9 bài tập viết sáng tạo dưới đây giúp bạn tìm lại cảm hứng sáng tạo, vượt qua thời gian chán viết và nâng cao kỹ năng viết theo thời gian.
Tại sao cần thực hành bài tập viết sáng tạo?
Trăm hay không bằng tay quen, viết lách cũng giống như mọi ngành nghề thủ công khác. Chúng đều cần được rèn luyện thường xuyên để nâng cấp và tìm tòi, mài giũa kỹ năng. Viết thường xuyên, liên tục, viết mỗi ngày dù ít dù nhiều. Đó chính là cách để khả năng viết của bạn không bị thui chột. Thực hiện các bài luyện viết sáng tạo sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo khi viết của bạn. Đồng thời giúp bạn làm mới ngay cả những chủ đề quen thuộc. Bạn cũng sẽ tìm được cách vượt qua những giai đoạn bị chững lại, thiếu năng lượng sáng tạo.
Thế nào là bài tập viết sáng tạo?
Có nhiều dạng bài tập viết sáng tạo khác nhau. Việc rèn luyện và ý nghĩa của viết sáng tạo cũng không giống nhau ở mỗi người. Tuy nhiên vẫn có những đặc điểm chung.
Chúng – các bài tập viết sáng tạo – thường được cung cấp dưới hình thức các bài tập ngắn, ngẫu hứng. Tuy nhiên, các bài tập có cường độ cao để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bạn. Ngẫu hứng chính là đặc điểm nổi bật của các bài tập viết sáng tạo. Nhiều cây viết ứng dụng đặc điểm này để viết nên những tác phẩm tuyệt vời của họ.
Ngoài ra, các bài tập này là giúp con người nhìn nhận một điều quen thuộc theo góc nhìn mới lạ. Từ đó, người viết diễn giải nó khác đi. Chúng giúp ta tìm ra điểm thú vị và không còn thấy nhàm chán.
Bài tập viết sáng tạo nên được luyện tập như thế nào để đạt hiệu quả?
Không cần biết bạn thực hành các bài tập viết sáng tạo theo cách nào, điều quan trọng là bạn luyện viết và kết hợp chúng hàng ngày. Xây dựng thói quen luyện viết sáng tạo giúp bạn phát triển kỹ năng viết. Do đó, bạn có thể kể một câu chuyện theo nhiều cách khác nhau. Nhờ vậy, bạn tạo ra các hiệu ứng khác nhau với độc giả.
Bạn bắt đầu luyện tập các bài viết sáng tạo bằng cách ghi chép một vài dòng trong tuần. Thời gian chỉ vài phút cho một lần thực hiện. Sau đó, bạn tăng dần độ dài của bài viết và thời gian viết sau mỗi tuần.
Sau cùng, bạn có thể rèn luyện các bài tập viết sáng tạo 10 phút mỗi lần. Tần suất thực hiện tăng lên vài lần trong một tuần. Nếu duy trì được mỗi ngày trong tuần sẽ càng hiệu quả hơn.
Nếu bạn đang cảm thấy đuối sức sau các dự án viết hoặc muốn xây dựng thói quen viết, bạn có thể thực hiện các bài tập viết sáng tạo. Biết đâu chúng sẽ là nguồn cảm hứng cho các bài viết tiếp theo của bạn. Hoặc củng cố khả năng sáng tạo trong bạn.
Các bài tập viết sáng tạo hiệu quả
Theo dõi những gì xảy ra bên trong dòng ý thức của bạn
Nhiều người gặp phải tình trạng căng thẳng, lo âu hoặc bế tắc khi ngồi hàng giờ mà không thể viết. Bài tập này giúp họ giải quyết được những nỗi sợ trực tiếp ấy.
Hãy lấy một tờ giấy trắng và cây bút. Sau đó viết bất kỳ điều gì mà bạn nghĩ tới đầu tiên. Đừng quan tâm những điều bạn đang viết hay tìm cách chỉnh sửa chúng. Viết như vậy được gọi là viết tự do. Nhà văn Julia Cameron gọi cách viết này là “morning pages” – những trang viết buổi sáng – trong cuốn sách được giải của cô có tên The Artist’s Way.
Tìm kiếm các quan điểm khác nhau về cùng một đối tượng, vấn đề
Nếu bạn thấy khó khăn khi thể hiện bản thân, diễn đạt những điều bạn suy nghĩ thì hãy thử thay đổi quan điểm. Thử lấy một chương hoặc một cảnh từ câu chuyện bạn yêu thích, viết lại nó theo góc nhìn của nhân vật khác. Bạn sẽ học được cách truyền đạt khác đi.
Bạn cũng có thể luyện tập bằng cách sử dụng lời kể của các nhân vật khác. Nghĩa là thay đổi ngôi kể. Bạn chuyển từ ngôi thứ nhất xưng tôi sang ngôi thứ ba theo tên nhân vật hoặc ngược lại. Khi thay đổi quan điểm, hãy chú ý và cẩn trọng với các chi tiết nhỏ. Chúng sẽ dẫn đến một góc nhìn mới thú vị. Thậm chí là dẫn tới một bước ngoặt cho câu chuyện mà bạn viết.
Sử dụng lợi thế từ việc viết lời nhắc
Lời nhắc viết hoặc phần mở đầu cho một bài viết, một câu chuyện sẽ trở thành công cụ viết lách đắc lực giúp bạn khám phá những phương pháp sáng tạo mới lạ và thú vị. Các câu văn, đoạn văn ngắn cũng trở thành chất xúc tác để khơi mào cho một câu chuyện đầy ngẫu hứng.
Để bắt đầu bài tập này, bạn có thể tự lên cho mình một danh sách các lời nhắc viết. Đó có thể là những gì ở bên ngoài cửa sổ, những câu thơ, chuyến đi, âm nhạc, khiêu vũ, ẩm thực… Tất cả đều trở thành lời nhắc nhở viết hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt đầu một câu chuyện từ một yếu tố bất kỳ. Như là viết ra một câu văn rồi từ đó xây dựng nên một bài viết, một tác phẩm truyện theo trí tưởng tượng của bạn.
Trò chuyện với chính bản thân mình
Hãy nhớ lại xem bao lâu rồi bạn không viết một lá thư hoặc nhìn sâu vào bên trong để trò chuyện với chính mình. Bạn còn nhớ cảm giác ấy không? Nghĩ về đứa trẻ bên trong bạn (hoặc là phiên bản trẻ tuổi hơn, thậm chí nhiều tuổi hơn) và trò chuyện với người đó. Đấy là cách để bạn khám phá nhiều hơn về bản thân.
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ chủ đề nào để bắt đầu cuộc trò chuyện. Hãy trung thực với các suy nghĩ của mình. Bạn sẽ nhận được các kết quả bất ngờ.
Đây là một bài tập viết sáng tạo thú vị. Đồng thời cũng là một giải pháp tự “trị liệu tâm lý” hiệu quả. Bạn sẽ lắng nghe được bản thân sâu hơn, thành thực hơn. Từ đó, bạn khám phá ra những điều bình thường không để ý tới. Nó cũng sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề bản thân đang mắc phải một cách đơn giản hơn. Thậm chí là chữa lành từng chút tổn thương tinh thần trong bạn.
Tập viết sáng tạo các câu chuyện chớp nhoáng (Flash fiction)
Đặc điểm của các bài tập viết sáng tạo là không yêu cầu người viết dành nhiều thời gian. Ở phương pháp này, bạn hãy cố tạo ra một truyện chớp nhoáng. Bạn ngồi vào bàn, sử dụng máy tính hoặc sổ tay rồi bắt đầu viết. Dạng truyện này thường sẽ không quá 500 từ nên hãy viết một cách ngắn gọn.
Nếu viết tự do cho phép bạn viết ra các từ, các câu theo trạng thái tâm tưởng không bị kiểm soát thì bài tập này có những khác biệt. Để viết truyện chớp nhoáng, bạn vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc viết truyện. Đó là việc sử dụng các thủ pháp xây dựng cốt truyện, xung đột truyện, sự phát triển của các nhân vật. Các yếu tố này giúp bạn tạo ra một cốt truyện hợp lý và logic. Độ khó của bài tập này đã tăng lên so với bài viết tự do đơn thuần.
Xây dựng một câu chuyện với các từ ngữ bất kỳ
Đây là một bài tập viết sáng tạo không quá khó nhưng rất hiệu quả để phát huy khả năng sáng tạo và vận dụng ngôn ngữ. Bạn chỉ cần chọn ra một số (3 hoặc 4) từ ngữ bất kỳ nghĩ đến trong đầu ngay lúc đó rồi viết một câu chuyện. Yêu cầu là câu chuyện của bạn phải có sự xuất hiện của các từ đã chọn và chúng cần được liên kết với nhau một cách hợp lý.
Bài tập viết sáng tạo các nội dung quảng cáo giả
Viết các quảng cáo giả cũng là một bài tập viết sáng tạo tiềm năng dành cho bạn. Ít có công việc nào kích hoạt các dây thần kinh sáng tạo của bạn nhiều như khi cố gắng bán một sản phẩm, ý tưởng, dịch vụ nào đó.
Bạn không cần nhiều thứ để bắt đầu bài tập này. Thứ bạn cần là tìm một tờ báo hay tạp chí rồi chọn ra một từ ngữ bất kỳ. Tiếp theo bạn cần thử viết quảng cáo cho từ ngữ đó.
Bài tập này sẽ hữu ích hơn khi bạn viết một bài quảng cáo với giọng điệu trang trọng, ngắn gọn như các quảng cáo được phân loại trên báo chí. Thực hành bài tập viết quảng cáo giả giúp bạn biết cách sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả để bán các chủ đề của bạn.
Sau đó, bạn hãy viết quảng cáo theo nhiều phong cách khác nhau. Ví dụ là bài quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Dạng bài quảng cáo này có độ dài lớn hơn so với quảng cáo báo chí.
Cho dù là quảng cáo báo chí hay quảng cáo online, hãy cố gắng tận dụng từ ngữ để thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Viết câu chuyện của người khác theo cách riêng của bạn
Hãy thử sử dụng một câu chuyện của người khác làm chất liệu và biến nó trở thành của riêng bạn. Ở bài tập viết sáng tạo này, bạn không viết câu chuyện theo quan điểm khác mà là kể một câu chuyện theo một quan điểm nhưng bằng từ ngữ của bạn.
Đó sẽ là bất cứ câu chuyện nào mà bạn muốn viết. Câu chuyện của người thân quen, của bạn bè, câu chuyện bạn vô tình được biết hoặc là những truyền thuyết được đồn thổi nơi bạn ở.
Cho dù là chuyện gì, hãy viết như thể nó đang xảy ra với bạn. Nếu câu chuyện còn thiếu các tình tiết, hãy tự thêm vào những điều bạn muốn để biến nó thành một câu chuyện mang dấu ấn của bạn. Bạn cũng có thể chọn một câu chuyện được nhiều người biết đến rồi viết lại như là bạn đã chứng kiến toàn bộ chuyện. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể biến mình thành nhân vật chính trong đó.
Viết trên ứng dụng viết nguy hiểm (dangerous writing)
Bạn có thể luyện các bài tập viết sáng tạo trên ứng dụng viết nguy hiểm. Ví dụ như ứng dụng squibler.io. Ứng dụng này cho phép bạn thiết lập thời gian cho một bài viết. Khi nhấn bắt đầu, ứng dụng sẽ đếm lùi thời gian cho tới khi kết thúc. Trong thời gian đó bạn cần gõ liên tục không ngừng lại quá 3 giây mỗi lần. Nếu ngừng lại quá 3 giây, tất cả những gì bạn đã gõ sẽ biến mất. Cơ chế hoạt động của ứng dụng giúp bạn rèn luyện tư duy viết và khả năng đánh máy cũng như khả năng tập trung cao độ trong thời gian ngắn. Lâu dần, bạn có thể cải thiện việc viết và sáng tạo các nội dung tốt hơn.
Khi bạn cảm thấy không còn hứng thú với việc viết hoặc muốn viết nhưng không được, hãy nghỉ ngơi và bắt đầu lại với các bài tập viết sáng tạo. Chúng sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác viết và khơi gợi năng lượng sáng tạo bên trong bạn.
Nếu có phương pháp tập viết sáng tạo nào nữa, hãy chia sẻ ở phần bình luận nhé!
Tham khảo: 7 Creative Writing Exercises For Writers
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter
2 bình luận
Cảm ơn chia sẻ của chị ạ
Em có đang trải qua thời gian như vậy không?