Để viết một tiểu thuyết bao giờ cũng đòi hỏi khâu chuẩn bị kỹ càng và mất nhiều thời gian. Áp dụng 7+ bước viết một tiểu thuyết sau đây để chủ động hơn trong sáng tác.
Chọc lọc ý tưởng chủ đề và cảm hứng chủ đạo cho tiểu thuyết
Có rất nhiều ý tưởng sẽ diễn ra trong não bộ của bạn mỗi ngày nhưng không phải ý tưởng nào cũng được bạn ghi chép lại hay sử dụng ngay. Đừng quên lưu trữ các ý tưởng đến bất chợt bằng cách chép vào sổ tay hoặc điện thoại, laptop. Bạn sẽ cần tới nó cho sau này khi bạn có một chủ đề và muốn tìm ý tưởng triển khai.
Đọc thêm 6 cách tìm ý tưởng tốt nhất trước khi bắt đầu viết để hiểu hơn về cách làm việc với ý tưởng.
Trước khi tìm ra ý tưởng để sử dụng vào tiểu thuyết của bạn, hãy xác định chủ đề mà bạn muốn viết là gì. Đó có thể là một tiểu thuyết về tình yêu, về sức mạnh không giới hạn của con người, về chiến tranh hoặc về tâm lý… Xác định được chủ đề, bạn sẽ khoanh vùng được phạm vi triển khai của tiểu thuyết và không để những tình tiết đi quá xa khỏi đó.
Sau đó, hãy lục tìm trong kho ý tưởng của bạn một hoặc vài ý tưởng mà bạn cho là phù hợp hoặc có hứng thú. Bạn có thể mở rộng ý tưởng hơn nếu thử tìm các từ khóa chính và từ khóa phụ liên quan đến nó. Bạn cũng có thể bắt đầu tưởng tượng những gì sẽ xảy ra nối tiếp nhau trong câu chuyện của mình.
Khi đã có ý tưởng, bạn thường sẽ muốn biến nó thành một tác phẩm trọn vẹn. Đó là lúc bạn tìm được cảm hứng để bắt tay vào hoàn thiện các khâu tiếp theo.
Tạo ra một thế giới mà bạn và độc giả muốn đắm chìm vào đó
Để viết được một tiểu thuyết, tác giả phải là người có những trải nghiệm nhất định về đời sống hoặc hiểu biết nhất định về một lĩnh vực nào đó. Tiểu thuyết thường đan lồng nhiều câu chuyện về nhiều con người nên tác giả phải thường xuyên quan sát cuộc đời, quan sát con người và chiêm nghiệm về những gì xảy ra xung quanh cũng như xảy ra bên trong mình.
Tiểu thuyết hoặc truyện dài đều có dung lượng khá lớn. Thế giới của tiểu thuyết là thế giới do bạn tạo ra và nó nên là thế giới mà người đọc muốn đặt chân vào. Hãy nghĩ về câu chuyện của bạn. Đó phải là một câu chuyện đủ sức lôi cuốn người đọc ở lại trong thế giới ấy từ những trang đầu tiên cho đến khi kết thúc. Nếu không thể làm được điều đó, bạn nên cân nhắc biến ý tưởng ban đầu thành một truyện ngắn cô đọng hơn.
Thế giới của những pháp thuật trong Harry Potter hay thế giới của những vụ án ly kỳ, bí ẩn trong Sherlock Holmes chắc chắn đủ cuốn hút để người đọc một khi đã khám phá thì không thể cưỡng lại được.
Xây dựng hệ thống nhân vật
Xây dựng hệ thống nhân vật cũng là một trong các bước cần chuẩn bị trước khi viết một tiểu thuyết. Khi đã có ý tưởng và hình dung về một thế giới trong tác phẩm, bạn cũng cần tạo ra những nhân vật có thể làm người đọc thấy thú vị, tò mò hoặc thân thuộc.
Nhân vật chính đóng vai trò quan trọng nhất trong tác phẩm, trung tâm của mọi sự kiện, hành động và các mối quan hệ. Bạn càng hiểu rõ về nhân vật của mình, bạn càng phải kể nhiều hơn, chi tiết hơn cho độc giả. Dĩ nhiên, là một tác giả, bạn phải biết những đặc điểm về thân thế, tính cách, ngoại hình, hoàn cảnh, những sự kiện xảy ra trong cuộc đời nhân vật…
Ngoài nhân vật chính, bạn cũng cần bản phác thảo về các nhân vật thứ chính và nhân vật phụ. Bạn không bắt buộc phải phác thảo chân dung nhân vật phụ chi tiết ngay từ đầu. Tuy nhiên, quá trình sáng tác sẽ suôn sẻ hơn nếu bạn làm được điều đó.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại nhân vật thường thấy trong tác phẩm tự sự tại đây.
Xác định giọng điệu chung cho tiểu thuyết
Không chỉ cần xây dựng được hệ thống nhân vật, bạn còn cần xác định giọng điệu chung cho cuốn tiểu thuyết của mình. Bạn muốn kể chuyện theo ngôi thứ nhất hay theo ngôi thứ ba? Giọng điệu chung của truyện sẽ là lãng mạn, trữ tình; thực tế, lạnh lùng hay là trào phúng, giễu nhại?
Ở ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” và kể lại câu chuyện đời mình hoặc câu chuyện của người khác mà mình chứng kiến được. Giọng kể mang màu sắc chủ quan. Ưu điểm của ngôi kể này là việc bộc lộ thế giới nội tâm cùng cảm xúc của nhân vật “tôi” sâu sắc hơn. Ví dụ như trong tiểu thuyết nổi tiếng Gasby vĩ đại của Scott Fitzgerald.
Ngôi kể thứ ba toàn tri là dạng trần thuật mà người kể chuyện giấu mặt nhưng biết toàn bộ về các sự kiện xảy đến với từng nhân vật cũng như đời sống nội tâm của họ. Rất nhiều tiểu thuyết sử dụng lối trần thuật này để kể câu chuyện của các nhân vật. Mật mã Da Vinci của Dan Brown là một trong số đó.
Lên dàn ý các sự kiện xảy ra trong tiểu thuyết
Viết tiểu thuyết đòi hỏi tác giả phải xây dựng được một cấu trúc hợp lý cùng với các tình tiết được sắp xếp logic, không có lỗ hổng. Bạn có thể thử áp dụng những mẹo sau để lên dàn ý sự kiện cho tiểu thuyết của mình:
Tóm gọn câu chuyện trong một câu văn duy nhất
Hãy xem câu văn ấy là bản tóm tắt cô đọng nhất của câu chuyện. Đây đồng thời cũng là cốt lõi của toàn bộ tác phẩm. Phương pháp này được gọi là phương pháp bông tuyết. Một cuốn tiểu thuyết hay có thể chỉ cần được tóm lược trong một câu. Những câu còn lại là phần mở rộng từ câu ấy.
Phác thảo khái quát bản đồ diễn biến câu chuyện
Bản phác thảo khái quát diễn biến câu chuyện chỉ cần gói gọn trong một trang với những sự kiện đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của toàn bộ tác phẩm. Vạch ra những sự kiện lớn trong một trang giấy giúp bạn có cái nhìn bao quát về câu chuyện để biết nó có đủ sức hấp dẫn đối với độc giả hay không.
Chẻ nhỏ các sự kiện thành những những nhóm hành động
Sau khi đã phác thảo khái quát các sự kiện lớn, bạn cần chia nhóm những hành động nhỏ hơn. Về cơ bản có hành động kích động (hành động sẽ dẫn đến cao trào), hành động cao trào và cách giải quyết sự việc cao trào. Chẻ sự kiện lớn thành các hành động nhỏ sẽ giúp bạn duy trì được tiết tấu của câu chuyện.
Thêm chi tiết vào những phân cảnh cụ thể
Khi phác thảo những phân cảnh cụ thể, bạn cần hiểu nhân vật của bạn muốn gì trong phân cảnh đó. Tính cách, hành động, lời nói, tình trạng… của nhân vật cần được tập trung thể hiện. Một người viết truyện giỏi có thể kể được nhiều thứ trong những phân cảnh ngắn gọn với không quá nhiều các hành động của nhân vật được nói tới.
Tạo ra những xung đột rải rác trong toàn truyện
Để tránh làm cho người đọc nhàm chán, tác giả cần tạo ra được những xung đột lớn nhỏ khác nhau rải rác trong toàn bộ tiểu thuyết. Những xung đột này được tạo ra theo chu kỳ: căng thẳng và thả lỏng. Khi một xung đột bắt đầu lắng xuống thì xung đột mới được nhen nhóm. Sự tiếp nối này khiến cho người đọc không thể rời khỏi tác phẩm.
Thoải mái ghi lại những ý tưởng nảy sinh liên quan tới câu chuyện
Dù bạn không biết những ý tưởng sẽ được sử dụng ở phân cảnh cụ thể nào nhưng đừng ngần ngại ghi lại chúng. Việc nhìn thấy tất cả các ý tưởng liên quan sẽ giúp bạn tổ chức câu chuyện hợp lý và hấp dẫn hơn khi bắt đầu viết.
Suy nghĩ về kết thúc của tiểu thuyết
Bạn hoàn toàn có thể nghĩ về kết thúc của câu chuyện trước tất cả các bước vừa nêu. Nhưng nếu bạn làm tới đây mà vẫn chưa có ý tưởng ưng ý nào cho kết truyện thì bây giờ là thời điểm bạn cần nghĩ về nó. Thử đặt mình vào vị trí của người đọc để xem họ sẽ muốn một kết cục như thế nào. Bởi vì kết cục là phần cuối cùng đọng lại với độc giả khi đọc xong một tác phẩm.
Viết bản nháp thô đầu tiên cho tiểu thuyết
Sau khi đã có sự chuẩn bị, bạn nên bắt tay vào viết bản nháp thô đầu tiên. Ở bản thô này, bạn hãy viết hoàn toàn theo những suy nghĩ đến với bạn lần đầu. Bản nháp có thể quá dài, sai chính tả, phạm lỗi ngữ pháp… nhưng đừng quá bận tâm vì điều đó. Bạn không thể hoàn thành tiểu thuyết chỉ trong một lần viết. Do đó, bạn sẽ còn trở lại với bản nháp này và gọt giũa nó. Thậm chí, có thể bạn sẽ muốn viết lại một phần hoặc toàn bộ câu chuyện. Đừng lo lắng, bạn có thời gian để chỉn chu tiểu thuyết của mình.
Tham khảo một số truyện của Sẻ nâu!
Bonus: Những điều bạn có thể làm để viết tiểu thuyết hiệu quả hơn
Dành thời gian nghỉ ngơi cần thiết trước khi quay trở lại
Nếu đã xong bản nháp đầu tiên, hãy rời khỏi tiểu thuyết của bạn để làm những việc khác hoặc nghỉ ngơi. Như vậy khi đọc lại nó, bạn sẽ có những cảm nhận mới. Đừng quên kiểm tra các khía cạnh sau: sự mạch lạc của các tình tiết, sự phát triển của nhân vật, xây dựng thế giới riêng trong truyện thích hợp để nhân vật và các tình huống phát triển, nhịp điệu của câu chuyện phù hợp.
Viết bản nháp tiếp theo
Sau khi nghỉ ngơi đủ, hãy quay trở lại với bản thô của tác phẩm và chỉnh sửa ở những chỗ mà bạn thấy có vấn đề. Nếu câu chuyện của bạn có nhiều chỗ thiếu hụt, đừng ngần ngại viết lại cả trang trắng để làm đầy chúng.
Tìm kiếm đầu vào cho câu chuyện từ các độc giả đầu tiên
Bạn có thể gửi bản nháp của mình cho bạn bè thân thiết để nhờ họ đọc và góp ý, nêu nhận xét. Lưu ý là bạn nên tìm người có hiểu biết nhất định về văn học, viết lách hoặc tiểu thuyết và nhờ họ để lại những nhận xét trên bản nháp. Tuy nhiên, bạn có thể lắng nghe góp ý từ người khác nhưng bạn vẫn là người đưa ra quyết định làm gì với tác phẩm của mình. Thế nên bạn phải thật sự tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng trước những lời góp ý.
Viết thêm những bản nháp khác
Có những tiểu thuyết chỉ cần ba lần viết nháp là đã có thể ký hợp đồng với nhà xuất bản. Cũng có những tiểu thuyết phải sửa đi sửa lại hàng chục lần. Sẽ không có hai cuốn tiểu thuyết nào giống nhau hoàn toàn. Vậy nên bạn hãy cứ chuẩn bị tâm lý đón nhận những gì xảy đến cho cuốn tiểu thuyết của bạn.
Nắm được 7+ bước để viết một tiểu thuyết sẽ giúp bạn tự tin và dễ dàng hơn khi bắt tay vào thực hiện một tác phẩm của riêng mình.
Tham khảo: How to Write a Novel in 10 Steps: Complete Writing Guide – 2022 – MasterClass
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!