Tôi thấy Việt Nam trong Chín nhánh da vàng

Vào thời buổi người ta viết nhiều những câu thơ tình hay những vẫn thơ trĩu nặng suy tư về cuộc đời cá thể thì nhà thơ Khét (Trần Đức Tín) lại đi tìm mình trong những dung dị của dòng máu Việt Nam da vàng.

Đôi điều về Chín nhánh da vàng

Chín nhánh da vàng là tập thơ thứ tư của nhà thơ Khét. Trước đó, anh được giới văn chương và độc giả biết đến qua những tập thơ: Rồi mình cũng xa lạ nhau, Mình mắc cạn vào nhau, Ở đậu trong nhau. Ở tập thơ mới này, Khét viết về người Việt, hồn Việt, về tâm thức cộng đồng chảy bốn ngàn năm của người dân da vàng, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi bài thơ trong tuyển tập là tiếng lòng của thi sĩ được trút ra khe khẽ qua câu chữ, là những chiêm nghiệm phảng phất niềm trăn trở và xót thương cho bao nỗi đau đời, nỗi đau mang dáng dấp con người. Người ta đi tìm mình trong những cuộc vui sáng đèn, trong hội họp chè chén, Khét đi tìm mình trong vết nứt trên đồng ruộng, trong tiếng vịt kêu chiều, trong nếp nhăn của mẹ và cả trong những lời sám hối, những câu kinh cầu, tràng hạt gỗ nâu.

Tập thơ gồm hai phần Chín nhánh khói bay gồm 16 bài và Giấc mơ da vàng gồm 19 bài thơ.

Với Chín nhánh khói bay, Khét viết nhiều về quê hương. Quê hương không chỉ là Cà Mau cuối trời mà còn là đồng bằng sông Cửu Long in dấu người Việt cổ đi khai hoang mở cõi. Văn minh đồng ruộng, văn minh lúa nước hiển hiện trong lao động, sản xuất và trong cả tâm hồn của những con người nơi đây. Tác giả, một người miền Tây, đang sinh sống tại Sài Gòn nhưng hồn anh thiết tha hoài vọng về nơi “cố quận”, nặng một nỗi niềm với mảnh đất, dòng sông, con người, cây cỏ.

Trong phần hai Giấc mơ da vàng, tác giả nhìn và chiêm nghiệm, xót thương xen lẫn ưu tư trước những nỗi đau của dân tộc, của nhân loại. Cũng trong chính những cơn đau day dứt ấy, Khét, hay bất cứ một người Việt nào, nuôi lớn những giấc mơ của mình, của tộc Việt gửi vào quá khứ, gửi tới tương lai.

Về nhà thơ Khét (Trần Đức Tín)

Nói về Khét, anh là một nhà thơ hoạt động bền bỉ và nhiệt thành trên văn đài. Không chỉ là thành viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia nhiều cuộc thi thơ lớn nhỏ trong nước, Khét còn được biết đến qua mạng xã hội và các diễn đàn văn học. Những vần thơ của Khét không cầu kỳ, bay bổng mà chân phương như hồn người Việt bao đời, thật thà như cách người ta vẫn nói về dân miền Tây. Câu từ mộc mạc, hình ảnh thơ có chiều sâu và những ẩn dụ thơ gắn liền với văn hóa, lịch sử, thổ nhưỡng, tâm thức người Việt.

Đọc thơ Khét một lần không chắc hiểu ngay được. Người sống hời hợt cũng khó lòng mà thấm được thơ anh. Nhưng những ai đọc nhiều, cảm nhiều khi đọc thơ Khét sẽ trầm ngâm gật đầu mà suy, mà ngẫm về cái đời, cái tình cùng một tấm lòng tha thiết niềm yêu. Yêu thơ, yêu đời, yêu nguồn cội và yêu cả những vết thương, những nỗi đau kết mài, giăng sẹo.

Chín nhánh da vàng trong cảm thức nguồn cội

Điểm nổi bật trong Chín nhánh da vàng là làm cho người đọc thấy một Việt Nam ngày nay còn lưu giữ những dấu vết từ ngàn xưa. Có những dấu vết đã phai mờ đi, cũng có những dấu vết in hằn sâu hơn. Những vần thơ của Khét không dành cho một người chẳng hiểu chút gì về tộc Việt cũng bởi thế.

“những người việt cổ

bàn tay mọc trong mưa

lóng thưa nào moi đất nặn nhà

lóng nhặt nào khắc đồng văn trên đỉnh núi…”

(mưa trên tượng người việt cổ)

Hay:

“tôi thấy người việt

mang gươm đi mở cõi

dựng nhà, đào sông và trồng lúa

tôi thấy người việt

tỏ tình trần trụi dưới trời

sinh con và hát ru

mắt đen từ câu ca dao chứ ví dầu tình bậu

tôi thấy người việt

hướng về tông miếu thắp nhang

rồi khóc trong căn nhà mé biển…”

(lờ lợ tổ tiên)

Tập thơ Chín nhánh da vàng (Khét) đầy những suy tư, trăn trở
Tập thơ Chín nhánh da vàng (Khét) đầy những suy tư, trăn trở

Từ thuở hồng hoang, người Việt dùng tay mình găm vào đất, thuần hóa đất để ươm lên sự sống. Lóng ngón tay hay là lóng tre vun vút cổng làng. Và cao nguyên đá Đồng Văn còn lưu giữ những hóa thạch của người Việt cổ. Từ văn minh lúa nước, các cuộc chiến tranh, ca dao dân ca và tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên… đều lần lượt hiện lên trong những vần thơ của Khét. Nước Việt đó, người Việt đó, ngồn ngộn văn hóa, dọc dài lịch sử. Chẳng biết người Việt nay hiểu được mấy phần, có “gọt màu da” cũng chỉ là “lờ lợ tổ tiên”.

Bài thơ đầu tiên trong cuốn sách có tên giống loài. Những câu từ trong bài như một nét chấm phá nhưng chứa đựng cái tình của một hồn thơ yêu nước. Yêu nước không phải là đấu tranh mà yêu nước là yêu tới thổn thức, tới đau đáu trong những điều nhỏ nhặt. Cái đau đáu ấy càng rên xiết hơn, càng giằng xé lòng người hơn vào những những ngày phải rời bỏ quê hương đến chốn thị thành phố chật người đông để mưu sinh tứ xứ.

“đừng em, đừng hát về hoa sen

tôi thấy thương loài hoa vô tội

cũng đừng hỏi tôi đi đâu trong những ngày tháng bỏ quê

chân tôi bỏng rát giữa lòng người chật hẹp

trăng đêm này đã có từ thiên thu trăng trước

chỉ lòng ta thay đổi…”

(con người)

Lòng người đổi thay nhưng trăng của thiên nhiên vĩnh hằng và bất biến. Hoa sen trong bùn ngàn năm vẫn thanh khiết sắc hương, khác với con người nay thay mai đổi. Khét luôn biết cách chơi với ngôn từ, biết chọn những từ đắt giá: loài hoa vô tội, thiên thu trăng trước. Dù lòng người chật hẹp hay lòng đường ngược xuôi xe cộ, trăng bây giờ cũng đã có từ ngàn xưa. Còn kẻ bỏ quê dẫu tha phương cầu thực cũng thiêu bỏng mình nơi hối hả, bon chen. Trăng và hoa sen không phải lần đầu tiên xuất hiện trong thơ. Cả hai hình ảnh này đều quen thuộc trong cuộc sống người Việt, trong tâm hồn và văn hoá Việt Nam.

Hay như trong bài cầm bằng như dế, anh viết:

“cầm bằng như dế kêu than

đường cày không chôn được cơn bão

mưa giăng kín

mưa ngập đồng

câu vọng cổ ướt mem đời tôi

trọ…”

Hình ảnh con dế kêu, đường cày, cơn bão, mưa, đồng ruộng, câu vọng cổ gắn với một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền văn minh lúa nước nuôi lớn con người qua nhiều niên đại. Riêng câu vọng cổ là thứ không thể thiếu khi nhắc tới miền Tây Nam Bộ, một thứ văn hoá phi vật thể đã làm nên nét độc đáo của vùng Cửu Long giang. Với người miền Tây, những câu vọng cổ không chỉ là lời ca tiếng hát mà còn là ruột gan người ta mang ra mà đờn mà ca. Để rồi khi lê lết bước chân nơi thị thành hay lạc lõng trong căn gác trọ chỉ có tiếng vọng cổ da diết gọi nỗi nhớ cố hương. Ngay cả cuộc đời này dường như cũng hóa thành tạm bợ, thành căn gác trọ cho một kiếp người như Trịnh Công Sơn từng viết trong nhạc phẩm của mình.

Không chỉ vậy, trong các bài thơ của Khét đầy những vụn vặt đời thường:

“ngủ hết đêm nay với vàm cỏ

thương những bóng ma trôi trên sông”

(ngủ hết đêm nay với vàm cỏ)

Hay:

“chúng mình lớn theo câu đò đưa gãy nhịp

chiếc cầu tre cũng bỏ xóm đi hoang

từng dòng người di cư

di cư giữa lòng sông tháng hạn

quê biết mình nghèo

trốn sau nhánh trăng tàn”

(trăng quê)

Hoặc là:

“cõng tiếng kinh

đi vào dấu chân giao chỉ

tiếng khóc ẩn hiện trên đầu”

(nhánh nào dưới giấu chân)

“bao lâu rồi

em chưa hát anh nghe

về guốc đen và đôi môi đỏ”

(không còn trẻ nữa)

Dẫu là người Việt nói chung hay người miền Tây nói riêng thì khi bắt gặp dấu chân Giao Chỉ của tổ tiên, dòng sông, chiếc cầu, đôi guốc đen, bờ môi đỏ nhai trầu hay lời ru, câu đò đưa, tiếng kinh cầu đều bất giác nghe lòng mình chộn rộn gợi về một vùng xa vắng, yên bình và thân thuộc. Người ta nói khi đi xa, thứ làm người ta nhớ nhất lại chính là những gì quen thân nhất, bình thường nhất của quê hương. Tôi đồ rằng Khét nhớ quê ngay cả khi đang ở trên quê hương. Biết đâu trong những đêm trường nằm nghe dòng sông nước chảy, nghe tiếng ai hát ru con anh ngồi viết những dòng thơ về xứ sở. Nỗi nhớ của kẻ đi xa mong ngóng ngày về, nỗi nhớ của kẻ ở đó mà phải nhìn những tàn phai chưa chắc đã rõ lòng nào đau đớn hơn.

Không chỉ trong bài mà ngay cả cách đặt tên cho bài thơ của Khét cũng chân chất, như người Việt không mang dép lội đồng, anh chẳng viết hoa kể cả đầu dòng hay danh từ riêng. Những con chữ khiêm tốn nằm trên trang giấy màu ngà, tất cả ngang hàng nhau, cùng chở những chiêm nghiệm của một hồn thơ đau đáu, khát khao, si cuồng, rỉ máu đi tìm sự hồi sinh. Dẫu rằng sự hồi sinh hay giấc mơ của người Việt vẫn còn mơ hồ. Mơ hồ mà âm ỉ. Những cái tên như: ngủ hết đêm nay với vàm cỏ, cầm bằng như dế, phương nam ngạo khúc, trên môi em tối cổ, mưa trên tượng người việt cổ, những pho tượng an nam, lờ lợ tổ tiên,… mang trọn cả nỗi niềm.

Cảm thức nguồn cội trong tập thơ len lỏi vào trong câu chữ, vào cách đặt nhan đề và cả những hình ảnh mang dáng dấp của người Việt cổ. Chúng ta ngày nay là sản phẩm của tổ tiên ta, thừa hưởng những điều mà tổ tiên để lại từ cái thuở “mang gươm đi mở cõi/ dựng nhà, đào sông và trồng lúa”. Dẫu rằng ta có bôn ba nơi thị thành vẫn khó lòng quên chốn quê nghèo, quên những gì thuộc về văn hoá, về giống loài da vàng ngàn năm khai hoang trên những thửa ruộng bờ sông và cả những thanh âm của ruộng đồng khắc khoải.

Chín nhánh da vàng mang giấc mơ của người Việt đương đại

Dẫu quyến luyến với ngàn xưa, Khét vẫn dành một phần tập thơ cho hơi thở Việt Nam trong hình hài đương đại. Anh viết về những sự kiện đau thương xảy ra với dân tộc và với nhân loại. Con người là một phần của cộng đồng, con người đau xót trước những mất mát và nỗi đau của người khác.

Mở đầu phần hai là bài thơ về một ngày khó quên trong trí nhớ của người nước Việt:

“một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt

những bóng người gục xuống đại lộ

kéo lê giấc mơ…”

(một ngày)

Đau đáu trong thơ là giấc mơ của những con người chạy dịch từ các thành phố lớn với mong muốn được hồi hương. Chúng ta hẳn không quên những ngày tháng cả nước oằn mình trước hàng loạt những đợt dịch nối nhau. Hồi hương bình thường đã khó, trong dịch càng là giấc mơ của bao kẻ tha phương. Hồi hương cũng là để hồi sinh. Giấc mơ của họ lê trên đường lớn, ma sát với nắng mưa. Họ tự đạp lên bóng mình trong cuộc chạy đua với Covid-19, với cái bóng tử thần và thiếu thốn, thất nghiệp đang chồm tới từ sau lưng. Còn tác giả mơ “một ngày tháng bảy năm hai không hai mốt… vấn khăn tang cho mình“.

Khi ngoài kia dịch giã, khi hàng ngàn người đã chết vì Covid thì thi sĩ cũng cầm lên cây bút:

“hai mươi ba nghìn ngọn nến

không thiêu được nước mắt

hai mươi ba nghìn ngọn nến

bỏng rát lưng quê hương…”

(liệm thêm đôi mắt mình)

23 ngàn ngọn nến được thắp lên để tưởng niệm cho 23 ngàn người đã chết vì Covid -19 vào ngày 19.11.2021. Trong gian khó càng thấu tỏ tinh thần đoàn kết của người Việt như tổ tiên ta từ xưa đến nay vẫn chung tay vỡ đất, lập cõi, gầy dựng non sông. Dẫu vậy, ánh lửa từ 23 ngàn ngọn nến cũng đủ làm bỏng rát lưng quê hương vì mỗi một tim nến là một trái tim Việt Nam đã thôi tuần hoàn. Nhà thơ cũng bày ra trong lòng mình riêng một nghĩa địa để khâm liệm cả đôi mắt của mình. Có giấc mơ nào đã chết chẳng khói nhang?

Phần hai này ngổn ngang những giấc mơ người Việt, có giấc mơ được bày biện, dội ngược về chiều dài lịch sử. Trong con người hôm nay có câu chuyện ngàn xưa, vết dấu giống loài còn lưu rõ. Và người Việt cũng thế, “tự tái sinh tộc mình”. Những giấc mơ thổn thức, những giấc mơ như một tiếng thở dài vào đêm đen thăm thẳm. Có hay không những đêm dài bên trang giấy sáng đèn, người nghệ sĩ rã rời bước chân đi tìm những giấc mơ dang dở mang tên tộc Việt.

“loài hoa tiền sử không màu

mặt trời tiền sử không sáng

đêm tiền sử không lửa

đừng gọi tên nhau

ướm chân mình lên cát

nhai lại mặt trời”

(nhai lại mặt trời)

“chúng ta

đi về phía con đóm lửa

bước nào gục giữa thành phố

bước nào ngã xuống đồng không

trong tôi

chi chít những đền đài

và giấc mơ

đêm nào cũng về muộn”

(về muộn)

Không chỉ có dịch bệnh, ngòi bút còn là vũ khí, nhưng không phải cho chiến tranh, không phải là ngọn súng:

“khi tôi cầm viết

không phải là súng

không bao giờ là súng

nếu phải bắn

bài thơ sẽ tự bắn mình đầu tiên

và nhất quyết không bôi thêm vệt máu nào vào lịch sử”

(không bao giờ là súng)

Những giấc mơ vẫn về trong thơ Khét, cùng với đau thương, mất mát, bệnh tật và cả chiến tranh. Sứ mệnh của người cầm bút là đứng về phía hoa mười giờ, về phía người mẹ hồng hoang, về phe sự sống và ánh sáng. Giấc mơ của Khét không chỉ là giấc mơ da vàng, nó còn là giấc mơ cho toàn nhân loại. Ta ở đây nghe tin về dịch bệnh, về chiến tranh, về những cơn khủng hoảng hay biến đổi toàn cầu. Nhà thơ cầm bút, đánh thức trái tim mình, khối óc mình viết thành câu chữ. Giấc mơ da vàng suy cho cùng cũng chung nhịp với giấc mơ nhân loại – giấc mơ của hòa bình và của tình yêu.

“…không

chúng ta không thở chỉ để chết

mắt môi, con tim, lý tưởng này không sinh ra để bắn nhau”

(không bao giờ là súng)

Chín nhánh da vàng phảng phất sắc màu tôn giáo

Viết về người Việt không thể bỏ qua những ảnh hưởng của tôn giáo lên đời sống tinh thần. Nhà thờ, đền miếu, chuông chùa, câu kinh, tràng hạt, chánh niệm… là những thứ thân quen với người Việt từ trong đời thường tới văn chương, nghệ thuật. Người ta vịn vào tôn giáo để tìm cho mình một đức tin, một chỗ nương tựa tinh thần và tin vào những phép màu sẽ đến cho ai xứng đáng nhận được nó. Khét không ngợi ca tôn giáo, anh viết về tôn giáo trong cái tâm thức con người gắn liền với đời sống sinh động xung quanh.

“không có cái thở của chánh niệm

sau lưng ta vẫn là nghĩa địa làng

không có tiếng kinh nào là chánh niệm

sót tiếng vịt đồng mổ quê hương”

(chánh niệm)

Hay như:

“trăng quê mình mắc cạn ở sau lưng

có bụi lục bình trôi vào áo mẹ tôi rồi bật khóc

chiếc áo màu nâu lặng câm như tràng hạt

bay ra đồng rồi củi lửa lưng trời…”

(trăng quê)

“lặng im phật

lặng im chúa

chỉ có kinh kệ vô tri gạt lòng người”

(nước mắt mang hình nhau thai)

Nhà thơ không bài xích, cũng chẳng cực đoan khi nhắc tôn giáo. Nào Phật, nào Chúa, tất cả gắn liền với những gì giản đơn, bình dị nhất. Là nghĩa địa làng, là tiếng vịt kêu, là màu nâu áo mẹ… Càng tìm kiếm những ảo ảnh xa xôi, vô hình càng quên mất những gì hiện hữu quanh mình mới là điều kỳ diệu. Kinh kệ đôi khi chỉ là cách người ta khước từ những thực tại bất như ý, và Phật hay Chúa cũng chỉ là những bức tượng lặng im. Thế nên thi sĩ bùi ngùi cảm thán trong sự bất lực của chính mình:

“ta là cây bồ đề trụi lá

nghe kinh cả đời không thể gióng một hồi chuông…”

(em đừng về)

Chín nhánh da vàng của Khét không phải và không bao giờ là thứ thơ mua vui đọc để giải trí.

Thơ của anh là những thổn thức của một trái tim ấm nóng vừa muốn bảo tồn những dấu xưa hồn cũ, vừa là giấc mơ của người Việt đương thời về một tương lai tươi mới. Nơi dấu ấn Giao Chỉ không chỉ là những gót chân in lên đồng ruộng mấy ngàn năm mưa nắng mà còn là một phần của văn minh nhân loại. Suy cho cùng, mỗi một người là một phần nhỏ bé của quê hương.

“ném hòn đất xuống nước

sẽ nhập vào cội nguồn

ném hòn tôi xuống đời

trôi vô tăm vô tích

bằng cách này hay cách khác

hoa vẫn nở trong lòng đường

bằng cách này hay cách khác

tôi vẫn nở về quê hương” (ngồi xuống mà nghĩ)

Không chỉ trăn trở về tộc Việt, Khét còn bộc bạch mình trong hơi thở đương thời
Không chỉ trăn trở về tộc Việt, Khét còn bộc bạch mình trong hơi thở đương thời

Đọc thêm review sách tại đây!

Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .