Người thầy không bao giờ rời bỏ chúng ta chính là người mà ta gặp trong gương mỗi ngày. Người thầy minh triết nhất cũng là người thầy bao dung nhất. Chính ta!
Người thầy bên trong là người thầy vĩ đại nhất
“Người thầy bên trong là người thầy quan trọng nhất, cũng là người thầy vĩ đại và bao dung nhất mà bạn có.” Tôi đã gật gù khi đọc câu này của chị Linh Phan. Tôi vốn dĩ luôn mở rộng khái niệm về người thầy. Dẫu vậy, không có người thầy nào vĩ đại hơn chính bản thân, người không bao giờ bỏ tôi lại dù cho có chuyện gì xảy ra.
Thầy cho tôi động lực nội tại
Người thầy bên trong luôn động viên, hối thúc tôi không ngừng nỗ lực và học hỏi để tôi ngày càng trưởng thành mạnh mẽ, hiểu biết và hiểu chuyện
Thầy dạy tôi thành đứa trẻ tự lập
Từ bé, tôi đã là một đứa trẻ tự lập. Tôi chủ động học hành và làm việc vặt được giao. Người thầy tâm trí hối thúc tôi lo cho tốt của việc của mình. Thầy nhủ vào tai tôi mỗi ngày rằng chẳng có con đường nào thoát nghèo tốt hơn là học tập. Tôi không thích nói chuyện hay làm việc riêng trong giờ học. Tôi tập trung nhất có thể để hiểu bài ngay trên lớp và không phải mất thời gian học lại ở nhà. Theo cách ấy, buổi nào không đi học tôi có thể thoải mái đi chăn trâu hay đi ruộng và buổi tối mệt có thể yên tâm đi ngủ.
Thầy khuyến khích tôi học không ngừng
Cho tới tận bây giờ, khi không học một thứ gì đó, tôi sợ mình phí hoài thời gian. Tôi sợ những lúc ôm điện thoại lướt web biến tôi thành lưỡi dao han gỉ và mòn trơ đi. Thầy nói khi tôi không bước đi, không tiến tới có nghĩa là tôi đang bị thế giới bỏ lại. Tưởng tượng mà xem, trên đường đua marathon cuộc đời, bạn chạy một hồi rồi đứng im. Nghỉ mệt. Bạn đinh ninh chỉ đang đứng nguyên tại chỗ. Nhưng không, bạn đứng ở đó trong khi thế giới chạy lướt qua. Đứng im là đã bị bỏ lại phía sau lâu rồi. Vậy nên có thời gian rảnh tôi đi học nhảy, học yoga. Rồi tôi dạy kèm, học thêm tiếng hoa. Dù chưa việc nào tới nơi tới chốn nhưng tôi đã tìm thấy niềm vui và cảm giác bị thụt lùi.
Nhờ có người thầy trí tuệ luôn bên cạnh động viên và chỉ dẫn mà tôi không bao giờ xem thường hay chán nản việc học hỏi. Tập tành học viết, tôi lo viết ra không ai thèm đọc. Thầy huých vào vai tôi: “Nếu không thử làm sao biết? Không dám thử là đã thất bại ngay khi chưa bắt đầu.” Câu nói này của thầy là kim chỉ nan để tôi không ngừng tìm tòi và khám phá.
Thầy dạy tôi cách sống
Ngay cả trong đời sống, tôi cũng không muốn mình bị động. Nếu bạn không giỏi giang hoặc quan trọng thì cơ hội để người khác tìm đến bạn trước rất thấp. Tôi không thích thảo mai, giả dối nhưng tôi không muốn ngồi im đợi thỏ. Tôi sẵn sàng cười nhăn nhở làm quen với người lạ hoặc thân thiện nhất có thể với mọi người. Mất gì một nụ cười mà phải cau có với nhau? Thầy nói với tôi: “Chúng ta đều là con người, bình đẳng về mọi mặt. Thế nên ngoài tự tôn với chính mình còn cần tôn trọng với người khác. Nếu có thể hãy đặt mình vào vị trí của họ trước khi phán xét.“
Lời thầy minh triết lắm nhưng tôi là người phàm, không phải lúc nào cũng làm được. Tôi chỉ luôn cố gắng theo hai từ “tử tế” và “lương thiện” để hành động. Nhiều lúc tôi chưa hiểu hết hoặc chưa nghe lời nên thầy nghiêm túc nhắc nhở và cảnh báo để tôi cẩn thận hơn, thực tế hơn.
Thầy kiềm hãm tính bốc đồng trong tôi
Hồi bé, tôi là một đứa “con trai” chính hiệu. Tôi thẳng tính và háo thắng ra trò. Nhớ có lần tôi mang cả sợi dây thừng để bắt một bạn nam đi xin lỗi bạn nữ vì hôm trước bắt bạn đó quỳ gối.
Lớn lên, cái tính bốc đồng và bao đồng vẫn còn. Hồi đại học, các bạn trong lớp ngán ngẫm mỗi khi tôi với bạn khác “thảo luận”. Tôi thích bảo vệ người khác, nhất là con gái hoặc những bạn ít bày tỏ cảm xúc, ít dám đấu tranh.
Khi đi làm, tính cách ấy gây cho tôi nhiều rắc rối. Thầy khuyên tôi bình tĩnh hơn, học cách cân bằng cảm xúc và đừng để ngọn lửa bùng lên quá cao. Cao quá sẽ cháy mọi thứ, trong đó có cả tôi. Thầy khuyên tôi mềm mỏng trong giao tiếp. Không nhất thiết cãi nhau mới bảo vệ được chính kiến. Và gương mặt hầm hầm không làm người ta tán đồng.
Thầy khuyên tôi tiết chế mơ mộng
Cả cái tính hay thương người và mộng mơ của tôi cũng bị thầy nhìn ra. Thầy bằng tuổi tôi nhưng tôi cảm giác thầy đã sống qua nhiều kiếp lắm. Tuổi linh hồn của thầy cao quá, như cây đại thụ giữa rừng già. Thầy nhìn thấu tôi, cả những yếu đuối, gàn dở, ương bướng, lãng mạn hay mạnh mẽ, lì đòn, nỗ lực. Đặc biệt là tính thương người và tin người. Thầy bảo đó là hai đức tính đáng trọng nhưng có thể khiến tôi thiệt thòi. Người biết điều sẽ cảm kích, người vô tâm nhận xong rồi thôi. Tệ hơn là lợi dụng để mưu cầu việc riêng.
Tôi hãy cứ là chính mình
Tôi hỏi liệu có nên bỏ bớt đi không. Thầy bảo nếu bỏ đi chả khác nào tôi chối bỏ chính mình. Bỏ đi cái tốt của mình vì cái xấu của người khác chẳng đáng chút nào. Thầy mong tôi cẩn thận hơn. Tôi chỉ cần quán xuyến tốt bản thân và không khiến chính mình áy náy hay xấu hổ là được. Người khác cư xử ra sao tôi không cần và không thể can thiệp. Mỗi sinh linh đều có đặc tính riêng và linh hồn riêng.
Mỗi khi trò chuyện cùng thầy, tôi thường chìm đắm trong những triết lí giản đơn ấy. Và như khi người ta thưởng trà, tôi mời thầy ngồi lại giảng giải cho tôi thật lâu, tới khi nào trà dư tửu hậu mới thôi.
Thầy kiên nhẫn lắng nghe
Thầy có khi đến sớm, có khi muộn hơn nhưng luôn kiên nhẫn lắng nghe và nói với tôi rằng thất bại không phải đường cùng. Thầy ôn tồn nghe tôi than vãn, phân trần, than trời trách đất và vẫn bao dung, vỗ về.
Khi không được bổ nhiệm đi dạy chính thức, tôi đã thấy mình thật sự thất bại. Những đêm dài trằn trọc, tôi nhìn như khoan thủng trần nhà vẫn không tìm ra được lời giải đáp nào hợp lí. Tôi cố chấp không tin giấy khai sinh có giá trị hơn những tấm bằng chứng minh năng lực.
Thầy dạy tôi học cách chấp nhận
Tôi chật vật nửa tháng trời mà thầy tôi vẫn biệt tăm. Có lẽ suy nghĩ trong tôi rối rắm quá, rối hơn cá con mắc lưới nên thầy không tìm được thời điểm thích hợp để chuyện trò. Mãi đến khi bình tĩnh hơn, thầy nhẹ nhàng đến bên. Thầy dạy tôi phải học cách chấp nhận. Nỗ lực là chuyện của tôi nhưng rất nhiều khi trong đời, quyền quyết định thuộc về người khác.
Tôi từng vì tin người mà bị lừa. Tôi đã trách bản thân rất nhiều. Đã luôn dặn lòng phải cẩn thận thế nhưng đứng trước những nhờ vả và thái độ khẩn khoản có vẻ chân thành của người khác, tôi lại động lòng mà tin và giúp họ. Thế rồi tôi không chỉ mất tiền mà còn mất cả mối quan hệ ấy nữa. Tôi trách người, tôi trách mình. Và với quan điểm “tiên trách kỉ, hậu trách nhân“, tôi thấy mình thật xuẩn ngốc.
úc ấy, thầy nói với tôi thầy cũng từng thất bại, từng vấp ngã, từng bị gạt. Ai trong chúng ta đều sẽ có những trải nghiệm không vui vẻ trong cuộc sống. Thất bại trong học tập, công việc, tình yêu hay trong việc kết nối với người khác thực chất không phải là điều tệ nhất.
Mặt tích cực là ta nhận được bài học nhớ đời và rút ra kinh nghiệm khắc cốt ghi tâm. Chuyện vui rồi cũng qua đi, chuyện buồn không ở lại mãi. Mọi người ta gặp, mọi việc ta trải đều là đúng lúc. “Chấp mê bất ngộ” chỉ làm bản thân mệt mỏi thêm. Thay vì vậy hãy giữ tâm “vô vi”, thuận theo tự nhiên, mà sống.
Hướng đến lối sống vô vi
“Vô vi” không có nghĩa là buông bỏ, thả trôi mà “vô vi” trong lúc sống hết mình, sống trọn vẹn. Kết quả như thế nào cũng có thể sẵn lòng đón nhận. Được như ý thì mở lời cảm ơn đời, cảm ơn người, cảm ơn chính mình. Không như ý thì cố gắng lần sau, cố gắng nhiều hơn. Giữ tâm nhẹ nhàng nhất vì đời vốn nhiều gánh nặng. Thương ai thì thương, phải thương mình trước hết.
Nhờ thầy, tôi học cách mở lòng ra để bao dung cho người khác. Nếu khó quá, tôi sẽ mặc kệ họ. Thầy nói tôi đừng lưu hận thù, đừng giữ ghét ganh. Có lẽ nhờ thầy nên tôi trở thành đứa quên nhanh và hay cười. Tôi chỉ để tâm những người mình thương quý và ít khi bận lòng quá nhiều vì người không hợp.
Ngay cả với người từng lừa đối hay phản bội, tôi từ lâu không còn trách giận họ nữa. Với tôi, họ giống như làn khói, thổi qua, ngột ngạt rồi loãng dần, tan đi, không vương lại gì. Tôi thấy dễ chịu hơn khi không còn nghĩ đến họ. Hoặc nghĩ đến như một câu chuyện xa xưa thuở nào chẳng mấy liên quan.
Còn những tổn thương tinh thần từ trong gia đình, tôi cố gắng bù lại bằng lắng nghe để thấu hiểu. Gia đình dù có qua bao nhiêu sóng gió vẫn là nơi bình yên nhất. Thế nên tôi chọn quên đi tổn thương và ghi khắc yêu thương.
Bởi vậy mọi người hay hỏi tôi tại sao kể những chuyện đau lòng của bản thân lại thản nhiên chừng ấy? Tại sao tôi luôn lạc quan như thể được cuộc đời ưu ái? Thật ra không phải, tôi từng nghĩ mình là đứa trẻ bị Thượng Đế bỏ rơi. Nhưng tôi đã gặp thầy, đã đối thoại cùng thầy và đã thay đổi từ nhân sinh quan tới hành động, lời nói. Tôi thấy nhẹ nhàng hơn khi có thể chấp nhận sự khác biệt và học được cách mặc kệ hoặc thứ tha.
Viết mỗi ngày như vốn đã là thế
Cũng nhờ thầy động viên mà tôi đã kiên trì viết mỗi ngày. Nếu thêm sáu tháng nữa, tôi vẫn sẽ duy trì việc viết. Tôi không thể trả lời chính xác điều gì sẽ xảy đến nhưng tôi mong mình viết nhiều hơn, viết tốt hơn. Tôi cũng hi vọng mình được định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt hơn để hiện thực hoá những mục tiêu trong viết. Dù chỉ là những bước chập chững đầu tiên.
Thầy từng nghiêm túc hỏi tôi có thấy mình tiến bộ hơn sau một thời gian theo đuổi viết lách không. Tôi trả lời rằng tôi hạnh phúc khi được viết và may mắn vì đã chọn viết thay cho những trò giải trí khác.
Cùng với thời gian, tôi nhận thấy tốc độ viết bài và biên tập bài viết đã cải thiện đáng kể. Ngay cả việc tìm ý tưởng và cảm hứng cũng trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã được ở trong một cộng đồng viết văn minh, được hướng dẫn viết và được học hỏi từ người yêu viết khác. Tôi còn được rèn luyện giải đề mỗi ngày như học cách lật tìm từng mảnh ghép để mở kho báu. Tôi được công khai bài viết, được mọi người nhận xét và góp ý, được góp công sức vào những thành quả chung của tập thể. Vui nhất là khi so với chính mình trước đây, tôi thấy sự tiến bộ qua từng bài viết. Mỗi bài viết là tấm gương phản chiếu quá trình tôi viết và sự biến thiên trong tư duy viết.
Người thầy tận tâm nhất là chính mình
Thầy ẩn cư ở trong sâu thẳm hồn tôi nên thầy là nhà giáo tận tâm nhất, yêu nghề nhất. Thầy ở đó cùng tôi suốt cả đời, sẵn sàng mở cửa, pha trà để tôi ngồi xuống thủ thỉ đủ thứ chuyện trong đời. Thầy lặng lẽ đi bên tôi, cổ vũ tôi tiến về phía trước, an ủi tôi qua những khúc quanh trắc trở trên đường đời.
Một lần cùng thầy đi dạo qua con đường nhỏ bên khe suối trong, tôi hỏi thầy “Điều gì tệ nhất?” Thầy không nhìn tôi, chỉ thong dong bước về phía trước và nói: “Tệ nhất là đánh mất chính mình.“
Thầy như vị tu sĩ già, ẩn cư trong am mây cũ, khuất sâu nơi tâm hồn tôi. Yên bình và tĩnh tại. Tôi yêu người thầy ấy biết bao, yêu quý trọn một đời và bài tri ân này là những lời đẹp nhất tôi muốn dành cho người thầy tận tuỵ nhất, kiên nhẫn nhất, bao dung nhất, minh triết nhất mà tôi có trong đời – CHÍNH TÔI.
Bạn đọc thêm tản văn của Sẻ nâu tại Nhặt chữ nhé!
2 bình luận
Em cảm ơn chị vì bài viết. Em sẽ học cach yeu thương bản thân mình nhất.
Luôn có người thầy bên trong dẫn dắt e, e cần lắng nghe và trò chuyện