Chữ tâm khi viết

Chữ tâm trong nghề lương thiện nào cũng đáng quý. Chữ tâm khi viết càng đáng trân trọng vì bài viết là liều thuốc nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ con người.

tam-cua-guoi-viet
Chữ tâm khi viết

Từ một câu chuyện về chữ tâm của người dạy học

– Cô ơi, cô cho con nghỉ học được không?

– Sao vậy con?

– Nay dịch nhà con không ai đi làm hết, tiền mẹ con rút hết rồi không còn trong thẻ nên không trả học phí cho cô được.

– Vậy cứ học rồi hết dịch mình đóng cũng được, không lo nha.

– Nhưng mà giờ nhà không ai đi làm con không muốn học nữa.

– Vậy con cứ học với các bạn, cô không thu tiền, được không?

– Càng không được cô ơi, sao học mà không đóng học phí cho cô được, kì lắm cô, tội cô lắm.

– Không sao, hồi xưa cô chủ nhiệm cô cũng cho cô học miễn phí được nên giờ cô cũng cho con học được. Cô quyết được mà, con đừng lo nha.

– Vậy con nói mẹ đóng 50% được không cô, cô chịu con mới học, không thì con không dám học đâu.

– Rồi con gái, cứ vậy đi. Nhưng con học trước đã. Chuyện đó khỏi lo nha.

Nghề đưa chữ cần người tận tụy

Đây là câu chuyện của mình với bé học sinh mấy tuần trước khi em xin nghỉ học online. Năm trước mình có kèm một nhóm bạn nhỏ. Và đến khi chuẩn bị khai giảng, các bạn liên hệ xin học tiếp. Bé này học giỏi Văn, thích Văn và theo bé nói thì thích luôn cô dạy Văn. Ba lô của mình vẫn còn treo mấy móc khoá dễ thương em tặng mình ngày 20/11 với 8/3. Cô bé là điển hình của mẫu trẻ con hiểu chuyện. Đôi khi khiến người lớn phải xem lại cách sống, cách nghĩ của mình như vậy đã đúng chưa.

Mình muốn kể câu chuyện này như một ví dụ nho nhỏ về cái tâm của người làm nghề giáo. Tiền ai mà chả cần nhưng không phải lúc nào cũng nhất thiết có tiền mới nên chuyện. Mình đã nhận tấm lòng thơm thảo của cô giáo năm xưa và trao lại nó cho học trò của mình. Đó cũng là cách “dĩ tâm truyền tâm” như trong triết lí của Phật giáo Thiền tông. Với mình, “tâm” không chỉ giới hạn trong một nghề, một việc mà là thứ mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải bám vào trong suốt cuộc đời.

Tới chữ tâm của người viết

Chữ tâm với mình đơn giản như được dịch sát nghĩa từ tiếng Hán sang tiếng Việt: Tâm là tim. Nghĩa là làm việc gì cũng cần đặt vào đó cả trái tim, tâm huyết. Tất nhiên, tâm còn cần đi cùng với trí, là năng lực, tri thức để đạt được kết quả như mong đợi. Cái tâm đi trước dù không dẫn bạn được tới cái tầm cũng khiến bạn an lòng với những gì mình gắng sức.

Tâm nằm trong con chữ

Với Viết, mình tâm niệm cái tâm nằm chính trong con chữ mà bản thân lựa chọn để xây dựng nên bài viết. Bởi năng lực, kinh nghiệm, tư duy, quan niệm, suy nghĩ, hiểu biết và cả xúc cảm, nhiệt huyết, tâm tư của bạn đều được truyền đạt qua con chữ mà đến với người đọc.

Người có tâm sẽ viết có tâm

Vậy người viết có tâm trước hết cần là người có tâm. Tức là người có ý thức trách nhiệm với chính bản thân mình, với những việc mình làm. Và hơn cả là hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Một người vô trách nhiệm với bản thân sẽ chẳng thể có cuộc sống ý nghĩa. Đừng nói tới việc lan toả điều gì đó cho người khác. Và sự vô trách nhiệm khi Viết sẽ chỉ tạo ra những thứ cẩu thả, tạm bợ. Những bài văn đối phó, những bài viết cho có để kịp deadline mấy khi khiến bạn hài lòng hay người nhận đánh giá cao?

Vô tâm khi viết

Vô trách nhiệm thể hiện trong cả cách chọn nội dung và cách triển khai bài viết. Viết cho có, cho xong, viết về một điều gì đó. Nhưng không đưa ra bất cứ quan điểm, bài học nào. Hoặc không chạm tới người đọc, không góp phần làm đẹp cho tâm hồn, cho cuộc sống. Đó chính là khi viết một nội dung ẩu.

Chữ tâm trong nội dung bài viết

Viết tản mạn

Ở đây mình mạo muội chia làm hai kiểu bài viết thường gặp. Viết tản theo dạng chia sẻ cảm xúc, cuộc sống thường nhật không đòi hỏi nội dung lớn lao. Chủ yếu như một dạng nhật kí của người viết.

Viết cung cấp kiến thức, thông tin

Nếu bạn muốn cung cấp tri thức, thông tin về một vấn đề nào đó thì đòi hỏi bạn phải là người có hiểu biết nhất định. Hơn nữa là không viết sai, viết lệch. Bởi sự vô trách nhiệm của bạn có thể là một sự bất lương. Đặc biệt  viết về vấn đề sức khoẻ, thuốc men, tâm lí… càng cần tìm hiểu kỹ lưỡng, chính xác.

Chữ tâm còn thể hiện qua hình thức bài viết

Khi đã chọn được nội dung tốt cho bài viết rồi, bạn còn cần chọn phương thức thể hiện nó như thế nào cho hiệu quả. Không phải cứ cầu kì, hoa mĩ với ngôn từ đao to búa lớn là hay. Và không phải cú pháp câu phức tạp, nhiều thủ pháp nghệ thuật mới là có tâm. Chỉ cần bạn có ý thức trong việc chỉn chu từ ngữ, cấu trúc câu, dùng chính hiểu biết và xúc cảm của bản thân để trình bày đối tượng đã là dụng tâm với bài viết. Bạn loay hoay tìm một câu, một chữ phù hợp với điều mình đang viết. Hoặc mất thời gian đọc đi đọc lại cả khi đã hoàn thành. Thậm chí đã đăng bài rồi vẫn xem tới xem lui thì chúc mừng bạn vì biết trân trọng sản phẩm tinh thần của bản thân và thời gian của người đọc.

Điều làm nên chữ tâm của người viết

Sự chân thành, tử tế

Điều mình tâm đắc nhất khi Viết chính là mang sự chân thành, tử tế vào từng câu chữ. Mình không thích và không ép bản thân phải viết những điều đao to búa lớn hay chạy theo xu hướng. Mình thích viết về những thứ bình dị, gần gũi. Có thể đã là quá khứ ẩm mùi xưa cũ hoặc mấy truyện không đầu không cuối. Đối với mình, Viết sẽ chỉ có thể kết nối người với người thông qua sự đồng điệu. Về những mối quan tâm, sở thích hoặc nhu cầu nhất định nào đó trong cuộc sống.

Viết tốt nhất có thể

Khi viết mình không nghĩ nhiều liệu ai sẽ đọc, ai sẽ thích những điều mình gửi gắm qua câu từ. Mình chỉ đơn giản muốn nó trọn vẹn nhất, chỉn chu nhất, thể hiện được chính câu chuyện của mình, con người của mình. Mình tin rằng khi đặt chữ tâm vào câu chữ thì dĩ nhiên nó sẽ chạm tới người đọc. Như ông bà xưa có câu “hữu xạ tự nhiên hương”.

Chia sẻ với mọi người

Một trường hợp khác mình trải nghiệm trong những ngày viết vừa qua đó là khi được mọi người gợi ý/yêu cầu viết về cách cải thiện vốn từ/ kĩ thuật viết. Lúc này mình tự đặt bản thân vào vị trí của mọi người để xem nhu cầu thực sự là gì. Vấn đề nào mọi người thường gặp phải (theo quan sát của mình). Và mình có thể làm gì cho mọi người.

Vì cần cung cấp kiến thức cơ bản nên mình đã tìm kiếm các thông tin có liên quan. Cộng với kinh nghiệm bản thân nữa. Mình chia sẻ điều mình nghĩ có giá trị, có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của mọi người. Mình cũng sẵn lòng trả lời khi có ai đó hỏi một vấn đề mà mình biết. Hoặc khi ai đó nhờ mình góp ý cho bài viết.

Tương tác với người cùng viết

Ngoài ra, mình thích đọc bài của mọi người, để lại một vài bình luận dù có khi rất ngắn. Chúng như một lời thông báo “Mình ở đây, mình thấy bài của bạn rồi nhé, bạn viết tốt lắm, viết nhiều hơn nha”. Có thể họ sẽ hiểu hoặc không. Nhưng mình luôn coi trọng việc động viên và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Theo mình, đó cũng là cách bạn có tâm với Viết và với cộng đồng mà bạn đang tham gia.

Tạm kết

Nói tóm lại, chữ Tâm trong việc Viết chính là có trách nhiệm với những điều mình viết ra, thổi vào đó cả sự chân thành và tri thức. Chỉ khi bạn tận tâm và hài lòng với những điều ấy thì câu chữ của bạn mới có thể chạm tới tầm đón đợi của người đọc. Đừng bao giờ cẩu thả với ngôn từ bởi đó không chỉ là vô trách nhiệm với bản thân mà còn là sự bất lương với người đón nhận nó.

Bạn đọc thêm về Cảm hứng viết nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .