Các kỹ thuật phát triển ý tưởng giúp bạn không bao giờ thiếu nội dung

Nội dung (content) vẫn được xem như vua trong ngành viết, nhất là viết thương mại. Để tạo ra những nội dung chất lượng, bạn cần phát triển ý tưởng độc đáo. Vậy làm thế nào để bạn không bao giờ thiếu ý tưởng khi làm công việc sáng tạo nội dung? Cùng xem nhé!

Nắm được các kỹ thuật phát triển ý tưởng giúp bạn không bao giờ thiếu nội dung

Brainstorming (Nghĩ đột phá)

Khi brainstorming để phát triển ý tưởng, bạn sẽ cần tập trung suy nghĩ về một từ khóa hay một vấn đề nào đó. Trong khi suy nghĩ, đừng quên ghi lại tất cả các ý tưởng liên quan đến chủ đề ấy. Lúc này bạn không cần quá quan tâm đến tính khả thi hay độ phù hợp, hãy cứ ghi hết ra trước đã. Đến khi bạn không thể nghĩ thêm được gì nữa, bạn cần sắp xếp và lựa chọn những ý tưởng phù hợp trong mớ lộn xộn vừa rồi để tiếp tục phát triển thành dàn ý cho bài viết. Thêm vào đó những câu chuyện, các dẫn chứng, con số thống kê, tỷ lệ phần trăm, bằng chứng khoa học/xã hội… để tăng mức độ tin cậy.

Thứ tự sẽ là:

Xác định từ khóa hoặc chủ đề chính

Liệt kê và ghi lại tất cả các ý tưởng liên quan

Chọn lọc và sắp xếp lại theo nhóm

Làm dàn ý (outline)

Bổ sung câu chuyện, dẫn chứng, con số…

Ví dụ: 

Bạn muốn viết về chủ đề giảm thiểu tác hại của rác thải sinh hoạt tới môi trường. Bạn cứ ngồi xuống, tập trung vào nó và viết xuống những gì bạn nghĩ ra được. Có thể những gì bạn liệt kê sẽ rộng hơn vấn đề chính. Như là bạn cần viết về giảm thiểu tác hại của rác thải trong các gia đình tới môi trường nhưng bạn lại ghi ra cả những ý về xử lý rác thải tại bãi tập kết, rác thải công nghiệp… Như vậy, những ý này cần bỏ qua ở khâu chọn lựa vì nó đi xa hơn so với vấn đề chính.

Mind Mapping (Lập sơ đồ tư duy)

Đây là phương pháp phát triển ý tưởng sử dụng sơ đồ tư duy để triển khai vấn đề từ một từ khóa ban đầu. Bạn hãy ghi từ khoá chủ đề ở trung tâm và các ý tưởng liên quan được chia nhánh ra từ đó. Qua quá trình này, bạn có thể khám phá được các ý tưởng phụ và mở rộng chủ đề viết.

Lập sơ đồ tư duy là một phương pháp quen thuộc và có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn. Do đó, nó rất thích hợp khi bạn muốn tìm kiếm hoặc triển khai các ý tưởng. 

Các bước thực hiện cơ bản giống với phương pháp brainstorming phía trên.

Đọc và nghiên cứu

Bạn đừng bỏ qua việc đọc sách, bài viết, tài liệu và tìm hiểu sâu về chủ đề liên quan. Quá trình này có thể hiểu là nghiên cứu thông tin về chủ đề (research). Việc đọc và nghiên cứu giúp bạn nắm vững kiến thức, tạo ra ý tưởng mới và cung cấp góc nhìn đa dạng cho bài viết của mình. Dung lượng một cuốn sách không nhỏ. Ngay cả khi cuốn sách có một nội dung trọng tâm thì các phần, các chương, các trang hoặc một dòng chữ nào đó cũng có thể khơi gợi cảm hứng và ý tưởng nơi bạn cho một chủ đề viết khác.

Chẳng hạn như khi đọc “Hoàng tử bé”, ngoài việc nghĩ sẽ viết review sách thì mình còn muốn viết về những bài học cho người lớn từ một cuốn truyện thiếu nhi hoặc chủ đề học cách yêu từ cuốn sách “Hoàng tử bé”

Đọc thêm bài viết liên quan tới ý tưởng:

15 thói quen làm chủ ý tưởng dễ thực hiện mỗi ngày

9 gợi ý giúp bạn không bao giờ cạn ý tưởng viết mỗi ngày

Động não trước khi viết: những bí kíp làm chủ ý tưởng

Quan sát và khám phá

Quan sát và khám phá, trải nghiệm cũng là phương pháp phát triển ý tưởng dễ thực hành. Bạn cần chú ý đến những gì ở xung quanh, ghi lại các ý tưởng, câu chuyện hoặc trải nghiệm đáng chú ý. Mỗi một sự kiện dù là bé nhỏ cũng có thể khởi nguồn cho một tác phẩm đồ sộ. 

Đừng vội phản biện là bạn vẫn quan sát đời sống hàng ngày. Bạn có chắc chắn là bạn đã quan sát kỹ chưa? Chẳng hạn như khi bạn đi dạo bờ hồ vào buổi sáng, bạn nhìn thấy nhiều người khác cũng đi dạo. Câu hỏi đặt ra là bạn có nhớ đặc điểm của ai không hay bạn chỉ nhớ là có nhiều người đi dạo thôi? Bạn có để ý những bạn trẻ đi dạo một mình thường có thói quen như thế nào hay những cụ ông cụ bà thì sẽ đi đứng ra sao không? Hoặc như câu chuyện mà bạn thường nghe họ nói với nhau là gì? Khi nói chuyện, họ biểu cảm như thế nào? Và cuối cùng là sau khi quan sát, bạn nghiệm ra điều gì?

Nhà văn Di Li, một tác giả truyện trinh thám được nhiều bạn đọc mến mộ, đã chia sẻ trong bài phỏng vấn Nhà văn Di Li – Tôi viết truyện trinh thám bằng ý tưởng chợt đến nhưng đầy lý trí:

“Ý tưởng bất chợt đến trong một chuyến đi Seoul (Hàn Quốc). Cô gái ở công ty đối tác nhắc tôi rằng, nếu có gọi taxi thì gọi xe của hãng tử tế, đừng vẫy dọc đường, vì thời gian vừa rồi có rất nhiều cô gái đã bị tài xế taxi giết hại rồi quẳng xác xuống sông Hàn. Sau đó tôi cũng tình cờ nhìn thấy những hình ảnh tàn tạ của những người nghiện ma túy đá trong một bài báo. Tôi dần dần hình thành từ những ý tưởng bất chợt đó. Hơn nữa, từ lâu tôi dành rất nhiều thời gian để quan sát những người mà tôi cho rằng thuộc cộng đồng “người vô tính”. Đó là một chủ đề mà tôi đã nghiên cứu từ lâu.”

Ghi chú và tổ chức ý tưởng

Bạn cũng nên ghi lại những ý tưởng, thông tin và suy nghĩ vào sổ hay ứng dụng, sắp xếp chúng thành các danh sách, bảng hay sơ đồ để dễ dàng tìm kiếm và sử dụng trong quá trình viết.

Để dễ theo dõi hơn, bạn có thể gom nhóm các ý tưởng có cùng chung một hay một số đặc điểm nào đó với nhau. Đồng thời với mỗi ý tưởng, bạn có thể ghi ra một tiêu đề dự kiến, những ý chính dự kiến sẽ đưa vào bài, một câu chuyện nhỏ có liên quan hoặc các link nguồn tham khảo… Tất cả những điều này sẽ giúp bạn dễ theo dõi cũng như dễ bắt nhịp lại với ý tưởng sau một thời gian.

Mark Twain, nhà văn hài hước nổi tiếng người Mỹ, đã sử dụng gần 50 cuốn sổ tay bỏ túi trong suốt cuộc đời mình. Trong đó ghi lại những quan sát của ông về con người, cuộc sống và những điều mà ông suy ngẫm. Chúng trở thành nguồn tư liệu cho những sáng tác của ông trong sự nghiệp văn học đồ sộ.

Thảo luận và giao tiếp

Thảo luận với người khác, chia sẻ ý tưởng của mình và lắng nghe ý kiến phản hồi cũng là cách để các ý tưởng của bạn được phát triển. Những cuộc thảo luận này có thể mở rộng tầm nhìn và đem lại cho bạn những góc nhìn mới.

Bài viết này được mình hoàn thành sau buổi dạy về các loại ý tưởng và cách làm việc với ý tưởng cho học viên khóa Become A Freelancer. Để làm một người viết hay một người sáng tạo nội dung thì ý tưởng giữ vai trò quan trọng. Những gì mình hướng dẫn các bạn, những câu hỏi các bạn đặt ra… đều có thể trở thành ý tưởng cho bài viết của mình.

Đặt câu hỏi 

Đặt câu hỏi cho chính mình về chủ đề viết, đi sâu vào tìm hiểu và trả lời những câu hỏi này giúp bạn nắm bắt và khám phá sâu hơn về chủ đề và phát triển ý tưởng mới.

Một số câu hỏi đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn có thể áp dụng như: là gì, là ai, như thế nào, khi nào, ở đâu, tại sao, nếu A xảy ra thì sao… Những câu hỏi và các giả thiết sẽ mang đến cho bạn nhiều gợi ý hơn để có ý tưởng viết bài.

Ví dụ như khi bạn muốn viết về tình trạng kết hôn muộn ở người trẻ hiện nay, bạn có thể hỏi họ là ai, họ thường sống ở đâu, họ có những đặc điểm nào, vì sao họ lại có lựa chọn như vậy, những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực của chuyện này là gì… 

Tóm lại, có nhiều kỹ thuật khác nhau giúp bạn phát triển ý tưởng để không bao giờ thiếu nội dung khi làm việc cho khách hàng hay các dự án cá nhân. Nếu bạn biết thêm phương pháp nào khác, hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .