Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng

Cà phê Giảng không chỉ là một món đồ uống mà hơn cả, đó còn là một nét văn hóa Hà thành thân thương, gợi nhớ ngào ngạt hương cà phê và ngầy ngậy mùi sữa, trứng.

Cà phê Giảng là món đồ uống có lẽ đã quen tên với người Hà thành. Tôi không ở Hà Nội nên chẳng biết thực hư, chỉ biết khi lướt khắp các mặt báo hay xem những nội dung liên quan tới thủ đô thì những ly cà phê trứng của Giảng vẫn thường làm khách Hà Nội lâng lâng.

Tôi đã đến Hà Nội năm lần nhưng lần này mới đặt chân vào Giảng. Quán ra đời từ năm 1946 và hiện là một trong những quán cà phê lâu đời nhất của kinh kỳ. Quán nằm ở 39 Nguyễn Hữu Huân, ngay quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi đi lạc mấy ngõ mới tìm được tới nơi.

Quán không quá lớn, biển hiệu màu cà phê được treo ngay phía trên một hẻm nhỏ chưa tới một mét bên hông một ki-ốt. Khách uống cà phê phải đi lên lầu mới có chỗ ngồi. Tôi ghé Giảng vào một ngày tháng 6 nắng chang chang. Đường đi lên lầu nhỏ cộng với thời tiết oi nóng của Hà ngày hè khiến cho niềm háo hức thưởng thức cà phê của tôi cũng ít nhiều vơi bớt. Giá mà đến Giảng vào một ngày cuối thu đầu đông hay trong cái lạnh căm căm của mùa cuối năm thì Giảng sẽ càng làm tôi vấn vương và thổn thức. Ký ức về Giảng sẽ càng nồng nàn như vị cà phê ngấm tê đầu lưỡi.

Nhưng dù không phải một kẻ nghiện cà thì khi mùi thơm của thứ hạt nâu trầm, rang cháy hòa quyện cùng một thứ mùi ngọt thơm ngầy ngậy cũng làm cho khướu giác tôi liên hồi thôi thúc. Trưa nắng, quán không vắng. Không gian quán phủ trong màu tối của căn nhà nằm giữa lòng phố cổ chật chội. Một kiến trúc mang hơi thở thị thành qua nhiều năm chen chúc. Đó không hẳn là màu tối om om của căn nhà thiếu sáng bởi quán vẫn có ban công nhưng những chiếc bàn ghế gỗ thấp nhỏ sơn nâu cùng với bóng mát của những bức tường, những cành cây lớn trên lề đường hắt tới làm tôi nhớ mãi về một gian phòng tranh tối tranh sáng. Chỉ có hương cà phê là rõ ràng và bịn rịn nơi cánh mũi.

Tôi gọi một ly cà phê trứng nóng bởi nỗi tò mò mỗi lần nghe ai đó nói về Giảng lớn quá. Tôi háo hức chờ món uống lạ lẫm được bưng ra để xem thử nó thế nào và để được nhâm nhi cái hương vị của một thứ đồ chưa từng nếm qua.

Một lúc sau nhân viên bưng ra hai ly cà phê trứng nóng, hương thơm ngây ngất phảng phất vị ngọt béo của trứng được đánh bông lên cùng với sữa đặc và mật ong. Không chỉ mùi thơm của những hạt cà phê khiến cả kẻ không theo đạo cà cũng chộn rộn trong dạ mà đó còn là mùi thơm ngậy của một thứ kem sóng sánh gợi thèm.

Cà phê trứng được bày biện đơn giản mà tinh tế trong một chiếc ly bằng sứ trắng có đĩa nhỏ lót bên dưới. Ly hình thang van vát lại được kê chênh chếch lên chiếc đĩa khiến cho lớp kem trứng bên trên tưởng chừng sắp trào ra khỏi miệng ly sứ. Thành ly sứ rất dày nên cầm ly cà phê lên có vẻ nặng tay và chắc chắn. Cũng có thể vì vậy mà đôi môi chạm vào bọt kem thêm mềm, vị cà phê thêm nóng.

Tôi nâng ly đưa lên gần mũi, thử hít hà thật gần cái hương thơm kia để xem có thể nhận ra trong chiếc ly trắng chứa lớp kem xốp màu vàng óng với những gợn cà phê nâu vàng loang lổ có những gì. Nhưng tôi chỉ nhận ra được mùi cà phê vào lúc ấy. Nếu không ai bảo đấy là cà phê trứng hoặc giả không tự mình gọi món đó thì có lẽ tôi cũng không thể nhận ra lớp kem trên mặt kia được làm từ trứng gà đánh bông.

Ly sứ trắng, lớp kem vàng sóng sánh nhưng mịn màng phủ lên trên một đốt nước cà phê pha phin nguyên chất bên dưới. Tôi lấy chiếc muỗng con, hớt nhẹ một lớp kem rồi nếm thử. Cả mùi thơm lẫn hương vị đều tan ra trong miệng. Kéo nhẹ chiếc muỗng lên khỏi mặt ly, dòng kem sền sệt còn ôm ấp quanh thân muỗng, từ từ nhiễu xuống. Vị kem trứng vừa ngầy ngậy, thơm thơm lại mềm mịn bắt miệng. Người không ưa ngọt béo ăn vào sẽ ngấy nhưng với tôi, cả Hà Nội dường như cũng tan ra trong ly cà phê Giảng ấy.

Đọc thêm về Hà Nội qua Thương một đời đâu phải tạm thương

Khoảnh khắc nếm từng muỗng bọt kem tôi đã nghĩ ngay tới tựa đề Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng cho một bài tản văn nhưng bận bịu mãi vẫn chưa ngồi xuống viết cho được. Vả lại, thời khắc đó, ở trên tầng hai của quán cà phê phố cổ, nhâm nhi thức uống gắn liền với người Tràng An, tôi chỉ muốn mình được chìm đắm hoàn toàn trong không gian đậm mùi cà phê ấy để một khi nào đó, như hôm nay, tôi ở phương xa và có thể nhớ lại ly cà phê Giảng trong một trưa nắng vàng từng làm tôi say sưa, ngây ngất.

Có người hỏi tôi tại sao không vừa đi vừa viết, tại sao không viết ngay khi đang được thâu vào tầm mắt, nếm vào trong miệng cái hương vị của một không gian xa lạ, một món ăn thức uống chưa từng nếm qua. Họ nghi ngại tôi sẽ quên mất những gì mình đã thấy, đã nghe, đã cảm cùng với sự biến thiên vô hạn của thời gian.

Tôi chỉ có thể nói rằng tôi muốn hiện hữu cùng hiện tại. Tôi vẫn chụp ảnh nhưng là sau khi tôi đã cảm nhận qua các giác quan của chính mình. Phải vào một lúc nào đó sau chuyến hành trình, một lúc nào đó khi tôi thoát ly khỏi không gian ấy, thời gian ấy, tôi mới muốn viết ra. Viết ra từ trong niềm nhớ nhung khắc khoải, viết ra từ những cảm nhận đã mơ hồ đi do quên lãng. Bởi chính khi người ta nhớ về một điều đã qua, một chuyện đã xa, người ta được lần nữa sống lại với những xúc cảm tươi mới của ngày hôm ấy, của thời khắc ấy. Bởi khi được nhớ tới một ngày đã hóa thành hôm qua, người ta mới nhận ra mình đã đi bao nơi, gặp bao người, ghi nhớ bao câu chuyện.

Bạn biết đó, khi còn được gợi nhớ tới một tên gọi thân thương, một vùng đất quen thuộc, một con người từ năm cũ, nghĩa là ta vẫn còn thương. Thương để ta còn muốn đến, muốn tương phùng, muốn được lần nữa đắm mình vào nó. Hà Nội của tôi hôm đó đã tan trong ly cà phê Giảng thơm ngậy, nồng nàn. Hà Nội của tôi hôm nay tan trong niềm nhớ phảng phất hương cà phê và bảng lảng chút gì của phố cổ, xa mà thương đến lạ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

5 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .