Thầy giỏi là người biết nâng trò lên

Người thầy giỏi phải là người làm cho học trò của mình ngày càng tiến bộ hơn

Thời học cấp hai, cô giáo dạy Sử của tôi trẻ lắm. Cô tên Duyên. Lớp tôi là lớp C, lớp chọn trong khối, nhưng đa phần các bạn đều học khối A, chỉ vài bạn theo khối C như tôi. Cô chọn tôi vào đội tuyển thi Sử, ôn từ lớp 6 mãi tới hết lớp 8. Lớp 9 tôi chuyển trường, chuyển luôn cả môn thi mà sau này trở thành sự nghiệp mà tôi muốn đeo đuổi trong suốt cuộc đời mình – viết lách.

Năm 2007, tôi chuyển vào nam sống, đúng năm lớp 9, năm học cuối cấp nhiều bỡ ngỡ và đổi thay. Hồi đó chúng tôi học ba môn chính là Toán, Văn, Anh trước một tháng so với ngày khai giảng. Nhờ vậy mà tôi được học với cô Thu, cô giáo dạy Văn, cũng là người dẫn lối tôi vào đường Văn sau này. Dù mười mấy năm trôi qua, những lời cô giảng hôm nào vẫn có khi trở đi trở lại trong ký ức của tôi, hóa thành một lời nhắc nhở, một câu động viên những khi tôi thấy chông chênh với lựa chọn của mình.

Học với cô một năm, tôi lên cấp ba, chuyển sang học ở một ngôi trường khác. Điện thoại không có cũng không khéo léo nên chưa lần nào tôi quay về tìm cô kể từ khi tốt nghiệp ra trường. Ngày ấy tôi cứ sợ người ta nói mình xu nịnh hay thấy người sang bắt quàng làm họ. Có nhiều thầy cô như cô Thu tôi, thương tôi và tôi biết ơn nhiều nhưng tôi chưa từng trở về tìm gặp để nói với cô thầy lời hỏi han hay những câu cảm ơn chân thành. Quả là đáng trách! Khi bé thì không biết cách, lớn lên rồi lại ngại khoảng cách mà thời gian đã dựng nên giữa thầy trò chúng tôi.

Nay mưa nhiều, mới đầu giờ chiều đã mưa xối xả. Bầu trời đen kịt. Tới hơn 3 giờ thì tối sầm hẳn xuống, cảm tưởng như buổi tối đã đứng ngay sau ô cửa thời gian. Tôi ngồi đọc bài viết của học viên, lòng chùng chình như thủy triều khi lên khi xuống theo những gì được chữ viết kể lại. Có một lúc tôi khóc. Khóc vì thương cho nhân vật trong bài viết của học viên tôi. Khóc cho một tình bạn bị chia cắt bởi âm dương. Khóc cho người ra đi và khóc cả cho người ở lại. Hai tiếng tri kỷ vốn dĩ khó tìm nhưng biến tan chỉ trong chớp mắt. Đâu có gì thắt ruột thắt gan bằng âm dương cách biệt đôi đường…

Zalo báo có cuộc gọi tới. Tôi ngạc nhiên khi thấy danh bạ hiện tên Cô Thu lớp 9. Thật ra tôi không còn nhớ lớp tôi học tên gì nữa. Hình như phải là 9A1 mới đúng. Cũng thật lạ, hai cô giáo Văn thời cấp hai của tôi đều tên Thu nhưng ấn tượng và cảm tình dành cho hai cô hoàn toàn khác biệt.

Cô tôi lớn tuổi rồi, lâu không liên lạc. Đợt trước xin được số điện thoại của cô tôi đã lưu lại, thi thoảng nhắn tin, đặc biệt là vào ngày Nhà giáo hay ngày lễ. Thế nhưng xa cách lâu ngày lại mang mặc cảm có lỗi với cô nên tôi không nói được gì nhiều.

Bấm vào dấu xanh để nhận cuộc gọi, tôi nghĩ cô có chuyện gì nên mới tìm tôi. Cô hỏi tôi nhiều. Hỏi công việc hiện tại là gì, hỏi tôi ở đâu, có gia đình chưa… Tôi nói làm nghề viết. Rồi cô tôi nhắc chuyện ngày xưa. Cô làm tôi nhớ quá cái thuở mới chân ướt chân ráo từ quê vào. Hai tiếng “Bắc kỳ” có phần khinh miệt từng theo miệng vài người bạn va vào cảm thức của một con nhỏ như tôi. Nhưng cô tôi thì khác. Mặc cho giọng nói của tôi đặc sệt địa phương đôi khi làm cô khó hiểu, cô vẫn là người mang tôi trở lại với tình yêu văn học và lòng tự tin từng bị đánh cắp trong ba năm trước đó.

Với tôi, cô Thu là một trong những người thầy dạy Văn mà tôi yêu kính nhất. Cô tôi nói giọng miền nam đặc trưng nghe ngọt sớt. Dáng cô mảnh khảnh, da tối màu. Cô thon thả nên mặc áo dài trông nền nã lắm dù lưng cô có khòm một chút. Cô buộc tóc thấp, khuôn miệng cười rất duyên. Bạn tôi toàn bảo cô khó tính, riêng tôi chỉ thấy cô dạy Văn hay và dễ hiểu. Cô làm tôi yêu Văn qua những tiết giảng bài. Cô giúp tôi tự tin nhờ niềm tin cô dành cho tôi.

Cô hỏi tôi hồi đó thi Văn được giải mấy. Tôi bảo em không còn nhớ rõ nữa. Đầu óc tôi đoảng vậy đó, không nhớ cả những điều lẽ ra phải có ý nghĩa đặc biệt. Cô lại kể tiếp chuyện hồi xưa: “Cô vẫn nhớ em mà. Hồi đó em đã viết tốt rồi. Cô còn nhớ em viết chữ đẹp lắm, thanh mảnh.” Cô nhắc làm tôi nhớ có lần cô cầm cuốn vở của tôi lên cho cả lớp xem. Cô nói tôi viết vở kẻ ngang, dùng mực máy đen mà vở sạch, ngay ngắn, các bạn nên học theo. Khi đó tôi vừa phổng mũi lại vừa xấu hổ quá trời.

Cuộc điện thoại bị ngắt quãng mấy lần vì sóng wifi bên cô không ổn định. Tôi vẫn chờ xem cô có điều gì dặn dò nhưng cô chỉ hỏi han và nhắc chuyện ngày xưa. Tôi chợt thấy thân thương quá. Cảm giác như mình vẫn là cô học trò phổng phao ngồi học cùng cô trong căn phòng chật chội chứa đầy đồ đạc của nhà trường những trưa nắng gắt. Cô dặn tôi viết văn phải đặt dấu thanh đúng vị trí trong từ, đặt ở phần vần chứ không được đặt ở phụ âm cuối hay bên ngoài từ ấy. Cô cũng là người chỉ tôi viết câu văn phải có vần, có nhịp để đọc vào cảm giác được nhạc điệu của câu.

Tôi còn nhớ bài văn nghị luận đầu tiên năm lớp 9 chỉ được 4 điểm. Đó là một trong hai bài văn cao điểm nhất lớp, cùng với một cô bạn khác, mặc dù tôi đã viết say mê hết hai cặp giấy đôi. Cô nhận xét bài viết của tôi đã kể vanh vách về Bác và cuộc đời Bác nhưng là kể, tóm lược lịch sử chứ không phải nghị luận. Tôi xấu hổ lắm nên nhớ mãi tới giờ.

Dưới sự quan tâm và dìu dắt của cô, tôi đi thi học sinh giỏi văn và được giải. Cô tôi vui. Tôi cũng tin hơn vào khả năng làm văn của mình. Bởi những năm trước đó dù tôi tự tin vào bài làm bao nhiêu thì điểm số trả về cũng luôn làm tôi thất vọng hoặc khó hiểu. Giờ tôi trưởng thành hơn ngày ấy nhiều lắm. Từ cô học trò mười bốn đã trở thành cô gái hai chín tuổi. Từ học sinh đã hướng dẫn viết cho gần ba chục học viên mà phần đa là các chị hơn tôi nhiều tuổi. Tôi càng yêu quý thêm nghề dạy học và càng nhận ra vai trò của người thầy ý nghĩa như thế nào trong con đường tri nhận của người học.

Mỗi người thầy có phương pháp dạy khác nhau, cách tương tác với người học cũng khác. Vậy cho nên cùng một nội dung nhưng sẽ mang lại trải nghiệm và kết quả khác nhau nơi người học.

Mới nãy nói chuyện với một chị học viên, khen chị dạo này viết tốt. Chị cũng tự thấy bài viết gần đây tiến bộ hơn những ngày đầu. Tôi vui, trêu chị viết tốt hơn cô giáo càng tuyệt. Tôi sẽ càng tự hào vì học viên giỏi hơn mình. Như hôm tôi xem được một video trên FB đại ý người thầy giỏi không cần là người giỏi nhất mà là người biết cách tạo ra người giỏi từ những xuất phát điểm bình thường (thậm chí cả khi thấp hơn bình thường).

Tôi thấy mình cũng như cô tôi ngày trước. Cô dìu tôi một đoạn đời, dẫn lối tôi vào đường Văn để rồi hôm nay tôi nắm tay những học trò của mình, dẫn bước họ vào đường viết.

Bạn có thể tham khảo khóa học viết với Hòa Lương tại đây nhé, 20/10 này sẽ khai giảng khóa mới.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedIn và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .