Review sách “Cây cam ngọt của tôi” – Bông hoa trắng của cây cam ngọt

Review sách "Cây cam ngọt của tôi" qua cái nhìn về nhân vật Zeze - một cậu bé chịu nhiều bất hạnh nhưng vẫn dùng sự trìu mến để đối xử với mọi người.

“Tôi vùng vẫy như điên nhưng không thể thoát ra.

– Bình tĩnh nào con trai. Ta sẽ không để cháu đi đâu.

– Vậy là tàu Mangaratiba đã giết ông ấy…?

– Không. Xe cứu thương đã đến rồi. Nó chỉ làm hỏng chiếc xe thôi.

– Ông nói dối, ông Ladislau…

Tôi lắc đầu và bắt đầu mê mụ chậm chạp bước đi. Tôi biết sự thật. Tàu Mangaratiba rất tàn nhẫn. Nó là cái tàu hoả khoẻ nhất. Tôi nôn vài lần nữa và có thể thấy không ai mảy may chú ý. Tôi hoàn toàn đơn độc trên đời. Tôi không quay lại trường học và chỉ làm theo sự mách bảo của trái tim. Thỉnh thoảng tôi khóc sụt sịt và lấy đồng phục lau mặt. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông Bồ nữa. Không bao giờ nữa. Ông đã ra đi…”

Bạn sẽ sống như thế nào vào ngày nhận được tin “cha” mình bị đoàn tàu hoả mạnh nhất vùng cán bẹp cùng chiếc xe hơi mà bạn đã bao lần ngồi trên đấy để tỉ tê kể chuyện và ngắm những chân trời tươi đẹp rộng mở? Sẽ thế nào nếu đó là người bạn chân thành nhất, người rơi nước mắt khi nghe bạn kể về những trận đòn thập tử nhất sinh do chính người thân trong gia đình hành hạ, đã xót xa khi thấy tấm lưng nhỏ chi chít những vết bầm và vết sẹo, đã ngồi cả đêm chờ đoàn tàu chạy qua vì sợ bạn quá đau thương mà tự quăng mình lên đường ray xe lửa, kết thúc cuộc đời bé mọn mới chỉ hơn năm năm?

Nỗi bất hạnh của đứa trẻ 5 tuổi

Tôi không thể tưởng tượng được, bằng cách nào mà một cậu bé năm tuổi vượt qua được cú shock ấy. Có thể vì em đã từng chịu nhiều nỗi đau cả tinh thần và thể xác, cũng có thể vì đến cuối cùng tình yêu thương, sự trìu mến giữa con người với con người đã trổ ra bông hoa nhỏ trắng ngần như cây cam ngọt sau vườn của em. Tôi đã nằm yên trên giường mà khóc thật lâu sau khi đọc xong cuốn sách Cây cam ngọt của tôi – một cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của nhà văn Brazil José Mauro de Vasconcelos. Cuốn sách được giới thiệu là “chuyện về một cậu bé trên hành trình khám phá nỗi đau và tình yêu thương”.

Zezé là cậu bé tóc hung sinh ra trong gia đình đông con với người cha thất nghiệp đã sáu tháng và mẹ đi làm ở nhà máy dệt trong thành phố từ sáng tới đêm. Một mình mẹ phải tăng ca liên tục để trang trải chi phí cho cả nhà. Họ đã cho bớt một đứa con gái để “nhẹ nợ”. Dẫu vậy, họ vẫn phải chuyển tới thuê một căn nhà nhỏ hơn để có thể giảm bớt con số trong các hoá đơn.

Chú bé Zezé mới chỉ hơn năm tuổi nhưng đã biết đọc hiểu và nói được rất nhiều từ làm người lớn vô cùng ngạc nhiên. Và để cho “con quỷ” trong cậu không phá bĩnh suốt ngày, họ cho em đi học sớm. Thế nhưng, Zezé vẫn chưa bao giờ hết nghịch ngợm. Em hái trộm hoa, hái trộm ổi nhà hàng xóm, làm vỡ gương nhà người quen, em bám càng những chiếc xe hơi, em lấy chiếc tất da giả con rắn rồi hù trúng một người phụ nữ mang thai sáu tháng, đốt cháy mông bác trai… Khắp khu phố chỉ cần có tai hoạ nào xảy ra thì em là đứa trẻ đầu tiên bị gọi tên.

Dẫu có vẻ quậy phá là vậy, những hành động vẫn không đủ để biến em thành đứa trẻ được quỷ sứ sinh ra vào đêm giáng sinh thay cho Chúa Hài đồng. Zezé là một cậu bé “trưởng thành sớm” vô cùng nhạy cảm với cuộc sống, nhất là với nghèo đói và ngôn từ. Từ bác Edmundo, một người được mời viết từ điển, em đã học được ý nghĩa của những từ mà em nghe được hoặc nhìn thấy. Và cậu bé tinh quái ấy lại dùng chính từ ngữ như một thứ vũ khí bảo vệ mỗi khi em bực tức, phẫn nộ hay đau đớn… Những lời nói ấy khiến cho tổn thương và đổ vỡ sâu hơn. Nhưng sau tất cả, Zezé vẫn là cậu bé thông minh, nhạy cảm, hiểu chuyện và khát khao tình yêu thương hơn hết thảy mọi người quanh em.

Tôi đã hiểu rất rõ độ sắc bén và tính sát thương của câu từ cứa vào cảm xúc nên khi đọc những câu nói và suy nghĩ của Zezé, tôi cảm tưởng như những chuyện ấy đang diễn ra trước mặt mình, tái hiện lại một cách sinh động đồng thời cả quá khứ của tôi. Có lẽ nhiều người khác cũng vậy.

Nếu như em trai nhỏ Luis và chị gái Gló là thiên thần, anh Totoca và chị Lalá là người tốt, chị Jandira không xấu và mẹ thật tuyệt vời thì trong lòng Zezé, cha em cũng như em, là thành viên xấu xa của gia đình. Cha là người sinh ra em nhưng giữa họ là những hố sâu được phủ đầy bởi nghèo đói, đòn roi và những lời nhức nhối. Vào đêm giáng sinh, em đặt đôi giày trống không của mình trước cửa với hi vọng sớm mai sẽ thấy trong ấy một món quà, dù là nhỏ thôi và rẻ thôi cũng được. Liệu có quá đáng không khi một cậu bé năm tuổi mong ước được nhận món quà giáng sinh đầu tiên trong đời để không bị ám ảnh rằng chẳng ai yêu thương mình?

“Tôi oán ghét, giận dữ và buồn bã. Không kìm nổi lòng, tôi buột miệng.

– Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo!

Ánh mắt của tôi chuyển từ đôi giày của tôi đến đôi dép quai hậu vừa dừng lại trước mặt. Cha đang đứng đó nhìn chúng tôi. Đôi mắt ông mở to đầy buồn bã… Đôi mắt ông chất chứa quá nhiều tổn thương, đến nỗi dù muốn ông cũng không thể khóc. Cha đứng đó nhìn chúng tôi suốt một phút tưởng như dài vô tận, rồi lặng lẽ bước qua…”

Mặc dù đó chỉ là những lời em buột miệng thốt lên nhưng chúng như nọc độc của con rắn phun thẳng vào trái tim của cha em, người đàn ông tội nghiệp luôn vật vờ và câm lặng vì không kiếm được việc làm. Và Zezé bị ám ảnh khôn nguôi bởi đôi mắt mở to của cha, to hơn cả màn hình ở rạp chiếu phim, luôn dán chặt chằm chằm vào em. Đến nỗi khi nhắm mắt thì đôi mắt cha càng to hơn. Đó là đôi mắt mở to vì kinh ngạc, đau đớn, tổn thương hay thất vọng, nghèo đói? Tôi không rõ, tôi chỉ biết chi tiết ấy cứ bám riết lấy tôi kể từ khi đọc được.

Cậu bé Zezé mang theo hộp đồ nghề đánh giày nặng nề trên vai từ sớm tinh mơ để kiếm tiền. Và khi có đủ 10 xu, em tới quán mua cho cha một bao thuốc lá loại ngon dù ông không tặng được gì cho em cả. “Không có gì cả, tội nghiệp cha. Cha cháu vẫn đang thất nghiệp, ông biết đấy.” Em còn cẩn thận lấy diêm rồi châm lửa cho cha hút điếu thuốc. “Tôi giơ tay vuốt ve khuôn mặt cha. Tay tôi lướt nhẹ trên đôi mắt cha, cố đẩy nó trở lại nơi nó thuộc về, tránh xa khỏi cái màn chiếu bóng cỡ lớn. Tôi sợ rằng nếu tôi không làm thế, đôi mắt ấy sẽ theo tôi hết phần đời còn lại.”

Lúc đọc tới đây tôi đã khóc. Tôi sợ những đôi mắt mở to, những đôi mắt lặng im khó gọi tên chính xác được cảm giác mà nó cất giấu là gì. Chỉ biết rằng chúng thường không dễ chịu. Những đứa con như chúng ta vẫn thường làm tổn thương đấng sinh thành bằng những câu nói ích kỉ và vô tâm. Chúng ta trách móc vì thiếu thốn nhưng không chịu cảm thông cho sự vất vả của cha mẹ. Và đôi khi ta chỉ biết tìm kiếm sự thoả mãn cho cảm giác của mình mà vô tư làm tổn thương họ bởi những lời cay nghiệt.

Rồi khi em hát cho cha nghe một bài nhạc học được từ người bán sổ ghi lời bài hát vì thấy cha đang buồn rầu, Zezé hứng chịu những cú tát mạnh tới lệch mặt từ chính cha em. Ấy là bởi em trót hát những từ ngữ có tính khiêu dâm trong bài Bản tango. Một đứa trẻ chỉ quan tâm tới câu từ chứ không bận lòng vì ý nghĩa của chúng lại bị cha hết tát tới quất bằng thắt lưng. Em gọi cha là quân giết người, trù ẻo cha sớm sẽ vào tù. Đến cuối cùng, cha em khóc, cho em và cho chính mình.

Chúng ta cũng thường như vậy phải không? Áp lực nặng nề từ nỗi lo kinh tế và các hoá đơn cần thanh toán, sự tự ti vì bản thân bị trở thành kẻ ăn bám vào đồng lương của vợ và nhìn đứa con của mình cư xử như một “con quỷ” khiến ta cần nơi giải tỏa mà nhiều khi không kịp nhận ra. Cha của Zezé cũng thế thôi. Ông không ác độc nhưng không kiềm chế được sự bộc phát nhất thời và mang chúng trút cả lên đứa con nhỏ dại. Buồn nhất là ông chưa bao giờ hiểu được Zezé. Không ai trong nhà hiểu được em cả.

Sách Cây cam ngọt của tôi – Nguồn: internet

Nắng ấm của tình yêu thương

Đến một ngày, Chúa Hài đồng buồn thiu cũng xuất hiện trong cuộc sống của Zezé. Đầu tiên là khi em gặp được Pinkie – cây cam ngọt nhỏ bé gần rãnh nước trong nhà mới. Cây cam ngọt lắng nghe những câu chuyện và thủ thỉ cùng em. Nó cũng là con ngựa mà em dùng để tham gia vào những cuộc phiêu lưu của các vị thủ lĩnh da đỏ. Dù tất cả chỉ là sự tưởng tượng kì diệu từ cái đầu non nớt của em nhưng chính cây cam ngọt là người bạn chân thành của cậu bé năm tuổi nhạy cảm này.

Trước khi cậu bé từ bỏ những mơ mộng của trí tưởng tượng để bắt đầu cuộc sống thực tế hơn, cây cam đã đi vào giấc mơ để nói lời tạm biệt. Nó biến thành một con ngựa biết bay nhưng cuối cùng lại bị đoàn tàu độc ác cán chết như cha Bồ của em. Em tỉnh lại sau ác mộng, chị Gló đưa cho em xem bông hoa trắng muốt của cây cam ngọt nhỏ nay đã trưởng thành. Zezé biết không còn có thể sống như một đứa trẻ được nữa.

Điều tuyệt vời nhất trong những năm tháng này là em gặp được người bạn già, người “cha” thật lòng trao cho em sự trìu mến lớn lao – ông Bồ. Người đàn ông Bồ Đào Nha với chiếc xe hơi xịn nhất khu phố mà không đứa trẻ nào dám bám càng. Với sự thông minh và hiếu thắng của mình, Zezé đã tìm cách bám lên chiếc lốp xe dự phòng nhưng bị ông Bồ tóm được và đánh cho một phát nhừ tử. Nhiều ngày sau đó, ông vẫn thường đi ngang qua và bấm còi vẫy tay mỗi lần nhìn thấy em đi bộ đến trường. Rồi đến một hôm, khi em đang nhăn nhó và cố gắng dựa vào tường nhà máy để đi học vì vết thương từ cổ chân do bị mảnh thuỷ tinh cứa hành hạ, Zezé được ông cho lên xe chở đi. Hơn nữa, ông còn cẩn thận đưa em đến tìm bác sĩ để xử lí vết thương. Ông dịu dàng cho em tựa lưng vào ngực ông và giữ vai em khi bác sĩ làm việc. Ông còn mua kẹo và soda cho em sau đó. Từ ngày hôm đấy, Zezé nhận ra rằng ông là người em yêu quý nhất trên đời.

Ông trở thành người bạn bí mật của cậu bé, đưa cậu đi học và đi chơi trên chiếc xe mà họ gọi là “của chúng ta”. Ông lắng nghe các câu chuyện của em về những thành viên trong gia đình, về trường học và cô giáo, về cả những trò nghịch quỷ, những trận đòn roi. Ông là người duy nhất rơi lệ trước những tổn thương tinh thần và thể xác mà Zezé phải hứng chịu. Ông dạy cậu bé từ cách ăn sao cho lịch sự, nói năng không được tục tĩu, đưa cậu bé đi câu và cả đi dạo… Ông chiều theo những yêu cầu của cậu bé và là người dám công khai nói rằng ông yêu cậu bé nhiều hơn những gì mọi người có thể thấy. Với ông Bồ, Zezé là “một đứa trẻ thông minh, tuyệt vời” và ông luôn xem em như đứa con trai bé bỏng của mình.

Zezé, cậu bé con năm tuổi đã có thể hiểu được rằng: “… thật đáng buồn vì ở tuổi ấy cha cháu không thể tìm được việc để làm. Cháu biết chuyện đó đau khổ lắm. Mẹ cháu phải đi làm từ sớm tinh mơ để trang trải sinh hoạt phí. Mẹ làm việc ở xưởng dệt tại English Mill. Mẹ phải đeo đai vì bị thoát vị do bê ống sợi. Lalá lớn rồi và dù học nhiều chị cũng phải đi làm ở nhà máy… Thật khủng khiếp. Nhưng cha đâu cần phải đánh cháu đến mức như thế.” Ông Bồ không chớp được mắt và không thể tin vào tai mình. Ông xúc động thốt lên vì không hiểu sao một đứa nhỏ đã hiểu và lo lắng những vấn đề của người lớn đến như thế.

Cậu bé đã đề nghị ông Bồ xin ba mẹ để nhận nuôi em nhưng với sự hiểu biết của người trưởng thành, ông không muốn tách Zezé ra khỏi gia đình của em. Thay vào đó, ông muốn đối xử với cậu bé như chính con đẻ của mình. Điều ấy làm em sung sướng và hạnh phúc hôn lên khuôn mặt ông. Việc em hiếm khi muốn làm với người nhà. Với bất kì ai, nhất là những đứa trẻ, giá trị của tình thương bao giờ cũng vô cùng to lớn. Nó có sức mạnh làm người ta hạnh phúc và lan toả sự trìu mến tới cả những người khác. Nó giúp ta dễ dàng biểu hiện tình cảm trong lòng mình ra qua các cử chỉ yêu thương. Gia đình không phải chỉ có những người chung máu mủ mà phải là người thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời bạn, người thương bạn và được bạn thương như là ông Bồ và Zezé vậy.

Khi màn đêm trở lại…

Em đã háo hức đợi kì nghỉ tới để có thể ở bên ông Bồ nhiều hơn. Vậy mà Chúa không nghe lời em thỉnh cầu: “Tại sao Ngài không thích con như những đứa con trai khác? Con đã ngoan rồi mà… Người ta sắp đốn hạ cây cam của con và con thậm chí không bực tức vì điều đó… Chúa Hài đồng, con muốn ngài trả lại ông Bồ cho con. Ngài phải trả lại ông Bồ cho con.” Chúa đã cướp ông Bồ đi trong tai nạn thảm khốc với đoàn tàu mà em đã luôn muốn được đi, đã từng đứng vẫy tay cho đến khi nó khuất dạng. Chắc chắn trong những lần háo hức mơ về đoàn tàu, cậu bé Zezé chưa bao giờ tưởng tượng được nó sẽ cán chết người mà em yêu quý nhất trên đời.

Cậu bé sốt và nôn oẹ, không chịu ăn và không nói chuyện với mọi người trong nhà. Em bị sang chấn nặng tới mức ai cũng sợ rằng em sẽ chết. Chính trong những ngày này, em nhận ra tình yêu thương vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống. Chỉ là lúc bình thường, sự trìu mến bị những bộn bề kéo đi nên nhiều khi ta không nhận ra và không bày tỏ. Nhất là sự chăm sóc tận tuỵ của chị Gló ngày qua ngày. Chị là người duy nhất trong nhà có mái tóc và màu da giống Zezé, cũng là người duy nhất lớn hơn nhưng chỉ nhéo tai chứ không bao giờ đánh em. Chị còn hay đứng ra bênh vực mỗi khi em bị đánh và mong muốn đưa Zezé đi khỏi ngôi nhà đến một nơi khác để sống cuộc đời khác. Chị cũng là người dùng cả thi thể của mình để đảm bảo không ai còn có thể đụng tới cọng tóc của em.

Từ khi khá hơn, đầu óc của em luôn vẳng lên những câu mà ông Bồ từng nói với mình. Nhất là khi cha nói với em về việc chuyển nhà, về những viễn cảnh tươi đẹp và về chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ trên mặt trang trí có khắc chữ carborundum mà em từng hỏi ông Bồ ý nghĩa. Nhưng sự gần gũi của cha làm em sởn da gà và khó chịu.

“Trái tim phản đối nhưng không hề tức giận. Người đàn ông này là ai mà lại để mình ngồi lên đầu gối ông cơ chứ? Ông ấy không phải cha mình. Cha mình chết rồi. Tàu Mangaratiba đã giết cha rồi.”

Phải đau đớn đến chừng nào, tổn thương nhiều chừng nào mới khiến một đứa trẻ năm tuổi lạ lẫm và phủ nhận người cha đẻ của mình. Và phải tôn trọng, yêu thương nhiều chừng nào thì một người dưng mới được đứa trẻ coi là cha ngay cả khi đã chết? Rốt cuộc như thế nào mới là gia đình? Là chung dòng máu hay là có tình yêu cho nhau?

Và bởi vì tình cảm giữa Zezé với ông Bồ là bí mật với người nhà của em nên không ai hiểu nỗi đau và trận sốt của em từ đâu mà tới. Ai cũng chỉ nghĩ rằng em quá yêu quý cây cam có nguy cơ bị chặt đi của mình. Không ai hiểu nổi, như trước giờ vẫn vậy, rằng cái em mất đi là một người cha, người bạn, người yêu em nhất và em yêu nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh chú bé Zezé ôm đầu gối cha mình nức nở:

“Chẳng ích gì đâu cha ơi. Chẳng ích gì đâu…

Và nhìn khuôn mặt cha cũng đang lem những vệt nước mắt, tôi lẩm bẩm như người mất hồn. Xong rồi, cha ạ. Cây cam ngọt của con đã bị chặt từ một tuần trước rồi.”

Cây cam ngọt của vườn vẫn ở trong vườn nhưng cây cam ngọt của em đã bị chặt từ khi đoàn tàu độc ác chạy qua rồi. Chẳng ích gì đâu khi mọi người cứ cố khuyên em đừng buồn vì cây cam. Chỉ em biết cây cam ngọt của em đã lên thiên đường rồi.

“Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết… Cháu đã làm ông chết đi và sau đó ông tái sinh trong tim cháu. Ông là người duy nhất cháu thích, ông Bồ ạ. Người bạn duy nhất cháu có…”

Ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy

Mãi tới năm 48 tuổi, khi viết lại tiểu thuyết này, tác giả mới thú nhận mình thỉnh thoảng nhớ ông Bồ nhiều tới mức cảm thấy mình vẫn là một đứa trẻ. Ông mang sự trìu mến của mình trao cho những đứa trẻ khác, như cách ông Bồ đã dạy mình. Nhưng ông cũng thường xuyên lừa phỉnh bản thân rằng mình hạnh phúc bằng cách trao đi sự trìu mến. Nỗi đau không bao giờ hoàn toàn mất đi, nhất là khi nó xuất hiện quá sớm và quá sâu sắc.

“Tại sao người ta nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế? Ông Bồ yêu quý của cháu, sự thực là người ta đã cho cháu biết mọi chuyện quá sớm.”

Câu chuyện khép lại trong dòng nước mắt chảy không ngừng được của tôi. Những đứa trẻ chịu tổn thương từ chính gia đình, cha mẹ, anh chị em của mình. Chúng sinh ra trong một gia đình nghèo đói, thiếu thốn cả vật chất và tình yêu thương. Càng thông minh, càng hiểu chuyện chúng sẽ càng đau đớn, càng dễ thấy mình “đáng lẽ không nên được sinh ra”. Đứa trẻ nghịch ngợm không hẳn đã là đứa trẻ mang trái tim của quỷ. Có thể đó chỉ là chúng đang mong được nhìn thấy, được quan tâm, được lắng nghe và được yêu thương.

Zezé quậy phá, chửi tục, hay nguyền rủa nhưng em cũng là người đánh giày cả ngày để có tiền mua thuốc lá cho cha, đi bán lời bài hát mỗi tuần để kiếm một cuốn cho chị Gló, chịu đòn giùm anh Totoca, bao bọc em Luis và luôn đau lòng khi nghĩ tới sự vất vả đến thinh lặng của mẹ. Zezé hái trộm hoa cho cô Cécilia vì lọ hoa của cô luôn trống, ôm hôn bác Edmundo vì con cái bác không chịu sống cùng, nhờ cô giáo quan tâm cô bạn nghèo hơn trong lớp thay vì chỉ cho mình tiền. Em là quỷ trong mắt mọi người nhưng em cũng là thiên thần trong lòng những người khác.

Làm sao mỗi thành viên trong gia đình là một cây cam ngọt để trái tim từng người, nhất là những đứa trẻ, trổ ra bông hoa trắng thơm ngát của tình yêu thương? Làm sao để chúng ta không phải nghe những câu chuyện như của Zezé trong đời sống thực? Chẳng phải bỗng dưng mà tác giả muốn chết ở tuổi lên năm, em trai và chị gái ông cũng từ bỏ cuộc sống sau đó vì thấy cuộc đời không đáng sống. Điều cuối cùng đọng lại trong tôi khi gấp cuốn truyện là hai từ bất hạnhtình thương.

Cuốn sách này không thay đổi tôi nhưng nó tác động tới tôi sâu sắc, như cánh hoa cam trắng ngần đương nở rộ thì bỗng dưng héo hon rồi âm thầm rụng xuống. Tôi mong rằng bạn cũng sẽ đọc “Cây cam ngọt của tôi” vào một ngày nào đó.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .