Tháng năm vàng trang nhật ký

Nhật ký của mẹ lưu dấu lại những tháng năm cuộc đời có đủ vui buồn hờn giận. Nhưng khi khép lại trang giấy chỉ thấy lòng đầy những thương yêu.

Nhật ký của mẹ lưu dấu lại những tháng năm cuộc đời có đủ vui buồn hờn giận. Nhưng khi khép lại trang giấy chỉ thấy lòng đầy những thương yêu.
Nhật ký của mẹ là những tháng ngày đồng hành cùng chúng con

Sáng đầu đông nắng ngọt. Gió se se thổi vào làn tóc hanh hao của mùa. Tôi mang những chiếc chăn bông cất từ mùa trước ra phơi. Tiện thể dọn dẹp nhà cửa một lần cho tươm trước khi đông ngày càng rét mướt. Bình thường mẹ tôi là người chăm chút trong nhà ngoài ngõ. Mỗi khi sang mùa, mẹ cẩn thận xem từng tấm chăn, manh gối. Năm nay mẹ vắng nhà, tôi phơi chăn mền ngoài sân nắng ấm mà lòng nghe xôn xao.

Xong xuôi đâu vào đấy, tôi dọn dẹp lần lượt các phòng. Phòng mẹ tôi có một chiếc rương gỗ màu nâu cánh gián đã đôi chỗ mọt ăn vẹt, nhờ nhờ sắc trắng. Cái ổ khoá con nằm im lìm bảo vệ những thứ đồ được cất gọn gàng bên trong. Trước khi đi vắng, mẹ dặn tôi làm lại một số giấy tờ nên dúi vào tay tôi chiếc chìa khoá.

Tôi tra chìa vào ổ, cách, tiếng kêu nhẹ vang lên cùng lúc với ổ khoá mở. Tôi gỡ ra rồi đẩy nắp rương lên. Mùi không khí đóng kín cùng mùi giấy cũ xông vào cánh mũi. Trước mắt tôi là cả rương kí ức. Có giấy khai sinh của chúng tôi, sổ hộ khẩu, giấy tờ đất và rất nhiều ảnh cũ. Những tấm ảnh ố vàng có, gãy nếp có, ép nhựa có, không ép nhựa cũng có. Tôi lấy mấy thứ mẹ dặn đặt ra bên ngoài rồi cầm xấp ảnh lên định xem. Lúc luồn tay xuống dưới xấp ảnh, tôi chạm vào một vật gì cưng cứng như gáy sách. Đặt xấp ảnh lên trên mớ giấy tờ, tôi thấy cuốn sổ cỡ vừa nhưng dày dặn. Mép vở quăn nhẹ và hình in ở bìa đã nhoè màu phai nét. Tôi lật trang đầu tiên, nét chữ nghiêng ghi bằng bút mực nắn nót, đậm nhạt: Nhật kí. Tôi ngồi xuống sàn nhà, tựa lưng vào thành giường, táy máy lật mở từng trang lấm lét như mèo con ăn vụng.

Ngày… tháng… năm 1988

Mình đã học hết cấp hai rồi. Ước mơ vào học chuyên Văn dang dở. Bố mẹ khổ quá, mình còn ba đứa em. Đành nghỉ học ở nhà phụ việc đồng áng. Lớp mình cũng nhiều bạn nghỉ. Đa phần vì nghèo, một số vì học kém. Khi trước bố bảo nếu muốn học tiếp bố sẽ cố thu xếp cho. Nhưng muốn học trường chuyên phải lên tận thị xã, xa nhà rồi ai giúp bố mẹ. Nghĩ mãi đành bỏ dở thôi. Quyết vậy rồi mà sao vẫn buồn quá. Giá có thể đi học mà không phải lo lắng điều chi, không phải xa nhà nhỉ? Thôi thì lại nợ bút nghiên. Mình nghe mọi người bảo con gái cũng chả cần học nhiều. Cứ làm lụng cho giỏi rồi lấy chồng sinh con là xong cả. Ừ thì, con gái học lắm làm gì, chỉ tốn cơm áo mẹ thầy…

Ngày… tháng… năm 1991

Dạo này bố hay nói chuyện chồng con. Ông Đài cuối xóm có cậu con trai học chung với mình dạo đó. Bố với ông ấy ngày xưa đi lính đã hứa hẹn cho hai đứa kết hôn. Nghe cứ như mấy câu chuyện xưa xửa trong sách. Ông Đài hay qua chơi và thường khen mình chăm làm. Mình quý ông ấy nhưng chẳng có tình cảm gì với Đăng. Hai đứa chơi chung từ bé rồi, làm bạn được thôi. Mình nói với bố thế. Bố cũng chịu. Hôm trước mình nghe được bố bảo lại với ông Đài rồi. May quá!

Mấy hôm nay lên ruộng hay có một anh thanh niên xóm ngoài đi theo sau. Anh cứ lẳng lặng theo thôi, chẳng vồn vã cũng không lại gần. Có khi mình ngó lại, anh chỉ cười ngượng nghịu. Hiền quá! Chẳng hiểu sao lại nghĩ tới khuôn mặt ấy nữa. Mai lên ruộng liệu có gặp anh không?

Ngày… tháng… năm 1991

Chúng mình nói chuyện với nhau rồi. Nhà anh ở cũng gần. Đi qua mấy con hẻm là tới. Anh không giỏi nói chuyện nhưng lần nào cũng lặng lẽ giúp mình. Khi nhổ gốc ngô, lúc làm cỏ lạc. Mấy hôm gánh nước tít dưới mương anh cũng lẽo đẽo theo cùng. Mình đi làm sớm hơn chút, về muộn hơn tẹo. Chỉ muốn nấn ná với anh lâu lâu. Mà mắc cỡ quá, đám bạn trông thấy toàn ghẹo “vợ chồng”. Đã ai cưới hỏi gì đâu. Đến lạ!

Mình theo anh lên chợ huyện chơi mấy lần. Mình chả có tiền đâu. Đi phụ người ta cắt dây khoai được mấy ngàn. Thế là đủ ăn chè uống nước. Đi chơi túi không đồng tiền cứ thấy ngại ngại. Mà mình phải nói dối bố mẹ mới đi với con trai được nên cứ ngong ngóng về cho mau. Lỡ ai thấy mà báo bố mẹ thì chết. Không biết hôm nào anh mới chở lên huyện chơi nữa nhỉ?

Ngày… tháng… năm 1992

Có mấy người tới xin bố mình cho tìm hiểu. Mình không thích, bố cũng có vẻ không ưng. Em mình đóng kín cổng không cho vào nhà. Đến lạ, sao họ lại nói chuyện yêu đương với người không quen, mà còn thông qua phụ huynh? Mình thấy ngộ quá nhưng ngại nhiều hơn. Thật xấu hổ!

Hôm rồi anh đánh bạo tới nhà. Chẳng hiểu sao em mình không đóng cổng. Còn bảo chỉ mở cửa cho mỗi anh này thôi. Mình vui quá, cười cả ngày. Bố mình bảo anh hiền khô nên bố không cấm nhưng yêu đương cho đàng hoàng, đừng để như Thị Mầu là cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông. Mình khiếp quá! Người ta còn chưa cưới xin gì, đâu dám mà bố lo.

Ngày… tháng… năm 1992

Hôm nay anh tới nhà. Trời mưa to như trút. Cổng vẫn đóng im lìm. Lòng mình buồn hơn mưa. Bố khen anh hiền nhưng không cho cưới. Bố bảo nhà mình làm đồng tôm lại thoải mái. Bố mẹ không khắt khe với con cái nên dù không giàu có nhưng chẳng tới nỗi khổ cực. Nhà anh mấy đời nho bảng. Mẹ anh lại là con địa chủ hết thời. Của cải chả còn, nghèo như cái chấy nhưng ngữ ấy thì thói phong kiến còn rặc vào máu. Lấy về chỉ khổ. Đã vậy bố mẹ mình mới non bốn mươi. Chỉ hơn chị gái anh vài tuổi. Nghĩ thế nào cũng khập khiễng. Mình không khóc nhưng lòng chực như vỡ vụn.

Em mình không dám mở cửa, nó thấy anh đến thì trốn biệt trong phòng. Mình cũng vậy nhưng chốc chốc lại trông ra. Cổng có mái xi măng mà mưa này đứng ngoài cũng ướt hết. Anh im lìm như cái bóng, đợi chờ. Chỉ có đôi mắt là kiên định như ánh lửa. Chẳng biết anh khóc không mà nước mắt mình ướt nhoè.

Bố thấy vậy nên bảo mình ra đuổi khéo cho anh về chứ để tội nghiệp. Tội con người ta sao bố không cho chúng con đến với nhau hả bố? Mình sụt sùi trong dạ nhưng chẳng dám nói ra.

Anh không nói được gì nhiều, chỉ đưa mình cuốn sổ. Bìa sổ in hình bông hoa hồng đỏ. Rồi anh chào ra về. Đôi mắt buồn lưu luyến. Mưa vẫn rơi không ngừng. Lòng hai đứa buồn như tơ rũ.

Mình trốn vào phòng lật vở ra xem. Anh làm bao nhiêu là thơ. Bài nào cũng da diết thương yêu, mơ về mái ấm. Những bài mới nhất loang lổ biệt li. Anh cũng sợ chia phôi, sợ bố mẹ ngăn cách. Nước mắt mình rơi lã chã.

Ngày… tháng… năm 1992

Mình đã làm dâu nhà anh rồi. Ngày rước dâu mẹ dặn không được ngoái đầu nhìn lại, sợ nhỡ đâu gãy gánh giữa đàng. Ngày vui mà nước mắt rơi không ngừng. Thế là từ nay làm con người ta, không có ai phụ bố mẹ ở nhà, không có ai bảo ban em út. Tự dưng mình thấy sợ, thấy buồn, muốn về với bố mẹ. Cách mấy con hẻm thôi mà giờ xa xôi như mấy núi. Mình khóc tức tưởi đêm tân hôn. Anh vỗ về an ủi.

Nhà anh nhỏ thấp, u tối. Ngay cả buồng ngủ vợ chồng mình cũng chỉ là một buồng nhỏ giữa nhà, chẳng có nổi cánh cửa hay tấm màn che. Của hồi môn bố mẹ chồng cho là chiếc giường gỗ lim thấp. Mình kiếm vải may thành tấm màn che tạm. Lỡ đâu ai trong nhà đi ngang qua khỏi xấu hổ.

Ngày… tháng… năm 1992

Bố nói đúng, nhà anh không giống nhà mình. Mới mười bốn ngày đã đủ thứ rối ren. Mình chán quá bỏ về nhà bố mẹ. Mẹ mình nói con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, không thu lại được. Bây giờ sướng khổ gì cũng cắn răng mà chịu, đâu thể bỏ chồng. Bố mẹ đã bảo trước mà cứ khăng khăng rằng con sẽ hạnh phúc. Chẳng ai lấy chồng mười bốn ngày đã về nhà mẹ đẻ. Vả lại, ở xứ này, con gái lấy chồng đã thành đàn bà dù chỉ mới mười tám đôi mươi. Nếu bỏ chồng thì còn gì là mặt mũi bố mẹ rồi còn ai mà thèm vào nữa. Li hôn thì chỉ có đàn bà bị xỉa xói, đay nghiến, gièm pha thôi. Đàn ông vẫn phơi phới, lấy bao nhiêu vợ chả được. Nói xong còn đuổi mình về, không cho ở lại.

Phải rồi, còn mặt mũi gia đình, mặt mũi mình nữa chứ. Rủi mà như vậy thật chỉ có bán xới đi nơi nào không ai quen biết. Mình chịu nhưng vẫn đợi chồng tới chở về. Chẳng biết rồi đây còn chuyện gì nữa… Mình chỉ mong yên ổn.

Ngày… tháng… năm 1992

Cuộc sống không yên ổn như mình mong. Bố anh hiền lành lắm, mình thương ông quá. Nhưng mình không hợp tính mẹ anh. Rồi cả anh chị em trong nhà nữa. Nhà nghèo, cơm bữa nào cũng độn ngô, độn khoai khô. Mà độn không bõ. Ai cũng chỉ dám ăn lưng bát cầm chừng. Ở chung nhà vào ra xích mích. Mấy xấp vải hoa hôm cưới được tặng làm quà bây giờ em chồng bảo thích, mình cho. Chị chồng bảo ưng, mình biếu. Chả lẽ lại giữ khư khư. Thôi thích thì cho vậy. Có cái gì của mình mà là của riêng mình nữa đâu. Mình khăng khăng đòi gả vào nhà họ thì mình phải chấp nhận thôi. Rồi cái gì cũng qua.

Ngày… tháng… năm 1993

Mình sinh con gái đã được vài tháng. Chẳng có thời gian mà viết. Bây giờ con ngủ say nên biên vội vài dòng. Nhìn con ngủ mà thương. Khuôn mặt bầu bĩnh, cái mỏ chúm chím tu tu như đang ti sữa. Vậy mà có người bắt mẹ bỏ con đi. Con sinh ra đã lì. Mẹ đi trạm xá mấy lần mới sinh được. Lúc mới sinh con nhỏ xíu, đỏ hỏn, da nhăn. Chẳng hiểu sao da con mỏng quá, tưởng như thấy cả nội tạng phập phồng theo nhịp thở. Họ bảo con là quái thai, đem mà chôn đi. Mẹ chẳng nói câu gì. Không buồn nói, không muốn nói. Từ khi nghe câu ấy là mẹ chết trong lòng. Chẳng còn thiết tha tình cảm gì nữa. Mẹ vẫn nuôi con, vẫn chăm con chứ. Núm ruột của mẹ kia mà. Nỡ lòng nào nói con như cái kiến con sâu, muốn bỏ là bỏ.

Người ta bảo trong tháng trẻ ngủ li bì nhưng con cứ khóc ngằn ngặt mãi. Mấy tháng trời không chịu rời tay mẹ. Hễ xa mẹ là khóc, nội ngoại gì cũng không cho bế. Ấy vậy mà thắp nhang thì nín. Bà nội lật đật coi thầy mới biết con bị cô ghẹo. Cô con mất khi còn nhỏ nên mê con nít. Cứ thấy là lại chọc cho con khóc. Thầy còn bảo cô theo con cả đời. Mẹ chỉ mong con gái mẹ được bình an. Cô ơi, nếu cô có linh xin cô đừng hại cháu, cô hãy bảo vệ cháu nhé. Anh chị đội ơn cô.

Ngày… tháng… năm 1995

Chồng vẫn đi khắp nơi làm cửu vạn. Có khi theo cậu lên mạn ngược đánh gỗ, buôn măng có khi vào tận trong nam làm thuê. Thi thoảng anh gửi tiền về. Có hôm mình để tiền trong vỏ gối vậy mà mất, mất tiệt. Chả biết kêu ai cho phải. Ngậm bồ hòn làm ngọt vậy.

Mình không ở chung thêm được nữa. Từ chuyện cỏn con như miếng cơm tấm áo tới chuyện con cái chẳng ai hợp với ai. Sống với nhau bằng mặt không bằng lòng rồi lại nghe những câu nói kháy. Mình nhờ bố ruột vay mượn giùm một khoản rồi mua miếng đất làm nhà. Tiền ít không mua được đất giữa làng. Vợ chồng mình mua chỗ ruộng hoang ngoài bãi, gần đường lên nghĩa trang.

Bây giờ xây xong rồi, chồng vẫn ở xa, mình đang bầu đứa nữa. Tội nghiệp cả hai đứa nhỏ. Còn bé quá. Mình bầu bí vẫn ra đồng ra bái, vẫn xếp gạch khiêng đá. Biết sao được, nhà chẳng có đàn ông. Ban ngày gửi con bé cho ông bà trông giùm. Hôm nhờ đằng nội, hôm mang tới ngoại. Tối về nấu nồi cơm hấp khoai mốc. Ho sù sụ. Nhưng cũng phải ăn, ăn cho con mình nữa.

Càng gần tới ngày sinh mình càng mệt, càng tủi. Phải chi có chồng ở nhà lo xây nhà cửa thì đỡ cực bao nhiêu. Đêm hôm đàn bà một thân một mình mãi ngoài chỗ đồng hoang không đèn không điện. Nhiều đêm ngồi trong màn co ro ôm gối khóc. Vì tủi, vì cực, vì thương, vì sợ, vì nhớ. Nhưng nghĩ tới còn hai đứa con nhỏ phải cắn răng mà làm, chồng xa cũng phải chịu. Chỉ cần ở riêng là đã tốt lắm rồi, xa thơm gần thối.

Ngày… tháng… năm 1996

Thằng cu đã được hơn một tuổi. Mình sinh ở nhà. May có hàng xóm giúp đỡ. Tội nghiệp con của mẹ, bé tẻo teo, lại suy dinh dưỡng. Mẹ xin lỗi con. Mẹ còn đói ăn thì làm sao có sữa ngon cho con bú. Con cứ ho ngằn ngặt tối ngày rồi hắt xì liên tục. Bác sĩ bảo mẹ ăn không đủ chất nên con mới còi. Làm sao đủ chất được khi nhà mình ăn cơm thì ít ăn khoai mốc thì nhiều. Con còn bị phổi, gió máy chút là ho sùng sục. Mẹ thương con đứt ruột nên nhờ cậu chở lên bác sĩ.

Khám xong bác sĩ xua mẹ ra ngoài, bảo cậu vào ẵm, sợ mẹ xót con bác sĩ không chữa được. Mẹ ở ngoài đợi, lòng như lửa đốt. Tiếng con khóc ngằn ngặt, đau đớn, hét la rồi sau im lìm. Mẹ hoảng quá đòi bế con về. Cậu phải la mẹ mới im. Lúc về cậu con bảo bác sĩ phải đưa dụng cụ bằng inox vào họng con nạo. Con khóc, con ho, máu chảy ra đầy áo cậu rồi lát sau con lịm đi. Mẹ mà thấy chắc lao vào cấu xé ông bác sĩ hay giật con trên tay cậu mang về rồi.

Mẹ khóc nhiều lắm, mẹ thương con quá. Tội nghiệp con trai của mẹ. Mẹ không tiếc rẻ mớ khoai phơi khô để lâu ngày lên mốc ấy nữa. Mẹ không ăn củ chuối thay cơm nữa. Mẹ phải ăn cho mẹ và cho con của mẹ chứ. Có đi vay gạo cũng phải cơm cháo đàng hoàng. Mẹ cho con bú tới khi nào con chán mới thôi. Chỉ mong con mạnh khoẻ là mẹ vui chứ mỗi tiếng con ho đều như xé lòng mẹ.

Ngày… tháng… năm 1999

Con gái vào lớp một rồi. Lúc con quay lưng lầm lũi bước vào sân trường mẹ vừa mừng vừa lo. Bóng con nho nhỏ mang trên lưng chiếc cặp hồng dì cho cứ in sâu vào mắt mẹ. Thi thoảng con ngoái đầu nhìn lại, vẫy vẫy bàn tay bé xíu chào mẹ. Mẹ đứng mãi trước cánh cổng trường tiểu học nhìn theo tới tận khi con vào lớp. Con gái mẹ lớn rồi. Mong con ngoan và học giỏi. Mẹ nhất định sẽ nuôi con ăn học đàng hoàng, sẽ không để con bước lên vết xe đổ của mẹ. Chỉ có học mới hết khổ hết nghèo thôi con gái. Mẹ yêu con vô ngần!

Ngày… tháng… năm 2001

Năm nay con trai sẽ vào lớp một. Con vẫn còi cọc quá. Mỗi lần trở trời con hay cảm cúm. Con hắt xì liên tục, ho vật vã từng hồi. Mẹ đưa con đi chạy chữa khắp nơi mới đỡ. Bố con đã về quê nhưng không ở nhà mà đi làm đồng tôm cho ông cậu. Cuối tuần bố về nhà, mang theo cả tôm cá. Có khi là cân thịt. Mẹ vui lắm. Những hôm ấy nấu một nồi cơm đầy vung, nhìn ba bố con ăn ngon lành mà mẹ cười không ngớt. Chỉ mong nhà mình lúc nào cũng vui như vậy.

Bố thương con gái lắm đấy. Hồi bé toàn cúc cu con lên cổ rồi cõng đi long nhong. Tới bây giờ bố vẫn hay chống hai tay lên vách cửa thành xà ngang cho con gái đánh đu. Em trai thấy vậy cũng đu theo nhưng chẳng tới. Thế là mè nheo. Nhà cửa rộn tiếng cười chứ không đìu hiu như những ngày vắng bố.

Nhớ ngày mùa, hai đứa tập tễnh theo bố mẹ đi bẻ ngô, nhổ lạc. Nhổ chẳng được bao nhiêu mà chạy chơi khắp ruộng. Các con cười khanh khách, bố mẹ đưa mắt nhìn nhau, thấy hạnh phúc đong đầy trước mặt.

Mùa đông trời lạnh. Mẹ dắt hai chị em đi lựa từng cái nón len ấm, cái nón lông dày và áo quần toàn bông là bông. Nhìn hai đứa xúng xính trong quần áo mới lòng mẹ mừng khấp khởi. Con mẹ thật đáng yêu! Mẹ mong hai con khôn lớn nên người nhưng cũng sợ các con lớn nhanh quá, sẽ xa vòng tay mẹ. Ôi! Mẹ lo xa làm sao. Các con còn bé tí cơ mà.

Ngày… tháng… năm 2002

Bố vẫn đi làm thuê cuối tuần mới về. Các con lớn hơn, có thể tự chơi và phụ mẹ. Mẹ bầu em bé thai lớn quá. Ai cũng nghĩ mẹ sinh đôi nên khuyên mẹ làm ít thôi. Nhưng làm ít rồi lấy gì nuôi ba con chim non háu đói của mẹ? Mẹ nhận thêm ruộng, lấy công làm lời. Hai đứa thay nhau chăn trâu. Sớm quá mẹ cũng thương. Nhưng con nhà nông nên đành để con chịu cực. Bố mẹ cũng muốn dạy con lao động. Có lao động mới làm ra lúa gạo, mới có cái ăn. Mẹ quần quật ruộng đồng tối ngày. Khi nào xong ruộng nhà lại cày thuê, cấy mướn. Bà ngoại thương nên bảo làm phụ, bà gửi tiền công nhiều hơn người ta.

Bà nội con chung trâu với nhà bác. Vậy mà trưa hè chang chang còn kêu mẹ đi cày mấy mảnh ruộng. Mẹ sốt ruột con cái ở nhà lại bụng mang dạ chửa ì ạch nên chẳng chịu. Thế là bà con bù lu bù loa kéo thêm cả bác ra tận nhà mình chửi. Mẹ mệt quá không muốn nhịn thêm. Mẹ gây với bà, với bác. Hai đứa con cứ đứng nhìn mẹ với bà, bác lời qua ý lại rồi khóc tu tu. Mẹ xót. Xua hai con vào nhà rồi chẳng buồn đôi co gì nữa. Người ta bảo giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng là vậy. Giá mà bố con ở nhà hay giá mà bà không có trâu. Đằng này…

Mẹ đã khóc cả đêm hôm ấy. Bao nhiêu tủi hờn từ ngày mới về làm dâu. Bao lần nghe những câu xéo xắt đều nín nhịn cho qua. Bao lần người ta quá đáng cũng im đi dĩ hoà vi quý. Nhưng mình càng nhẫn nhịn người ta càng lấn tới. Mẹ chẳng nhịn nữa. Đã không ai thương mình thì mấy mẹ con mình phải thương lấy nhau. Giờ cuộc sống của mẹ chỉ xoay quanh mấy đứa con. Với mẹ thế là đủ rồi. Các con là sức mạnh của mẹ, là lẽ sống của mẹ đấy thôi.

Ngày… tháng… năm 2002

Bố con không vui khi mẹ cãi bà nội. Bố con chẳng tin những lời mẹ nói. Chỉ có bà nội con là đúng thôi. Mẹ thất vọng, mẹ chán chường. Đã bao chuyện xảy ra nhưng chưa lần nào bố đứng về phía mẹ. Dường như bố không ở nhà nên luôn mang sự nghi ngờ. Nếu vậy mẹ còn sống làm gì nữa? Một mình chăm hai đứa con với hơn mẫu ruộng còn chưa đủ cực sao? Mẹ chỉ mong bố con biết quan tâm, chia sẻ, mong bố con tin mẹ, thương mẹ mà sao khó quá.

Giá mà mẹ nghe lời ông ngoại. Giá mà mẹ đừng cưới bố con…

Mẹ đã lấy chai thuốc sâu dưới bếp, vào buồng khoá cửa rồi uống một hơi. Chỉ vài tháng trước ngày sinh con trai út của mẹ.

Mẹ bế tắc quá, dại dột quá. Con tha lỗi cho mẹ nhé con trai. Mẹ đã quá mỏi mệt, quá chán chường với gia đình chồng, với chồng, với hàng tá áp lực đè lên vai. Mẹ chịu đựng được tới đấy thôi. Mẹ muốn bỏ quách đi cho rồi. Chỉ có bỏ luôn cuộc đời mẹ thì mới chấm dứt được tất cả. Không tranh cãi, không định kiến, không lo cơm áo gạo tiền, không thất vọng vào tình thân.

Trước lúc làm chuyện điên rồ ấy con gái còn ngây thơ hỏi mẹ cầm gì trên tay. May mà con biết đấy là thuốc sâu nên chạy đi mách hàng xóm. Rồi cậu con tới chở mẹ đi bệnh viện huyện rửa ruột, cấp cứu.

Các con biết không, khi thuốc ngấm vào người mẹ đã hối hận. Mẹ còn hai chị em con, còn em trai trong bụng chưa được biết ánh mặt trời. Mẹ ích kỉ quá, mẹ tàn nhẫn quá. Mẹ xin lỗi cả ba chị em. Thật may mẹ còn được sống, còn có cơ hội chăm sóc và nuôi nấng mấy đứa con. Rủi mà hôm ấy mẹ đi thật… Mẹ không dám nghĩ tới những khuôn mặt non nớt của con mẹ rồi sẽ bơ vơ trên đời.

Cảm tạ ông trời còn cho con được sống, được làm mẹ. Vất vả mấy cũng không bằng những phút giây hạnh phúc và tình yêu thương.

Ngày… tháng… năm 2006

Bố mẹ mang theo em út đi tha phương lập nghiệp. Chỉ còn hai chị em ở quê nhờ ông bà chăm nom. Con gái mẹ bướng lắm, lại hay cãi. Mẹ sợ con không nghe lời. Mỗi cuối tuần mẹ đều gọi về dặn con ngoan, chịu khó học hành năm sau mẹ về đón. Xa con mẹ đứt ruột. Lần nào gọi điện con cũng khóc. Lúc mới nghe điện thoại con luyên thuyên kể lể vậy mà cứ tới khi chào lại sụt sịt, nhớ bố mẹ nhớ em.

Các con mẹ khổ quá. Nhất là con gái. Con lớn nhất nhà, con là chị cả. Mẹ kì vọng ở con nhiều, cũng nhờ cậy con nhiều quá. Sáu tuổi đã đi chăn trâu, lớn hơn chút thì theo mẹ ra đồng. Rồi việc nhà cửa cơm nước đều dạy con làm. Mẹ không lo lắm khi để con ở lại chăm em. Mẹ chỉ thương con phải lớn trước tuổi. Mẹ sợ con buồn, con tủi. Mạnh mẽ lên nhé con gái. Mẹ sẽ về đón hai chị em sớm thôi. Năm sau, nhất định thế!

Ngày… tháng… năm 2007

Mẹ ghi vội mấy dòng khi ba chị em đang dựa vào nhau ngủ vật vờ trên chuyến xe bắc – nam rời quê vào xứ khác. Chúng ta bỏ lại quê hương, bỏ lại cả những vui buồn quá khứ. Đồ đạc trong nhà cho được đã cho, bán được đã bán, thứ gì cần đã mang theo. Lúc vẫy tay chào ông bà ngoại, lòng mẹ đau như cắt. Mẹ quay vội đi để không phải nhìn ông bà đứng thất thần phía dưới. Lần ra đi chẳng biết khi nào mới ổn định để về thăm quê. Xe chạy đi rồi mẹ mới dám nhìn lại. Ông bà vẫn lẳng lặng trông theo. Hai chiếc bóng già nua hoang hoải. Cuối đời còn tiễn con cháu đi xa. Các con cũng khóc. Khóc mệt thì lăn ra ngủ. Ngủ đi con ạ! Cứ ngây thơ, bé bỏng như vậy khi các con còn có thể. Bởi lớn lên rồi, cuộc đời sẽ giao cho con nhiều bài tập hóc búa. Mà khi ấy mẹ chẳng còn có thể làm thay hay chỉ bày con cách giải. Con sẽ phải tự đi trên đôi chân của mình, bằng khả năng của mình. Mẹ vuốt tóc từng đứa, nhìn ngắm yên bình trên gương mặt trong trẻo của các con. Lòng mẹ lắng lại. Mẹ xa quê, xa ông bà nhưng sẽ gần bố, gần các con. Chúng ta còn cả cuộc đời để thương nhau. Chỉ cần đủ đầy năm người thì ở đâu cũng là nhà các con nhỉ?

Nhật kí của mẹ không ghi từng ngày mà chỉ có những khoảnh khắc. Trang giấy nào cũng quăn mép. Dường như mẹ lật xem nhiều lần lắm. Có những trang khô cong, vết mực lem nhem như ngấm nước. Tôi đoán mẹ khóc nhiều khi viết, hay khi mẹ đọc lại? Tôi không rõ nữa nhưng nước mắt tôi rơi xuống, thấm đầy nét chữ viết tay của mẹ. Chắc là nước mắt tôi cũng ngấm vào nước mắt mẹ đấy thôi.

Mẹ tôi chưa đầy năm mươi. Trong trí nhớ lờ mờ của tôi vẫn còn thấp thoáng nhiều câu chuyện mẹ ghi lại. Từ khi học cấp hai, tôi đã biết thế nào là định kiến xã hội, là mẹ chồng nàng dâu. Những điều mẹ kể tôi đều biết cả. Lúc nhỏ chỉ thương thôi, thương vì mẹ khổ, vì mẹ khóc trong đêm khi chúng tôi say ngủ. Sau này càng lớn tôi càng hiểu và thương hơn. Ngoài tình thương dành cho mẹ còn có cả tình thương và nỗi xót xa cho thân phận con người, cho số kiếp đàn bà. Nhất là những người phụ nữ thế hệ trước như ngoại tôi, mẹ tôi. Một đời thương con chiều chồng, một đời nhẫn nhịn cầu yên. Cái gì cũng chắt chiu, vun vén cho gia đình. Nhiều người nói rằng đấy không phải hi sinh bởi họ tự nguyện. Vâng những người như mẹ tôi, bà tôi thì tự nguyện thật đấy. Nhưng họ tự nguyện yêu thương, chăm sóc chứ đâu tự nguyện nhận lấy sự vô tâm, ích kỉ của người thân. Nhất là người má ấp môi kề. Giá mà bố tôi, ông tôi hay những người đàn ông khác cũng hiểu hết giá trị của tình yêu thương mà một người phụ nữ có thể dành cho chồng con lớn nhường nào thì có lẽ đã không phải nghe về nỗi khổ đàn bà.

Mẹ tôi còn ghi chép nhiều bởi cuốn sổ rất dày mà chữ mẹ lại nhỏ. Tôi lật tới mấy trang gần nhất xem thử.

“Ngày…. tháng… năm 2020

Con gái đã nghỉ việc công ty gần nhà và chuyển đi ở trọ để tiếp tục học lên. Mẹ không cấm con học hành nhưng lo con lỡ thì. Mới hôm nào sinh con bằng cái kiến hi hóp “ruột để ngoài da” mà bây giờ đã gần ba mươi. Mấy bận con yêu rồi lại thôi. Mẹ không ưng người nào nhưng cứ mong con được ấm êm hạnh phúc chứ không phải lông bông như bây giờ.

Hôm trước ngồi nói chuyện, bố mẹ lo con mỗi ngày thêm tuổi mà chẳng tìm được người nào để tựa nương. Con đi học như vậy thêm hai năm nữa. Rồi công việc liệu có tốt hơn không? Có tìm được người nào thương yêu con thật nhiều không? Bố mẹ không mong con trở thành ông này bà nọ, chỉ mong con có chỗ dựa rồi sinh con đẻ cái. Hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của bố mẹ con gái à.

Con học cuối tuần nên có khi cả tháng mới về. Hai ông bà già nhìn nhau, người nọ hỏi người kia “Bao giờ con nó về?” Những bữa cơm nhà qua quýt vì chẳng còn con bày vẽ nay nướng mai lẩu. Hai em trai con ít tâm sự cùng bố mẹ. Nhiều khi nhớ con nhưng không ai nói ra thành lời. Yêu thương, lo lắng mẹ chỉ đành ghi vào trang giấy này thôi.

Con gái mẹ lớn rồi, đã xa vòng tay mẹ. Mẹ mong con bình an và đạt được những gì con mong cầu. Sớm tìm được hạnh phúc riêng và chỗ dựa trong đời.”

Tôi dựa sát hơn vào thanh gỗ giường, khóc tức tưởi. Chẳng hiểu sao nước mắt cứ trào ra từng dòng, từng dòng nối nhau. Tôi thương mẹ tôi quá! Hay tôi hạnh phúc quá! Cảm ơn mẹ đã sinh ra chị em chúng con. Cảm ơn mẹ đã là mẹ của con, đã yêu thương con vô điều kiện. Con xin lỗi vì những lần cãi mẹ, những lúc vô tâm, những khi ương bướng. Cảm ơn mẹ đã cho con một cuộc đời để sống và để được mẹ thương.

Tôi tần ngần gấp lại cuốn sổ ghi dấu cả tháng năm tuổi mẹ rồi đặt lại vào đáy rương. Những tháng năm đã ố vàng trang nhật kí. Tôi lau nước mắt còn lem trên mặt rồi gửi tin nhắn vào số điện thoại quen: Mẹ ơi! Hôm nay con nhớ mẹ!

Bài viết dự thi Viết về người phụ nữ của tôi và được in trong sách Bí mật về mẹ do NXB Phụ nữ phát hành.

Đọc thêm các bài viết về mẹ của Sẻ nâu:

Mẹ cũng là bé gái của con – Hòa Lương (hoaluong.com)

NGÀY GIỖ MÁ – Hòa Lương (hoaluong.com)

MÂY – Hòa Lương (hoaluong.com)

4 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .