Dưới bóng tre già

Khóm tre già là kỷ niệm xanh mát của tuổi thơ bình yên bên ông bà nội, là khoảng trời xanh nuôi dưỡng tâm hồn Dương thuở thiếu thời.

Khóm tre già thấp thoáng hình ảnh ông bà ngày xưa

Dương khẽ vặn sợi dây kẽm nhỏ han gỉ đen kịt, vừa nhấc vừa đẩy nhẹ cánh cổng tre đã lấm tấm vết thâm rồi lách mình qua khoảng trống nho nhỏ vào nhà bà.

Căn nhà cũ hai gian mái ngói nâu thâm trầm, thấp ẩm và lờ mờ tối ngay cả lúc ban trưa. Đứng từ ngoài sân nhìn vào, nó chỉ thấy một khoảng không gian lành lạnh, thiếu sáng, khó có thể nhìn rõ hết từng đồ vật. Vậy nhưng Dương thuộc nằm lòng mỗi ngóc ngách nhà bà, nó có thể nhắm mắt mà tìm ra mọi thứ khi bà sai vặt. Nhà cũ, tường vôi cũ tróc lở nhiều mảng lớn bé khác nhau, bộ bàn ghế cũng cũ nhàu, cái tủ ngang ngay giữa nhà phủ màu thời gian.

Dương thích vào chơi nhà ông bà vì chính vẻ xưa cũ ấy khiến Dương luôn thấy bình yên lạ lùng. Bình yên và thanh vắng. Có lẽ nhà người già nào cũng thế chăng. Hay chỉ có nhà nội Dương là trầm lắng lạ lùng. Nhà thấp và tối nhưng lúc nào cũng mát rười rượi bởi phía sau là một hàng dừa cao xen giữa những dãy trà mạn tỉa đều tăm tắp. Màu xanh mát làm dịu khắp không gian.

Vừa lách khỏi cánh cổng thấp xộc xệch Dương đã chìm ngay vào chốn thanh đạm thân quen. Hàng tre cao vút, những ngọn lá cong xuống như mái vòm xanh mướt. Thân tre thẳng tắp, hơi ngà ngà úa. Nhiều đọt măng múp míp trồi lên, tấm áo xanh rờn bao phủ lớp thân trắng ngọt nõn nà. Mấy gióng tre hẵng còn vương lớp vỏ già khô nỏ, cố bám víu vào chẳng chịu buông lơi. Mặt sau mấy áo tre bao giờ cũng phủ đầy lớp lông tơ mảnh, Dương chạm vào thấy ngứa ran khắp lòng bàn tay. Vậy mà hồi ấy Dương thích giật áo tre khô, bắt chước người lớn gập hai bên mép trên cùng vào làm quạt mo.

Chiếc quạt mo cau bà Dương thường phe phẩy lúc nào cũng thoang thoảng hương cau khô. Mo cau hai màu, mặt ngoài ráp và thẫm, mặt trong láng và sáng hơn. Dương học bà làm quạt nang tre be bé, dù không mấy gió nhưng nom cũng ra dáng. Nó sướng rơn mỗi lần ngồi cạnh bà, tay đưa đẩy chiếc quạt bé tí, khuôn mặt non nớt tí tởn tự hào. Có đứa trẻ nào không thích làm người lớn, chúng đâu biết ngày trưởng thành là khi trăm vạn lần mong ước cũng chẳng thể quay về thời thơ ấu nhỏ trong veo.

Bụi tre ngõ nhà nội cao gấp mấy lần Dương. Rễ và thân tre lan ra thành một khoảnh lớn như chân đống rơm mùa gặt cũ. Lá tre nhỏ, thuôn dài như ngón tay, mỏng và nhẹ tựa cánh chuồn. Mỗi khi cơn gió mạnh thổi qua, đám lá tre xào xạc những thanh âm mảnh như giấy dó. Mấy cánh lá xoay xoay trong không trung trước khi chạm đất. Dương thường ngẩng cổ lên ngắm những cơn mưa lá bay không biết mỏi. Lá xanh xen lá già, màu tươi mát điểm thêm vào úa nhạt, vẩn vơ trên không rồi nhẹ nhàng tiếp đất. Có cánh lá đậu hờ hững trên chỏm tóc lủa tủa của Dương, có cánh rớt khẽ lên vai áo rồi mới theo gió rơi, có lần cánh lá nhỏ vương vấn nằm im trên bàn chân Dương be bé.

Ông nội Dương còn trồng tre thành luỹ dài từ chỗ chiếc cổng đơn sơ, ọp ẹp vào tới tận sân gạch vuông nhỏ. Trước sân có hai cây cau vút thẳng hai bên, nom không khác một cánh cổng trời. Những buồng cau lúc lỉu quả chen nhau. Quả cau bé như nắm cơm bà hay cho Dương ăn với muối vừng nhưng màu vỏ xanh đậm phủ lớp phấn mốc mỏng tang. Bụng quả cau tròn, nhọn dần về phía cuối. Nom buồng cau sai quả đến thích mắt, bà tha hồ bổ cau phơi ăn dần. Bà cười nhăn nheo cả khoé miệng mà ánh mắt hấp háy hơn mọi ngày.

Bà vun thêm giàn trầu không gần giếng nước cũ, dưới bóng cây trứng gà. Dây trầu leo men theo khung giàn ông làm bằng cành khô. Lá trầu to như bàn tay màu xanh tươi thắm, dáng lá hình trái tim. Những tim xanh gợi cảm giác yên lành như Dương được bình an sống những năm thơ dại bên ông bà nội. Bà chăm chút giàn trầu và mấy buồng cau kĩ như chăm dì Dương hồi sinh em bé. Bà nhai trầu tóp tép quanh năm. Răng bà đen nhánh, hơn 70 tuổi vẫn còn đều và khoẻ. Bà bảo ăn trầu chắc răng nên đôi môi bà lúc nào cũng đỏ thẫm màu nước trầu, bện theo từng nếp nhăn li ti. Mỗi lần nhổ nước trầu xong bà lại dùng ngón tay vuốt nhẹ hai bên khoé miệng.

Một lần Dương nũng bà cuốn miếng trầu cho ăn thử. Bà bảo cay lắm mà nó cứ khăng khăng. Đầu óc non nớt của nó nghĩ chắc như đinh đóng cột nếu không ăn được sao bà nhai suốt ngày như thế. Bà vuốt nhẹ cái má bầu bĩnh ửng hồng vì cháy nắng của nó rồi mĩm cười se sẽ:

– Cha cô!

Bà xé lá trầu, lấy cây khều vôi phết lên đấy một ít rồi xếp vào thêm chút hạt cau khô, in ít sợi thuốc lá rồi cuộn ngược vào lòng. Bà trở đầu nhọn, chọc một lỗ trên miếng trầu vừa têm, nhét cuống lá vào cho cố định. Bà đặt miếng trầu xanh ngắt vào bàn tay nhỏ đang chìa ra dưới con mắt háo hức của Dương.

Nó bỏ miếng trầu vào miệng, mùi hăng hắc khó ngửi, càng cố nhai càng thấy cay. Vị cay nóng phà thẳng vào cuống họng và dội ngược lên đỉnh đầu, đốt cháy cả lưỡi Dương. Cô bé nhổ vội miếng trầu trong miệng vào cái ống bơ của bà rồi chạy ù đi súc miệng. Mặt nó đỏ au và đầu óc choáng váng như kẻ vụng lần đầu nếm đầy ly rượu nếp. Bà vừa thong thả têm trầu trong chạn vừa nhìn theo dáng nhỏ loạng choạng của Dương:

– Này vào nhà lấy nước mà súc miệng. Ra giếng múc khéo lại rơi xuống đấy cháu.

– Dạ bà ạ!

Tỏm… Cái gàu da trâu rơi xuống giếng, va chạm với nước thành âm thanh nặng nề. Dương hơi quay cuồng nhưng cố gắng chống hai tay lên thành cái giếng gạch sẫm màu. Từng tảng rêu mịn xanh đen xen lẫn bụi đất bám lâu năm làm nó nom cũ kĩ như từ trong câu chuyện cổ tích nào xưa lắm. Bên dưới kia, làn nước trong vắt yên lành nằm trong vòng tròn đầy rêu và ẩm ướt quanh năm. Bầu trời xanh với những đám mây xốp trắng xao động khe khẽ phía trên gương mặt cô bé đang nhiễu thành những vệt lăn tăn.

Dương vộc hai bàn tay lên mặt, vuốt mạnh xuống. Những dòng nước mát lạnh đua nhau lăn nhanh qua khoanh cổ trắng ngần. Dương ngẩng đầu lên nhìn ảnh hình mình nhiễu nhão trong chiếc gương đầy hơi nước.

Dương nhớ giếng cũ rêu phong trong nhà ông bà nội, nhớ lần thử vội miếng trầu để mặt mày xây xẩm, nhớ cả những lần thơ thẩn ngắm lá tre bay. Bây giờ ông bà đã là người thiên cổ, chỉ thi thoảng trở về trong chập chờn cơn mộng mị.

Dương thấy nhớ nội quá. Nó thèm được bà ấp hai bàn tay gầy nhẵng đầy những vết đồi mồi lên đôi má cháy nắng. Thèm ngả đầu vào lòng nội, thiêm thiếp chìm vào mơ theo từng nhịp thong thả mo đưa. Thèm luồn tay vào trong áo nội, mải mê nghịch như đứa trẻ sơ sinh thích tìm ti mẹ. Thèm uống vội ly nhân trần nóng hổi giữa căm căm gió lạnh ngày đông. Thèm mùi thơm nồng nồi cá rô kho nghệ, vị tiêu cay xen lẫn hương cơm trắng ngần.

Mắt Dương ướt quá, nước dâng lên ầng ậc rồi chảy dài theo đôi gò má mềm mại đã vắng nét bầu bĩnh khi xưa. Một giọt nước lém lỉnh len vào khoé môi, mặn đắng chen nhau nơi đầu lưỡi. Hoá ra nước mắt không màu nhưng hương vị chẳng khác gì tình đầu không chua cũng chát.

Dương đưa tay quệt vội. Nước mắt ngấm vào ống tay áo, loang nhanh thành vệt nhỏ. Dương nhìn chằm chằm vào khuôn mặt lạ lẫm trong gương. Mái tóc rối cột vội bằng dây thun, đám tóc con tua tủa chĩa ra, có mấy sợi tóc dài bị xoã khỏi cọng dây, loà xoà ra trước mặt ướt mèm. Chúng bết vào làn da trắng xanh li ti vân máu, rũ rượi chẳng khác nào tâm trạng của Dương. Đôi mắt Dương to tròn, lông mi cong nhưng không dài, hàng mi đều tăm tắp. Hai mí mắt Dương rõ như kẻ nét và con ngươi trong như giếng ngọc bây giờ sưng lùm lụp và đỏ mọng, bọng mắt phơn phớt tím. Đưa ngón tay trỏ vuốt theo đuôi mắt, Dương nhận ra mình tàn tạ tới thảm thương.

Ánh Dương – tia sáng mặt trời tinh khôi, tươi mới. Nó nhếch nhẹ môi cười chua chát, chẳng còn nhận ra cô cháu gái bé bỏng ngày nào được ông nội chăm chút đặt tên. Vén gọn lại mớ tóc loà xoà, nó lau sạch sẽ dấu vết của nước mắt và xốc lại cổ áo sơ mi. Ngay ngắn rồi. Nó khựng lại mấy giây trên lớp da cổ đỏ rát và rươm rướm máu. Vệt móng tay kéo dài như đuôi sao chổi. Nó nhớ lại bộ nail giả đính đá lấp lánh của chị ta, khẽ rùng mình rồi kéo cổ áo cao lên. Nó bước ra bên ngoài đang ồn ã tiếng người cụng ly và hét vào tai nhau đủ câu chuyện bí mật hay kệch cỡm.

Sau khi ông bà nội qua đời, bố mẹ Dương bỏ nhau, mỗi người tìm kiếm cho mình một hạnh phúc riêng. Họ bỏ lại Dương cùng căn nhà hai gian vắng lặng của ông bà. Vẫn hàng tre già xanh mát, vẫn đôi cau vươn thẳng tới trời, vẫn giếng cũ bốn mùa rêu phủ chỉ có mỗi Dương bơ vơ giữa đời.

Ngày bố mẹ li hôn, Dương trốn sau thành giếng, úp mặt vào đầu gối khóc tức tưởi. Chẳng còn bà ở bên vỗ nhẹ tấm lưng, chẳng còn ông làm chong chóng lá dừa dỗ cho Dương mau nín. Dương khóc đỏ con ngươi. Nước mắt khô dần đi, bớm vào căng má. Dương lại thả chiếc gàu da trâu xuống giếng rồi lặng lẽ kéo lên. Mỗi nhịp Dương thu tay về, nước trong gàu lắc tràn ra, trở lại lòng giếng. Dương uống một ngụm đẫy rồi vục tay vào rửa mặt. Nước giếng vẫn ngọt lành nhưng từ khoảnh khắc ấy, Dương biết phải tự nuôi lấy đời mình và lo khói nhang cho ông bà nội.

Dương vừa học vừa xin làm đủ việc chân tay để kiếm sống. Mấy năm đầu bố mẹ Dương thi thoảng vẫn gửi tiền học phí và thêm tí chút cho con gái trang trải nhưng những đợt gửi tiền ngày càng thưa hơn. Dương ngày một lớn. Học xong cấp ba, Dương xin vào làm xí nghiệp gỗ mấy tháng hè. Cuộc sống ngày càng chật vật, nhiều lần Dương muốn bỏ học để kiếm tiền nhưng ngẫm lại bản thân chỉ có một mình không phải nuôi ai, không thể phụ lòng ông bà nội trông mong lúc sinh thời.

Lên năm nhất, khi các bạn còn bận làm quen với môi trường mới hay mải mê khám phá trò vui thị thành thì Dương la cà khắp các quán xá để xin một chân chạy bàn hoặc phụ bếp. Dương vất vả nhiều, thân hình dong dỏng mà rắn rỏi, không hề yếu đuối hay tiểu thư như khuôn mặt cô mỗi khi phảng phất ánh đèn hất bóng.

Quán nhậu này là chỗ thứ năm Dương làm. Dù chăm chỉ nhưng Dương toàn bị đuổi việc chỉ sau vài tuần đầu tiên mà lí do cũng vì khuôn mặt trắng hồng khả ái và cơ thể mảnh dẻ cứ như chực chờ được ai che chở. Các ông chủ lúc nào cũng nhiệt tình với Dương, dù là quán ăn hay cà phê, nó khiến cho các bà vợ không tài nào chịu nổi. Dương siêng năng lại nói cười duyên dáng nên khách tới quán ít khi phàn nàn. Nhưng cứ nhìn chồng mình với bao ông khách nam nhìn chăm chăm cô bé phụ việc cũng đủ làm các bà phát tiết cơn ghen. Cô bé vừa trắng trẻo lại phơi phới thanh xuân như bông hoa sen vừa hé. Các bà vừa thầm ước ao lại vừa ganh ghét với nhan sắc ấy. Thế nên Dương phải đổi bốn chỗ làm chỉ sau vài tháng lên thành phố.

Quán nhậu này của hai cô chú đứng tuổi. Cô chú hiền lành và thương hoàn cảnh Dương nên ngày ngày vẫn bảo ban Dương như con gái. Quán đông khách lại phức tạp nhưng chưa bao giờ cô chú để cho Dương bị ai bắt nạt. Hễ có vị nào cợt nhã, chú sẽ ra nói chuyện. Giọng chú hoà nhã nhưng bao giờ ánh mắt cũng đầy kiên định. Khách quen hiểu tính và quý mến cô chú nên ít khi gây chuyện. Dương làm ở đây rất yên tâm, vừa chạy bàn vừa phụ bếp giúp cô chú.

Mấy tuần này quán hay có một bàn khách lạ ghé uống, toàn những thanh niên choai choai xăm xanh đỏ đầy tay. Bọn họ chỉ hơn Dương vài tuổi, mỗi lần tới quán đều gọi cả thùng bia, tay phì phèo thuốc lá. Tên tóc xanh đeo khuyên tai có vẻ là đàn anh trong đám. Hắn cao gầy, khuôn mặt quắt lại như mặt chuột, hai tai dơi đeo đầy những khoanh kim loại tròn đủ kích cỡ. Hắn chạy chiếc mô tô phân khối lớn và mỗi lần tới quán lại chở theo một cô nàng bốc lửa khác nhau.

Hắn không đụng chạm gì tới cô chú chủ quán nhưng thường nhìn chằm chằm Dương bằng đôi mắt hau háu trong khi bàn tay đầy hình vẽ quái dị mân mê trên eo hay cặp đùi trắng nõn của người bên cạnh. Dương luôn lảng tránh ánh nhìn thèm khát của hắn và chỉ bê món chứ không đon đả nói cười như với khách quen.

Một hôm hắn đến cùng mấy tên đàn em và một cô gái tóc vàng mặc đầm đen ngắn cũn cỡn, cắt xẻ táo bạo khoe gần trọn đôi gò bồng đảo. Mắt cô ả kẻ eyelines đậm, đá một đường xếch lên như mắt mấy con mèo hoang luôn ở thế phòng bị và miệng phì phèo thuốc lá không kém mấy gã đàn ông chung bàn. Dương mặc áo sơ mi trắng với chiếc váy xanh màu ngọc bích sau buổi tập duyệt văn nghệ với lớp. Âm nhạc bầu bạn cùng Dương trong những đêm khó ngủ và vỗ về Dương mỗi khi tủi nhớ quãng thời gian êm đềm thơ bé.

Tên tóc xanh nhìn Dương liên tục, hắn đốt hết điếu này tới điếu khác nhưng không uống bia nhiều như mọi bữa. Đôi lúc hắn mãi nhìn theo đuôi tóc bay bay của Dương mà quên mất cô nàng bên cạnh. Cô ả vốn kiêu ngạo, không chịu nổi cảnh mình bị bỏ lơ chỉ vì một con bé nhà quê còn hôi sữa. Ả gọi Dương tới rồi giả vờ làm đổ đầy bia ra bàn. Dương phải cúi xuống lau nên gương mặt tiến gần hơn với gã xăm mình. Lo sợ và bối rối, Dương đánh rơi khăn xuống đất. Tên kia cầm lên đưa cho Dương, đôi mắt dán chòng chọc vào bộ ngực đang phập phồng sau lớp áo trắng tinh.

– Aaaaaaa!

Dương đau điếng bật lên tiếng kêu, đuôi tóc bị bàn tay với bộ móng đính đầy hạt túm mạnh. Cô ả trợn mắt, đôi môi kẹp chặc điếu thuốc hôi nồng:

– Con nhỏ nhà quê, mày định dụ ai mà làm trò mèo đấy hả?

– Mày tin tao rạch nát khuôn mặt ngây thơ của mày không? Con chó. Mày chạy bàn hay làm gái?

Dương bị sốc nhưng nhanh chóng lôi được tay ả ra khỏi tóc mình. Lúc quay người lại, Dương cảm thấy cổ mình bỏng rát. Móng tay ả cào một vệt dài xước cổ.

Bốp. Cú bạt tai trời giáng dội vào gò má lợn cợn phấn của cô ả. Dương chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy cô ta bỏ chạy ra bắt taxi cùng hai tiếng “thằng khốn” đầy tức giận.

– Xin lỗi!

Lời nói của tên giang hồ làm Dương lúng túng, nó chạy vào nhà vệ sinh khóc cho trôi bao tức tưởi. Lần đầu tiên trong đời nó bị người ta đánh chửi, dù chưa phải trận đòn cay nghiệt nhưng lời miệt thị ngay giữa quán khiến Dương thấy tôn nghiêm của mình bị xúc phạm nặng nề. Cuộc sống có khó khăn thế nào thì nó cũng chưa từng nghĩ tới những điều ô uế mất tư cách. Đã bao nhiêu lần bàn tay chà nhám gỗ bật máu, đôi chân đứng tăng ca sưng phồng và không ít lần thiếu cả cơm rau nhưng cô gái nhỏ vẫn trong trẻo như dòng nước mát nơi giếng cũ nhà bà.

Khi Dương bình tĩnh lại trở ra chỉ thấy cô chú đang dọn bàn và bọn kia đã đi hết. Cô chú lăn tăn mãi vì để nó bị ăn hiếp mà không can gián kịp. Cô chủ nói tên tóc xanh gửi lời xin lỗi và nhờ cô đưa cho Dương một phong bì. Dương không nhận phong bì chỉ lấy lời xin lỗi. Dương nhoẻn miệng cười cảm ơn cô chú. Hoá ra cuộc đời không phải chỉ toàn điều tồi tệ như nó vẫn tưởng. Và nó cũng hiểu đây chưa phải thử thách lớn nhất của đời người. Tự bao giờ nó đã trưởng thành như thân tre gầy guộc, mảnh mai mà dẻo dai trong gió bão, tĩnh tại bên bờ năm tháng.

Cô chú cho Dương một nghỉ một ngày. Nó dậy thật sớm bắt chuyến xe đầu tiên về quê lúc trời chưa sáng hẳn. Khi cánh cổng xiêu vẹo ở trước mắt Dương thì mặt trời đã lủng lẳng treo trên đầu ngọn tre. Nó lại đứng tần ngần dưới khóm lá tre già, nghển cổ nhìn theo vô số ánh dương nhảy nhót qua từng kẽ hở, lại mải mê ngắm những cơn mưa lá tre lao xao như vô số cánh chuồn xanh mỏng manh bỡn nhau sà xuống đất. Biết đâu sẽ có một cánh lá nào vương trên vai áo như ngày xưa bà thường im lặng vỗ vai khe khẽ mỗi lần nó say ngắm lá bay.

Căn nhà nhỏ bên khóm tre già vẫn mãi là nơi nương náu an toàn của đứa trẻ trong Dương, là nơi lưu giữ tình cảm mến thương nó dành cho ông bà nội và là nơi viết lên những trang nhật kí thời thơ ấu êm đềm mà nó mãi mãi mang theo. Dù cho cuộc đời ngoài kia đầy gió bụi, đời vẫn đẹp cả khi đời chật hẹp. Chỉ cần ngước mặt nhìn lên, nó sẽ lại bắt gặp nắng xanh reo vui trong xôn xao gió lành. Nó thầm cảm ơn đời vì sau những ngày chông chênh nó càng chân thành biết ơn đêm bão lặng, cảm ơn ông bà vẫn bên cạnh nó như chưa bao giờ lìa xa. Bởi mỗi khóm cây, góc nhà đều in hình bóng ông bà.

Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nha!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .