Sài Gòn thương từng chút thôi

Sài Gòn đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không thể nào thương nổi. Bởi Sài Gòn xô bồ, hối hả. Sài Gòn như người ta nói hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Nhưng rồi tôi học ở Sài Gòn, có bạn ở Sài Gòn. Số lần tôi “gặp” Sài Gòn nhiều hơn đồng nghĩa với tình cảm tôi dành cho nơi này cũng lớn thêm từng ngày.

Sài Gòn từng chút làm người thấy thân thương, gắn bó

Tôi yêu Hà Nội, một tình yêu thật thà không giấu giếm. Điều ấy tôi nhắc nhiều trong những bài viết của mình. Riêng với Sài Gòn, dù chẳng xa xôi nhưng tôi vẫn đang học thương thành phố này từng chút, từng chút qua mỗi lần chạm mặt.

Hôm trước tôi lên trường gặp thầy trưởng khoa và cô hướng dẫn. Cũng đâu đó nửa năm hơn rồi tôi mới gặp lại cô thầy. Sáng tôi chạy xe lên Sài Gòn sớm hơn giờ hẹn, ghé Katinat cà phê với Cáo, chị Dương và bé Trúc. Tôi đứng ở đầu đường Trần Phú, nhìn thấy Katinat nhưng mãi chẳng dám vào. Nhìn đi nhìn lại bản đồ trong điện thoại, xem lại địa chị đã lưu, tôi căng mắt tìm số nhà của quán cà phê bên kia đường mãi chẳng thấy. Rồi tôi cũng đánh liều sang đường, bạn tôi đã ngồi trong ấy từ khi nào.

Tôi biết mình bắt đầu chộn rộn vì Sài Gòn dù Sài Gòn, ở những nơi tôi từng ghé, luôn đắt đỏ. Bù lại chất lượng dịch vụ và không gian thường khiến tôi hài lòng. Ngay cả những cung đường hai bên hàng cây lao xao nắng gió, ngay cả những cây cầu lồng lộng với mênh mông cũng làm lòng tôi mỗi lần thêm hẫng nhịp.

Lần trước tôi và Cáo cà phê ở một quán nào cũng trên đường An Dương Vương, tôi không còn nhớ tên. Chỉ nhớ quán có nhiều lầu. Hôm đó chúng tôi ngồi trên lầu cao, cạnh ô cửa kính nhìn ra một ngã tư nơi hai con đường giao nhau với những quán hàng dựng xây san sát. Bên ngoài ô cửa sổ là những hàng cây cổ thụ cao mấy chục mét. Cây cổ thụ gần chúng tôi nhất cũng cao hơn 30 mét, tán lá xanh mát vươn vào sát ô cửa.

Sài Gòn hôm đó có nắng nhẹ, thi thoảng mây xám bay ngang mang theo màu âm u. Tôi thấy gió reo trên từng cánh lá. Đường không nhiều xe, những vạch sơn trắng nằm trơ cho nắng xói. Tôi ngồi chờ Cáo tới, chốc chốc lại ngó ra đường, ngắm cảnh. Ngoài kia đẹp quá! Tôi thích cảm giác đó, tĩnh tại trong tâm trí mặc cho xung quanh là những cuộc trò chuyện ồn ào. Tôi muốn thả cho suy nghĩ đi hoang cùng những gì va vào các giác quan loài người. Những lúc ấy, tôi thấy Sài Gòn đẹp hơn, đáng để yêu hơn.

Katinat cũng có mấy tầng lầu. Tường sơn màu xanh lam cổ kết hợp với nhiều cửa kính. Bàn ghế gỗ nâu, hương cà phê ướp nồng không gian. Không nghiền cà phê nhưng tôi luôn phải lòng mùi thơm của thứ đồ uống gây nghiện này. Nhất là ở những quán có phục vụ cà phê rang xay. Và cả mùi thơm từ những chiếc bánh ngọt nhiều màu. Bánh ngọt và cà phê đắng làm tôi tưởng như mình đang ở Pháp, cổ điển và ngẫu nhiên.

Chúng tôi di chuyển lên lầu trên sau khi mọi người tới đủ. Trước đó, tôi và Cáo ngồi ngay cạnh cửa ra vào. Vẫn là những ô kính lớn nhìn ra con đường An Dương Vương quen thuộc, hai bên toàn những cây gỗ cao. Dòng xe tấp nập ngược xuôi, ngày cuối tuần không vắng vẻ hơn bình thường.

Tôi thích những con đường trồng nhiều cây xanh hai bên. Nếu là cổ thụ càng tốt. Tôi vẫn thường cảm tình với những điều mang dấu ấn thời gian. Có lẽ tôi bắt đầu dành tình cảm cho Sài Gòn cũng bởi những con đường trồng cây xanh và những lần ngồi trong một quán cà phê vu vơ ngắm phố người qua. Phố khi đông đúc, phố lúc vắng người. Mỗi thời khắc đều có riêng điều thú vị.

Tới giờ hẹn với thầy cô, tôi chào bạn rồi chạy xe qua trường. Đứng chờ ngoài cửa phòng tọa đàm khá lâu, cuối cùng tôi cũng trông thấy thầy cô. Cúi đầu chào, tôi nghĩ cô thầy sẽ nhận ra mình. Nhưng không, thầy cô nhìn tôi, gật đầu chào lại rồi đi tiếp. Thầy cô không còn nhớ tôi mà chỉ ngờ ngợ người quen. Tôi đành lên tiếng xin gặp thầy cô một chút. Tới lúc này thầy cô mới ngớ ra. Cả hai đều nói trông tôi khác quá.

Thầy tôi hỏi:

– Hòa lấy chồng rồi à em?

Tôi bối rối không hiểu đằng sau câu nói ấy là ý nghĩ gì, bèn hỏi lại với giọng pha trò:

– Thầy thấy e phát tướng hơn hay sao ạ?

Thầy lại bảo:

– Không, không phải phát tướng mà sao tự nhiên hôm nay trông đằm thắm, dịu dàng hơn.

Rồi thầy quay sang nói với cô tôi:

– Cô xem có phải là nhìn Hòa khác hồi xưa không?

Cô tôi cũng đồng tình, bảo là nãy cô không nhận ra tôi. Hôm nay tôi còn cột tóc lên nữa. Cuối cùng tôi vẫn không hiểu ý nghĩa ẩn sau câu hỏi của thầy. Để ngày đẹp hơn, tôi tự cho đó là một lời khen.

Gặp lại ai đó ở một khoảng thời gian khác, nhận thấy nơi họ những điều mới mẻ có lẽ cũng là một sự thú vị. Dù sao chính tôi cũng tự thấy mình khác với hôm qua nên chẳng có gì phải buồn nếu điều đó được người khác nói ra. Tôi chỉ mong sự thay đổi nơi mình sẽ mang lại cảm giác dễ chịu và tích cực cho người khác. Như cách mà Sài Gòn từng chút làm tôi thương sau mỗi lần gặp mặt.

Tôi hôm nay đã khác với hôm qua. Sài Gòn trong tôi cũng không còn giống như ngày đó. Tôi vẫn sợ xô bồ, vẫn ngán những giờ tan tầm kẹt lẫn trong dòng xe nhưng tôi không còn nhìn Sài Gòn như một kẽ dửng dưng chán ghét. Tôi thấy mình thêm vài phần nặng thương.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .