồ hôi những ngày không ngơi nghỉ

Khác với người làm việc trong các cơ quan hay xí nghiệp, người làm dịch vụ có vị Tết rất riêng. Ấy là vị mồ hôi trong những ngày cuối năm bộn bề. Họ vừa cố gắng bán cho hết sạp hàng vừa bồn chồn lo ế ẩm. Không ít người từ Tây Nguyên theo xe mang rau củ quả về các tỉnh khác bán dịp Tết. Họ ráng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy vì cả năm dài đã không kiếm được tiền do dịch giã.

Chiều 28 Tết, trên các vỉa hè khu công nghiệp vẫn la liệt sạp hàng rau củ của người tứ xứ chở tới bán buôn. Người ta bắc loa ra rả cả ngày. “Bắp cải Đà Lạt mười lăm ngàn một cái, cà rốt hai mươi ngàn một cân…” Tiếng loa phát liên hồi càng làm lòng người xốn xang như đang bị ai thúc giục. Ai cũng mong bán cho chóng xong để kịp trở về quê dọn nhà đón Tết.

Mồ hôi mướt mát, gương mặt mệt nhọc, dường như Tết không dành cho những người như họ. Hoặc không giống với cách nghĩ thông thường. Tết với người bán buôn, làm dịch vụ vẫn là cuộc mưu sinh, là tấm vé cuối trước thềm năm mới.

Như là đôi tay lấm lem đổi lấy nụ cười rạng ngời

Ngày cuối năm, quán rửa xe tấp nập người. Xe máy dựng la liệt đủ kiểu dáng, màu sắc. Có chiếc đang được thay dầu nhớt, có chiếc trắng xóa bọt tuyết chờ rửa xe. Gia đình chú sửa xe có bốn người. Ai cũng ướt mồ hôi. Những đôi tay thoăn thoắt thao tác. Người sửa xe, người lau xe.

Chốc chốc công tắc máy bơm nước lại được bật tách một cái. Thằng nhóc cầm dây cao su có gắn vòi nước xịt khắp xung quanh chiếc xe đang được rửa. Con bé phụ mẹ chà lấy chà để quanh những chiếc xe. Khuôn mặt ai cũng thấm mệt nhưng đôi tay không vì thế mà ngừng lại. Chốc chốc có người chạy ngang hỏi xem còn nhận khách không khi thấy xe đã dựng đầy cửa quán. Cả gia đình chú vội vã gật đầu, nhắc khách tấp xe vào lề ngồi đợi chút.

Người bận rộn vẫn không quên hỏi han người khác

Tôi ngồi hơn nửa tiếng chờ chiếc xe của mình được rửa sạch sẽ. Trong lúc ngồi đợi tiện quan sát từ người nhà chú sửa xe tới khách hàng. Có những người như tôi, lao ra đường để sắm sanh thêm cho đủ đầy cái Tết. Đồ ăn ở nhà không ít mà vẫn lo thiếu này, thiếu kia nên mua thêm chút này, sắm thêm chút nọ, tay xách nách mang.

Cũng có người ăn mặc gọn gàng chừng như đi chúc Tết hay trên đường đi chơi. Vài người đàn ông đã ngấm hơi men, gương mặt phừng phừng, vừa nói chuyện với chú rửa xe vừa hỏi han tình hình Tết nhất.

Chú xởi lởi nên chốc chốc lại cười xin khách thông cảm. Trên bộ quần áo rộng thùng thình lấm đen dầu máy và bụi bặm. Ngay cả chiếc khẩu trang y tế màu xanh cũng lem nhem vệt bẩn hình giống đầu ngón tay.

Những người như chú vẫn bận bịu với công việc, tranh thủ ngày cuối năm nhu cầu của khách hàng nhiều hơn mà chiều. Được việc mình cũng thỏa mãn người ta. Từng đồng tiền cũ thu dù ướt và lấm đen từ đôi tay đang cần mẫn lao động nhưng đổi lại được nụ cười rạng ngời của chú. Hóa ra Tết còn có vị mồ hôi chứ nào đâu chỉ ê hề đồ ăn thức uống như ngàn năm nay vẫn thế.

Tết trong nỗi lòng người xa xứ

Tết với những người xa quê không thể trở về là nhớ nhung, khắc khoải một chút lạnh của cố hương, một lần được tận mắt nhìn nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ cha mà cảm thán: “Thời gian ơi! Xin chớ in lên tháng năm tuổi người!“. Tết cũng là khi người ta thòm thèm chút vị quê hương trong lát bánh chưng, trong nồi thịt đông, miếng nem rán (chả giò) giòn rụm.

Bây giờ mọi thứ thuận tiện và dễ dàng hơn. Những đứa con tha hương vẫn có thể được ăn các món ngày Tết, trang hoàng nhà cửa theo phong cách Việt Nam với cành đào, nhánh mai nhưng cái không khí ấm cúng đầu năm mới chừng như vẫn xa xỉ.

Xa xỉ bởi người ta có thể tái hiện được một phần Tết Việt nhưng đâu thể ở trên đất Việt, hít thở bầu không khí Việt, bên những người Việt máu mủ thương yêu. Người ta chỉ tìm cách nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà cồn cào trong tim óc, chỉ học cách chấp nhận cuộc sống mình đã chọn và vui với nó đó thôi.

Mấy ai xa quê mà không mong mỏi ngày về? Nhất là với những người đang một mình rong ruổi trên bước đường đời mà ngày trở lại còn mờ mịt khơi xa.

Tết vẫn nồng nàn khi tim ta chứa chan

Ngẫm ra, dù người ta có đi đâu, về đâu trong những ngày Tết nguyên đán thì vẫn là người Việt Nam máu đỏ da vàng. Tết có thể thư thả hay hối hả, đông đủ hay gieo neo nhưng Tết sẽ vẫn mang hương vị nồng nàn như những ngày xưa cũ nếu trong tim ta có nó. Không biết có ai đón Tết này mà lòng chùng chình nhớ lại những ngày xưa?

Bạn đọc thêm về Nhặt chữ tại đây nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .