7 cách thêm cảm xúc cho bài viết của bạn

Tạo ra một bài viết giàu xúc cảm và tác động được đến người đọc bao giờ cũng là thử thách đối với một người viết. Vận dụng những cách sau đây để thêm cảm xúc cho bài viết của bạn.

Chọn những từ ngữ mang ý nghĩa cụ thể thay vì diễn tả chung chung

Nhiều người viết về cảm xúc một cách sáo rỗng hoặc rập khuôn với những từ ngữ chung chung như vui, buồn, yêu, ghét, mừng, giận… Hoặc bạn cũng có thể bắt gặp những câu như “Điều ấy khiến tôi khựng lại.”, “Trái tim tôi như ngừng đập.“… Những câu, từ dạng này không giúp ích cho việc mô tả cảm giác vì người đọc không thể hiểu được trạng thái đó là như thế nào.

Những từ ngữ mô tả chi tiết giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn nhờ tác động cụ thể hơn tới ký ức, tiềm thức và nhận thức của họ. Thử thay đổi cách sử dụng miêu tả bằng các từ ngữ có tính cụ thể hóa cao và xem chúng tác động ra sao tới cảm nhận của độc giả.

“Tin nhắn gửi lúc 8:05 chỉ vỏn vẹn ba chữ “Anh nhớ Ngà!”.

Nàng chết lặng. Chỉ có một người từng viết cho nàng bao lá thư gmail.

Nàng tưởng mình đã quên đi cảm giác đau đớn đó. Nàng tưởng thời gian có thể bôi xoá vết thương. Nhưng sao nàng vẫn khóc, nước mắt ầng ậc lên đầy khoé mắt rồi lăn nhanh liên hồi trên mặt, qua miệng, xuống cổ. Nước mắt làm chiếc đầm đỏ sẫm lại và dính vào da thịt.”

(Sóng trôi đáy mắt – Hòa Lương)

Việc lựa chọn từ ngữ để thêm cảm xúc cho bài viết cũng cần nhất quán với đặc điểm tính cách nhân vật cũng như bối cảnh của sự kiện. Một người hiền lành, chất phác không thể thốt ra toàn những lời cay độc hoặc được miêu tả với nét đẹp sành điệu. Một câu chuyện lấy bối cảnh thôn quê không thể được miêu tả với những tòa nhà chọc trời đầy cửa kính hay những trung tâm thương mại hoành tráng.

Trong trường hợp cụ thể, khi sử dụng những từ ngữ đặc biệt trái với tính cách nhân vật thông thường thì đó sẽ là dấu hiệu cho một sự tác động mạnh mẽ hoặc sự thay đổi trong tâm lý nhân vật. Ví dụ như khi bạn cho những người hàng xóm đàm tiếu rằng một cô gái vốn đoan trang lại trắc nết, lẳng lơ thì đó chỉ có thể là do hiểu nhầm hoặc do nhân vật có sự biến đổi lớn.

Tạo ra sự đồng cảm giữa người đọc với nhân vật

Ngay cả khi bạn viết tản văn kể về những chuyện, những cảm giác của chính mình thì bạn cũng đã trở thành một nhân vật trữ tình. Để người đọc có thể hiểu những gì bạn đã trải qua thì những gì bạn viết phải dễ hiểu và có thể thông cảm được. Một bài viết, câu chuyện lôi cuốn được người đọc thông qua những điều được tả, được kể. Nếu người đọc có thể tưởng tượng mình như là nhân vật trong đó hoặc tưởng tượng ra nhân vật đang ở trước mắt mình và chứng kiến toàn bộ, hiểu được toàn bộ những gì nhân vật trải qua thì họ sẽ dễ đồng cảm với những trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật. Đó là lý do mà những câu chuyện có điểm tương đồng với cuộc đời của độc giả sẽ làm cho họ bị thu hút, muốn chia sẻ và bộc lộ cảm xúc khi đọc. Chắc hẳn bạn cũng từng cười, từng khóc khi đọc một tác phẩm hoặc xem một bộ phim rồi phải không?

Nếu bạn không kể về những kỷ niệm của bạn với người thân yêu, không cho thấy sự gắn kết giữa hai người thì khi bạn viết về nỗi buồn của việc mất đi người thân sẽ không thể làm độc giả thương cảm. Bạn đâu thể khóc khi nghe tin báo một người lạ nào đó qua đời. Nhưng nếu đó là người gắn bó với bạn thì lại khác. Độc giả cũng vậy, họ sẽ khóc trước nỗi đau mà họ được chứng kiến từ cuộc đời của nhân vật. Tạo ra sự đồng cảm giữa độc giả với nhân vật, với câu chuyện chính là cách để thêm cảm xúc cho bài viết.

“Những đêm gió mát, mỗi người cầm trên tay một chai bia ướp lạnh, cụng ly. Miệng chẳng nói câu gì nhưng hiểu thấu điều nhau chưa nói. Rồi anh sẽ kể cô nghe mấy câu chuyện ngổ ngáo từ thời xa xưa nào. Cô phá lên cười. Anh nhìn cô không rời. Thời gian khúc ấy ngừng trôi.

Trời chưa sáng. Ánh đèn đường vàng vọt chẳng khác ngày anh còn bên cô. Tiếng rao hàng buổi sáng thi thoảng đưa lại. Trang ngồi dậy, dí sát lưng vào tường. Cô cuộn tròn chân, gục đầu lên hai đầu gối. Tiếng khóc cất lên thay lời nói, nức nở. Tóc đen đổ dài che kín mặt. Chỉ còn đêm lặng nghe tiếng cô khóc thầm.

Người xa ngút ngàn, nhớ mình cô mang.”

(Dĩ vãng – Hòa Lương)

Những cảm xúc mãnh liệt thường có tác động lớn hơn tới tâm lý người đọc. Trong văn học hay đời sống thực, các cảm xúc sâu sắc gắn liền với những sự kiện đặc biệt bao giờ cũng làm người ta nhớ lâu và sâu hơn các cảm giác nhàn nhạt hàng ngày. Đừng ngại viết về những tổn thương, sự mất mát, phản bội, cái chết… Sự thất vọng nặng nề vì người mà ta tin tưởng nhất bao giờ cũng day dứt hơn sự khó chịu khi trễ một chuyến xe buýt. Giây phút cuối cùng ở bên cạnh người bà mà ta gắn bó suốt thời thơ ấu bao giờ cũng ám ảnh hơn nỗi buồn khi điện thoại hư.

7 mẹo thêm cảm xúc cho bài viết người viết nào cũng nên biết

Thay đổi cách miêu tả của bạn: hãy cho thấy, đừng chỉ kể

Nhiều người có thể đã bắt gặp cụm từ “show don’t tell” nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Khi muốn gia tăng yếu tố cảm xúc cho câu chuyện, chỉ mô tả cảm xúc thôi là chưa đủ. Người đọc cần thấy tác động của cảm xúc qua lời nói, ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và hành động của nhân vật, người viết. Nói cách khác là hãy khiến khung cảnh ấy, con người ấy hiển thị trước mắt người đọc thay vì chỉ nói về nó.

Đừng chỉ kể rằng nhân vật đang buồn bã, thử minh họa bức tranh họ ngồi u uất ở một góc phòng, đôi mắt ngấn nước, bờ mi chụp xuống, cái đầu gục lên cánh tay. Thể hiện thay vì kể giúp người viết kích hoạt các cảm xúc của độc giả.

“Cặp mắt nàng phiêu bồng xa xăm, tựa hồ đang lênh đênh trên đầu ngọn sóng nơi vệt nắng hoen ố cuối ngày thâm nhập vào đêm tối. Hàng mi cong liễu rủ, hàng mi u sầu không chớp động. Con ngươi đen bất định, con ngươi thẫm hơn đêm và sâu hơn miền tâm tưởng.”

(Sóng trôi đáy mắt – Hòa Lương)

Sử dụng từ ngữ về các giác quan để thêm cảm xúc cho bài viết

Những cảm xúc chân thật nhất của một người thường được thể hiện rõ ràng nhất qua nhật ký của họ. Nhật ký là những trải nghiệm thực tế, những cảm giác được ghi lại của người viết. Chính vì vậy, nó là một kho tài nguyên mà bạn có thể khai thác để đưa vào tác phẩm. Càng viết cụ thể, chi tiết và chính xác nguyên nhân và biểu hiện của cảm xúc khi viết nhật ký càng giúp bạn biết cách gia tăng yếu tố xúc cảm khi sáng tạo ra các nhân vật và câu chuyện.

Sử dụng các chi tiết được cảm nhận thông qua giác quan để người đọc thấy mình đang thật sự ở trong hoặc chứng kiến bối cảnh đó. Nhân vật của bạn có thể nghe, nhìn, ngửi, cảm thấy điều gì? Những từ ngữ miêu tả liên quan tới các giác quan giúp bạn kéo người đọc cùng tham gia vào câu chuyện.

“Cô đặt bàn tay lên nơi dòng nước ấm đang tí tách nhỏ xuống. Nóng và nhớp nhúa. Thứ chất lỏng đặc hơn nước suối và tanh như mùi gỉ sắt. Vết cắt trên cổ tay lẳng lơ hé miệng. Đỏ ối. Phập phồng những vi mạch li ti như trong bảng mạch của thiết bị điện tử. Ánh sáng xanh lờ nhờ từ màn hình điện thoại giúp cô nhìn rõ hơn cổ tay mình. Máu vẫn không ngừng chảy. Từng dòng nhỏ, và đỏ, trườn nhanh trên lớp biểu bì, qua những gốc chân lông. Tách. Tách. Giọt nối giọt tiếp mặt bàn, bắn lên, vỡ ra, lan đi. Cô đứng trân trân tự nhìn máu mình chảy như ngốc. Đầu óc cô trống rỗng. Câm. Cô không thốt ra thành tiếng được. Cổ họng cô không hẳn đau. Chỉ khô. Và lưỡi cô cứng đờ. Nước mắt rơi trên mặt đã khô cứng lại, thành lớp màng bám vào da, khó chịu. Hai tròng mắt nhầm nhậm đau và cảm giác sưng tấy.”

(Hồng Nhung – Hòa Lương)

Ở đoạn văn này, bạn có thể thấy được những màu sắc, hình ảnh, cảm giác và mùi hương. Những từ ngữ về giác quan giúp người đọc hình dung rõ hơn tình trạng và cảm giác của nhân vật.

Tạo nhịp điệu cho những cảm xúc mà bạn tạo ra trong tác phẩm

Nhịp điệu của câu văn cũng là một yếu tố có thể tác động tới cảm xúc của người đọc. Câu văn, đoạn văn ngắn sẽ đẩy nhanh tiết tấu, mang tới sự hồi hộp, gay cấn hoặc sợ hãi. Khi có nhiều khoảng trắng trên trang giấy cùng với các dòng chữ ngắn, người đọc dễ có cảm nhận sự thay đổi nhanh chóng về nhịp độ câu chuyện. Câu văn, đoạn văn dài làm giảm tiết tấu, mang lại cảm giác thong thả, bình yên hoặc day dứt, khắc khoải.

Mắt Dương ướt quá, nước dâng lên ầng ậc rồi chảy dài theo đôi gò má mềm mại đã vắng nét bầu bĩnh khi xưa. Một giọt nước lém lỉnh len vào khoé môi, mặn đắng chen nhau nơi đầu lưỡi. Hoá ra nước mắt không màu nhưng hương vị chẳng khác gì tình đầu không chua cũng chát.

Dương đưa tay quệt vội. Nước mắt ngấm vào ống tay áo, loang nhanh thành vệt nhỏ. Dương nhìn chằm chằm vào khuôn mặt lạ lẫm trong gương. Mái tóc rối cột vội bằng dây thun, đám tóc con tua tủa chĩa ra, có mấy sợi tóc dài bị xoã khỏi cọng dây, loà xoà ra trước mặt ướt mèm. Chúng bết vào làn da trắng xanh li ti vân máu, rũ rượi chẳng khác nào tâm trạng của Dương.”

(Dưới bóng tre già – Hòa Lương)

Giảm chi tiết thừa, tập trung vào một cảm xúc

Cảm xúc của nhân vật sẽ được thể hiện khác nhau tùy vào tình huống cụ thể. Đừng tham lam đưa vào câu chuyện nhiều chi tiết. Điều đó chỉ khiến cho câu chuyện bị loãng, nhiều chữ nhưng ít ý nghĩa. Thay vào đó, bạn nên hạn chế các chi tiết không cần thiết để tập trung hơn vào một cảm xúc cụ thể.

Khi nhân vật ngồi trên xe nhưng mải lo lắng vì một điều gì đó thì không thể có tâm trạng để nhìn ngắm vẻ đẹp bên ngoài cửa sổ. Khi người ta đang ân ái mặn nồng thì chẳng ai còn bận tâm căn phòng có những đồ vật gì.

Ở những thời điểm khác nhau, với những bối cảnh khác nhau, sự chú ý của người đọc chỉ nên được điều hướng tới một sự kiện trung tâm, những nhân vật chính và cảm xúc chính. Khi bạn muốn khơi gợi cảm xúc, đừng khiến nó bị loãng ra làm lạc hướng người đọc. Càng nhiều chi tiết không liên quan càng khiến người đọc bị phân tâm.

“Đôi lần ngà ngà vì men rượu, bà mới gọi con gái vào ngồi kế mình mà ôm ấp, xoa đầu trìu mến. Hình như những lúc đó bà mới nhớ Quỳnh là con của bà. Và cũng chỉ những lúc đó bà mới biết xót xa cô không có cha dạy bảo, không được ai đỡ đần. Bà thường vuốt ve khuôn mặt cô trong lúc lâng lâng. Rồi bà kéo đầu cô vào lòng mình như kéo một đứa trẻ. Bà khóc. Gương mặt lấm lem mascara và nước mắt.

(Dạ Quỳnh – Hòa Lương)

Sử dụng bối cảnh để tác động đến cảm xúc của người đọc

Không chỉ tiết tấu của câu chuyện mà những đặc điểm của bối cảnh nơi sự kiện xảy ra cũng góp phần không nhỏ tới cảm xúc của người đọc. Không gian hùng vĩ và thoáng đãng của núi rừng thường khiến người ta thấy thoải mái và kinh ngạc; bãi biển xanh trong với bãi cát trắng trải dài gợi lên sự yên bình, tận hưởng nhưng một căn phòng cũ kỹ, ẩm mốc mùi nước mưa và phân chuột sẽ gợi những linh cảm về một sự bất hạnh; bệnh viện với những chiếc giường sắt trắng lạnh lẽo và mùi thuốc sát trùng xộc vào mũi cũng không mang lại dự cảm cho một điều vui vẻ.

Lồng vào câu chuyện của bạn những yếu tố miêu tả không gian và âm thanh để sự kiện được diễn ra một cách hợp lý. Từ đó mà cảm xúc được tạo điều kiện để bộc lộ tốt hơn.

Cô với tay hạ bức ảnh nhỏ được kẹp trên sợi dây đèn nhấp nháy xuống. Trong bức ảnh cô mặc chiếc váy voan hoa màu xanh rất nhẹ. Nhẹ như màn sương lẩn khuất bàn chân trong những sớm cô cùng anh đi dạo qua mấy vạt đồi hoa. Xung quanh cô là màu tím của oải hương, dưới chân là màu xanh của cây lá. Con Ki già ngồi bệt bên cạnh, khuôn mặt ngơ ngác ngó quanh. Mấy tia sáng phía sau lọt vào khung ảnh tô thêm rực rỡ nụ cười hết cỡ của cô. Khoảnh khắc ấy được anh nhanh tay bấm máy ghi lại. Cầm tấm ảnh trên tay cô tưởng như ngửi được mùi hoa lẩn khuất đâu đây và cả hơi ấm khi anh đan bàn tay vào tay cô trong những sáng Đà Lạt sương mờ.

(Oải hương xao xác – Hòa Lương)

Thêm cảm xúc cho bài viết là điều người viết nên làm, nhất là trong các câu chuyện. Sự đồng điệu giữa người đọc với những gì được viết ra sẽ giúp họ ở lại lâu hơn với tác phẩm của bạn.

Tham khảo:

  1. https://theeditorsblog.net/2011/01/30/creating-emotion-in-the-reader/
  2. https://psychcentral.com/blog/everyday-creativity/2016/09/5-ways-to-process-your-emotions-through-writing#1
  3. https://blogs.lse.ac.uk/theforum/express-your-emotions-in-writing/
  4. https://www.masterclass.com/articles/how-to-write-emotion
  5. https://www.wikihow.com/Express-Your-Feelings-in-Writing

Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .