3 câu hỏi người viết cần trả lời

Trước khi bắt tay vào viết, bạn nên trả lời ba câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi viết.

cau-hoi-cho-nguoi-viet
3 câu hỏi người viết cần trả lời

Từ một câu chuyện tâm linh

Từ nhỏ mình đã rất khoái nghe những câu chuyện tâm linh. Năm ngoái dù đã quyết định nghỉ việc để đi học nhưng mình vẫn lọ mọ coi tarot. Reader sẽ chia thành các tụ bài để người xem chọn tụ nhận thông điệp. Nếu chia tụ bài bằng cách lật úp chúng xuống thì mặt sau đều giống nhau, rất khó chọn. Nếu thay đồ vật khác tượng trưng cho từng tụ thì bạn sẽ ra quyết định nhanh và dễ hơn.

Tới câu chuyện về người viết 

Mặc dù trông mặt sau các lá bài giống nhau nhưng mặt trước mỗi lá đều được thiết kế độc đáo, kể những câu chuyện riêng. Người viết cũng vậy. Đối với viết, thật khó có thứ gọi là chuẩn mực tuyệt đối bởi là lĩnh vực của sự sáng tạo, của dấu ấn cá nhân. Cùng một chủ đề, một kiểu sự việc nhưng cách mỗi người đề cập sẽ khác nhau.

Theo nhà nghiên cứu Propp, toàn bộ các nhân vật trong văn học dân gian có thể xếp vào 31 loại hành động chức năng. Hay như trong truyện Tấm Cám và Lọ Lem của hai quốc gia khác biệt nhưng đều có chung motif “đôi giày”. Vậy nhưng từng truyện vẫn phản ánh những đặc điểm văn hoá lịch sử riêng của dân tộc đó.

Văn là hiện thân của “nhân”

Tất nhiên, trong viết lách vẫn có những khái niệm, quy tắc, kĩ thuật mang tính phổ quát nhưng nếu hoàn toàn bám vào đó để viết theo thì chỉ tạo ra sản phẩm công nghiệp. Xưa nay, chữ “văn” gắn với “nhân” vì nó là tiếng lòng của người viết thông qua tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Vậy gốc của văn trước ở người viết rồi mới tới người đọc. Bài viết của mỗi người nhất định có khác biệt cho dù cùng thể hiện một đối tượng. 

Cùng một đối tượng nhưng mỗi người sẽ viết khác nhau

Như tình yêu muôn đời là nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân nhưng tình yêu ở mỗi người, mỗi bài đều có ý vị riêng. Tương tư của Nguyễn Bính là những vần thơ mộc mạc, chân phương, ý nhị:

“Thôn Đoài ngòi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”

Còn Tương tư chiều của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cồn cào, thôi thúc, cuồng nhiệt:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!

Gió bao lần từng trận gió thương đi,

– Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi.”

Tại sao cũng là nỗi tương tư mà mỗi bài thơ gợi những xúc cảm khác nhau ? Phải chăng vì chính rung động trong lòng mỗi nhà thơ đã khác nên con chữ và nhịp điệu đều mang tính cá nhân không hoà lẫn.

Câu chuyện bình thường là câu chuyện dễ chạm đến nhiều người

Bao giờ người viết cũng muốn bài của mình đặc biệt và được nhiều người đồng cảm. Cho dù viết một cách chủ quan và bản năng đi nữa. Nhưng để kể một câu chuyện đặc biệt hoặc phải kể bằng cách thức đặc biệt không hề dễ. Chúng ta phần lớn là những người bình thường với cuộc sống bình thường nên những điều bạn trải qua tương tự nhiều người. Đó là lợi thế để thu hút người đọc nhưng cũng có thể trở thành bất lợi nếu một màu, nhàm chán.

Tuy nhiên, ngay cả những tên tuổi như Hemingway, Lỗ Tấn hay Nam Cao vẫn phải nhận những đánh giá trái chiều. Thậm chí nhiều người chỉ được công nhận tài năng và xuất bản tác phẩm sau khi qua đời. Có những sáng tác cần nhiều thời gian hơn độc giả tiệm cận giá trị thực của nó.

Tìm xem bạn nên viết gì?

Nhiều người viết, nhất là người mới, thường bắt đầu bằng việc viết về chính mình. Bởi nó gần gũi nên dễ dàng tìm được cảm hứng. Dẫu vậy, không phải chỉ người viết mới là người duy nhất hiểu và quan tâm câu chuyện của chính họ. Ta vẫn thấy những nhật kí/hồi kí của Đặng Thuỳ Trâm, Lý Quang Diệu… được người khác đón nhận. Thậm chí các bài viết về bản thân của ai đó vẫn có thể được nhiều lượt tương tác nếu gây cảm động hoặc truyền cảm hứng. 

Một số thể loại bài viết

Vậy vấn đề không hoàn toàn nằm ở chỗ bạn viết chuyện của ai. Quan trọng bạn kể chúng như thế nào? Bạn thật sự muốn gửi đi thông điệp gì? Từ đó lựa chọn phong cách viết phù hợp với từng mục đích, từng thể loại. Lấy ví dụ một số kiểu bài viết thường gặp trong nhóm, mình tạm chia:

Tản văn

Tản văn là loại văn xuôi chia sẻ cảm xúc, câu chuyện, trải nghiệm thật về cuộc sống dưới góc nhìn của người viết. Thể loại này gần với nhật kí, phù hợp để trải lòng, chia sẻ tâm sự. Bạn có thể kể về bản thân lồng ghép với những điều rút ra được sau mỗi câu chuyện.

Ngôn ngữ tản văn gần gũi, dễ đọc dễ hiểu. Chúng thường mang tính biểu cảm, tượng hình, tượng thanh. Tản văn dễ chạm đến những tâm hồn đồng điệu với nó dù nội dung quen thuộc đến đâu. 

“Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.”

Đây là cách Phạm Lữ Ân định hình về hạnh phúc. Một trạng thái tinh thần được coi là riêng tư nhưng thật sự là một điểm nhỏ trong tổng hoà các mối quan hệ.

Truyện

Truyện nói chung là các thể loại mang tính hư cấu nhiều hơn. Truyện đề cao sự sáng tạo, không nhất định người thật việc thật. Chẳng hạn, truyện ngắn là lát cắt không – thời gian trong đó có nhân vật, tình huống, cốt truyện, thắt nút – mở nút, điểm cao trào. Ngôn ngữ truyện ngắn vừa gần với đời sống vừa mang tính nghệ thuật và thường tiêu biểu cho hình tượng nhân vật. Cùng đề tài người nông dân nhưng hướng khai thác và thể hiện của Nam Cao khác Nguyễn Công Hoan.

Tác phẩm chuyên ngành

Tác phẩm chuyên ngành là các bài phân tích, nghiên cứu, chia sẻ thông tin/ tri thức về một lĩnh vực cụ thể của khoa học và đời sống. Thể loại này đòi hỏi tính chính xác và thuyết phục cao nên sử dụng từ ngữ của chuyên ngành. Tuy nhiên, lạm dụng chúng sẽ khiến bài viết hàn lâm, khó hiểu.

Để tránh điều đó, người viết nên trình bày, giải thích các lí thuyết bằng ngôn từ dễ hiểu và dùng ví dụ gần gũi, thiết thực trong đời sống. Mức độ tiếp cận tri thức của người đọc đại trà sẽ phụ thuộc vào cách bạn dẫn dắt vấn đề.

Chẳng hạn cách Ngọc Trà giải thích về cà phê nguyên chất trong bài Bạn xứng đáng được uống một ly cà phê “sạch” giúp những người không sành và không nghiền cà phê như mình cũng tiếp cận được.

Một ly cà phê 100% từ hạt cà phê sẽ trải quá trình thu hái chế biến từ nông trại, đến nhà rang xay, qua người thu mua và sự đảm bảo của chủ quán – Cầu nối quan trọng đưa hạt cà phê, ly cà phê nguyên bản tới khách hàng. Dù là đen truyền thống, thêm đường hay sữa thì vẫn là ly cà phê nguyên chất đảm bảo. Ly cà phê giữ trọn hương vị của một loại trái cây chín mọng. Khi uống vào có đó vị đắng, vị chua, có ngọt hậu và cảm thấy “sạch lưỡi”.

Viết theo chủ đề cho sẵn

Cuối cùng, mình muốn nói tới các bài viết theo chủ đề. Đó là các bài viết nhằm triển khai, làm rõ một nội dung, quan điểm. Có rất nhiều cách triển khai loại bài này: tản văn, chuyện kể, nghị luận với cấu trúc rõ ràng và logic. Cấu trúc đơn giản nhất để triển khai chủ đề là theo ba phần: giới thiệu > làm rõ > tổng kết lại. Bạn cũng có thể biến tấu chúng sao cho phù hợp phong cách và mục đích của bài.

Cách mình thường dùng là lồng giữa kể chuyện với nêu lí lẽ, dẫn chứng. Câu chuyện cá nhân được đưa vào bài như một sợi dây dẫn, một chất liệu nối kết đến chủ đề cần làm rõ. Cũng có khi nó trở thành một ví dụ minh hoạ cho quan điểm của bài viết. Hoặc một chất xúc tác vào cảm xúc và suy tư của người đọc.

Lấy ví dụ bài Số không tròn đầy mình viết trước đây. Câu chuyện nghỉ việc để học lên không quá xa lạ nhưng vẫn có thể minh hoạ cho “số không của sự tái sinh”.

“Tôi đăng kí ôn thi cao học. Bắt đầu con đường khó khăn hơn mà mình luôn đau đáu. Lại xa nhà ở trọ, lại một mình vào ra, lại cặm cụi bài vở. Nhiều người hỏi tôi có tiếc không? Có đôi lần tôi cũng tự hỏi lòng như vậy. Nhưng tôi biết rằng nếu không phải khi đó thì sẽ là sau này. Đơn giản tôi đã chọn bắt đầu sớm hơn mà thôi.

Tôi không còn thu nhập tốt nữa, cũng không thể thích gì mua nấy. Khoản chi cho giáo dục và y tế năm 2020 của tôi là con số mà tôi chưa từng nghĩ tới trước đó. (Dù nó chẳng là bao so với nhiều người). Với tôi số 0 này là của sự tái sinh, như chú chim non cựa mình đang chầm chậm mổ vào lớp vỏ.”

Như vậy suy đến cùng, bài viết nên có sự kết hợp linh hoạt giữa tính cá nhân với tính cộng đồng, giữa thể hiện chính mình với gửi gắm thông điệp. Hãy thử trả lời các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? trước khi bắt đầu và bạn sẽ hình dung rõ hơn bài viết mà mình đang muốn hoàn thiện.

Bạn đọc thêm về Hướng dẫn viết tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .