Bài viết mang tính cá nhân vừa là điều mọi người viết hướng đến nhưng đồng thời gây nhiều trăn trở. Làm sao để thể hiện được phong cách đặc trưng của người viết mà không sa đà vào kể lể bản thân. Dưới đây là 5 mẹo nhỏ sẽ hỗ trợ cho bạn.
Kể câu chuyện liên quan tới chủ đề bài viết vắn tắt trong 3-4 dòng
Kể chuyện là hình thức truyền tải thông điệp và văn hoá từ thời kỳ sơ khai của nhân loại. Bằng phương thức kể chuyện, khoảng cách giữa người viết và người đọc gần hơn. Bạn có thể tưởng tượng như hai người bạn ngồi trước mặt nhau vừa uống trà nóng vừa kể nhau nghe những câu chuyện đời trong một đêm đông, bên ánh lửa ấm bập bùng.
Tuy nhiên, khi đưa câu chuyện vào bài viết, bạn cần cân nhắc độ dài dành cho nó là bao nhiêu. Kể quá chi tiết, quá dài dòng sẽ thành kể lể lan man khiến người đọc không còn kiên nhẫn. Đôi khi câu chuyện chỉ là một câu văn: “Có con mèo dạy con hải âu bay”. Với một bài viết thông thường, bạn nên kể vắn tắt trong 3–4 dòng.
“Đưa ngón tay vuốt ngược lại những dòng chữ vừa mới lướt qua trước mắt, những dòng chữ vấn vương, những dòng chữ làm tim mình bỗng dưng hẫng đi một nhịp. Một nhịp tim dành riêng cho những khao khát yêu. Yêu, đôi khi cũng như một thức đồ, nôn nao theo thời tiết, thương nhớ nương theo mùa.” (Yêu như gió thổi qua mùa chướng)
Thể hiện được quan điểm và cảm xúc cá nhân một cách chân thật
Một bài viết cần thể hiện được cách nhìn, góc nhìn và quan điểm của người viết một cách chân thật nhất.
Nhiều người viết ngại thể hiện quan điểm cá nhân trước các vấn đề vì sợ dẫn đến những tranh luận tiêu cực. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý đó là quan điểm cá nhân, hoàn toàn không mang tính quy chụp hay đả kích để người đọc được hiểu. Ngoài ra, bạn cũng nên đưa ra cả những quan điểm khác về cùng vấn đề để người đọc thấy sự đa dạng trong góc nhìn.
Bài viết nếu chỉ truyền tải thông tin, kể lại những sự kiện sẽ không đủ. Vì như vậy người người đọc không thấy được cách người viết đánh giá vấn đề. Hơn nữa còn mang tới cảm giác khô khan, khó giữ chân người đọc. Việc đưa cảm xúc vào bài cũng như đưa vào một chất xúc tác khiến mạch văn mềm mại, dễ rung cảm hơn.
“Khi bạn chỉ tập trung vào năng lực mà không quan tâm tới phần tâm trí, chỉ đi chiều lòng thế giới mà bỏ rơi bản thân thì sớm muộn gì bạn cũng thấy cuộc sống của mình vô nghĩa hoặc vô vị. Con người, dù giàu lòng nhân ái đến đâu cũng nên ích kỷ để thương chính mình. Con người, dù trách nhiệm đến đâu cũng nên đối xử tốt với bản thân đầu tiên.” (Chỉ năng lực thôi chưa đủ)
Liên hệ tới góc nhìn của người khác
Những năm ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi Văn cấp ba, có một điều mà các cô dặn đi dặn lại chúng mình. Đó là trong bài viết luôn phải có sự liên hệ. Liên hệ với bản thân và liên hệ với thực tiễn xã hội.
Việc đưa ra góc nhìn của người khác giúp độc giả thấy được sự đa chiều và phong phú. Đồng thời cũng cho thấy sự khác biệt độc đáo giữa mỗi người, mỗi trường phái. Từ đó, quan điểm riêng, câu chuyện riêng của bạn càng thêm rõ ràng, độc đáo hơn.
“Nhiều người nghĩ rằng viết lách là chuyện của những kẻ lông bông, sống không thực tế. Họ không tin có ai đó sẽ sống được nhờ nghề “đánh máy”. Họ càng không tin có nhiều người đang sống rất tốt nhờ nghề viết chữ này.”
Khái quát lên thành vấn đề chung của một cộng đồng hoặc toàn xã hội
Chúng ta thường sợ bài viết của mình mang tính cá nhân mà quên mất mỗi cá nhân cũng là một phần của cộng đồng. Chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thế giới quanh ta. Đồng thời cũng có tác động ngược lại tới thế giới.
Những điều bạn viết không bao giờ chỉ là vấn đề riêng mình gặp phải. Sẽ luôn có những câu chuyện gần giống với câu chuyện của bạn. Sẽ luôn có người cùng quan điểm với bạn.
Để bài viết được nhiều người đón đọc, bạn đừng chỉ nói về mình. Hãy biến câu chuyện của bạn thành câu chuyện của mọi người. Việc này không khó như bạn nghĩ. Chỉ cần bạn thường xuyên quan sát cuộc sống, quan sát cách xã hội vận động, cách con người phản ứng trước các sự kiện. Dần dần bạn sẽ thêm tinh tế và sâu sắc. Đọc nhiều cũng là một gợi ý giúp bạn.
Khi chuyển từ “cái của tôi” thành “cái của chúng ta”, bạn có thể chuyển ngôi kể từ “tôi” sang “chúng ta”, “ta”.
“Ta chỉ là những người bình thường. Ta có đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, có những lúc vị tha, cũng có những khi ích kỷ. Thế nên yêu bản thân một chút, vì bản thân một chút không phải là vị kỷ. Đó đơn giản là ta đang thật sự sống – trọn vẹn.”
Đưa ra thông điệp về điều bạn rút ra hoặc muốn nhắn nhủ người đọc
Một bài viết bao giờ cũng thể hiện cho thông điệp nào đó. Thông điệp có khi được thể hiện rõ ràng, đậm nét trong bài. Cũng có khi thông điệp được cài cắm một cách tinh tế, gián tiếp hơn. Người đọc phải tự mình tìm ra thông điệp qua chính cảm nhận của mình với tác phẩm.
Tuy nhiên, người viết nên đưa ra những thông điệp trực tiếp để người đọc ngay lập tức hiểu được. Như vậy sẽ tránh được tình trạng người đọc hiểu sai ý người viết.
“Điều mà bạn nên làm có lẽ là chuẩn bị cho bản thân một bộ giáp – một tâm hồn đủ mạnh mẽ để LÀ ĐIỂM TỰA CỦA CHÍNH MÌNH, một trái tim đủ dũng cảm để chọn SỐNG THEO CÁCH MÌNH MUỐN và một thái độ đủ thờ ơ để MẶC KỆ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐÁNG BẬN TÂM.” (Sống theo ý mình hay theo ánh nhìn của người khác)
Bài viết mang tính cá nhân không phải là khuyết điểm. Nếu người viết qua đó thể hiện được cái tôi cá tính và văn phong riêng độc đáo thì người đọc sẽ nhớ về họ hơn. Tuy nhiên, người viết cũng cần chú ý để tính cá nhân không trở thành sự hời hợt mà còn là một phần của tính cộng đồng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!
2 bình luận
xưa giờ e chỉ biết cắm đầu vào viết mà bỏ Qua mấy chi tiêt nhỏ như này.
Cám ơn chị vì bài viết quá ư là nhiều thông tin hữu ích ^^
Bởi vậy nên nếu mình vừa làm việc gì đó mà vừa có ý thức tìm hiểu thêm về nó thì sẽ có nhiều cái thú vị lắm luôn!