Show, don’t tell – kỹ thuật không thể thiếu trong sáng tác

Show, don’t tell, hay nghệ thuật miêu tả, là yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm văn chương để tạo nên bối cảnh cho sự việc diễn ra và làm nổi bật nhân vật cả về ngoại hình lẫn nội tâm. Không chỉ vậy, miêu tả cũng là kỹ thuật để người đọc cảm giác như mình đang sống trong câu chuyện. 

Trong khi góp ý cho các truyện ngắn cuối cùng của học viên khóa Viết truyện vừa rồi, mình nhận ra vấn đề chung của mọi người là khả năng miêu tả chưa đủ để thể hiện vẻ đẹp đầy kỳ ảo của những bối cảnh lớn như đáy đại dương, hòn đảo của linh hồn… trong truyện thiếu nhi hay vẻ sinh động của những chi tiết cụ thể như chiếc vòng ngọc, khuôn mặt hạnh phúc khi các thành viên trong gia đình gặp lại nhau… Mặc dù ý tưởng chủ đạo và mạch truyện được triển khai khá hấp dẫn nhưng chính hạn chế trong việc miêu tả khiến tác phẩm chưa đạt được sức cuốn hút như kỳ vọng.

Ngày nay, nghệ thuật kể chuyện (storytelling) thường được ca ngợi như một phép màu giúp kết nối người kể với người nghe qua các nền tảng như mạng xã hội, podcast hay video. Tuy nhiên, kỹ thuật “Show, Don’t Tell” – miêu tả tinh tế để gợi lên cảm xúc – vẫn giữ một vai trò quan trọng. Đặc biệt là với người viết sáng tác khi muốn tạo ra những tác phẩm thực thụ. Thử tưởng tượng những Harry Potter, Hai vạn dặm dưới đáy biển hay Chúa tể của những chiếc nhẫn sẽ như thế nào nếu thiếu đi phần miêu tả. Hoặc gần gũi hơn, làm sao chúng ta hình dung được diện mạo của những Chí Phèo, Thị Nở, lão Khúng nếu tác giả chỉ kể và kể. Khi phân tích tác dụng của nghệ thuật miêu tả trong chính tác phẩm, ta sẽ hiểu vì sao không thể bỏ qua nó. Thậm chí, trong những kiểu loại trữ tình của văn học, miêu tả dường như là thủ pháp chủ đạo.

“Show, Don’t Tell” là gì? 

“Show, Don’t Tell” có thể được hiểu đơn giản là cách người viết miêu tả đối tượng qua hình ảnh, hành động và giác quan thay vì chỉ kể trực tiếp cảm xúc hay sự việc. Thay vì viết: “Cô ấy đang buồn.”, ta có thể miêu tả: “Đôi mắt cô ấy đỏ hoe ngấn lệ, tay run run xoắn chặt vạt áo, không thốt lên được lời nào.”. Bạn có cảm nhận được sự khác biệt giữa hai câu trên không? Khi miêu tả, tác giả tránh nói thẳng với người đọc về sự việc, cảm xúc của nhân vật mà thông qua ngôn ngữ giúp người đọc tự bước vào câu chuyện và cảm nhận bằng trí tưởng tượng của mình.

Tham khảo:

“Show, don’t tell: Hãy cho thấy, đừng chỉ kể”

Tạo hình ảnh sống động trong văn bản

Vì sao người sáng tác nên thành thạo kỹ thuật “Show, Don’t Tell”?

Với những ai yêu thích sáng tác, “Show, Don’t Tell” chính là một trong những cách để tâm hồn thăng hoa cùng con chữ. Ở Việt Nam, văn học thường gắn liền với các chủ đề về gia đình, ký ức, quê hương và cảnh vật nên việc áp dụng kỹ thuật này sẽ góp phần giúp bạn tạo nên những tác phẩm sống động, dễ tạo ra sự đồng cảm qua những cung bậc cảm xúc.

Lý do 1: Miêu tả giúp xây dựng không gian và nhân vật

Sáng tác chính là đưa độc giả bước vào thế giới của câu chuyện – nơi các sự kiện xảy ra xung quanh nhân vật. Thậm chí khiến họ thấy như chính mình đang là nhân vật trong tác phẩm ấy. Nghệ thuật miêu tả giúp bạn làm điều đó dễ dàng hơn. 

Bạn hãy đọc một đoạn trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của tác giả Nguyễn Minh Châu và xem thử trong đầu có hiện lên những hình dung về cảnh ấy: “Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám về một góc rồi thổi giạt đi. Gió thổi vào cành lá nguỵ trang trên nóc xe ràn rạt. Trên đầu chúng tôi, khoảng trời đêm trên cao trở nên trong vắt, cao lồng lộng, trong khoảng sâu thẳm nổi lên một tiếng chim mơ hồ. Nhưng ở lưng các cánh rừng, sương trắng không biết từ đâu cứ đùn ra mãi. Dòng sông bên trái đường phút chốc biến mất, chỉ còn là sương trắng phủ kín, thảng hoặc mới thấy một chỏm rừng, một ngọn núi đá bên kia sông nhô lên, đen đủi và cô độc giữa một mầu trắng xoá…”

Nếu tác giả chỉ kể đơn giản là “Tôi lái xe vượt rừng dưới ánh trăng.”, hẳn người đọc không thể mường tượng một không gian núi rừng bồng bềnh trong sương trắng mơ hồ và hình ảnh người lính lái xe đi trong hiểm nguy rình rập. Chính kỹ thuật miêu tả đã vẽ trong tâm thức độc giả một bức tranh sinh động, đánh thức những cảm giác trong họ. 

Khi miêu tả nhân vật, bạn có thể cần tả vẻ bề ngoài hoặc nội tâm phức tạp, đôi khi là cả hai. Chỉ một thay đổi nhỏ nhoi trong biểu cảm của ánh mắt, một cái nhếch môi rất khẽ hay nhè nhẹ nhíu mày cũng phần nào phản ánh tâm tư của nhân vật. 

Đây là cách Nguyễn Minh Châu cho nhân vật “Nguyệt” hiện lên qua con mắt của “tôi” – người lính lái xe – trong tác phẩm trên: “Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng…”.

Học viết chủ động:

7 ngày học viết miễn phí cùng Hòa Lương

Sổ tay tản văn: từ viết bản năng đến cộng tác báo

Sổ tay viết truyện: biến câu chuyện trong tưởng tượng thành truyện ngắn đăng báo

Show, don’t tell, hay nghệ thuật miêu tả, là yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm văn chương để tạo nên bối cảnh cho sự việc diễn ra và làm nổi bật nhân vật cả về ngoại hình lẫn nội tâm.

Lý do 2: Miêu tả những chi tiết cụ thể thúc đẩy sự đồng cảm của người đọc

Không chỉ sáng tác mà viết lách nói chung là phương thức giúp người viết chạm đến trái tim của người đọc. Kỹ thuật “Show, Don’t Tell” cho phép độc giả cảm nhận những sự kiện, chi tiết tốt hơn, bên cạnh việc nghe kể. Trong truyện ngắn Cô hàng xén của Thạch Lam, những câu miêu tả: “Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau.” khiến trái tim của không ít người đọc nữ se lại. 

Lý do 3: Thực hành miêu tả giúp người viết phát triển kỹ năng quan sát và sáng tạo

Để những gì viết ra khiến người đọc đồng cảm, thấy bản thân ở đó thì người viết cần quan sát cuộc sống thật tỉ mỉ và cũng thật sâu sắc. Như vậy mới có thể đưa những chất liệu đời sống trở thành nghệ thuật. Ngoài kể chuyện, miêu tả cũng sẽ giúp bạn rèn luyện điều đó. Việc miêu tả sẽ đòi hỏi khả năng quan sát tinh tế của bạn, từ đó nuôi dưỡng tư duy sáng tạo. Bạn có thể tham khảo cách nhà văn Tống Phước Bảo đã viết về tình yêu trong truyện ngắn Pháo hoa cổ trấn: “Cậu trai trẻ đứng cạnh cô, thân ảnh bao trùm lấy vóc dáng cô giữa trùng trùng người đang đổ về quảng trường. Pháo hoa rơi rồi pháo hoa về đâu? Cô chẳng biết, Sapa chẳng biết, chỉ duy nhất một điều cô có thể cảm nhận, khung cảnh này hệt như bức vẽ bố đã để lại. Một Sapa rạng rỡ. Trong bức vẽ đó, cô gái khẽ đưa tay hứng những chùm pháo hoa. Phía sau, bóng lưng chàng trai như đang hôn lên làn tóc mây. Trong bức vẽ đó một cánh tay đang ngập ngừng tìm một cánh tay. Một bờ vai đang ngập ngừng tìm một bờ vai.”.

“Show, Don’t Tell” – nghệ thuật miêu tả – là cách người viết thắp sáng từng con chữ để dẫn lối người đọc vào không gian của câu chuyện. Không chỉ bổ sung cho nghệ thuật kể chuyện, đây còn là một trong những kỹ thuật không thể thiếu đối với những ai đang muốn trở thành tác giả. Văn học thường gắn liền với cảm xúc và văn hóa còn miêu tả là công cụ để bạn tạo ra những tác phẩm thực sự. Trong các khóa học Viết tản văn đăng báoViết truyện chuyên sâu của Hòa Lương, kỹ thuật Show, don’t tell là một phần nội dung quan trọng. Khóa học không chỉ giới thiệu lí thuyết mà hơn hết còn cung cấp các hướng dẫn cụ thể kèm ví dụ rõ ràng để người học có thể áp dụng ngay lập tức vào việc viết.

Không chỉ có vậy, đối với những ai đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội hay những người viết nội dung cho các nhãn hàng, miêu tả vẫn có thể là yếu tố góp phần tạo ra sức hút nếu được áp dụng một cách phù hợp và khôn ngoan. Đơn cử như cách tác giả Đinh Hằng thể hiện những nội dung trên kênh Tóp Tóp của mình bằng giọng văn miêu tả đặc trưng, đầy khác biệt. Bản thân mình là một người dạy viết, đồng thời cũng là một người đã duy trì việc viết trên các nền tảng hơn 3 năm qua. Bên cạnh những nội dung hướng dẫn kỹ thuật viết hay truyền thông phục vụ cho công việc, tuyến bài tản văn trữ tình với lối viết luyến láy, giàu nhạc tính và thiên về miêu tả vẫn thường là thứ giúp tôi nhận được lời khen từ độc giả.

Tựu trung lại, viết lách là một con đường dài và “Show, Don’t Tell” sẽ là một người đồng hành trung thành mà bạn nên dành thời gian để làm quen và kết nối sâu sắc. Đừng bỏ qua miêu tả chỉ vì ai đó nói với bạn bây giờ là thời đại của nghệ thuật kể chuyện. Khi là người viết, bạn sẽ cần nắm vững cả hai kỹ thuật ấy và mình tin rằng không một tác giả văn học nào mà không cần đến khả năng miêu tả.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ những suy nghĩ của bạn ở phần bình luận để mình được hiểu nhiều hơn về bạn nhé!
Thương mời bạn ghé thăm tổ của Sẻ Nâu để kết nối với nhau nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tìm kiếm điều gì đó . . .