Show, don’t tell: Hãy cho thấy, đừng chỉ kể

Show don’t tell là kỹ thuật viết sử dụng yếu tố miêu tả để tạo dựng không gian, xây dựng nhân vật và phát triển câu chuyện. Kỹ thuật này cũng được ứng dụng trong viết thương mại để làm bật ưu điểm của sản phẩm.

Kỹ thuật Show don’t tell là gì?

Show don’t tell là một kỹ thuật viết được nhiều tác giả, cây bút nước ngoài sử dụng trong các tác phẩm của họ. Nhất là trong các tiểu thuyết. Show don’t tell hiệu quả giúp liên kết nhân vật với sự kiện và bối cảnh thông qua miêu tả thay vì trình bày hoặc kể suông từ sự kiện này tới sự kiện khác. Với Show, don’t tell, người viết có thể dẫn dắt người đọc vào cùng một không gian, cùng trải qua các sự kiện với nhân vật.

Showing là mô tả để cho người đọc nhìn thấy không gian và cách thức mọi thứ diễn ra. Ngược lại, telling chỉ giúp người đọc biết được những việc gì đã xảy ra với nhân vật. Do đó, người đọc rất khó có thể hòa vào cùng một khung cảnh với nhân vật. Nếu telling giống như bạn đọc một bản tóm tắt sơ lược khô khan, chú trọng kể tình tiết thì showing là khi bạn mang cặp kính 3D để bước vào thế giới của câu chuyện.

Có một câu nói nổi tiếng của nhà soạn kịch người Nga Anton Pavlovich Chekhov mà người sử dụng Show don’t tell nào cũng biết là: “Đừng nói với tôi mặt trăng đang chiếu sáng. Hãy cho tôi thấy ánh sáng lấp lánh trên những mảnh thủy tinh.”

Bạn có thể phân biệt showing và telling rõ hơn qua ví dụ sau:

Showing (tả): “Cậu nhóc lùi sát người vào miếng gỗ bên hông chiếc tủ, cố gắng nín thở và hóp bụng để không phát ra bất cứ âm thanh nào đánh động tên trộm hung hãn đang lùng sục ngoài kia.”

Telling (kể): “Cậu nhóc sợ hãi khi gặp tên trộm.”

Như vậy, showing được hiểu đơn giản là mô tả và telling là kể lại. Cùng một tình huống, phương pháp showing vẫn cho người đọc hiểu được nội dung như khi telling nhưng sinh động, chi tiết và hấp dẫn hơn.

Tác dụng của Show don’t tell

Show don’t tell trong viết sáng tác

Showing giúp phát triển nhân vật trong các câu chuyện một cách thực tế và sinh động. Thay vì chỉ kể về tính cách, đặc điểm, hoàn cảnh, hành động, phản ứng… của nhân vật thì tác giả có thể cụ thể hóa chúng qua việc mô tả.

Để độc giả tưởng tượng ra không gian và hành động của nhân vật Quỳnh, tôi không kể: “Cô gái ngồi trên bậc tam cấp, áp má lên cánh tay rồi vẽ vơ vẩn vào bầu không trong khi ngân nga một câu hát.” Kỹ thuật mô tả được sử dụng cho tình huống này như sau:

“Cô gái thả đôi chân trần xuôi theo bậc tam cấp. Nếp váy lụa dịu dàng ve vuốt mắt cá chân, mơn man làn da thanh mát. Cô áp một bên má phơn phớt hồng như đoá đào phai lên cánh tay để trần. Những sợi tóc đổ dài qua vai, mượt như khe suối huyền lặng chảy. Cô đưa ngón tay măng thon thon vẽ vẩn vơ vào bầu không một hình thù chẳng rõ, miệng ngân nga một giai điệu quen. Đôi mắt đen tuyền hoà vào đêm, bừng sáng như vì sao giữa ngày mưa bão. Không gian tĩnh vắng, chỉ có khoé môi khe khẽ cong lên, thanh âm từ vòm họng ru dịu ngọt đêm thu.” (Dạ Quỳnh – Hòa Lương)

Thông qua cách tả, người đọc có thể hình dung ra cô gái trong truyện đang ở tư thế nào, phục trang ra sao, có đặc điểm ngoại hình nào và thực hiện những hành động gì, trong một không gian như thế nào.

Bên cạnh đó, Show don’t tell cũng giúp người viết tạo dựng các không gian để sự kiện của câu chuyện được diễn ra. Sẽ ra sao nếu bạn viết một tiểu thuyết phiêu lưu vào nơi hoang dã mà không hề miêu tả sự rậm rạp đáng sợ của những khu rừng hay dòng chảy xiết ầm ào của những con thác dữ. Mỗi không gian sẽ có những đặc điểm riêng, tạo tiền đề cho câu chuyện phát triển. Bối cảnh thành thị sẽ khác nông thôn, vùng núi cũng sẽ khác vùng biển. Tôi đã viết về cô gái trong đêm mưa nhớ người xưa như sau:

Máy phát nhạc hình đóa loa kèn vẫn đều đặn rền từng nốt theo giọng hát Khánh Ly. Ngoài kia mưa gió rầm rì. Căn gác xép lọt thỏm giữa lòng thành phố, khiêm tốn trên cùng một ngôi nhà cổ được xây từ trăm năm trước. Mưa rơi đều đều. Những giọt nước cộng hưởng với nhau thành từng giọt lớn hơn. Rơi. Lộp độp. Vuông cửa sổ bé vẫn mở. Mưa đứng hạt, gió dường như bất động. Người ở trong xó nhỏ chỉ mong có một đêm yên. Mưa và tiếng nhạc. Phòng quen, đồ cũ. Mùi ẩm ướt của bức tường ngấm nước. Mùi ẩm ướt của mưa thấm vào từng tế bào. Dường như những sợi bông trong chiếc chăn dày sụ cũng thấm đẫm. Nhưng không phải mùi của mưa mà là mùi người xưa.” (Dĩ vãng – Hòa Lương)

Căn phòng quen thuộc, những đồ dùng quen thuộc cùng với cơn mưa kéo dài sẽ là yếu tố làm cho nhân vật thấy mình thêm cô đơn, thêm nhớ người cũ.

Như vậy, trong viết sáng tác, kỹ thuật Show don’t tell thường được sử dụng để mô tả không gian, xây dựng nhân vật và liên kết các chi tiết của câu chuyện. Từ đó khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc, giúp họ cảm nhận như đang hóa thân vào nhân vật trong câu chuyện để trải qua tất cả những sự kiện ấy.

Show don’t tell trong viết thương mại

Mặc dù bắt đầu được vận dụng từ các tác giả viết sáng tác nhưng kỹ thuật Show don’t tell ngày nay còn được sử dụng nhiều trong viết thương mại. Tiêu biểu như viết review, mô tả sản phẩm dịch vụ, slogan, tagline, quảng cáo…

Kỹ thuật showing giúp người đọc có thể nắm được những thông tin về sản phẩm dịch vụ nhưng không phải là tất cả. Họ vẫn nhận đủ thông tin để thấy hứng thú với sản phẩm, đồng thời có những điểm không được nói tới khiến họ tò mò muốn tìm hiểu thêm.

Các ngành hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan tới cảm nhận, các giác quan của người tiêu dùng sẽ cần những người viết biết sử dụng cả kỹ thuật Storytelling và Show don’t tell. Có thể kể tới một số ngành như: thời trang, mỹ phẩm, ăn uống (F&B), làm đẹp, du lịch, hàng thủ công…

Đây là cách tôi viết về cà phê trứng nóng tại Cà phê Giảng (Hà Nội). Dù không phải một bài viết thương mại nhưng kỹ thuật showing được sử dụng để cho thấy mùi vị của một ly cà phê trứng điển hình:

“Ly sứ trắng, lớp kem vàng sóng sánh nhưng mịn màng phủ lên trên một đốt nước cà phê pha phin nguyên chất bên dưới. Tôi lấy chiếc muỗng con, hớt nhẹ một lớp kem rồi nếm thử. Cả mùi thơm lẫn hương vị đều tan ra trong miệng. Kéo nhẹ chiếc muỗng lên khỏi mặt ly, dòng kem sền sệt còn ôm ấp quanh thân muỗng, từ từ nhiễu xuống. Vị kem trứng vừa ngầy ngậy, thơm thơm lại mềm mịn bắt miệng.” (Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng – Hòa Lương)

Còn đây là cách cà phê Ka làm nội dung (content) về sản phẩm trên kênh Facebook của quán:

“CHẮC CHẮN GIÒN! Cà phê ủ lạnh tươi giòn: Thanh Yen Cold Brew

Từ cao nguyên Sidamo – Ethiopia  xa xôi, những trái cà phê chín mọng được lựa chọn tỉ mỉ, chế biến khéo léo và trải qua thời gian ủ dài trong điều kiện nhất định, Cold Brew Thanh Yên mới được ra đời!

Cold Brew Thanh Yên bắt đầu bằng vị tươi mát, chua sáng của cam chanh, vị ngọt mật ong tự nhiên của cà phê hoà quyện cùng syrup thanh yên trên nền vị sóng sánh, và kết thúc bằng hương hương hoa cà phê nhẹ nhàng hoà cùng hương thảo mộc phảng phất.

CHAI CÀ PHÊ CỰC GIÒN là sự cân bằng tuyệt vời giữa cà phê đậm đà và chua thanh tao sánh mượt – giòn tươi!

THANH YÊN COLD BREW đóng chai với dung tích 220ml, đương đương với 2 ly tại quán! – Giá bán chính thức: 75,000đ/Chai rất giòn!”

Khi đọc nội dung này, khách hàng của quán vừa biết được những thông tin về nguyên liệu, mùi vị, giá cả, hình thức đóng chai mà vừa đủ hấp dẫn để họ quyết định đến thử hoặc đặt hàng.

Kết hợp Show don’t tell và hình ảnh bắt mắt, video sinh động là cách làm nội dung mang đến hiệu quả bất ngờ mà người viết thương mại/người kinh doanh nên áp dụng. Tất nhiên, bạn không cần mô tả mọi thứ quá chi tiết. Hãy chọn điều gì có thể tạo được ấn tượng lên cảm quan của người đọc chúng và khiến họ tò mò muốn trải nghiệm sau đó.

Show don’t tell thế nào cho hiệu quả

Đến đây chắc bạn đã hiểu về Show don’t tell và lợi ích của kỹ thuật này trong viết lách đa thể loại như thế nào. Đây là 6 cách viết Show don’t tell hiệu quả bạn không nên bỏ qua.

6-cach-show-dont-tell-hieu-qua
Sử dụng 6 cách để viết Show don’t tell hiệu quả

Sử dụng từ ngữ mô tả các giác quan của nhân vật giúp chi tiết chân thật hơn

Trong showing, bạn có thể đặt người đọc vào bối cảnh mà nhân vật đang trải qua bằng cách mô tả không gian, miêu tả những cảm nhận từ các giác quan. Bạn đừng chỉ sử dụng các câu từ nói về giác quan đơn thuần như: nghe, thấy, nghĩ, tôi nghĩ là, tôi cho rằng, tôi thấy, tôi nghe được, vui, buồn, mừng, giận, sướng, khổ… Thay vào đó, hãy mô tả những gì mà mỗi giác quan cảm nhận được một cách cụ thể hơn. Cùng với trí tưởng tượng, người đọc sẽ có thể hình dung trong đầu những gì được mô tả cũng như thấy mình đang đắm chìm vào bối cảnh ấy.

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.” (Tôi đi học – Thanh Tịnh)

Nhà văn Thanh Tịnh viết về những kỷ niệm của buổi tựu trường đầu tiên vào cuối thu nhưng không phải bằng một câu kể như là: “Vào mỗi cuối thu, tôi lại nhớ về ngày tựu trường đầu tiên.” Ông thông báo điều ấy bằng cách mô tả đặc trưng của mùa thu và của tâm trạng.

Sử dụng động từ mạnh kết hợp với danh từ và tính từ để gây ấn tượng

Ngoài sử dụng các từ mô tả giác quan, người viết còn ứng dụng Show don’t tell bằng cách sử dụng các động từ mạnh nhằm tạo ra một ấn tượng trong tâm trí người đọc. Các động từ mạnh bao giờ cũng có tác động gần như ngay lập tức. Hơn nữa, nó cũng cho thấy các hành động đang diễn ra với mức độ như thế nào.

“Trũi ta không dè bọn Bọ Muỗm bay mau thế. Anh ta chỉ kịp giơ hai cái càng răng cưa tròn xoe lên thì đã thấy không biết bao nhiêu răng, móc đánh, chém tới tấp xuống. Trũi ngã quay. Lũ kia xô cưỡi lên. Nhất định có án mạng phen này.

Tôi vội nhẩy tới. Bọn Bọ Muỗm hốt hoảng bay đi hết. Trũi nằm chỏng gọng, bất tỉnh nhân sự. Tôi vực về cửa hang, lấy nước phun vào mặt Trũi.” (Dế Mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài)

Nếu tác giả chỉ viết: “Trũi chống không lại bọn Bọ Muỗm nên bị chúng đánh ngã. Tôi nhảy tới làm lũ bọ sợ hãi chạy biến.” thì đoạn kể về cuộc gặp gỡ của Mèn và Trũi không sinh động như vậy. Hơn nữa, người đọc cũng khó hiểu được tại sao Dế Trũi đi cùng với Dế Mèn.

Cụ thể hóa và sinh động hóa chi tiết thông qua các phép tu từ

Một trong những cách để Show don’t tell hiệu quả là sử dụng các phép tu từ như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nhân hóa… Tăng cường các từ ngữ gợi tả âm thanh, hình ảnh, tính chất như từ tượng thanh, từ tượng hình làm cho chi tiết trong bài trở nên sống động hơn.

Nó bỏ miếng trầu vào miệng, mùi hăng hắc khó ngửi, càng cố nhai càng thấy cay. Vị cay nóng phà thẳng vào cuống họng và dội ngược lên đỉnh đầu, đốt cháy cả lưỡi Dương. Cô bé nhổ vội miếng trầu trong miệng vào cái ống bơ của bà rồi chạy ù đi súc miệng. Mặt nó đỏ au và đầu óc choáng váng như kẻ vụng lần đầu nếm đầy ly rượu nếp.” (Dưới bóng tre già – Hòa Lương)

Trong tiếng Việt, từ láy là loại từ có khả năng gợi hình ảnh, gợi cảm xúc và mô phỏng âm thanh tốt nhất. Vận dụng khéo léo từ láy sẽ giúp người viết thể hiện được các chi tiết sinh động, hấp dẫn hơn.

Tập trung vào hành động và phản ứng của nhân vật để câu chuyện thêm sinh động

Nếu bạn chỉ thông báo các sự việc xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian từ đầu tới cuối thì câu chuyện sẽ trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn. Để người đọc hình dung tốt hơn, bạn cần tập trung vào hành động cũng như phản ứng của nhân vật trước các tình huống cụ thể.

Dưới đây là phản ứng của bà mẹ (khi say rượu) không muốn con gái yêu đương nhưng bắt gặp cảnh con được đàn ông đưa về nhà sau giờ đi hát ở quán bar:

“Choang. Xẻng.

Mày điên rồi!

Tiếng thét chửi cùng đồ đạc vỡ toang khiến căn nhà vốn nghèo nàn càng thêm xơ xác. Bà Lan vơ vội mọi thứ trong tầm tay ném mạnh xuống đất. Các mảnh vụn rơi vãi khắp nơi. Đôi mắt bà long lên sòng sọc, đầu tóc rũ rượi, hai hàm răng trệu trạo nghiến vào nhau. Bà thở hồng hộc trong khi nhìn chòng chọc vào đứa con gái trước mặt.” (Dạ Quỳnh – Hòa Lương)

Sử dụng các hội thoại trong xây dựng tính cách nhân vật và kể chuyện

“- Aaaaaaa!

Dương đau điếng bật lên tiếng kêu, đuôi tóc bị bàn tay với bộ móng đính đầy hạt túm mạnh. Cô ả trợn mắt, đôi môi kẹp chặc điếu thuốc hôi nồng:

– Con nhỏ nhà quê, mày định dụ ai mà làm trò mèo đấy hả?

– Mày tin tao rạch nát khuôn mặt ngây thơ của mày không? Con chó. Mày chạy bàn hay làm gái?

Dương bị sốc nhưng nhanh chóng lôi được tay ả ra khỏi tóc mình. Lúc quay người lại, Dương cảm thấy cổ mình bỏng rát. Móng tay ả cào một vệt dài xước cổ.” (Dưới bóng tre già – Hòa Lương)

Chỉ trong vài câu thoại và những mô tả ngoại hình, người đọc vẫn có thể biết được tính cách của nhân vật như thế nào mặc dù không có từ nào gọi tên tính cách cụ thể.

Liên tục “làm đầy nhà kho” của bản thân

Đây không phải là kỹ thuật trong viết lách nhưng là hoạt động người viết nên làm để có thể sử dụng tốt phương pháp Show don’t tell. Mặc dù từng chia sẻ cách viết cho nhiều người nhưng tôi vẫn thường được đặt câu hỏi ngược lại là làm sao có thể mô tả như các tác giả đã làm.

Bạn cần hiểu rằng, mô tả là cách bạn mô phỏng, tái hiện những hình ảnh thực tế hoặc hình ảnh trong tâm trí thành câu chữ. Và để biến chúng thành chữ, bạn cần có một nhà kho chứa thông tin trong não.

Bạn sẽ không thể cho thấy vẻ đẹp huyền ảo của mây và nắng trên đỉnh Fansifan nếu chưa thật sự đặt chân đến nơi này. Vậy bạn có nên viết về nó không? Vẫn có thể nếu bạn đã đọc, xem ảnh hay xem video về nó. Ít ra thì bạn cũng từng nhìn thấy mây. Không có gì chân thật bằng việc bạn đã trải nghiệm nó. Khi chưa trải nghiệm, bạn hãy “mượn” từ trải nghiệm của người khác thông qua việc đọc, nghe, xem và ngẫm. Chúng ta sẽ không thể trải qua mọi chuyện, nếm thử mọi món ăn hay đi đến mọi nơi. Vậy nên chúng ta cần tới những cuốn sách, những người quen biết, những bức ảnh… Hãy làm đầy và làm mới bản thân từ những nguồn bên ngoài bên cạnh sự phát triển tự thân bên trong.

Hơn nữa, đừng kiềm hãm trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bạn. Trước một thứ gì đó, hãy thử liên tưởng, so sánh, kết nối chúng với các sự vật, sự việc khác. Lâu dần, bạn sẽ hình thành thói quen liên tưởng và đối chiếu. Ngoài việc quan sát thế giới xung quanh, bạn cũng cần dành thời gian để quan sát nội tâm, trí tưởng tượng của mình.

Vốn từ cũng là thứ bạn cần trau dồi liên tục để có thể biết được nhiều hơn, viết được tốt hơn. Không ít người tìm được hình ảnh trong đầu nhưng không thể viết ra vì vốn từ ít ỏi.

Đừng nghĩ rằng thứ gì đó không liên quan tới bạn nên bạn không cần để ý. Là một người viết, một nhà văn, một người sáng tạo nội dung, bạn cần phải quan sát và tư duy liên tục. Ngay cả khi bạn không phải là phụ nữ thì cũng có thể nhân vật, độc giả hoặc khách hàng của bạn là nữ. Nếu bạn không hiểu biết chút gì về nữ giới thì bạn sẽ viết về họ như thế nào? Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc chọn lựa những thông tin cần thiết và phù hợp, tránh làm cho đầu óc bị quá tải vì kham quá nhiều thứ.

Lưu ý khi sử dụng kỹ thuật Show don’t tell

Sử dụng cả telling và showing

Mặc dù Show don’t tell là một phương pháp hữu dụng trong viết sáng tác và cả viết thương mại nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phủ nhận công dụng của telling.

Bạn không thể chỉ miêu tả trong suốt cả bài viết hay câu chuyện. Kỹ thuật kể chuyện cũng cần thiết không kém để đưa tác phẩm đến gần hơn với độc giả. Tức là showing và telling đều nên được sử dụng một cách linh hoạt và hợp lý để mang lại hiệu ứng tốt nhất cho nội dung mà bạn viết ra. Telling giúp bạn xây dựng được câu chuyện qua các chi tiết, showing giúp các chi tiết ấy trở nên sinh động và tác động tới người đọc nhanh hơn, sâu hơn.

Không lạm dụng showing: đừng show mọi thứ, không tham chi tiết

Showing hay telling đều không có nghĩa bạn phải tả hay kể mọi thứ một cách quá chi tiết. Điều đó chỉ khiến cho câu chuyện trở nên lê thê, nhàm chán và không thể giữ chân người đọc.

Là một người sáng tạo nội dung, bạn chỉ cần tả những thứ nên tả để phục vụ tối đa cho mục đích của bài viết. Chọn lựa những chi tiết tiêu biểu, có thể gây ấn tượng và tả những thứ cần tả sẽ giúp bạn thành công với bài viết. Nếu bạn muốn nhấn mạnh những miếng đào tươi giòn, thanh mát trong ly trà đào cam sả thì đừng ngồi miêu tả từ không gian quán, chiếc ly, lát cam, thanh sả tới miếng đào. Tập trung vào thứ bạn cần được nêu bật mới là cách tôn lên đối tượng hiệu quả nhất. Nếu mọi thứ đều được phơi bày thì còn gì để người đọc tò mò khám phá nữa, phải không?

Show don’t tell là kỹ thuật viết sử dụng yếu tố miêu tả để tăng sức hấp dẫn cho bài viết và sự kết nối với người đọc. Ngày nay, kỹ thuật này được sử dụng ở cả 2 mảng viết sáng tác và viết thương mại. Biết được những cách viết Show don’t tell hiệu quả, bạn sẽ làm chủ được câu từ của mình.

Bài tham khảo: Show, Don’t Tell: Tips and Examples of The Golden Rule (reedsy.com)

Bạn đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .