Nhìn những cây cổ thụ đổ xuống

Hôm nay gọi cho mẹ, mình lại khóc. Không phải vì mẹ hay vì mình mà vì hai mẹ con nói chuyện về cậu. Cậu mình đang nằm viện. Trước Tết, dì mình bị té xe, cũng đi viện rồi mẹ phải phẫu thuật, giờ thì tới lượt cậu. Mình không nói với mẹ quá nhiều về điều mình nghĩ nhưng trong đầu mình đầy những lo lắng mơ hồ.

Chúng ta cần nhau và thương nhau hơn chúng ta vẫn tưởng nên mình chẳng muốn để những hờn giận bình thường hay những lặng im đeo đẳng kéo dài mãi khoảng cách giữa người thân. Khi phải nhìn những cây cổ thụ đổ xuống, ta mới thấy mình nhỏ bé và yếu đuối biết bao nhiêu…

Lâu nay, mình vẫn thường lo tới thế hệ ông bà. Mình may mắn vẫn còn bà nội và ông bà ngoại. Bà nội mình ngoài 90, ông bà ngoại đã hơn 70. Như nhiều người khác, vì tuổi tác và sức khoẻ của ông bà, mình cũng có lúc thoáng nghĩ tới những vầng mây trắng xa xăm, nghĩ tới khi mọi ký ức chỉ thật sự còn là ký ức.

Vậy mà từ khi ba mình phải mổ vào năm trước, mình dần dịch chuyển nỗi lo sang thế hệ của cha mẹ. Bởi ba mẹ hay cậu, dì mình đều đang trong độ tuổi lao động, vẫn còn có rất nhiều thứ phải chi tiêu, thậm chí là còn những món nợ chưa trả hết, những khoản tiền lớn cần chắt chiu để phụ giúp con cái khi cưới hỏi hay làm nhà về sau. Đồng thời, ở tuổi này, sau nhiều năm bươn chải mà không hề chăm lo tới sức khỏe, tỉ lệ mọi người mắc bệnh và cần điều trị cũng cao hơn. Lần lượt chứng kiến những người thân nhập viện do tai nạn hay do bệnh tật được phát hiện đột ngột, mình càng cần chuẩn bị cả về tinh thần lẫn tài chính cho những tình huống không báo trước.

Quay lại chuyện của cậu mình, mình khóc vì nghĩ thương cho cậu, thương cho cuộc đời cậu. Hồi còn bé, mình hay xem ảnh cưới của cậu. Lúc nào mình cũng tự hỏi sao ảnh cưới mà không ai cười. Cậu mình gầy rộc, khuôn mặt vuông vức và đôi mắt hốc hác hõm sâu. Cậu lọt thỏm trong cái áo sơ mi trắng, dáng vẻ mệt mỏi, dù đấy là ngày vui và cậu chỉ mới ngoài đôi mươi. Cậu đã cố gắng để tự mình lo liệu cho đám cưới, để rước được mợ – người cậu thương – về nhà. Mình không nhớ gì về đám cưới cậu, có lẽ vì còn nhỏ quá nhưng mỗi lần nhìn những tấm ảnh của ngày trọng đại đó, mình đều thấy xót xa. Khi bằng tuổi cậu, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ kiến tạo một gia đình. Mình càng không tin là bản thân có thể xoay sở để lo được việc lớn đến vậy trong đời. Mình thấy cậu giỏi, cũng thấy khổ từ lúc ấy.

Sau này, cậu mình đi xuất khẩu lao động mãi tận Hàn Quốc, chịu đựng những vất vả tủi nhục ở xứ người mà chẳng nói với ai để có được một khoản tiết kiệm khi trở về. Cậu mua một chiếc xe hơi rồi trở thành tài xế. Nhưng thật không may, trong một lần nhậu say, xe của cậu lao thẳng xuống con sông. Cậu bình an còn chiếc xe thì không thể chạy được nữa. Cậu sửa nó rồi bán đi, lại tiếp tục nghĩ cách khác để mưu sinh. Mấy năm nay, cậu mình làm tài xế cho một công ty ở tỉnh khác. Mỗi lần về quê, cậu phải qua mấy lượt xe mà vẫn cần thêm người nhà chạy xe máy thêm 5km ra đón. Hè năm 2022, nhiệt độ mặt đường có khi ngót nghét 60, mình ngồi trong nhà nhìn theo bóng bà ngoại chở cậu trên con xe xập xệ giữa lúc trưa nắng để lên kịp chuyến xe khách mà lòng buồn rưng rức. Một bà lão 70 tuổi chở cậu con trai đã gần 50 lầm lũi trên đường làng vắng bóng, nắng tàn nhẫn rọi xuống, khét cháy hai mái đầu, khét cháy cả tấm lưng áo ướt đầm mồ hôi.

Mỗi lần nhớ về cậu, những hình ảnh nao lòng ấy quẩn quanh mình mãi. Có những hôm cậu gọi điện cho mình sau một ngày làm việc. Vẻ mặt cậu mệt mỏi nhưng chẳng bao giờ cậu than thở. Cũng có khi mình gọi cậu ngay lúc cậu đang lái xe chở những công nhân viên của công ty xuống ca. Cậu đi làm xa nhà, sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ, ăn uống tiết kiệm và gần như chẳng có thú vui riêng gì. Cậu thường hút thuốc nhưng không ham rượu chè, chắc là vì công việc. Sau này, cậu còn thay đổi chế độ ăn để giảm cân và cải thiện sức khoẻ. Mình không nói với cậu nhiều về chuyện ấy nhưng cũng lờ mờ đoán cậu chỉ ăn khổ hơn, ít hơn chứ không ăn khoa học hơn. Tuy nom cậu có gọn người hơn nhưng quầng mắt thâm đen và vẻ mệt nhọc chậm rãi không khiến mình thấy an tâm.

Thời gian này, công ty cậu ít việc nên cậu phải ở không nhiều hơn. Cậu vẫn ở lại trên phòng trọ mà không về nhà. Cậu bệnh nhưng giấu, không cho ai hay. Lâu rồi mình không nói chuyện với cậu vì mỗi lần hai cậu cháu gọi điện cũng chỉ biết hỏi thăm sức khoẻ rất ngại ngùng. Cậu vốn ít nói còn mình thì không biết có nên chia sẻ với cậu những gì mình nghĩ không. Mình sợ lại đụng vào những nỗi niềm của cậu.

Hôm rồi gọi cho mẹ, mình mới biết cậu vừa được đưa đi viện vì có các triệu chứng nói lắp, không tỉnh táo, phỏng đoán đột quỵ. Mình nhận tin mà như có luồng điệt xoẹt ngang người, hệt như khi dẫn mẹ đi khám mà nghe bác sĩ bảo mẹ có nguy cơ ung thư và phải sắp xếp phẫu thuật nhanh chóng. Những lúc ấy, mình không phải là cô gái 30 tuổi kiên cường nữa. Mình chỉ còn là cô bé con ướt lướt thướt chỉ có thể đứng nhìn những cây cổ thụ cao lớn trước mặt lần lượt gãy đổ xuống trong cơn mưa tầm tã. Những ánh chớp sáng lòe vẫn lóe lên phía xa cùng tiếng sấm đì đùng chốc chốc lại rền vang không nghỉ. Mình chợt thấy bản thân yếu đuối vô cùng. Mình đã sợ, rất sợ những viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra.

Trưa qua mình gọi cho mợ, nghe mợ nói tình hình cậu đã khá hơn. Nay mẹ cũng báo là sau khi chọc tủy, bác sĩ nói cậu bị rối loạn thần kinh do thiếu ngủ lâu ngày, ăn uống không đủ chất và lo nghĩ nhiều. Dì mình còn nói với mẹ là nhìn người ta chọc tủy cậu, nhìn cậu nằm viện mà dì khóc không kiềm được nước mắt, thấy đau hơn cả hôm trước dì bị hoại tử bắp chân do phỏng bô xe phải nạo bỏ phần thịt hư ấy. Mình hiểu phần nào cảm xúc của dì. Nó là một loại nỗi đau không dễ gì diễn tả, pha trộn giữa lo lắng và sợ hãi, yêu thương và đau khổ, đâu đó còn có cả cảm giác sợ đánh mất. Có lẽ vào những lúc như vậy, người ta mới cảm nhận rõ ràng sự thiêng liêng của tình thân máu mủ. Dẫu cho ngày bình thường có quay cuồng với những nỗi lo riêng mà thưa nhặt hỏi han nhau thế nào đi nữa.

Nói chuyện với mẹ làm mình nhớ lại những kỷ niệm ít ỏi giữa hai cậu cháu. Hình như mình chưa từng ngồi nói chuyện lâu và sâu với cậu. Mình cũng chưa từng mua tặng cậu một món đồ gì hay mời cậu được một bữa ăn ngon. Hóa ra, bấy lâu nay, mình đã thờ ơ với cậu đến tệ. Ấy vậy mà cậu mình – một người lúc nào cũng tiết kiệm chi tiêu hết mức cho bản thân – lại thường dấm dúi cho mình khi nhiều khi ít để đi đường. Đến tận hai năm trước, lúc mình đã lớn tướng và có thể tự lo liệu, có từ chối thế nào cậu vẫn lén nhét vài đồng vào túi mình khi nào không hay. Mình không rõ cậu nghĩ thế nào vì mình chưa từng hỏi nhưng mỗi lần như vậy, mình đều có cảm giác cậu vừa thương cháu mà vừa phải gánh trên vai trách nhiệm của một trưởng nam, một người lớn.

Dù không phải người nói nhiều nhưng trong những lần hiếm hoi trò chuyện, cậu đều dặn mình lo cho sức khoẻ, nghĩ cho ba mẹ và tiết kiệm để dành cho sau này. Ngẫm lại, cậu vẫn là người thường nghĩ cho người khác, thương người nhà nhưng chẳng nói ra, càng chẳng giỏi thể hiện tình thương ấy. Có lẽ vì vậy mà không phải ai cũng hiểu được cậu, ngay cả những người sống chung dưới một mái nhà. Giờ, hễ nhớ tới hình ảnh cậu nằm một mình trên chiếc giường đơn lạnh lẽo của bệnh viện, tưởng tượng những ngày cậu vào ra lủi thủi một mình ở phòng trọ trong khi có nhà cửa vợ con, cha mẹ đàng hoàng, tự dưng mình không kiềm được nước mắt. Cậu có đủ người thân nhưng sống một cuộc đời gần như cô độc, không được thấu hiểu và có lẽ cũng không cảm nhận được quá nhiều yêu thương.

Đã có lúc mình gần như chẳng lo nghĩ vì về lớp người như ba mẹ mình, cậu dì mình. Trong mắt mình, họ còn trẻ lắm và họ lại vững vàng, họ là chỗ nương tựa của mình cơ mà. Thế rồi thời gian qua đi, những chuyện không vui giáng xuống. Mình nhận ra chúng mình đã lớn, đã đến lúc chung vai để san sẻ cùng người lớn những trách nhiệm với gia đình, để họ được bớt đi phần nhọc nhằn và an tâm hơn khi nghĩ về con cháu. Biết là vậy nhưng cứ nhìn vào từng thế hệ của một đại gia đình sẽ lại thấy những yếu đuối và non nớt ngày càng nhiều hơn. Bản thân cũng không thể cứ dửng dưng chỉ sống vì mình hay hồn nhiên không lo chuyện đường dài như trước.

Mình không thể thay cậu giải quyết những khúc mắc trong gia đình, cũng không thể giúp gì được cho tình hình của cậu. Mình chỉ mong là cậu sẽ bình an đi qua đợt đau ốm này, mong là người trong nhà sẽ nhìn ra sự mong manh của kiếp người mà trân trọng nhau hơn, bỏ qua cho những chuyện buồn vui quá khứ và đối đãi tốt với nhau trong hiện tại. Bởi lẽ, thế hệ của cậu đang già dần đi, còn đám trẻ thì non nớt và ngô nghê, chưa thể tự mình lo cho cuộc sống. Lớp của ông bà cần những người con như cậu. Lớp của các em mình càng cần người cha là cậu. Chúng ta cần nhau và thương nhau hơn chúng ta vẫn tưởng nên mình chẳng muốn để những hờn giận bình thường hay những lặng im đeo đẳng kéo dài mãi khoảng cách giữa người thân.

Khi phải nhìn những cây cổ thụ đổ xuống, ta mới thấy mình nhỏ bé và yếu đuối biết bao nhiêu…

Nếu bạn cũng đang muốn ghi lại những câu chuyện cuộc sống của bản thân và gia đình mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì Sổ tay tản văn và khóa học Viết tản văn đăng báo sẽ giúp bạn biết cách viết ra, viết hay và viết để được báo chọn đăng.

Inbox cho mình nếu bạn cần thêm tư vấn để chọn thứ phù hợp nhất với bạn lúc này!

Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi FacebookPodcastYoutube và tham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tìm kiếm điều gì đó . . .