9 bí kíp viết tản văn trữ tình mềm mại và bay bổng

Tản văn trữ tình với những câu chuyện gần gũi và ngôn từ mềm mại, bay bổng được nhiều độc giả, nhất là độc giả nữ, yêu thích. Tìm hiểu 9 bí kíp để viết một tản văn trữ tình giúp bạn làm chủ kỹ thuật viết và lay động trái tim người đọc.

Nắm bí kíp viết tản văn trữ tình giúp bạn tự do bay bổng cùng ngôn từ

Chủ đề bài viết khơi gợi cảm xúc của độc giả

Chọn chủ đề gợi nhiều cảm xúc và thân thuộc với nhiều người như là gia đình, làng quê, món ăn, kỷ niệm, xúc cảm, tuổi thơ, các mối quan hệ, trải nghiệm công việc… sẽ thu hút những độc giả đầu tiên. Bạn có thể chọn một chủ đề đặc biệt, cũng có thể chọn một chủ đề gần gũi. Bất kể chủ đề ấy là gì, miễn khơi gợi được cảm xúc và suy tư của độc giả, khiến họ nghĩ về nó, thậm chí hành động vì nó thì đó chính là một bí kíp viết tản văn trữ tình. 

Chủ đề tản văn rất phong phú. Nó xâm nhập được tới mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là khía cạnh tinh thần. Tản văn trữ tình trôi trên dòng cảm xúc và suy tư, gợi nhắc những ký ức và thời gian nên thường mang đến cảm giác mênh mang, đẹp và thấp thoáng chút buồn.

“Người ta đi xa cả năm trời chỉ chờ tới ngày cuối năm để lỉnh kỉnh đồ đạc, hăm hở lên một chuyến đường dài để được trở về bên mái nhà thân thuộc. Dù chuyến đi ngày cuối năm có đắt đỏ, có cực khổ, chen lấn hay chờ đợi, mệt mỏi thì khoảnh khắc đứng trước cổng nhà cũng đủ làm người ta quên đi bao nhọc nhằn, tủi khổ.”

(Bánh chưng xanh gọi tết an lành – Hòa Lương)

Kể những câu chuyện chân thành

Những câu chuyện từ xa xưa đã là cách giao tiếp giữa con người với con người. Vì vậy, kể chuyện một cách chân thành cũng là bí kíp viết tản văn trữ tình mà người viết nên nắm bắt. Đôi khi câu chuyện diễn biến như thế nào không quan trọng bằng câu chuyện ấy được kể như thế nào. Giọng kể chân thành thường dễ dàng được người đọc đón nhận hơn là kiểu giọng lạnh lùng hay áp đặt. Do đó, bạn hãy chú ý lựa chọn giọng văn phù hợp với thông điệp và dòng xúc cảm mà bạn muốn dành cho người đọc của mình.

“Mỗi lần như vậy, lòng tôi lại bồi hồi rung lên những xúc cảm đan xen khó gọi tên cho rõ. Một chút lâng lâng, vài phần mơ mộng, có cả hồi hộp, cả niềm hưng phấn. Một thứ gì đó thôi thúc tôi khát khao được trưởng thành nhanh hơn, được đi xa hơn. Xa hơn cả bên kia con đê, xa hơn cả bên kia làng biển. Đến những nơi mà tôi có thể thấy một đường chân trời khác, nhìn những cảnh tượng khác, nghe những thanh âm khác. Nơi tầm mắt tôi được nâng qua khỏi luỹ tre rì rào làng nhỏ, khỏi con đê sừng sững chắn ngang đôi huyện.”

(Chân trời ngoài triền đê – Hòa Lương)

Sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm, gợi thanh

Tản văn trữ tình mang màu sắc lãng mạn đặc trưng. Thế nên việc lựa chọn những từ ngữ có khả năng gợi hình, gợi cảm và mô phỏng âm thanh tốt như tính từ và từ láy là bí kíp hay cho bạn. Các loại từ này có khả năng tạo ra sự liên tưởng và gợi lại ký ức nhanh hơn nhiều so với các từ khác.

Một điểm thú vị nữa của các từ láy là khả năng tạo ra nhịp điệu rất đặc trưng. Khi bạn gieo những vần đắt giá, câu văn đọc lên dường như có nhạc điệu, ngân nga trong đầu người đọc khiến họ lập tức ấn tượng.

“Bên kia con đê trở thành một vùng trời bao la nuôi những ước mơ vụng dại. Nhiều lần tôi thả trâu trên triền đê. Con trâu già gặm cỏ nhẩn nha, tôi lặng yên thu cảnh làng biển vào tầm mắt. Lòng tôi thầm mong một ngày được lênh đênh trên con thuyền xuôi dòng nước.”

(Chân trời ngoài triền đê – Hòa Lương)

Kết hợp miêu tả với kể chuyện và nêu triết lý

Miêu tả và kể chuyện khi được kết hợp sẽ giúp người đọc hình dung ra các chi tiết và diễn biến hành động, cảm xúc của câu chuyện. Triết lý được đưa vào bài có thể chỉ đơn giản là những chiêm nghiệm của người viết về cuộc đời, về câu chuyện được  kể hoặc là các lý thuyết đã được nhiều người biết đến. Tản văn có thể là những dòng viết tản mạn theo cảm xúc nhưng vẫn luôn là một văn bản mang thông điệp rõ ràng.

“Điều tệ nhất với một cá thể phải chăng là khi ở giữa nơi đông người, bên cạnh đầy tiếng nói cười, chúc tụng mà trong lòng dư thừa một mối cô đơn. Cảm giác ấy chắc hẳn là xót xa nhưng dù gì nó cũng chỉ là một cảm giác như bao cảm giác khác, cần được nhìn nhận và đối xử công bằng.”

(Cô đơn giữa đời dài rộngHòa Lương)

Tạo vần trong câu văn

Với tản văn trữ tình, câu từ được gọt giũa có sức gợi hình, gợi cảm cao. Trong một câu văn hoặc giữa các câu văn gần nhau, người viết cũng nên gieo những vần giống hoặc gần giống nhau để tạo cảm giác về nhịp điệu, gây ấn tượng về âm thanh với người đọc.

“Đôi khi, tôi nghĩ tới chuyện về Hà Nội để sống. Tôi sẽ không còn là người đứng bên ngoài để nhìn vào một quả cầu pha lê. Tôi sẽ thấy thành phố cựa quậy đổi thay theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cái rét ngọt hồng lên cánh đào xuân, cái nắng chang chang vườn sen hạ, hoa cúc dịu dàng vàng nắng thu qua và mùa đông gõ cửa cùng lời thì thầm của gió bấc sương sa. Thế rồi tôi lại sợ gần quá hóa hư không.”

(Thương một đời đâu phải tạm thươngHòa Lương)

Sử dụng phép điệp để nhấn nhá, tạo hiệu quả nhịp điệu

Ứng dụng điệp ngữ khi viết cũng là một bí kíp viết tản văn trữ tình thành công. Phép điệp có khả năng gây ấn tượng cao và tạo được nhịp điệu cho đoạn viết, bài viết. Có nhiều dạng phép điệp mà bạn có thể áp dụng như là điệp từ, điệp cụm từ, điệp câu, điệp cấu trúc câu…

“Là liêng thiêng khi tiếp xúc làn da mềm mịn như bông của bé con thơm mùi sữa, là ấm áp khi bàn tay nhỏ đan lồng từng ngón tay to ram ráp. Là nồng nàn môi chạm môi, là bồi hồi tựa vai người nói chuyện xa xôi. Là cười ngốc mỗi khi được xoa đầu, là thích thú nhéo má hồng bầu bĩnh. Là thình thịch nép trong vòng tay ôm, là run run nụ hôn hờ lên cổ.”

(Xúc giác thầm thìHòa Lương)

Sử dụng đan xen các câu dài, ngắn khác nhau

Sử dụng câu dài, câu ngắn đan xen trong cùng một đoạn văn tạo cảm giác bài viết có nhịp điệu, ngắt nghỉ, nhanh chậm nên không bị đều đều, nhàm chán. Trong tản văn, người viết có thể sử dụng nhiều câu dài hơn so với các thể loại thuần về cung cấp thông tin khác. Tuy nhiên, khi viết câu dài, người viết cần chú ý truyền tải ý văn rõ ràng, không bị mờ nghĩa hoặc rối nghĩa. Đồng thời, người viết có thể kết hợp nhiều kỹ thuật trong cùng một câu để tăng độ ấn tượng với độc giả.

Chung quy thì thanh bình nhất không phải cảnh sân chùa, sâu lắng nhất không phải tiếng chuông ngân. Tất cả mọi tồn tại đều sẽ hóa vào thinh không. Chỉ cần trong lòng yên thì sẽ tìm được an cho mình. Nếu cuộc đời khắc nghiệt quá, nếu lòng người nông sâu quá thì cứ giữ cho mình được chút an yên, cứ tìm cho mình khoảng xanh để được sống hiền lành.”

(Vết thương là nơi ánh sáng đi vào trong bạn – Hòa Lương)

Sử dụng đa dạng và kết hợp linh hoạt các biện pháp tu từ

Các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, liên tưởng tưởng tượng… nên được sử dụng trong tản văn trữ tình để tăng hiệu quả tác động tới tâm lý của độc giả. Đồng thời, mỗi biện pháp nghệ thuật cũng mang chức năng riêng cụ thể, hoàn thiện cho mục đích của ngôn từ. So sánh, liên tưởng, ẩn dụ tạo được kết nối ngầm giữa các đối tượng khác nhau. Nhân hóa tạo nên “cái hồn” cho sự vật, con vật. Nói quá nhằm nhấn mạnh, nói giảm làm dịu mức độ của đối tượng…

Tôi như chú chim non đã ra khỏi vỏ. Không thể bay ngay được nhưng đã biết ánh mặt trời, đã hít hà bầu khí quyển. Đôi cánh tí hon chưa thể lượn bay cùng gió song phải hiểu rằng nhờ nó mà một ngày nào đó tôi sẽ đến gần hơn với mây trời.”

(Số 0 tròn đầy – Hòa Lương)

Chú ý tới vị trí ngắt, nghỉ trong câu

Các vị trí ngắt, nghỉ trong câu được phân bố hợp lý cũng là bí kíp viết tản văn trữ tình mà bạn nên biết. Như phía trên có chia sẻ, bạn nên kết hợp cả câu dài và câu ngắn trong bài để tạo nhịp điệu, tránh nhàm chán. Đồng thời, hãy chú ý tới vị trí đặt các dấu chấm, dấu phẩy để tạo khoảng ngưng khi đọc.

Làm một việc tại một chỗ trong thời gian dài dễ khiến người ta cảm thấy chán chường. Thi thoảng, tôi tìm cách đổi mới những điều quen thuộc. Như là đứng lên đi dạo một vòng quanh vườn, chơi với con mèo, chọc ghẹo con cún. Như là pha một li nước ngon, một tách trà thơm. Như là tìm bài viết của người mình thích để đọc. Như là xem một video ngắn, nghe một bài nhạc hay. Tôi vẫn thường cho mình thư giãn nhanh giữa những giờ miệt mài chăn chữ.”

(Người chăn chữ – Hòa Lương)

Nắm được 9 bí kíp viết tản văn trữ tình bạn sẽ có thêm “đôi cánh” để bay bổng cùng ngôn từ và chạm đến trái tim độc giả.

Đọc thêm bài viết của Sẻ nâu nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .