Chủ đề viết tản văn vô cùng đa dạng vì nó có khả năng bao quát toàn bộ đời sống. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu viết tản văn, bạn có thể thực hành với 9 chủ đề được gợi ý trong bài. Chúng thân thuộc và dễ khơi gợi ký ức, cảm xúc nơi bạn hơn các chủ đề khác.
Bản thân
Nhiều người sợ viết cho bản thân sẽ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán. Cũng có người không thích viết về chính mình vì không muốn người khác biết quá nhiều. Tuy nhiên, khi bạn đang tập viết, khai thác những câu chuyện từ bản thân là gợi ý không tồi.
Mỗi người sinh ra trong đời đều có vô số câu chuyện để kể, vô số trải nghiệm đã đi qua, vô số cảm xúc đã được biểu hiện. Chúng đều là chất liệu để bạn viết tản văn.
Tản văn có tính trữ tình cao, có thể đan xen với tự sự, miêu tả và triết luận. Thông qua một bài tản văn, tác giả phát ra tiếng nói của mình cho người khác nghe thấy. Từ nhận thức đó mới có sự đồng cảm giữa người đọc với người viết.
Học viên của mình luôn sợ viết về bản thân sẽ làm người khác chán nhưng sự thật chứng tỏ điều khác. Rất nhiều tác giả viết về bản thân, những gì họ từng trải. Quan trọng là cách viết như thế nào, có mục đích gì, mang lại cho người đọc điều gì. Ngay cả khi bạn thấy bài viết ấy có phần ngốc xít thì nó cũng đang mang lại niềm vui cho người đọc.
Đây là một đoạn tự sự đầy chất riêng tư mà mình viết trên trang cá nhân:
“Hôm đó đứng dưới mưa trên lưng đèo, em chẳng còn nhớ tới tên một người từng làm em đau đớn, cũng chẳng còn nghĩ tới bất kỳ ai. Giây phút đó em đắm chìm vào khung trời trước mặt, nhìn những giọt mưa đổ dài thành sợi mảnh như tơ, nhìn khoảng xanh nhòa đi trong hơi nước mờ mờ. Vậy mà hôm nay ngồi xem lại ảnh em tự dưng thấy chút đau lòng. Và cả một chút nhớ mong…
Ngày ấy không phải có người từng nói sẽ cùng em phiêu bạt đó đây?”
(Anh như người con trai ở trong bài hát cũ – Hòa Lương)
Những kỷ niệm thời thơ ấu
Một chủ đề khác được khai thác rất nhiều trong tản văn là tuổi thơ. Khi cho đề này, các học viên của mình đều làm bài khá tốt, giàu cảm xúc và được sống lại những kỷ niệm thời bé.
Tuổi thơ có ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm lý và tính cách của một người sau này. Có người tuổi thơ mang đầy tổn thương, cũng có người thấy tuổi thơ là quãng thời gian yên bình nhất.
Dù có lớn bao nhiêu, đi bao xa, con người ta vẫn có lúc ngồi mong mình bé lại để được sống không nhiều âu lo, để quên đi những áp lực đè đôi vai nặng gánh.
Mình tin rằng bạn cũng có những câu chuyện tuổi thơ đang chờ được kể. Hãy viết ra để ít nhất một lần sống lại những năm tháng ấy qua con chữ, bạn nhé!
Còn đây là Lối về ấu thơ mình từng viết:
“Hồi bé không biết lớn lên có thể tự do ra quyết định nhưng cũng có thể chẳng ai thèm để tâm mình sống thế nào.
Hồi bé không biết lớn lên có thể đi xa khỏi cổng làng nhưng lần trở lại đôi lúc tính bằng những chục năm.
Hồi bé không biết ước mơ như gió thổi qua trời mây bay, đổi thay là điều khó tránh khỏi.
Hồi nhỏ không biết những cấm đoán của mẹ cha là cách bảo vệ ta khỏi ương ách đời người.
Hồi nhỏ không biết… lớn lên rồi, chỉ mong một lần được bé dại như những ngày còn thơ.”
Người thân trong gia đình
Người thân bao giờ cũng có vị trí quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đặc biệt là những người ruột thịt như ba mẹ, ông bà, anh chị em. Họ sống cùng ta, cho ta sinh mệnh, dìu dắt ta trong cuộc đời, chứng kiến từ khi ta còn ngây dại tới lúc trưởng thành.
Những câu chuyện về người thân cũng như câu chuyện về chính mình, là nguồn chất liệu dồi dào không bao giờ khai thác hết.
Bạn đã bao giờ viết gì đó về mẹ, về cha, về bà, về ông? Thử đặt bút xuống, nghĩ về dáng người thân thuộc ấy, về những kỷ niệm đã trải qua cùng nhau. Bạn đã sẵn sàng để viết ra rồi chứ?
Một người bạn
Ngoài gia đình và trước cả tình yêu, những người bạn luôn có ý nghĩa nhất định trong cuộc đời chúng ta.
Bạn là người chơi cùng ta, hiểu ta, bên cạnh ta trong một khoảng thời gian của cuộc đời, có thể dài, có thể ngắn. Tình bạn cũng có đủ mọi cung bậc cảm xúc, có quý mến, giận hờn, hiểu nhầm, chia ly…
Bạn có người bạn nào đã lâu không còn liên lạc với nhau? Bạn có người bạn nào mà vắng họ, cuộc sống của bạn trở nên tẻ nhạt và trống vắng hơn?
Cùng đọc một đoạn mình viết cho những người bạn nhé. Hi vọng nó cũng sẽ đánh thức cảm hứng trong bạn:
“Chúng mình lớn thêm một chút rồi, niềm vui mỗi bữa có người khác sẻ san, cuộc sống vui hay buồn không nhất định phải kể.
Chúng mình lớn thêm một chút rồi, mạnh mẽ hơn một chút, cũng cô đơn hơn một chút. Kiêu hãnh hơn một chút, cũng “khó gần” hơn một chút.
Chúng mình lớn thêm một chút rồi, ở xa nhau vời vợi nhưng nếu cần cứ ới, chỉ cần muốn gặp thôi. Là tới… cạnh nhau ngồi.
Chúng mình lớn thêm một chút rồi mà vẫn như thuở ấy… còn nguyên đây.”
(Chúng mình lớn thêm một chút rồi – Hòa Lương)
Những câu chuyện tình yêu
Tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận cho con người, với viết lách cũng không ngoại lệ. Đây là chủ đề luyện viết tản văn mà ai cũng có thể chọn.
Khi ở trong tình yêu là khi con người trải qua nhiều trạng thái cảm xúc nhất. Bởi khi yêu, ta vẫn là chính mình nhưng là một chính mình rất lạ.
Bạn có đang nghĩ tới mối tình nào khi đọc những dòng này không? Nếu có, hãy viết gì đó về người ấy, về mối tình ấy nhé!
Mình viết nhiều về tình yêu nhưng lại thường viết về những cuộc tình đã dang dở trong đời. Như là trong bài Có người đã qua cùng mùa thu, mình viết:
“Vậy là lại thêm một mùa thu qua, đã năm năm kể từ lần đầu ấy. Chúng tôi bây giờ chẳng còn là của nhau. Vẫn là khoảng cách hơn ngàn cây số nhưng chẳng còn cuộc tình nào của “chúng tôi”. Người cũng như mùa thu, mùa đẹp và buồn nên vương lại hồn tôi một vệt màu dần úa.”
Những vấp ngã trong đời
Những lần vấp ngã trong đời để lại cho mình nhiều bài học dù chẳng hề muốn chúng xảy ra. Hẳn nhiên khi đang trải qua thì cảm giác không dễ chịu gì nhưng khi đã qua rồi có thể coi như mình phải mất đi thứ gì đó để đổi lại bài học nào đó. Vấp ngã càng đau, bài học càng được khắc sâu.
Đôi khi ngồi nghĩ về những vấp ngã lại muốn viết gì đó, lại thấy mình đang thật sự sống, thật sự trưởng thành. Dù để trưởng thành cũng trầy vi tróc vảy không ít lần.
Cảm xúc của người trưởng thành
Chắc bạn đã từng một lần đọc về nỗi cô đơn của người trưởng thành, áp lực đồng trang lứa hay cảm giác sợ bị bỏ lỡ… Người lớn có nhiều cảm xúc theo xu hướng tiêu cực. Một phần cũng bởi cuộc sống nhiều áp lực hơn, sự tự lập đi cùng theo hàng tá thứ phải lo. Ngay cả những người được gia đình chở che cũng cảm thấy mệt mỏi khi không được tự do quyết định mọi việc theo ý mình. Suy cho cùng thì chúng ta luôn có cảm giác không hài lòng về cuộc sống. Nguyên nhân khách quan có mà chủ quan cũng có.
Viết về cảm xúc của người trưởng thành là cách chúng ta nhìn nhận, gọi tên trước khi tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà mình đang gặp phải. Nhưng có lẽ, tựu trung lại, chúng ta thấy xáo động là bởi ta chưa thể tự cân bằng tâm trí của mình. Như vậy âu cũng là dĩ nhiên, chúng ta đều là những người bình thường.
“Nỗi cô đơn của người trưởng thành cũng như ly rượu chát, của ai người ấy nhấm. Đắng cay tự thân chịu.”
(Trưởng thành như loài cỏ dại – Hòa Lương)
Quê hương hoặc một vùng đất thân thương
Người ta có nhiều cảm xúc với nơi mình sinh ra, nơi mình từng ở hoặc đơn giản là nơi mà họ dành nhiều thời gian để tâm tới.
Mình không sinh ra ở Hà Nội, không sống ở Hà Nội nhưng mình dành quá nhiều tình yêu cho Hà Nội. Hà Nội từ trong câu hát, bức tranh, những lời tự sự cứ thế nhen nhóm trong lòng mình ngọn lửa yêu thương. Tới một ngày đủ lớn để hiểu tình yêu ấy từ đâu mà ra thì trái tim đã chẳng còn sức kháng cự và trí não đã hình thành thói quen.
“Có những ngày phương Nam nhạt nắng, tôi nhớ quắt quay một Hà Nội thân thương mà đằng đẵng. Hà Nội chỉ cách tôi hai giờ bay nhưng là cả một khoảng trời không phải cứ mong mà tới được. Những lúc ấy, lòng thèm thuồng một chút quen, tôi thẩn thơ tìm hình bóng Hà Nội trên internet để lòng mình cũng chùng chình sương phủ như mặt hồ Tây một sáng đông nào. Những gợn nhớ lao xao như sóng, mênh mang vỗ vào lòng.”
(Chiều phai hơi phố – Hòa Lương)
Còn bạn thì sao? Bạn có thương nơi mình chôn rau cắt rốn hay có đặc biệt luyến lưu với một vùng đất nào không?
Ẩm thực
Ngoài các gợi ý trên, ẩm thực cũng là một chủ đề luyện viết tản văn dễ thực hành. Chúng ta đều có những món ăn mà mình khoái khẩu hoặc những món ăn, bữa ăn gắn liền với các thành viên trong gia đình, với các câu chuyện kể từ thế hệ này sang thế hệ khác hay với một người đặc biệt.
Ẩm thực còn là kết tinh văn hoá cũng mỗi vùng miền khác nhau, gắn liền với thổ nhưỡng, con người, kỷ niệm và xúc cảm. Như là phở ăn ở Hà Nội khác với ăn ở Sài Gòn. Như là hải sản mới câu lên đem nướng trên than hồng ăn khác hẳn hải sản làm sẵn ngoài quán. Như là mỗi lúc mưa gió lạnh lùng chợt thấy thèm mùi thơm niêu cá kho bà nấu…
Viết về ẩm thực thú vị hơn những gì bạn nghĩ đó. Thử xem như thế nào bạn nhé!
“Bánh chưng mặn không thể thiếu được thịt heo với hành khô. Mẹ không mua thịt từ hôm trước mà cứ phải tới sáng ngày gói bánh mới đi chợ sớm để mua được thịt tươi. Miếng thịt tươi ngọt dai hơn làm chiếc bánh cũng thơm ngon hơn. Thịt mẹ chọn là ba chỉ, nạc mỡ xen kẽ nhau nhưng mỡ nhiều hơn nạc để bánh được béo. Vị béo của miếng thịt heo ninh nhừ quyện trong mùi thơm của hành khô, tiêu xay, lại được ấp ôm trong đậu bùi, nếp dẻo. Cái hương vị bịn rịn đầu lưỡi làm người ta ngất ngây. Nhất là những ngày thường hay khi đang đói mà được cắn ngập răng một miếng bánh chưng dẹo quạnh thì còn thú nào hơn.”
(Bánh chưng xanh gọi Tết an lành – Hòa Lương)
Tản văn có thể khai thác mọi vấn đề của đời sống và tinh thần con người. Vậy nên kho ý tưởng để viết tản văn cũng là vô hạn. Bạn có thể bắt đầu với 9 chủ đề luyện viết tản văn dễ nhất hoặc bất cứ chủ đề nào khơi gợi cảm hứng. Chỉ cần bạn viết ra và duy trì việc đó từng chút, mỗi ngày.
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.
Ghé thăm mình tại LinkedIn, Instagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!