Viết lách càng cần nhiều nỗ lực

Viết lách là công việc bản năng hay do nỗ lực mà thành? Năng khiếu có thể giúp bạn dễ dàng hơn ở vạch xuất phát nhưng công việc nào cũng đòi hỏi nỗ lực mới tạo nên giá trị. Viết lách cũng thế.

Viet-lach
Viết lách càng cần nhiều nỗ lực

Viết lách đi cùng những nỗi sợ

Chính trị gia Roy Bennett đã từng nói: “Điều tuyệt vời sẽ xảy ra với những ai không ngừng tin tưởng, cố gắng, học hỏi và biết ơn.” Sự nỗ lực hết mình sẽ mang tới quả ngọt, với người viết cũng vậy. 

Nỗi sợ của người viết

Những người mới tập viết thường có tâm lí lo sợ. Sợ bài viết nhiều lỗi, không có giá trị hoặc không được đón nhận. Họ giấu bài viết cho riêng mình mà không dám công khai với ai. Họ tưởng tượng bài viết có thể bị người khác chê bai hoặc tệ hơn là giễu cợt, công kích. 

Thời điểm mới tập viết, tôi cũng có những bài chỉ viết cho mình đọc. Tôi sợ ai đó sẽ chê mình viết dở hoặc bất đồng quan điểm. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc tôi cũng không được nghe những chia sẻ và góp ý chân thành, không biết mình thiếu sót chỗ nào để chỉnh sửa. Dần dà tôi cảm thấy chán và tần suất viết bài ngày càng ít. Quả thực, những người mới bắt đầu viết là những người còn nhiều hoang mang và dễ bỏ cuộc nhất.

Từ nỗi sợ tới thành tựu là quãng đường dài nỗ lực

Tuy nhiên, không có công việc nào chỉ cần bắt đầu là sẽ có thành tựu. Bất cứ người thành công nào cũng đều trải qua nhiều khó khăn. Nhà báo, tác giả và diễn giả gốc Canada là Malcolm Gladwell cho rằng “10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại”. Nghĩa là cần 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” để ai đó trở thành bậc thầy trong lĩnh vực của họ. Viết lách cũng không là ngoại lệ. Ban phải luyện viết đủ nhiều, nỗ lực đủ lớn mới mong đạt được thành tựu hoặc kiếm được tiền nhờ viết.

Vận động viên chạy marathon phải tập luyện nhiều giờ liền mỗi ngày để chuẩn bị cho một cuộc đua. Và quãng đường tiêu chuẩn cần chinh phục là 42,195 kilomet. Nó hỏi sự kiên trì và sức bền được tôi luyện qua thời gian để có được phong độ tốt nhất. Người viết cũng như các vận động viên điền kinh. Muốn viết tốt, viết hay phải luyện viết mỗi ngày để tăng tốc độ xử lí và hoàn thành bài viết.

Người viết cần nỗ lực rèn luyện như thế nào?

Ngoài ra, người viết cũng nên thử sức với nhiều chủ đề khác nhau, tăng dần độ dài và độ khó cho bài viết. Bạn càng cố gắng, càng kỉ luật thì càng tiến bộ nhanh hơn. Nghĩa là sẽ đến đích sớm hơn. Chẳng hạn, những bài đầu tiên bạn có thể viết tự do 100, 200 chữ sau đó viết theo các chủ để có sẵn, viết theo chuyên môn và tăng độ dài của bài lên 500, 700, 1000… chữ. Quan trọng là bạn luôn duy trì việc viết để nó trở thành một thói quen, một quán tính. Khi đã thành thói quen thì bạn tự khắc sẽ sắp xếp được thời gian để viết.

Bạn nhận được gì khi nỗ lực viết mỗi ngày?

Hình thành thói quen viết

Trước tiên, bạn hình thành được thói quen tốt cho cảm xúc và trí tuệ. Việc gì lặp đi lặp lại đủ nhiều cũng đều thành thói quen. Viết là phương pháp hiệu quả để chia sẻ và cân bằng cảm xúc. Thay vì tức giận, khóc lóc, bạn hoàn toàn có thể tìm đến viết để gửi gắm tâm sự. Những chuyện không vui có thể theo con chữ mà nguôi ngoai. Đó cũng là lí do người ta thường viết thư cho nhau để bày tỏ cảm xúc, để chữ viết thay lời.

Viết còn là cách rèn luyện tuyệt vời cho trí não. Khi viết, bạn phải nhớ lại, phải tưởng tượng, thậm chí phải tra cứu thông tin rồi sắp xếp tất cả cho hợp lí. Do đó, viết là cách hiệu quả để hoàn thiện cả IQ và EQ.

Cải thiện kĩ năng viết

Tiếp theo, bạn cải thiện được kĩ năng viết và dần tìm được ngách viết riêng cho mình. Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản, viết 4-5 tiếng buổi sáng sau khi thức dậy và cố gắng viết ít nhất 10 trang mỗi ngày. Thói quen ấy được duy trì tới mức trở thành kỉ luật viết.

Không thể phủ nhận rằng đó là một điều kiện cho sự thành công của ông trong viết lách. Nhiều bạn khi bắt đầu sẽ không xác định được kiểu viết nào, thể loại nào phù hợp với mình. Người xưa có câu “Trăm hay không bằng tay quen“. Bạn cứ kiên trì làm nhiều lần mới trở nên chuyên nghiệp và có những định hướng tốt hơn trong nghề viết.

Tiến gần tới mục tiêu viết lách của bản thân

Cuối cùng, nỗ lực trong viết lách sẽ giúp bạn đến gần với mục tiêu viết của mình. Đó có thể là trở thành tác giả, thành người viết, thoả mãn đam mê và kiếm được tiền được nhờ viết. Hoặc ít nhất là viết cho chính mình, cho những người thân yêu để bộc bạch, giãi bày, chia sẻ và cân bằng cảm xúc, ghi lại cuộc sống. Mỗi người đến với viết lách cùng những trải nghiệm và mục đích khác nhau. Chỉ có bắt tay vào viết, viết nhiều, viết đều, viết lâu mới giúp ta đến được nơi mình muốn đến, chạm được thứ mình muốn chạm. 

Hãy tâm niệm điều nhỏ này mỗi ngày!

Khi bạn định từ bỏ hãy nhớ tới lí do bắt đầu và câu nói của nhà văn Mỹ, Elbert Hubbard: “Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là anh ta sẽ đạt được thành công.”

Bạn đọc thêm về Cảm hứng viết tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .