Mình đã từ tay mơ trở thành freelancer full-time như thế nào?

Một năm trước, mình là tay mơ đến với viết lách. Hiện giờ mình là đồng tác giả của 4 cuốn sách, writing mentor, blogger và trở thành freelancer full-time.

Để trở thành freelancer full-time cần nhiều nỗ lực và kỹ năng

Khi mới tìm đến những cộng đồng viết online, mình chỉ đơn giản muốn luyện viết, muốn bài viết của mình được mọi người đón nhận. Chính mình cũng không ngờ sẽ trở thành writing mentor hay freelance writer trong nửa năm sau đó.

Lúc bắt đầu mình vẫn chưa biết gì về thị trường viết ngày nay hay những cơ hội kiếm tiền từ viết. Có một thời điểm mình hoang mang vì nghĩ văn phong của mình không hợp với thị hiếu của độc giả. Mình không biết nên đi con đường nào nếu chọn làm công việc liên quan tới viết.

Dưới đây là 7 việc mình đã làm để từ tay mơ trở thành freelancer full-time:

1. Tập trung vào điểm mạnh của bản thân

Xác định được điểm mạnh của bản thân và tập trung vào đó giúp mình thêm tự tin, khai thác được sở trường. Mình nhớ từng đọc trong một cuốn sách về 3 yếu tố giúp một người tìm được công việc phù hợp:

Công việc nên làm = Sở trường (thế mạnh/khả năng/chuyên môn) + Sở thích + Nhu cầu của thị trường (có thể kiếm được tiền).

Sở trường là kiến thức, trải nghiệm mà bạn có thể chia sẻ, tư vấn hoặc hướng dẫn cho người khác. Đồng thời, làm việc liên quan tới sở trường thì bạn cũng có sẵn những mối quan hệ cần thiết với đồng nghiệp, khách hàng.

Các đặc điểm tính cách như cầu tiến, hòa đồng, ham học hỏi… hay các kỹ năng như giao tiếp, xử lý vấn đề, lập kế hoạch, thiết kế, công nghệ… sẽ cần thiết và là lợi thế cho bạn.

Với mình, thế mạnh nằm ở nền tảng chuyên Văn từ bé tới đại học, cao học. Mình hợp với những dạng bài long-form chia sẻ kiến thức hoặc các sáng tác mang tính văn chương (truyện, tản văn, thơ). Vì vậy, mình xây dựng blog cá nhân để đăng tải các bài hướng dẫn viết, cảm hứng viết và sáng tác. Nội lực khi viết và kỹ năng sư phạm cũng giúp mình tự tin mở khóa học viết lách cơ bản và viết sáng tác trên blog.

Sở thích sẽ là điều kiện để bạn làm việc mà không rơi vào tình trạng chán nản hay căng thẳng thường xuyên. Khi làm điều bạn đam mê, bạn dễ dàng sáng tạo, nỗ lực hết sức. Nếu bạn từng làm một công việc không thích chỉ để mưu sinh thì bạn sẽ hiểu sâu sắc điều này. Đam mê viết lách cũng là lý do mình muốn theo đuổi công việc hiện tại, có thể viết mỗi ngày và viết hơn 700 bài chỉ trong một năm.

Nếu bạn muốn bài viết được đón đọc, khả năng được công nhận và tạo ra thu nhập thì bạn cần nắm được nhu cầu của thị trường. Độc giả của bạn là ai, họ muốn muốn đọc gì, khách hàng cần những nội dung như thế nào. Khi bạn đáp ứng được những điều ấy, bạn sẽ biết nên làm gì để phát triển. Cũng như mình đã tìm thấy giá trị trong công việc mình yêu thích và có năng lực.

2. Xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Đã biết bản thân có thế mạnh gì rồi, bạn cũng nên vạch ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu giống như điểm đến. Có mục tiêu cụ thể, bạn sẽ biết nên đi con đường nào, tránh hoang mang và lãng phí thời gian. Có mục tiêu, bạn cũng sẽ biết hành động thế nào tiếp theo.

Việc đặt mục tiêu đường dài, ví dụ như trở thành một cây viết có thu nhập 1000$ mỗi tháng, là cần thiết để bạn định vị. Tuy nhiên, chúng ta không thể đi một bước mà tới đích ngay. Bạn sẽ cần đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, từng bước chinh phục nó. Chẳng hạn, để có được thu nhập như trên, bạn sẽ chia nhỏ ra các mốc thời gian. Mỗi cột mốc tương ứng một mục tiêu. Ví dụ: tôi sẽ viết 50 bài blog trong 3 tháng, có công việc viết đầu tiên sau 3 tháng, có ít nhất 3 khách lâu dài sau 1 năm… Những mục tiêu nhỏ này dễ thực hiện hơn và cũng giúp bạn có cảm giác thành tựu, tự tin hơn.

3. Để người khác nhìn thấy khả năng và sự cố gắng của bạn

Nếu bạn chỉ viết cho chính mình đọc thì sẽ không cần quan tâm tới những gì mình chia sẻ trong bài này. Còn khi bạn muốn được công nhận, có việc làm, có thu nhập từ viết thì bạn nhất định phải cho người khác thấy khả năng và sự cố gắng của bạn.

Bạn đã biết sở trường của bản thân, thị hiếu của độc giả, vậy bạn cần viết những bài mà họ cần/muốn đọc. Bạn là một chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên viết về dinh dưỡng, chia sẻ trên FB, blog hay trong các hội nhóm về dinh dưỡng/sức khoẻ. Thậm chí bạn có thể tìm các chuyên mục về sức khoẻ dinh dưỡng trên báo để cộng tác. Hoặc bạn cũng có thể viết cuốn sách của riêng bạn.

Tất nhiên, một bài viết không giúp người ta nhớ tới bạn là cây viết về lĩnh vực đó. Bạn cần kiên trì, viết đều, viết nhiều trong một thời gian đủ dài để mọi người nhớ tới bạn gắn liền với lĩnh vực đó. Ngay từ một năm trước mình đã chia sẻ những kiến thức, những tips viết lách trên các nhóm. Sau đó là trong nhóm riêng và blog cá nhân. Mọi người cũng đang nhớ về mình là một người hướng dẫn viết, một người viết tự do.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc chia sẻ tích cực các nội dung hữu ích lên các hội nhóm, tham gia các hoạt động của nhóm, thử sức với các cuộc thi viết, tìm kiếm cơ hội trở thành tác giả sách từ các nhà xuất bản/đơn vị…

4. Đầu tư vào phát triển bản thân khi muốn trở thành freelancer full-time

Không biết thì phải học. Trong thời đại số này, bạn đứng yên là bạn đang thụt lùi so với xã hội. Bạn không thể biết hết mọi thứ, nhất là khi bạn vẫn đang là newbie, một kẻ tay mơ chẳng biết gì.

Mình đã đọc số sách nhiều hơn 7 năm qua (từ khi tốt nghiệp) cộng lại kể từ khi viết. Những sách mình đọc cũng là sách hướng nghiệp liên quan tới nghề viết, tiếng Việt. Ngoài ra, mình còn tham gia khóa học viết của những người có tên tuổi nhất định trong nghề. Đọc các bài viết, blog, bản tin, sách, tham gia workshop… cũng là cách để học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ họ. Khi bạn có mentor, bạn sẽ được định hướng để rút ngắn thời gian và chọn được “sân chơi” phù hợp.

Không chỉ vậy, bạn cũng nên đầu tư vào các nền tảng giúp xây dựng thương hiệu cá nhân như FB, blog, Youtube, Tiktok, Insta… Tùy vào mục tiêu mà bạn chọn nền tảng phù hợp. Từ đó xây dựng nội dung, đồng bộ hóa và liên kết các kênh này để độc giả có thể nhận diện bạn dù là ở đâu.

Blog/website là một nền tảng chuyên nghiệp dành cho người viết được nhiều người khuyến khích sử dụng. Mình đã bỏ tiền làm blog trước cả khi có thu nhập từ viết. Blog trở thành CV/Portfolio để mọi người đánh giá năng lực chuyên môn của mình. Các sản phẩm dịch vụ của mình cũng được đăng tải trên nền tảng này, giúp mình có thu nhập từ viết lách. Trở thành writer, mình cũng tìm được công việc để không ngừng phát triển bản thân.

5. Xây dựng cộng đồng có kết nối sâu sắc

Bạn có thể xây dựng cộng đồng bằng cách tạo group trên FB. Tuy nhiên, khi tạo group, bạn sẽ cần xác định được group dành đối tượng nào, cung cấp những nội dung gì, sẽ có các hoạt động như thế nào, đối thủ của bạn ra sao… Phát triển group không đơn giản. Nó đòi hiểu nhiều thời gian và bạn cũng cần sản xuất các nội dung liên tục để duy trì “sự sống” cho group.

Nếu bạn chưa sẵn sàng cho điều đó, hãy quan tâm tới những nhóm mà bạn đang tham gia và nền tảng mà bạn chọn để xuất hiện. Cộng đồng ở đây có thể hiểu là những người sẽ đọc bài viết của bạn, xem/nghe video/podcast của bạn. Bạn tạo ra cộng đồng chất lượng quanh bạn bằng cách chia sẻ những nội dung giá trị, tương tác với mọi người trong phần bình luận, tặng họ những ưu đãi (workbook, ebook, quà từ minigame, discount cho SPDV), làm việc tận tâm và chuyên nghiệp…

6. Làm việc với thái độ nghiêm túc và cầu thị

Chắc bạn cũng từng nghe “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Chuyên môn, kinh nghiệm là cần thiết để bạn làm việc, nhận được sự tin tưởng. Tuy nhiên, thái độ làm việc của bạn cũng quan trọng không kém. Bạn nói thích viết nhưng chỉ lâu lâu đăng một bài thì làm sao người khác thấy được bạn có cố gắng. Bạn mới tập viết nhưng đã xem thường người khác, gay gắt khi đọc những bài viết không cùng quan điểm. Những ứng xử như vậy thường khiến mọi người dần bỏ theo dõi bạn, tránh làm việc chung với bạn.

Độc giả và khách hàng sẽ đánh giá bạn qua những gì mà bạn thể hiện. Bạn cố gắng, bạn kiên trì, bạn cầu tiến hay bạn tự cao, bạn lười biếng, người khác đều thấy cả. Một trong những bí kíp của mình là kiên trì với việc viết và cho mọi người thấy thế mạnh của mình. Nó giúp mình được mọi người nhớ đến là một người có nội lực và tận tâm với con đường freelance writer. Cũng nhờ đó mà các học viên tìm đến mình, những “tiền bối” giới thiệu công việc cho mình khi thấy phù hợp.

7. Chia sẻ giá trị trước và cả khi đã trở thành freelancer full-time

Khi đọc cuốn “Chó sủa nhầm cây”, mình nhớ kết quả của một nghiên cứu chỉ ra rằng những ‘người cho đi’ là những người đạt được thành công lớn và lâu dài. Bạn cũng sẽ thấy điều ấy ở các nguyên thủ quốc gia, người nổi tiếng, doanh nhân… Mặc dù ban đầu họ thường chịu nhiều thiệt thòi khi mang những gì mình có cho người khác mà không đòi hỏi nhận về.

Bạn cũng dễ có ấn tượng tốt với một ‘người cho đi’ phải không?

Ngày nay, mọi người có thể tìm thấy vô số thông tin trên internet nhưng không phải thông tin nào cũng giá trị hoặc chính xác. Người đọc rất cần những thông tin hữu ích, lành mạnh. Vì vậy những nội dung càng có giá trị, mang lại lợi ích cho người đọc càng được đón nhận tốt hơn. Họ cũng sẽ muốn theo dõi, hợp tác với một người biết chia sẻ các giá trị tới cộng đồng.

Điều đó không có nghĩa là bạn làm mọi thứ miễn phí. Bạn chỉ cần hiểu rằng những người biết chia sẻ, hỗ trợ người khác vẫn luôn được đánh giá cao. Kiến thức, kinh nghiệm của bạn cũng sẽ giúp người khác trên hành trình của họ, cho họ thêm cảm hứng và niềm tin. Ngay cả một bài viết bình thường của bạn cũng có khi sẽ chạm tới tâm sự của ai đó, giúp họ thấy được an ủi.

Mình đã viết hơn 700 bài trong vòng 1 năm, đa phần trong số đó là miễn phí. Những bài viết miễn phí không trực tiếp có nhuận bút như khi viết thuê cho khách nhưng chúng hợp với một tệp người thích đọc, thích viết. Mình cũng thường xuyên tư vấn về viết lách khi có ai đó muốn xin ý kiến. Những việc nhỏ nhỏ như vậy vô tình giúp mọi người nhớ tới mình như người có khả năng thấu cảm, biết cho đi. Mọi người tin tưởng mình hơn, từ đó mình lại tiếp tục có học viên, có thêm thu nhập từ nghề viết. Với mình, công việc truyền cảm hứng cho người khác giúp mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Chút quả ngọt của mình sau một năm bắt đầu viết lách:


– Đồng tác giả của 4 cuốn sách
– Blog cá nhân
– Hai cộng đồng về viết lách (Yêu lại tiếng Việt) và đọc sách (Khi phụ nữ đọc)
– Writing mentor cho khóa viết cá nhân
– Mentor liên kết cho chương trình dạy viết của một cộng đồng OWD
– Cộng tác viên báo chí

Có nhiều cách để bạn theo đuổi nghề nghiệp trong mơ. 7 cách trên có thể là gợi ý cho bạn nhưng không phải tất cả để trở thành một freelancer full-time. Bạn là người hiểu rõ nhất về bản thân. Bạn cũng là người cần lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Mong rằng câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm động lực cho bạn để trở thành một người viết. Hoặc trở thành bất cứ ai mà bạn muốn.

Đường có thể dài, chông gai chắc sẽ nhiều nhưng sự kiên trì sẽ giúp bạn đi đến đích.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .