8 cách viết kết bài ghi dấu ấn với người đọc

Cách viết kết bài như thế nào để gây ấn tượng với người đọc hoặc thôi thúc họ thực hiện hành động cũng quan trọng không kém nội dung bài viết.

Cách viết kết bài sẽ giúp bài viết gây ấn tượng với người đọc

Kết bài là cách ta kết thúc một bài viết làm sao vừa hợp lí với toàn bài vừa tác động nhất định tới người đọc. Dưới đây mình chia sẻ 8 cách viết kết bài thường thấy. Chia sẻ này dựa trên kinh nghiệm cá nhân và khi mình đọc bài, sửa bài cho học viên trong các khóa viết.

Viết kết bài bằng các đưa ra câu hỏi

Nêu câu hỏi cuối bài thể hiện rằng bạn đang muốn lắng nghe và mong chờ phản hồi của người đọc. Cách này làm tăng tính tương tác giữa bạn và độc giả. Đồng thời, câu hỏi thường tác động tới tâm lí người đọc, làm họ bị kích thích để suy nghĩ, trình bày quan điểm cá nhân. Đây cũng là phản xạ tâm lí bình thường trong đời sống: hỏi – trả lời.

Lưu ý là bạn cần nêu lên ý kiến, cách nhìn của mình trước đó rồi mới hỏi người đọc. Người đọc sẽ dựa trên quan điểm của bạn để phản hồi từ góc nhìn của họ.

Ví dụ:

Mình luôn biết ơn vì chúng ta thương nhau bắt đầu từ câu chữ. Con chữ của chính mình, những người bạn thật tình, những giá trị được lan tỏa. Đó chẳng phải đã là món quà mà viết hào phóng mang đến cho tất cả chúng ta sao?

Cách viết kết bài với một lời khẳng định

Lời khẳng định được đưa ra ở kết bài khi bạn đã trình bày, lí giải quan điểm của bản thân trước đó. Khẳng định để nhấn mạnh lần nữa ý kiến cá nhân, làm tăng sức thuyết phục cho những gì bạn đã viết ở những phần trên. Từ đó làm người đọc thêm tin tưởng.

Ví dụ:

Thật tuyệt nếu ta có những ngày đẹp trời để viết nhưng sẽ càng tuyệt vời hơn nếu ta vẫn viết kể cả trong những ngày trời không đẹp.

Kêu gọi người đọc thực hiện một hành động

Với kiểu kết bài này, bạn đặt ra vấn đề và gợi ý những việc nên thực hiện để độc giả tự nhận cân nhắc có theo không. Nếu bạn đã từng làm, từng nhận được kết quả thì càng khiến người đọc có tâm lý muốn làm theo để nhận được điều tương tự.

Kết bài dạng này xuất hiện nhiều ở các bài quảng cáo, cổ vũ, cho lời khuyên.

Ví dụ:

Viết tới đây thấy comment quả nhiên là cả một kĩ nghệ. Nhưng may thay, nó là kĩ nghệ mà ai cũng làm và làm thạo được. Comment ngay hôm nay để nhanh tay săn được các điều tuyệt vời cho mình nhé!

Cách viết kết bài khái quát lại vấn đề

Đây là kiểu kết bài quen thuộc nhất. Bạn tóm lược lại nội dung chính trong bài cùng với nhận xét, đánh giá để nhấn mạnh lần nữa.

Ví dụ:

Tóm lại, bạn sẽ không bao giờ có bài viết hay nếu ngay từ đầu bạn không viết. Mọi mong muốn sẽ mãi là viễn vông nếu không đi cùng hành động thực tiễn.

Kết bài bằng một trích dẫn

Sử dụng một trích dẫn từ chuyên gia, người nổi tiếng làm tăng giá trị cho bài viết và niềm tin ở người đọc. Bạn cũng có thể đưa vào bài các trích dẫn trước đây của chính mình.

Lưu ý là các trích dẫn cần phù hợp với nội dung và cảm xúc chủ đạo của bài.

Ví dụ:

Khi bạn định từ bỏ hãy nhớ tới lí do bắt đầu và câu nói của nhà văn Mỹ, Elbert Hubbard: “Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là anh ta sẽ đạt được thành công.”

Kết bài nêu lên được cảm xúc của người viết

Kiểu kết bài này phù hợp với nhiều dạng bài, đặc biệt với tản văn trữ tình. Bạn khép lại bài viết của mình bằng chính dòng cảm xúc chảy xuyên suốt từ đầu.

Ví dụ:

Tôi cũng hỏi cùng một câu với Chế Lan Viên. Thương trọn một đời người sao nỡ gọi Tạm Thương? Trót thương một con đường mà đem lòng yêu phố. Trót thương một con người mà nhớ hoài thủ đô.

Kết bài bằng một hành động cụ thể của người viết

Các dạng bài hướng tới một việc làm nào đó sẽ dùng cách kết này. Việc làm ấy có thể tích cực hoặc tiêu cực. Bạn nêu ra một hành động mà bạn thấy nên (hoặc không nên) thực hiện tùy theo đó. Người đọc sẽ hiểu được quan điểm của bạn qua hành động. Vì hành động là minh chứng cho lí thuyết.

Ví dụ:

Tôi tập làm quen với những ngày thiếu hụt hứng thú. Tôi đuổi theo giấc mơ viết lách của mình như hoa hướng dương đi theo bóng mặt trời. Dù rực rỡ hay gay gắt, chỉ cần nắng không tắt thì hoa vẫn hướng dương.

Cách viết kết bài bằng một ước mong

Kết bài bằng một ước mong cũng là dạng thường được người viết sử dụng. Nó vừa thể hiện được ý muốn vừa như lời nhắc nhở. Ước mong của bản thân là động lực. Ước mong cho người khác là tử tế và thương yêu.

Ví dụ:

Tôi chẳng mong em lớn nhanh làm gì. Tôi chỉ mong em mãi bé bỏng để không rời xa khỏi vòng tay tôi. Tôi có thể ích kỉ nhưng chắc chắn luôn để em là một cô bé tự do và hồn nhiên như em vốn là. Cảm ơn em đã đến, đã ở bên một-đứa-trẻ-đang-học-cách-trưởng-thành như tôi.

Đọc thêm 12 cách viết mở đầu thu hút người đọc

Nhìn chung, có nhiều cách viết kết bài nhưng nên ngắn gọn, không dài dòng, không lặp lại những gì đã trình bày ở hai phần trước. Dù chủ đề được duy trì xuyên suốt bài viết nhưng bạn cần lựa chọn câu từ và lối diễn đạt khác đi để không gây nhàm chán.

Kết bài không nên là kết thúc hoàn toàn mà nên là điểm gợi mở cho người đọc những cảm xúc, suy nghĩ sau đó. Thậm chí khiến họ tò mò để cùng khám phá, cùng ngẫm lại những gì đã đọc.

Những cách kết bài này được mình khảo sát trong các bài viết thông thường, không phải chuyên ngành hay tác phẩm truyện.

Trên đây là 8 kiểu viết kết bài thường gặp. Bạn có từng thử qua chưa? Bạn biết cách kết bài nào khác nữa không?

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInFacebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .