Tìm ngoại trong tóc pha sương

Trong những cơn mộng chập chờn giữa đêm thanh vắng, trong những giọt nước mắt tức tưởi ướt đẫm gối chăn, tôi mải miết chạy về cánh đồng xa vắng. Cánh đồng mênh mông bốn bề nước mặn, lao xao mặt sóng đuổi con gió đổi dòng. Nơi ấy có dáng hai người bình lặng theo tháng năm, an tĩnh làm bến bờ neo đậu mảnh hồn tôi một thời rách tươm xao xác.

Tuổi mười lăm, tôi mang theo mình những nỗi đau chẳng rõ hình hài, những nổi loạn háo hức được bước lên trình diễn. Vùng vằng và ngạo mạn. Bất cần và háo thắng. Đủ để che đi một tấm gương đã nát tươm ngàn mảnh theo những lời chì chiết, chê bai, so sánh và cả những âm thanh của đổ vỡ, nước mắt và bi thương. Không đêm nào tôi ngủ yên dẫu có vẻ tôi đã ngủ rất nhiều. Trong những giấc mơ loang lổ, tôi nhặt nhạnh mảnh vỡ hồn mình rồi chạy và chạy, vượt thoát khỏi những cái miệng đen nhòm chực chờ nuốt chửng. Tôi cứ chạy như thế cho tới khi đứng trước con đường đê sáng hằn lên trong ánh ngày tờ mờ của buổi ban mai tháng sáu. Con đường nhỏ có hai hàng phi lao rì rào gió thổi dẫn lối tôi đứng trước căn nhà xộc xệch của ông bà tôi giữa những vuông đồng nuôi tôm cá. Nơi ấy có thứ bình yên tôi khát thèm, có mặt sóng vỗ về tôi những lúc ngẩn ngơ giấu buồn vào đuôi mắt.

Tôi không phải đứa cháu suốt ngày quấn chân ông bà ngoại để có thứ cảm giác bịn rịn như trong văn, trong nhạc. Tôi cũng không biết vì sao cứ mỗi lần trốn chạy khỏi giấc mộng ngấu nghiến đêm yên, tôi đều về đứng trước căn nhà xệch xoạc giữa bốn bề đồng không mông quạnh của ngoại. Cho tới khi tôi tìm được định nghĩa cho những gì tôi đã trải qua, tôi mới biết mình thèm được yêu thương vỗ về và thèm sống những ngày an nhiên giữa sông nước mây trời đến thế.

Căn nhà của ông bà không được xây dựng hẳn hoi mà như một cái chòi được chắp vá thêm trước, bù sau để đứng vững giữa nơi mênh mang nước mặn, quanh năm lồng lộng gió trời. Chục cơn bão quét qua hàng năm trên mảnh đất miền Trung cũng không làm chái nhà nhỏ bay theo những lần gió gầm. Ông bà tôi ngày ấy chăn nuôi thủy hải sản nên sống biệt lập ra hẳn gần cửa bể. Ở đó không có xóm làng chi chít ngõ, không có tíu tít láng giềng tắt lửa tối đèn cùng nhau. Ở đó chỉ có những buổi ban mai mặt trời đỏ lòm như mắt rồng rực lửa, hiên ngang nuốt trọn cả chân trời xa ngái lẫn mặt nước trải dài bất tận; có những hàng phi lao vươn thẳng lên trời, ngày đêm rầm rì khúc nhạc du dương se sắt; có con đường đê đất sét lấm lem sình lầy, oằn mình uốn qua mấy xã, hoang hoải vỗ bờ ngàn con sóng nối nhau; có ánh nắng rơi tung tóe trên mặt nước lao xao, khi lấp loáng giữa trưa hè chang chang nắng đổ, khi bàng bạc một vùng trăng sóng sánh đêm vàng.

Tôi nhớ những buổi sớm mùa hè được ông bà gọi dậy từ khi trời chưa sáng. Mới chỉ tầm bốn rưỡi đã nghe rõ tiếng nước vỗ oàm oạp vào chiếc bè tre của ngoại, nghe tiếng cá lao xao quẫy tung mặt nước và tiếng ngoại tôi í ới gọi cậu phụ một tay. Tôi nằm ngủ trên chiếc chõng tre ngoại kê ngoài hiên, hai bên thông thống hướng ra những vuông đồng trắng nước, gió thổi vù vù suốt năm canh. Lồm cồm bò dậy dụi mắt ngó ra xem, tôi thấy dáng ngoại hằn một vệt đen thẫm lên nền trời còn lờ mờ chưa tỏ. Chiếc bè tre lắc lư theo con nước, ngoại vừa thu lưới về vừa nhanh tay gỡ cá cua mắc trên mắt lưới. Chiếc đèn bão lấp loáng theo từng nhịp sóng xuống lên, chòng chành soi vào đời ngoại tảo tần bươn chải. Cậu tôi lội bì bõm dưới nước, vừa phụ ngoại gỡ lưới vừa gọi với vào nhà giục “Thơm thối dậy đi, trời sáng bảnh mắt ra rồi!”.

Ký ức kéo tôi về thuở lên mười, xa ngái như điểm tận cùng của con đê ngoằn ngoèo tôi vẫn thường chạy nhanh để gió thổi ù ù như chiếc phi cơ đương trượt dài theo đường băng chờ cất cánh. Bà ngoại gọi cho tôi khi mưa ngoài trời bắt đầu rơi. Mấy hôm trước tôi hỏi mẹ có hay nói chuyện với ông bà không. Bữa rồi ông ngoại gọi tôi nhưng tưởng là số của ai. Tôi cũng chỉ kịp hỏi ngoại khỏe không, kịp nói “cháu Hòa của ngoại nè” rồi bất lực nghe tiếng ngoại cúp máy. Ngoại tôi nặng tai, nghe chữ được chữ mất. Từ dạo đó tôi cũng ít gọi cho ngoại hơn, mỗi lần muốn gặp chỉ tìm số của bà. Nhưng khoảng cách giữa những lần gọi cũng ngày một thưa dần. Nói với mẹ mà tôi chạnh lòng, thấy nhớ thương ông bà ngoại, thấy mình có phần bất hiếu, chẳng hỏi han được nhiều.

Tôi nhìn khuôn mặt bà trong cuộc gọi video, khuôn mặt đã gầy hóp đi nhiều và vết nhăn chi chít. Trong những mảnh nhớ rời rạc của co bé lên mười, tôi vẫn thấy ngoại tôi còn trẻ lắm, chỉ đâu đó năm mươi. Da ngoại căng hồng và khuôn miệng cười duyên dáng. Chân mày ngoại xếch lên sắc sảo còn đôi mắt vẫn sáng tinh anh. Thế mà bây giờ ngoại tôi đã tóc bạc da mồi, nụ cười nhọc nhằn không giấu được ánh mắt vẫn gom đầy âu lo.

Tôi không đủ can đảm để nói nhớ thương ông bà ngoại, chỉ có thể hỏi những câu vu vơ và kể chuyện về đứa cháu nhỏ, đứa cháu đầu tiên gọi ông bà là cố ngoại. Ngoại hỏi tôi công việc ra sao, dặn dò tôi cũng không phải nghĩ ngợi gì nhiều, miễn là làm việc không phải vất vả nắng mưa như bà như mẹ là được. Tôi đổi camera sau cho ngoại nhìn bàn làm việc, nhìn căn phòng nơi tôi đang sống. Tôi nói công việc tốt cả, cháu được nhiều người yêu thương và không cần phải ra đường nên ngoại có thể yên tâm được. Rồi tôi tỉ tê với ngoại về những áp lực kinh tế mà tôi tự đeo vào vai mình. Ba mẹ tôi sẽ già nhanh hơn từ hôm nay, cháu tôi sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ bác. Rồi chính tôi cũng sẽ già dần đi và thời gian thì không ngừng lại để người ta ngơi nghỉ bao giờ. Ngoại ngậm ngùi liệt kê đủ thứ tiền phải chi, đủ thứ đám tiệc phải gửi phong bì. Ai cũng bảo ngoại già rồi nghỉ ngơi đi nhưng đâu ai nuôi nổi hai ông bà già với đám cháu nhỏ năm đứa thường bám chân. 

Tôi nghe ngoại kể mà bần thần, chua xót. Ngoại tôi già thật rồi, đôi vai đã mỏi, sức lực đã tàn. Thế mà chẳng khi nào ngoại được thảnh thơi, chẳng khi nào được yên lòng chỉ cần chăm sóc cho mình và người bạn đời sớm hôm vô tư lự. Tôi nhìn ngoại, nhìn khuôn mặt thân thương trước màn hình, nhìn hơn sáu mươi năm đời người kể từ khi tôi biết nhớ. “Chị ngoại” rắn rỏi, hoạt ngôn có đôi phần đanh đá của tôi đã là hình ảnh đóng băng mãi trong hồi ức. Ngoại tôi đang bước dần về phía cuối của đời người, như mặt trời dần trôi về phía bên kia con đê, nơi bóng tối sẽ phũ phàng nuốt trọn.

Tôi nhìn ngoại mà lòng quặn thắt, nước mắt lăn dài không thể nào kiềm được. Tôi đã đặt chân lên những ngọn núi ở đỉnh trời Tây Bắc, đã theo ghe qua dòng kinh nặng nước miền Cửu Long, đã ngắm mây trôi qua thung lũng xanh thửa ruộng bậc thang, đã đắm mình trong làn nước trong veo của hoang sơ biển đảo. Để rồi một đêm mưa buồn rơi, tôi ngậm ngùi nhớ con đường hai bên đầy đất sỏi dẫn lối vào căn nhà nhỏ bốn mùa gió lộng. Nơi ấy có ngoại tôi lam lũ gần cả đời người, có tuổi thơ tôi bình yên nghe dập dìu sóng vỗ, có tiếng nói cười đã theo năm tháng biến tan.

Thảng hoặc trong những ngày rất thường, tôi thèm lại được làm đứa cháu nhỏ, lẽo đẽo theo ông đi dọc những bìa đồng xanh rì cỏ mật, thèm vắt vẻo trên bờ tường ngóng bà gỡ cá tôm, thèm những hôm đạp xe qua mấy cánh đồng để thả dốc xuống con đường có hàng phi lao quen thuộc.

Chìm trong những quên nhớ miên man, ngoại kéo tôi về thực tại bằng câu chào quen thuộc. Ngoại tắt máy đi đan tre để kiếm vài ngàn lẻ. Tôi gượng cười nhắc ngoại đi ngủ sớm. Năm sau, có khi cháu lại về…

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

2 bình luận

  1. Bài viết của chị cứ thơ MỘNG Như nào ấy, em lớn lên ở thành thị mà đọc xong bài này lại muốn thử một lần sống như một đứa trẻ ở miền quê, trải nghiệm những điều chị nhắc tới đấy ạ.

    1. Cảm ơn Linh đọc bài và để lại cảm nhận của em nhé. Nhờ bình luận này của em mà chị biết con chữ của mình mang tới những cảm xúc như thế nào với người đọc ấy. Nếu chưa thể về một miền quê sống lâu dài thì em có thể trải nghiệm thông qua các chuyến du lịch hoặc là đến chơi nhà người quen, bạn bè nếu có thể nha. Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều mới mẻ chờ em khám phá đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .