Truyện ngắn – kịch hóa là loại hình truyện ngắn chiếm phần lớn số lượng trong văn học hiện đại với những cốt truyện kịch tính, nhân vật mang tính đại diện cho một kiểu người trong xã hội và lối trần thuật đan xen cả bi lẫn hài hấp dẫn.
Truyện ngắn – kịch hóa là gì?
Kịch hóa là khuynh hướng văn học nổi bật trong các truyện ngắn giai đoạn 1930 – 1945 gắn liền với tên tuổi của các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Kim Lân, Vũ Trọng Phụng… Truyện ngắn – kịch hóa là những truyện ngắn mang đặc điểm của thể loại kịch. Đặc biệt là ở sự kịch tính, đầy xung đột trong cốt truyện.
Mỗi nhà văn viết truyện kịch hóa đều chọn cho mình một mảng đề tài nhất định để khai thác nhưng tựu trung lại vẫn là các vấn đề nhân sinh – phong tục. Tức là về con người trong mối quan hệ với người khác, với các phong tục, tập quán, lề thói xã hội.
Nhà văn Kim Lân viết nhiều về người dân Kinh Bắc, Tô Hoài khai thác cuộc sống con người ven đô… Riêng Nguyễn Công Hoan đã tạo nên một “tấn trò đời” của Việt Nam với hàng trăm truyện ngắn viết về nhiều cảnh đời khác nhau. Truyên ngắn của ông đạt tới độ chín muồi và mang tính sân khấu hóa rõ rệt.
Đặc điểm của truyện ngắn – kịch hóa
Cốt truyện trong truyện ngắn – kịch hóa
Cốt truyện trong loại hình truyện kịch hóa phản ánh một cách chân thực các trạng thái phức tạp của nhân thế
Tức là truyện viết về những vấn đề liên quan mật thiết tới con người trong đời sống cá nhân và các mối quan hệ với tha nhân và xã hội.
Sự kiện trong truyện giàu kịch tính, giàu sự xung đột
Điều này được thể hiện qua lời nói và hành động của các nhân vật. Những xung đột, mâu thuẫn tạo nên cao trào cho truyện và tác động mạnh tới cuộc đời của nhân vật. Đây cũng là chất liệu cơ bản giúp xây dựng cốt truyện.
Cốt truyện trong loại truyện ngắn – kịch hóa được tạo thành dựa trên nguyên tắc tạo gút tỉ mỉ và mở gút bất ngờ
Nghĩa là tạo ra những chi tiết, sự kiện, xung đột đạt đến cao trào, đưa câu chuyện lên tới đỉnh điểm của mâu thuẫn, đấu tranh, hiểu nhầm… sau đó giải quyết chúng để đưa đến một kết quả logic và bất ngờ.
Ví dụ 1:
Truyện Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan kể về phu xích lô và gái điếm đều là những người bị “ngựa hoá”, là trạng thái nhân thế thực tế đáng buồn. Hai con người dựa vào nhau, hi vọng vào nhau trong một đêm giao thừa. Xã hội đẩy họ vào tình huống không có sự lựa chọn nào khác. Quan hệ giữa hai nhân vật là quan hệ phản ánh hiện trạng nhân thế trong đời sống. Những sự việc quanh câu chuyện của họ là thể hiện trạng thái nhân thế. Người phu xe khao khát khách đi xe, gái điếm khao khát khách trăng hoa. Nhưng hai khao khát này va đập vào nhau, không được thoả mãn nên gái điếm phải lừa người phu xe. Cuối cùng, cô ta trốn mất vì kiếm mãi không được khách làng chơi còn anh phu xe thất thần vì không được trả tiền kéo xe.
Ví dụ 2:
Truyện Kép tư bền của Nguyễn Công Hoan cũng là chuỗi sự kiện giàu kịch tính. Khi bố gần chết thì kép vẫn nhận đi hát vì hợp đồng. Một bên là sự háo hức, sự ngưỡng mộ của công chúng. Kép Tư Bền trong lòng nát ruột nát gan nhưng vẫn phải nhăn mày nhíu mắt để mang những tràng cười cho khán giả.
Ví dụ 3:
Truyện Mất cái ví thì tình tiết mở gút là cái ví không mất mà do thằng cháu bày ra để đuổi ông cậu về quê do câu nói thú nhận của thằng cháu. Nhưng trong suốt câu chuyện, các tình tiết cho thấy như là cái ví bị mất thật. Tạo gút công phu, tỉ mỉ, chăm chút nên khi mở gút đầy bất ngờ.
Nhân vật trong truyện ngắn – kịch hóa
Nhân vật trong truyện đảm nhận chức năng của nhân vật loại hình
Tác giả chú ý vào tính loại hình hơn là tính cá biệt của nhân vật. Có 4 loại nhân vật thường thấy trong truyện ngắn là nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng, nhân vật tính cách, nhân vật chức năng. Trong đó, nhân vật loại hình là sở trường trong truyện ngắn – kịch hóa.
Ví dụ 1:
Thằng cháu trong Mất cái ví là tiêu biểu cho loại cháu mất dạy, coi tiền hơn tình họ hàng. Vậy nên hắn sẵn sàng dựng lên tình huống mất ví để đổ thừa ngấm ngầm làm ông cậu tức tối bỏ về quê cho đỡ tốn kém và không phải chăm cậu.
Các chi tiết mô tả hành động và ngoại hình là chất liệu cơ bản trong xây dựng nhân vật trong truyện ngắn – kịch hóa
Tác giả không kể lể chi tiết quá nhiều nhưng thường tập trung vào việc miêu tả ngoại hình, biểu cảm, hành động, lời nói để từ đó bộc lộ ra bản chất tính cách của nhân vật.
Ví dụ:
Tả mặt của nhân vật viên quan lại trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan được miêu tả theo nguyên tắc súc vật hoá (con heo).
“Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài. Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo cứng nó đùn lên, nó vẽ nên một nét răn, chia má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phính và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là chỗ đó có thể chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ. Lông mi ngài rậm mà vòng lên, đối với đôi mắt ngài hùm hụp cong xuống. Từ thái dương, đến má, đến xương quanh miệng ngài, người ta tưởng mặt ngài làm bằng sắt, vì nó đen đen. Nhưng không, màu ấy chỉ là di tích bộ râu quai nón mà sáng nay ngài quên chưa cạo“.
Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng nhân vật loại hình là sự đối lập trong hành động
Ví dụ 1:
Nhân vật ông Tham trong truyện Mất cái ví lúc đầu tỏ ra rất lễ nghĩa nhưng thâm tâm tìm mọi cách làm ra vụ mất ví. Khúc cuối lời nói đối lập hẳn khi hắn nói là có mất ví đếch đâu, hắn chỉ muốn đuổi cậu về cho khỏi lôi thôi, tốn kém.
Ví dụ 2:
Trong Kép Tư Bền là đối lập việc chăm sóc cha bệnh với đi diễn; giữa vẻ mặt tươi cười khi diễn kịch mua vui cho khán giả với lòng dạ lo lắng cho bệnh tình của cha như thiêu đốt.
Trần thuật trong truyện ngắn – kịch hóa
Chức năng của yếu tố trần thuật trong loại hình này là tạo hiệu quả bi – hài và phê phán hiện thực xã hội
Cái hài có nhiều cấp độ và nhiều sắc diện khác nhau. Hơn cả, tiếng cười này không phải chỉ mua vui đơn thuần mà còn là để lên án, mỉa mai, chế giễu những sự thật nhiễu nhương của xã hội đương thời.
Ví dụ 1:
Chí Phèo là nhân vật vừa đáng thương vừa đáng trách. Dù vậy, trong truyện vẫn có những chi tiết gây cười như khi Chí vừa say vừa chửi cả làng Vũ Đại hoặc khi Chí và Thị Nở tình tự với nhau.
Ví dụ 2:
Truyện Số đỏ mang tính trào phúng, lên án hiện thực rối ren vàng thau lẫn lộn và phong trào Âu hóa đương thời nhưng xuyên suốt tác phẩm là vô số chi tiết hài hước, giễu nhại. Như là ông Phán mọc sừng lúc nào cũng nói “Tôi là một người chồng mọc sừng“. Như là cụ cố Hồng luôn làm ra vẻ lụ khụ và nói mãi câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi“…
Lời văn mô tả ngoại hình và diễn tả hành động nhân vật, thuật lại sự việc là thành phần cơ bản của trần thuật trong loại hình truyện ngắn này
Lời của người kể chuyện có thể là lời miêu tả hoặc lời trần thuật đóng vai trò quan trọng trong việc kể lại câu chuyện của nhân vật cho độc giả.
Ví dụ:
Trong truyện Bộ răng vàng của Vũ Trọng Phụng, người cha chết, người anh chiếm hết tài sản. Người em không giành được gì cho mình nhưng anh ta nhớ ra bộ răng vàng trong miệng cha. Mặc cho cái xác chết của cha, anh ta tìm cách cạy bộ răng vàng ấy ra. Sau đó, người anh phát hiện và la mắng em mình nhưng chỉ để chiếm nốt luôn bộ răng mà thôi.
Những hành động bỉ ổi, bất hiếu của hai người con đã được diễn lại qua lời của nhân vật kể chuyện một cách tỉ mỉ.
“Để một tay giữ trên đôi mắt người đã qua đời, còn một tay nó bóp lấy hàm, cố vành cho được. Thấy hơi răn rắn, nó liền dùng hết sức, cố vành mồm kẻ chết móc ra được bộ răng vàng. Như người sốt rét phải chậu nước lạnh dội vào mình, nó bỗng run lên bần bật. Bộ răng vàng rơi lăn xuống đất nó cũng không kịp nhặt, vì khi nhìn lại đôi mắt của kẻ qua đời đã bị bàn tay phũ phàng kia làm cho lật hẳn mi lên. Mà cái mồm, một cái mồm không răng trông sâu hoăm hoẳm mà tối om om, sau khi đã bị vành thì thôi, nhất định không thèm ngậm lại. Người chết hình như trợn mắt, há mồm, nguyền rủa thằng con bất hiếu, trông đáng sợ vô cùng.”
Nguyên tắc của việc sử dụng trần thuật trong truyện ngắn – kịch hóa là tương phản và tăng cấp
Nguyễn Công Hoan là nhà văn cự phách nhất trong văn học hiện thực phê phán trước 1945 trong loại hình truyện này. Mỗi truyện ngắn của ông như một màn kịch cả bi lẫn hài.
Ví dụ:
Truyện Kép Tư bền sử dụng nhiều chi tiết đối lập và tăng cấp. Anh ta diễn hài cho khán giả nhưng cha lại đang nguy kịch trong bệnh viện. Miệng anh ta diễn hài, khán giả cười ra nhưng trong lòng anh nóng ruột như lửa thiêu. Anh ta càng ngày càng lo lắng cho cha, muốn về sớm sau mỗi lần nhận được tin báo về tình hình của ông. Ngay cả tình hình của người cha cũng ngày càng nguy hiểm. Ngược lại, khán giả ngày càng phấn khích, reo hò và yêu cầu diễn đi diễn lại. Cuối cùng khi nhận được tin cha mất thì anh ta vẫn đang còn ở chỗ diễn mà chưa đến được bệnh viện với ông.
Tác giả đã sử dụng cả thủ pháp tăng cấp và tương phản để đẩy sự mâu thuẫn giữa kép Tư bền với khán giả, giữa những gì xảy ra ở sân khấu với bệnh viện, giữa hành động bên ngoài và nỗi lo bên trong lòng của nhân vật.
Cách viết truyện ngắn – kịch hóa
Xây dựng cốt truyện kịch tính, có cao trào và được cấu trúc theo mô hình kim tự tháp Gustav Freytag
Kim tự tháp này giúp người viết sắp xếp các suy nghĩ và ý tưởng của họ. Cốt truyện của một truyện ngắn cơ bản gồm các phần lần lượt là giới thiệu, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút. Ngày nay người ta thường sử dụng kết thúc mở cho tác phẩm. Nó cho phép người đọc cùng sáng tạo với người viết.
Đọc thêm về cốt truyện trong truyện ngắn tại Cốt truyện trong truyện ngắn – Hòa Lương (hoaluong.com)
Bên cạnh đó, người sáng tác cần xây dựng hình tượng nhân vật có tính loại hình
Tức là các nhân vật cá nhân nhưng mang kiểu tính cách, hành động của một lớp người trong xã hội.
Đọc thêm về nhân vật trong truyện ngắn tại Nhân vật trong truyện ngắn – Hòa Lương (hoaluong.com)
Yếu tố trần thuật (kể chuyện) cần tạo ra được tiếng cười bi – hài
Nghĩa là truyện ngắn – kịch hóa cần tạo ra được những tiếng cười để phản ánh một vấn đề trong đời sống xã hội cần phải bài trừ.
Tiểu kết:
Truyện ngắn – kịch hóa là loại hình truyện ngắn giữ vai trò quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Nắm được các đặc điểm và chức năng thế sự của thể loại này giúp bạn có thể tự mình thử sức sáng tác.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!