Những từ ngữ mạnh mẽ thường được cho là sẽ giúp biểu ý và biểu cảm tốt hơn nhưng không phải khi nào việc sử dụng chúng cũng cần thiết và hợp lý. Nếu không cẩn thận, bạn có thể đang mắc lỗi về dùng từ và nhận phản ứng ngược từ độc giả.
Một số ví dụ về việc dùng những từ ngữ mạnh mẽ
Bác Hồ – vị lãnh tụ quốc gia, cũng là một danh nhân văn hóa thế giới, tác giả của nhiều tác phẩm từ chính luận tới thơ ca, từng nói về việc dùng chữ của các tác giả Việt như sau: “cán bộ cũng hay dùng chữ lắm”, “các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá”, “dùng đúng đã là một cái hại vì quần chúng không hiểu, dùng không đúng mà cũng ham dùng cái hại lại càng to”. Bác còn nhắc tới những căn bệnh của người dùng chữ thường gặp là “bệnh ham dùng chữ Hán”, “bệnh nói chữ”, “những chữ ta có vì sao không dùng mà cũng mượn chữ nước ngoài”…
Bạn đã bao giờ đọc một đoạn văn về thất tình những năm niên thiếu mà người viết miêu tả như thể đó là ngày tận thế, là đánh mất cả thế giới hay không còn thiết tha gì cuộc sống nữa? Hay đơn giản như khi đang viết về cuộc sống bình thường của những người nông dân bình thường nhưng tác giả lại dùng hàng loạt những từ ngữ trang trọng, từ Hán Việt? Tất cả những điều này có thể xem là đang sử dụng từ mang nghĩa hoặc sắc thái quá mức so với bản chất của nó.
Cùng xem qua ví dụ cụ thể sau nhé:
“Cô bé bảy tuổi đì đi đi lại chiếc cọ vẽ trong tay. Những sợi lông mềm mại kêu sồn sột trên tờ giấy canvas rồi xơ xác, tua tủa ra khắp phía sau vài phút bị dùng sai cách. Xoạc. Tờ giấy rách toang sau khi cây cọ đâm một phát rất mạnh. Sự phẫn nộ của cô bé cũng lên đến đỉnh điểm.”
Bạn có thể thấy những từ ngữ mạnh mẽ được in đậm rất hợp để thể hiện sự giận dữ. Tuy nhiên, chủ thể của cơn giận chỉ là một cô bé bảy tuổi. Vậy thì sẽ có hai trường hợp cần cân nhắc:
Đầu tiên, trước tình huống này trong tác phẩm, cô bé đã bị nhân vật khác tác động về mặt cảm xúc hay thậm chí là tác động vật lý. Sự tác động này theo hướng tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn lên tâm lý của cô bé, gây ra những ức chế thần kinh. Như vậy, việc dùng từ ngữ mạnh là hợp lý.
Ngược lại, nếu từ đầu đến cuối tác phẩm không có bất kỳ ai ảnh hưởng quá tiêu cực tới cô bé và tâm trạng của cô bé cũng không quá tồi tệ thì việc dùng từ đang bị làm lố so với tính chất vốn có của tình huống. Khi đó, người viết nên điều chỉnh lại để phù hợp với mạch truyện, độ tuổi nhân vật và tình huống.
Thông thường, một đứa trẻ có thể giận dỗi, vùng vằng nhưng tới mức phẫn nộ và phát tiết như trong ví dụ thì cần được lý giải bởi một nguyên nhân đủ thuyết phục.
Yếu tố nào chi phối việc lựa chọn từ ngữ?
Đơn giản hơn, bạn có thể đối chiếu các ví dụ sau:
đáng yêu – kiều diễm
có tài – giỏi giang không ai bì kịp
ưa nhìn – trông như diễn viên điện ảnh
Bạn có thể thấy, các từ này khác nhau ít nhiều về nghĩa và sắc thái biểu cảm dùng nhìn qua tưởng chừng tương đồng, thay thế cho nhau được. Tuy nhiên, mỗi từ sẽ có khả năng biểu ý và biểu cảm khác nhau nên sẽ được dùng trong những văn cảnh khác nhau. Khi văn cảnh đang diễn ra bình thường, những từ ngữ thông dụng, đơn giản, dễ hiểu được khuyến khích sử dụng. Khi văn cảnh cần sự trang trọng hoặc người viết cố ý muốn nhấn mạnh, châm biếm, trào phúng bằng cách phóng đại, nói quá thì mới cần chuyển qua dùng từ có khả năng biểu đạt mạnh hơn. Vậy nên văn cảnh sẽ là một cơ sở giúp bạn xác định có cần sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ không.
Đôi khi người viết có suy nghĩ phải dùng những từ biểu ý biểu cảm mạnh như vậy mới thể hiện được hết tâm trạng của nhân vật hoặc miêu tả được khung cảnh nơi câu chuyện xảy ra nhưng sự thật không phải thế. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ hiểu hay ngôn ngữ mạnh, sắc sảo có thể được quyết định dựa trên một số yếu tố như:
thể loại của bài viết, tác phẩm
giọng văn của tác giả, người kể chuyện xuyên suốt tác phẩm
đặc điểm tính cách, môi trường sống, học thức… của nhân vật
bối cảnh giao tiếp, dùng từ
ý đồ của người viết
Bạn cần lưu ý rằng dùng từ quan trọng nhất là ở tính phù hợp. Khi nào dùng từ ngữ thông thường, khi nào dùng từ ngữ trang trọng hoặc chuyên môn là điều mà người viết cần xác định được khi viết. Có vậy mới không rơi vào tình trạng “giết gà dùng dao mổ trâu”.
Việc sử dụng từ ngữ quá lớn lao không hẳn đã là cách hiệu quả trong việc viết. Trong nhiều trường hợp, sự đơn giản và rõ ràng thường mang lại hiệu quả tốt hơn, đặc biệt khi đối tượng đọc không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Với người đọc thông thường, ngôn ngữ đơn giản, gần gũi với đời thường là lựa chọn tốt nhất.
Vì sao bạn chỉ cần sử dụng từ ngữ gần gũi khi viết?
Không phải khi nào bạn cũng cần dùng những từ ngữ mạnh mẽ. Trong phần lớn các trường hợp, từ ngữ gần gũi được khuyến khích sử dụng. Bởi vì chúng có những đặc điểm phù hợp sau:
– Dễ hiểu: Sử dụng từ ngữ đơn giản giúp đảm bảo rằng độc giả, kể cả những người không có kiến thức chuyên sâu vẫn có thể hiểu nội dung một cách dễ dàng.
– Tiếp cận rộng hơn: Việc sử dụng từ ngữ phổ biến và thông thường mở rộng đối tượng đọc, giúp nhiều người hơn có thể đọc và hiểu nội dung trong bài viết của bạn.
– Tránh làm mất tập trung: Sử dụng những từ ngữ quá phức tạp có thể làm mất tập trung của độc giả, khiến họ phải đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu ý hoặc phải đi tra từ điển giữa lúc đang đọc.
– Giao tiếp hiệu quả: Từ ngữ đơn giản thường là cách tốt nhất để giao tiếp ý tưởng một cách rõ ràng và trực tiếp.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào đối tượng đọc và mục đích viết, có những trường hợp cần sử dụng từ ngữ chuyên ngành hoặc từ ngữ phức tạp hơn. Điều quan trọng là hiểu rõ đối tượng và mục tiêu của bài viết để sử dụng từ ngữ phù hợp và tạo ra trải nghiệm đọc tốt nhất cho độc giả.
Những từ ngữ mạnh mẽ nên được dùng khi nào?
Những từ ngữ mạnh mẽ sẽ phát huy tối đa chức năng của chúng khi được dùng vào các trường hợp như:
cần nhấn mạnh vào tính chất của con người hoặc sự vật hiện tượng
cần tạo ra bối cảnh đặc thù, đặc sắc
muốn làm tăng cảm giác trang trọng hoặc trào phúng, châm biếm
tạo cảm giác hài hước hoặc khinh bỉ
Như vậy, khi sử dụng từ ngữ, bạn không cần thiết phải cố gắng chọn những từ ngữ mạnh mẽ, khác biệt hay quá mới mẻ, to tát mà cần dựa trên tiêu chí về sự phù hợp để bài viết đạt hiệu quả tốt, thể hiện được ý đồ của bạn mà vẫn được người đọc hiểu, đón nhận.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.
Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter