Đã bao giờ bạn mất cảm hứng viết truyện? Ngay cả khi trí tưởng tượng của bạn phong phú, bạn có nhiều câu chuyện để kể thì cũng không có gì đảm bảo bạn luôn có sẵn cảm hứng. Tham khảo 5 nguồn cảm hứng sẽ giúp bạn xoay sở khi không biết viết gì nhé!
Quan sát cuộc sống xung quanh
Bạn không thể là một người viết tốt nếu không quan sát cuộc sống xung quanh và quan sát chính mình. Sự quan sát của bạn cũng không thể chỉ đơn thuần là nhìn vào một đối tượng nào đó mà còn cần nhìn kỹ, nhìn sâu, nhìn toàn diện. Tiếp đó là chiêm nghiệm lại về đối tượng, về câu chuyện đã trải qua.
Như khi bạn đi lướt qua một đứa trẻ bán vé số ở ngã tư đường phố đông đúc người xe. Bạn chỉ nhìn thôi thì vẫn thấy đó nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn một chút sẽ thấy được gương mặt của đứa trẻ ra sao, ăn mặc thế nào, đôi mắt có điều gì ẩn chứa, nó có đi cùng ai không hay chỉ một mình, đằng sau đứa trẻ là một câu chuyện thương cảm hay là một đường dây… Những chi tiết này sẽ quay lại phục vụ cho bạn khi viết về những đứa trẻ bán vé số sau này.
Đối với viết lách nói chung hay với những thể loại viết cụ thể như thơ, tản văn, truyện ngắn hay tiểu thuyết thì quan sát vẫn là phương pháp mà bạn cần thực hiện thường xuyên, liên tục hàng ngày để nạp vào tài nguyên cho chuyện viết. Nhà văn Banlzac từng nói: “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại.” Để ghi lại những hiện trạng của thời đại cũng đòi hỏi nhà văn phải nhìn thẳng vào thời đại ấy và phải thấy cả những điều mà người ta có thể đã bỏ qua. Hay như nhà triết học Goethe cũng nói “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi.”. Vậy nên chẳng có nơi nào bạn tìm được cảm hứng viết truyện của mình nhiều hơn trong chính cuộc sống này. Hãy nhìn thật kỹ để thấy nhiều hơn!
Lắng nghe những câu chuyện của mọi người
Cảm hứng viết truyện có thể đến từ việc lắng nghe. Lắng nghe chính mình sẽ rất thích hợp cho việc viết thơ và tản văn, riêng với viết truyện, bạn nên lắng nghe những câu chuyện từ người khác nhiều hơn. Lắng nghe ở đây không có nghĩa là bạn nhiều chuyện, bạn can thiệp hay phán xét câu chuyện của người khác. Lắng nghe ở đây đơn thuần là bạn tiếp nhận câu chuyện của người khác từ đó sử dụng làm chất liệu viết truyện. Tuy nhiên, việc bạn sử dụng các chất liệu này không nên làm ảnh hưởng tới bản thân nhân vật là nguyên mẫu của câu chuyện.
Trong truyện Chí Phèo, tác giả Nam Cao xây dựng hình tượng Chí – một kẻ nát rượu cũng từ những người nội dung nát rượu khác trong cuộc sống và nhân vật Bá Kiến thì có nguyên mẫu là Bá Bính – Trần Duy Bính. Bá Bính có thời làm tới chức Nghị viên Bắc Kỳ nên hống hách, lộng quyền.
Đấy là cách Nam Cao biến những người, những chuyện ông biết thành tác phẩm. Còn bạn có thể bắt đầu với những câu chuyện nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như bạn ra công viên và nghe được câu chuyện của hai ông bà cụ nói với nhau thì bạn cũng có thể mượn đó làm chất liệu cho một truyện ngắn có sự xuất hiện của yếu tố tình yêu ở tuổi xế chiều chẳng hạn.
Xem tin tức, thời sự, phóng sự điều tra…
Những câu chuyện của người khác mà ta quan sát hay lắng nghe được đôi khi không đủ kịch tính hoặc chưa phù hợp để sử dụng vào tác phẩm mà ta dự định viết. Nhất là với các thể loại phản ánh hiện trạng xã hội, trinh thám, phá án… thì càng cần những tình tiết và cốt truyện gay cấn, hấp dẫn hơn. Lúc này, tin tức, kênh thời sự và những phóng sự điều tra… có thể trở thành nguồn tài nguyên viết cho bạn.
Để có cảm hứng viết truyện phá án, bạn thử đọc nhiều bài trên báo Công an nhân dân hoặc báo Pháp luật. Để viết về các vấn đề xã hội nổi cộm, bạn có thể đọc những báo Vnexpress, báo Dân trí, báo Tuổi trẻ… Trên các tờ báo uy tín có vô số chủ đề để bạn khai thác và vận dụng vào sáng tác. Tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú, say này được chuyển thể thành phim Hương Ga, cũng được lấy cảm hứng từ vụ án của nữ trùm xã hội đen Hương Ga (Hải Phòng).
Đọc truyện, xem phim truyện
Có rất nhiều tác phẩm được lấy cảm hứng từ một tác phẩm hay từ một nhân vật văn học khác. Nếu bạn cần một ví dụ thì nhân vật Sherlock Holmes trong bộ truyện cùng tên của nhà văn Arthur Conan Doyle đã trở thành cảm hứng sáng tác và xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch sân khấu… khác trên toàn thế giới.
Wikipedia có đoạn viết về nhân vật này như sau: “Mặc dù không phải là nhân vật thám tử hư cấu đầu tiên, Sherlock Holmes vẫn được xem là nhân vật nổi tiếng nhất.[1] Đến những năm 1990, đã có hơn 25.000 tác phẩm chuyển thể sân khấu, phim, chương trình truyền hình và ấn phẩm có tên vị thám tử này.[2] Sách kỷ lục Guinness liệt kê Holmes là nhân vật văn học được khắc họa nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh và truyền hình.[3] Sự phổ biến và danh tiếng của Holmes khiến nhiều người tưởng rằng anh là một nhân vật có thật chứ không phải hư cấu.”
Vậy nên bạn cũng có thể đọc các tác phẩm truyện và xem phim truyện để học hỏi cách các tác giả khác xây dựng nhân vật, tạo tình huống truyện, xây dựng cốt truyện hay sử dụng các kỹ thuật khác.
Để tâm tới trí tưởng tượng
Cuối cùng, hãy để trí tưởng tượng trở thành cảm hứng viết truyện của bạn. Với những người thích sáng tác, trong đầu họ thường có nhiều câu chuyện và viết chính là cách để họ biến tưởng tượng thành văn bản hữu hình.
Nhiều người nói rằng họ không nghĩ ra câu chuyện nào cả. Điều này vẫn đúng nhưng đôi khi, trong đầu bạn có chuyện để kể nhưng bạn không để ý đến chúng. Vậy nên đừng quên để tâm tới trí tưởng tượng của bạn.
Trên đây là 5 nguồn cảm hứng viết truyện để bạn tham khảo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm những nguồn cảm hứng khác hoặc kết hợp giữa các nguồn với nhau, miễn sao chúng giúp bạn tạo ra được những tác phẩm ưng ý.
Tham khảo:
Sherlock Holmes – Wikipedia tiếng Việt
Phiên Bản – Nguyễn Đình Tú (isach.info)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter