Tăng khả năng sáng tạo với 8 bài thực hành viết

Sáng tạo là một khả năng mà bạn có thể rèn luyện được thông qua các bài thực hành. 8 phương pháp sau đây sẽ giúp bạn tăng khả năng sáng tạo nếu được thực hành liên tục. 

Tăng khả năng sáng tạo với 8 bài thực hành viết

Hôm trước, một bé học viên hỏi mình tháng 6 trong Yêu lại tiếng Việt (Vào đây tập viết) có hoạt động nào không. Em muốn viết cái gì khác đi một chút để tìm lại cảm xúc với con chữ bởi em viết thương mại nhiều quá nên quên mất cách viết cho chính mình.

Cuộc trò chuyện gần đây của mình với một cô bé khác cũng nhắc tới chuyện viết thương mại và viết tự do để bộc lộ cảm xúc. Chúng mình đều thấy rằng khi dành hầu hết thời gian để viết bài cho khách hàng, chúng mình khó viết cho bản thân đều đặn và dễ dàng như trước. 

Khi rơi vào trạng thái ấy, mình đã mất một tuần để dần lấy lại cân bằng. Mình không chắc ngần ấy thời gian là nhanh hay chậm nhưng ngay cả khi cảm nhận được sự thiếu hụt cảm xúc, mình vẫn cố chấp viết mỗi ngày ít nhất một bài tản văn. Mình không muốn thói quen tốt đẹp dung dưỡng tinh thần mình bị mất đi. Để tìm lại nó, mình cần phải duy trì sự thực hành mỗi ngày.

Mình đã tìm hiểu những cách rèn luyện tư duy sáng tạo và thấy 8 phương pháp thực hành viết sau đây mang lại hiệu quả rõ ràng cho người thực hiện.

Tăng khả năng sáng tạo với kỹ thuật xây dựng tình huống vấp ngã

Khi bạn viết truyện, hãy tạo ra những tình huống hoặc khó khăn bất ngờ cho nhân vật chính. Điều này đặt họ vào những tình thế bắt buộc phải tìm cách để vượt qua. Chính bản thân bạn cũng cần động não để xây dựng tình huống vấp ngã cho nhân vật một cách logic.

Tình huống vấp ngã cũng là cách để bạn tạo ra những nút thắt làm tăng kịch tính cho tác phẩm của bạn. Điển hình như trong tác phẩm Những người khốn khổ, nhân vật Jean Vanjean vì ăn trộm ổ bánh mì cho cô cháu gái bị đói mà phải chịu án tù khổ sai gần 20 năm trời. Cũng chính tình huống này đã thay đổi cuộc đời của nhân vật, tạo tiền đề cho những sự kiện sau đó.

Kỹ thuật đảo ngược

Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu câu chuyện từ một kết quả hoặc kết luận nào đó. Sau đấy, bạn dẫn dắt người đọc quay lại tìm hiểu về nguyên nhân hoặc quá trình dẫn đến nó. Vận dụng kỹ thuật này trong các tác phẩm hư cấu giúp bạn tăng khả năng sáng tạo do phải linh hoạt và logic trong cách tư duy, xây dựng tình huống và diễn biến truyện.

Nhà văn Nam Cao cho nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên xuất hiện với những tiếng chửi làng Vũ Đại khi say rượu. Diện mạo của hắn ta trông đáng sợ vì mới ra tù. Hắn còn được gọi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, người bị cả xã hội xa lánh, đến chỗ ở cũng là căn chòi ở bờ sông, tách biệt với xóm làng. Từ đây, tác giả mới dẫn dắt cho nhân vật đến tìm Bá Kiến để ăn vạ và cho độc giả biết về quá khứ của Chí Phèo. Sau đó, việc tại sao Chí Phèo tìm Bá Kiến, tại sao đi tù, tại sao sống như hiện tại dần được hé mở.

Tăng khả năng sáng tạo từ sự ngẫu nhiên

Những ý tưởng hoặc cách dùng từ ngữ ngẫu nhiên cũng có thể trở nên tuyệt vời để bạn khởi đầu câu chuyện của mình. Từ những yếu tố ngẫu nhiên này, bạn hãy để cho trí tưởng tượng tiếp tục làm việc. 

Cuốn tiểu thuyết Cuộc đời của Pi có ý tưởng ngẫu nhiên ban đầu là viết về một chuyến phiêu lưu trên biển và câu chuyện tưởng tượng về một con hổ. 

Phương pháp chuyển đổi góc nhìn

Một cách tăng khả năng sáng tạo khác là bạn hãy kể câu chuyện từ một góc nhìn không thông thường hoặc từ quan điểm khác. Thay vì chọn ngôi kể và điểm nhìn quen thuộc, bạn có thể thử những góc nhìn mới, đặt mình vào vị trí của người khác.

Truyện thiếu nhi Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ không được kể dưới góc nhìn của những người lớn trong truyện. Thay vào đó, chú bé mười tuổi tự kể lại những chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình, của những người xung quanh mình bằng chất giọng trong trẻo pha một chút triết lý như ông cụ non. 

Chính việc lựa chọn ngôi kể và góc nhìn từ một cậu bé nên tác phẩm này càng gần gũi hơn với trẻ em, đồng thời giúp người đọc nhìn thấy thế giới dưới con mắt của một đứa trẻ hồn nhiên, giàu cảm xúc và cũng nhiều tâm tư.

Phương pháp tạo hình ảnh tăng khả năng sáng tạo

Hình ảnh sẽ giúp câu chuyện mà bạn kể trở nên sinh động và dễ tiếp nhận hơn. Những tiểu thuyết tuyệt vời đều được tạo ra từ những hình ảnh mà tác giả mang đến cho người đọc. Bạn nên sử dụng phương pháp mô tả chi tiết và những hình ảnh sinh động để xây dựng bối cảnh và câu chuyện trong tâm trí độc giả.

Hầu hết các tác phẩm văn học hư cấu, đặc biệt là tiểu thuyết, đều sử dụng nhiều hình ảnh mô tả. Chẳng hạn như trong Harry Potter, tác giả đã tạo ra một thế giới phép thuật đầy kỳ ảo và hấp dẫn bằng hàng loạt những hình ảnh độc đáo. 

Kỹ thuật “nhìn từ xa”

Một kỹ thuật khác để bạn tăng khả năng sáng tạo là xem câu chuyện từ một góc nhìn tổng quan và mở rộng đến quy mô lớn hơn. Từ đó, bạn đưa ra những tương quan và tác động của các yếu tố lên cảnh truyện.

Từ câu chuyện về cuộc phiêu lưu để tìm đường trở về hành tinh của mình, Hoàng tử bé trở thành cuốn tiểu thuyết viết về thiếu nhi mà người lớn nào cũng nên đọc. Trong tác phẩm này, tác giả đã đưa câu chuyện của con người trong tình yêu, trong các mối quan hệ xã hội trở thành câu chuyện về các hành tinh mà Hoàng tử bé đặt chân qua.

Phương pháp truyền cảm xúc

Sử dụng ngôn từ và mô tả tình cảm mạnh mẽ là cách mà bạn nên dùng để kích thích sự đồng cảm và gợi lên cảm xúc trong lòng độc giả. Bất kể câu chuyện nào để được độc giả yêu thích và nhớ đến cũng cần tạo ra những rung động trong lòng họ.

Có một đoạn văn mà mình thuộc nằm lòng dù chẳng cố ý ghi nhớ. Mỗi lần vào mùa thu, chuẩn bị khai giảng năm học mới, mình liền nghĩ đến những câu miêu tả của nhà văn Thanh Tịnh. Cảm xúc trong lòng mình có chút rưng rưng, chút bâng khuâng, chút hồi hộp như thể được trở về ngày thơ bé lần đầu tựu trường vào lớp một.

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.” (Tôi đi học)

Phương pháp tưởng tượng

Phương pháp tưởng tượng không thể thiếu khi bạn muốn thực hành tăng khả năng sáng tạo. Bạn hãy sử dụng trí tưởng tượng và các ý tưởng xuất hiện trong đầu để tạo ra các yếu tố bất ngờ cho những câu chuyện.

Tác phẩm văn học viễn tưởng Hai vạn dặm dưới đáy biển: du hành vào thế giới nước cho thấy khả năng tưởng tượng tuyệt vời của tác giả Jules Verne. Cuộc du hành dưới đáy biển của thuyền trưởng Nemo trên con tàu ngầm Nautilus đầy hấp dẫn, đồng thời cũng cho người đọc tưởng tượng về một đại dương bao la tuyệt đẹp. Được xuất bản từ 1870 khi hiểu biết của con người về đại dương và tàu ngầm vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy mà tác giả còn được gọi là nhà văn tiên tri.

Những phương pháp thực hành tăng khả năng sáng tạo sẽ giúp bạn viết nên những câu chuyện tuyệt vời. Đừng bỏ qua những ý tưởng xuất hiện trong đầu bạn vì đó có thể là bắt đầu cho một tác phẩm xuất sắc.

Đọc thêm bài viết liên quan:

https://hoaluong.com/9-bai-tap-viet-sang-tao/

https://hoaluong.com/30-de-thuc-hanh-nang-cao-ky-nang-viet/

https://hoaluong.com/goi-y-viet-truyen-sang-tao/

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết tự do của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .