Tại sao chỉ có năng lực thôi chưa đủ để bạn thành công với nghề?

Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần có năng lực thì sẽ kiếm được công việc tốt, thu nhập cao thì 99% bạn đang nhầm. 1% còn lại dành cho những thiên tài, họ có thể lập dị nhưng vẫn được ngưỡng vọng.

Năng lực tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là một trong số những yếu tố giúp một người thành công với con đường họ chọn

Bạn đã hiểu bản thân chưa?

Đa số chúng ta chỉ là người bình thường, ngoài năng lực còn cần cả trí lực. Tức là mỗi IQ thôi không đủ. Đó cũng là lý do tại sao ngày nay trí tuệ cảm xúc (EQ) được người ta quan tâm nhiều tới vậy. Không ít người còn đưa ra luận điểm rằng EQ mới thật sự mang lại thành công và hạnh phúc cho một con người. Với riêng tôi, làm chủ được cảm xúc của chính mình đã là một sự chinh phục đòi hỏi nhiều bản lĩnh.

Hôm nay tôi có cuộc hẹn với 3 người phụ nữ. Một người gặp trực tiếp và hai người gặp qua mạng. Tình cờ, cả ba cuộc trò chuyện đều xoay quanh vấn đề về tinh thần của một người viết. Thêm mấy hôm trước khai giảng khóa viết Sáng tạo, tôi cũng cho mọi người làm bài tập “Hiểu bản thân – Làm chủ tinh thần” và nhận về những phản hồi của mọi người xoay quanh câu chuyện làm chủ chính mình.

Tôi nhận ra rằng nhiều người viết, kể cả newbie hay đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, không vướng phải các rắc rối đến từ chuyên môn hay thu nhập. Họ mắc kẹt trong chính các mắt lưới của tinh thần không gỡ ra được. Điều đó khiến cho họ không thoải mái, không tìm thấy được niềm vui thật sự trong công việc, cảm thấy giậm chân tại chỗ và không thật sự tận hưởng cuộc sống như vốn có. Đó cũng là lúc họ cần được tư vấn để gia tăng niềm tin, khai thác thế mạng và phát triển sự nghiệp phù hợp với chính họ.

Những tín hiệu báo động bạn cần gia tăng trí lực là gì?

Sau khi dành thời gian nghe và đọc những gì mọi người chia sẻ, tôi nhận ra những vấn đề trên đều đến từ sự bỏ bê của mọi người với bản ngã và cảm xúc của chính họ. Họ có thể dành hàng giờ phân tích insight khách hàng, làm việc hết mình và trách nhiệm nhưng lại không dành nổi 15 phút để lắng nghe hay trò chuyện với bản thân.

Sự bỏ bê này lại chia thành 3 hướng:

Một bên là những người tập trung quá nhiều vào việc kiếm tiền, viết cho khách hàng nên không còn thời gian dành cho bản thân. Dần dần họ bị vắt kiệt như một chiếc áo bị vặn xoắn liên tục trong lồng sấy khô của máy giặt. Họ rệu rã và kiệt sức khi phải làm cho người khác hài lòng. Những thứ vốn không mang lại lợi ích nào cho họ ngoài tiền.

Một bên là những người viết cho cả khách hàng và các dự án cá nhân. Dù vẫn làm cho bản thân song song với khách hàng nhưng nhìn chung, họ vẫn chưa quan tâm tới mảnh đất linh hồn của mình mà chỉ dành thời gian cho công việc.

Một trường hợp khác nữa là người viết bị FOMO, chưa xác định được hướng đi cụ thể, không biết mình nên viết gì, theo ngách nào. Họ dễ bị tác động và lung lay khi có một ai đó đưa ra ý kiến. Họ khó chọn lựa thứ gì phù hợp cho mình. Vì vậy, họ cũng là những người đang gặp vấn đề về trí lực.

Dù vậy, cả ba đều dẫn đến một kết cục chung là tình trạng burn-out (kiệt sức) và mất động lực để duy trì công việc. Điều này luôn đáng báo động, nhất là với những người viết tự do. Bởi nhiều người viết làm việc nhờ cảm hứng và năng lượng. Khi mất đi hai yếu tố này, họ dễ căng thẳng vì cảm giác “bất lực” và “vô nghĩa”.

Xem thêm:

7 lý do burn-out và down-mood khi làm việc tự do

8 việc nhỏ giúp duy trì năng lượng để sáng tạo và học tập

Tại sao trí lực lại quan trọng?

Tôi không phủ nhận vai trò của năng lực, hoàn toàn không. Năng lực là yếu tố quan trọng. Tuy vậy, chưa đủ. Một người ngoài năng lực cần phải chú trọng thêm vào việc phát triển trí lực, những năng lực cảm xúc.

Những trường hợp nêu ra ở trên đều mắc phải sự thiếu thốn trí lực. Tinh thần của họ không đủ mạnh mẽ và bản thân họ thiếu sự thấu hiểu với chính mình.

Họ có thể lắng nghe tốt, họ có thể kiên nhẫn và bao dung với thế giới nhưng dè sẻn với bản thân. Điều đó khiến cho họ dần mất kết nối cần thiết với con người bên trong, không còn nghe được những thanh âm mà igo của mình phát ra nữa. Cho tới một ngày họ hoàn toàn cô độc. Cô độc vì ngay cả bản ngã cũng im lặng với họ, rời xa họ. Họ bắt đầu thấy mông lung và rối bời. Họ cảm thấy cuộc sống có vấn đề nhưng không hiểu là do đâu và nên làm như thế nào để thay đổi chúng.

Khi có một tâm trí vững vàng, họ như mũi tên lao đúng hướng sẽ tới gần nhất với hồng tâm. Chí ít là không bị những nguyên nhân bên ngoài tác động làm cho lung lay, nay thế này mai thế khác. Và khi tâm trí đủ vững, họ làm chủ chính mình hoàn toàn, thấu hiểu mình hoàn toàn. Do đó họ đưa ra những quyết định thật sự phù hợp với bản thân trong thời điểm ấy, không phải nhắm mắt đưa chân.

Làm thế nào để rèn luyện trí lực?

Rèn luyện trí lực không phải chuyện làm được trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả thành thật. Bởi một con người không chỉ có phần người (bản ngã) mà còn có cả phần con (bản năng). Thấu hiểu bản thân cần thiết phải là sự thấu hiểu trọn vẹn cả hai phần này để biết được mình có gì, thiếu gì, cần gì, thừa gì mà căn chỉnh lại.

Bạn có thể luyện trí lực bằng những cách đơn giản như là:

Trò chuyện và lắng nghe tiếng nói sâu thẳm bên trong:

Chắc bạn không lạ gì với tiếng nói bên trong nhưng đã bao giờ bạn thật sự tĩnh tâm để lắng nghe chúng? Tiếng nói bên trong của bạn sẽ không ồn ã như tiếng còi xe mà đôi khi chỉ mỏng mảnh như tiếng đập cánh của loài ve trong không khí. Bạn cần phải thật sự dùng tâm trí của mình để lắng nghe những điều sâu kín nhất, những tổn thương, đổ vỡ, đau đớn, tủi hờn, khát khao, tham vọng, si mê… Có vậy bạn mới biết bên trong mình thật sự là ai.

Gửi đi những tín hiệu yêu thương và bao dung:

Sự lắng nghe và thấu hiểu của bạn cũng không thể là tất cả những gì bạn cần làm. Chúng là tiền đề để bạn tiến đến những hành động tiếp theo là gửi đi các tín hiệu yêu thương và bao dung với chính mình.

Tất cả chúng ta đều cần được yêu thương cho dù ta cố tỏ ra mạnh mẽ hay khẳng định rằng mình luôn ổn khi cô đơn. Sự yêu thương trước hết nên đến từ chính mỗi người. Biết yêu mình với cả ưu và khuyết điểm. Biết thương mình với những điều không vui vẻ đã trải qua. Biết vỗ về và động viên bản thân cho những niềm đau cũ nguôi ngoai và những điều tươi đẹp rồi sẽ đến.

Hơn nữa, ta cũng cần bao dung cho những sai lầm của chính mình, những lần bồng bột và những khi khờ dại. Ta có thể đã mắc những lỗi lớn, ta từng dằn vặt bản thân nhưng như vậy đã đủ rồi. Bao dung và tha thứ sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn để đón nhận những điều mới.

Bạn cũng nên dành nhiều thời gian để làm những việc khiến bản thân thoải mái và hài lòng. Dù cho đó có là hành động ngây thơ hay phù phiếm. Tôi biết nhiều người thường trang điểm đẹp khi mất cảm hứng. Tôi cũng biết có người thích uống trà sữa kem trứng khi cần thêm năng lượng cày deadline. Những khi bạn thật sự nuông chiều chính mình là những khi bạn thấy được yêu trọn vẹn và hạnh phúc nhất.

Sử dụng các giác quan nhiều hơn:

Để tăng trí lực, bạn cũng nên sử dụng các giác quan của mình nhiều hơn, bao gồm cả 5 giác quan và cảm giác. Nghe, nhìn, ngửi, nếm, tiếp xúc và cảm nhận, bạn hãy tìm hiểu thế giới qua những giác quan của bạn. Hãy học cách quan sát, trải nghiệm và chiêm nghiệm. Không có bài học nào giá trị hơn bài học đến từ thực tế và những lần thực hành.

Các giác quan của con người được tạo ra để giúp chúng ta tồn tại và tồn tại như thế nào tùy thuộc vào cách ta sử dụng chúng. Khi là một người viết, tôi đặc biệt khuyến khích bạn tận dụng tối đa chúng để khám phá thế giới, để thấu hiểu tiểu vũ trụ bên trong con người bạn. Vì bạn và thế giới ngoài kia có một sự kết nối diệu kỳ mà khi sống hời hợt, sống bận rộn, bạn không bao giờ có thể nhận ra.

Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, bám sát thực hiện:

Không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống, hãy tập cho mình thói quen xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch và bám sát thực hiện. Tất nhiên bạn vẫn thấy những người nổi tiếng đầy ngẫu hứng nhưng những người thành công và kiếm được nhiều tiền thường là người có kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng.

Điều này cũng giúp bạn tránh được tình trạng “đẽo cày theo ý người ta” bởi vì bạn đã hiểu rõ mình muốn đạt được gì, mình nên làm những gì, mình cần thực hiện chúng như thế nào. Và thế cũng đồng nghĩa rằng tâm lý bạn đủ vững vàng để không bị câu nói của người khác lay động.

Tôi đã phải nhắc đi nhắc lại với những người mà tôi tư vấn rằng họ có thể dịu dàng hay cá tính nhưng cần giữ cho mình một tinh thần thép và sự quyết liệt khi theo đuổi các mục tiêu trong cuộc sống, bao gồm công việc.

Khi bạn chỉ tập trung vào năng lực mà không quan tâm tới phần tâm trí, chỉ đi chiều lòng thế giới mà bỏ rơi bản thân thì sớm muộn gì bạn cũng thấy cuộc sống của mình vô nghĩa hoặc vô vị. Con người, dù giàu lòng nhân ái đến đâu cũng nên ích kỷ để thương chính mình. Con người, dù trách nhiệm đến đâu cũng nên đối xử tốt với bản thân đầu tiên.

Chỉ khi dung hòa được bản thân và thế giới bạn mới có thể tìm được hạnh phúc và an lạc mỗi ngày.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này nha.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viết lách tại đây, các bài viết về hành trình trở thành người viết của mình tại đây và các sáng tác trữ tình của Sẻ nâu tại đây.

Ghé thăm mình tại LinkedInInstagram và Facebook để kết nối nhiều hơn nghen!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .