9 tiêu chí của một câu chuyện hấp dẫn độc giả

Viết câu chuyện hấp dẫn độc giả là mơ ước của bất kỳ người sáng tác nào, dù đã là nhà văn hay còn đang tập tành viết lách. Nhưng thế nào là một câu chuyện hấp dẫn? Chúng ta có thể dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá? Mời bạn tham khảo 9 tiêu chí được nêu ra trong bài viết sau nhé!

Tính đồng cảm

Tính đồng cảm là khả năng tác động tới cảm xúc, suy nghĩ của người đọc của tác phẩm thông qua các chi tiết, tình huống, câu chuyện, ngôn ngữ, nhân vật… trong truyện. Tính đồng cảm không nhất thiết phải là yêu thương, quý mến, thương cảm. Nó cũng có thể là căm ghét, khinh bỉ, oán trách. Mọi cảm xúc mà người đọc có được khi đọc tác phẩm đều là sự đồng cảm đối với tác phẩm.

Bạn có cảm thấy xót thương khi đọc tới cảnh anh chị Dậu bàn tính sẽ bán cái Tý, con gái, để có tiền đóng sưu thuế cho chú em chồng đã mất dưới đây?

“Anh Dậu rơm rớm nước mắt:

– Hay là bán quách cái Tý cho cụ ấy?

Chị Dậu cũng nước mắt chảy qua gò má ròng ròng. Chị cứ cúi gầm mặt xuống, không biết trả lời ra sao. Cái Tý nghe thấy rụng rời củ khoai trong tay, vội vàng đứng lên năn nỉ:

– Con van thầy! Con van u! thầy u để con ở nhà chơi với em con. Con van thầy! Con van u! Thầy u đừng đem bán con.

Thằng Dần nhả vội miếng khoai trong miệng và sụt sịt khóc:

– Em không, nào! Em không, nào! Em không cho bán chị Tý nào! Có bán thì bán cái Tỉu kia kìa!

Anh Dậu cũng như chị Dậu, ai nấy se sẽ gạt thầm nước mắt và cũng giả cách làm thinh.”

Ở đây, bạn có thể thấy tác giả Ngô Tất Tố đã sử dụng những câu đối thoại (trò chuyện) giữa các thành viên trong nhà và cả những từ miêu tả hành động, cảm xúc, tâm lý của nhân vật như: rơm rớm nước mắt, nước mắt chảy ròng ròng qua má, rụng rời, năn nỉ, sụt sịt khóc, se sẽ gạt thầm nước mắt, giả cách làm thinh… Bạn cũng nên áp dụng những kỹ thuật này khi viết truyện để khiến người đọc đồng cảm hơn với câu chuyện.

Cốt truyện thu hút

Câu chuyện hấp dẫn thường có cốt truyện thu hút, logic và chắc chắn. Sau khi bạn lược bỏ những chi tiết cụ thể, phần cuối cùng để tóm tắt lại tác phẩm ấy chính là cốt truyện – những sự kiện chính làm nên “xương sống” của truyện.

Cốt truyện của Chí Phèo (Nam Cao) xoay quanh cuộc đời của  Chí – một đứa trẻ bị bỏ rơi trong lò gạch cũ tới khi đi làm tá điền rồi bị lợi dụng, cho vào tù, ra tù, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, gặp và thương Thị Nở, tình cảm bị ngăn cấm, giết Bá Kiến rồi tự tử. Cốt truyện tuy có thể gom lại trong vài dòng nhưng nếu được triển khai tốt sẽ tạo nên một tác phẩm ấn tượng.

Tình tiết hấp dẫn và logic

Tình tiết là những chi tiết nhỏ hơn được liên kết với nhau thành những mắt xích trong cùng một chuỗi sự kiện dựng nên câu chuyện hấp dẫn. Tình tiết càng thú vị và logic với nhau thì câu chuyện càng chặt chẽ, lôi cuốn người đọc theo mạch phát triển của chuyện.

Đôi khi, một tình tiết đắt giá có thể trở thành điểm sáng cho câu chuyện, khiến cho người đọc phải suy ngẫm hoặc nhớ mãi về nó. Giống như hình ảnh hai chị Liên ngồi đợi tàu tới trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam hay chi tiết về chiếc lá thường xuân cuối cùng được cụ Bơ-men vẽ trong đêm giông bão ở tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O’henry. 

Đặc biệt, bạn cần chú ý tới tính logic giữa các tình tiết. Mỗi tình tiết xuất hiện trong tác phẩm đều cần có lý do, thực hiện cho một ý đồ nào đó của tác giả. Ở đầu câu chuyện, Nam Cao cho Chí Phèo xuất hiện với cảnh say rượu chửi bới làng Vũ Đại, cuối cùng Chí Phèo cũng giết người và tự sát sau khi đã uống say.

“Hắn rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đang giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.”

Miêu tả sinh động

Miêu tả giữ vai trò quan trọng trong mọi sáng tác, đặc biệt là trong truyện. Miêu tả giúp bạn tạo ra bối cảnh cho câu chuyện phát triển, xây dựng nhân vật, cho thấy câu chuyện đang diễn ra như thế nào và nhân vật đang trải qua những điều gì. 

Bạn không chỉ sử dụng kỹ thuật miêu tả để cho thấy thế giới bên ngoài mà còn để người đọc có thể thâm nhập vào nội tâm của các nhân vật. Cùng xem 2 ví dụ dưới đây nhé:

“Máy phát nhạc hình đóa loa kèn vẫn đều đặn rền từng nốt theo giọng hát Khánh Ly. Ngoài kia mưa gió rầm rì. Căn gác xép lọt thỏm giữa lòng thành phố, khiêm tốn trên cùng một ngôi nhà cổ được xây từ trăm năm trước. Mưa rơi đều đều. Những giọt nước cộng hưởng với nhau thành từng giọt lớn hơn. Rơi. Lộp độp. Vuông cửa sổ bé vẫn mở. Mưa đứng hạt, gió dường như bất động. Người ở trong xó nhỏ chỉ mong có một đêm yên. Mưa và tiếng nhạc. Phòng quen, đồ cũ. Mùi ẩm ướt của bức tường ngấm nước. Mùi ẩm ướt của mưa thấm vào từng tế bào. Dường như những sợi bông trong chiếc chăn dày sụ cũng thấm đẫm. Nhưng không phải mùi của mưa mà là mùi người xưa.” (Dĩ vãng – Hòa Lương)

Có những chi tiết được “giấu” đi

Điều gì sẽ khiến người đọc bất ngờ với câu chuyện của bạn? Đó chính là những chi tiết được giấu đi hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua nên người đọc không để tâm tới. Loại kỹ thuật này được áp dụng nhiều trong các tác phẩm trinh thám, kinh dị hoặc khi muốn tạo ra các bước ngoặt cho câu chuyện.

Người đọc có thể đã không để ý đến chi tiết đó khi đọc nhưng tới khi kết thúc, họ sẽ hiểu ra thông điệp được gửi gắm và lý do nó xuất hiện. Trong truyện Đời Thừa của Nam Cao, Hộ sau một đêm uống say thì sờ lên ấm trà trên bàn thấy vẫn còn ấm. Chi tiết này đã cho thấy sự quan tâm và bao dung của Từ trước những lời nói và hành động có phần “tàn nhẫn” của Hộ. Nó cũng làm Hộ hiểu được lòng thương kiên định và thủy chung của Từ dành cho anh. Từ đó đánh thức anh khỏi những suy nghĩ có lúc chông chênh của mình.

Khó đoán kết cục

Một câu chuyện hấp dẫn đôi khi bởi kết cục khó đoán. Người đọc có thể đã nghĩ câu chuyện có kết thúc vui vẻ nhưng cuối cùng nó lại làm người ta đau buồn hoặc ngược lại. Vì kết cục là phần cuối trong một câu chuyện nên nó cũng là chi tiết có thể tạo nên dư âm trong lòng người đọc mãi mãi.

Kết thúc truyện khó đoán thường xuất hiện trong các tác phẩm trinh thám, kinh dị hoặc trong những câu chuyện có kết mở. Trong truyện ngắn Thợ săn trên tuyết, tác giả Tobias Wolff viết kết thúc như sau:

“Khi chiếc xe chạy vòng qua những quả đồi uốn lượn, những ngôi sao cũng chạy qua chạy lại giữa hai mũi giày của Kenny nhưng không bao giờ ra khỏi tầm nhìn của cậu ta. “Mình sẽ đến bệnh viện”, Kenny nói. Nhưng cậu ta đã nhầm. Ở cách đây một quãng xa, họ đã rẽ nhầm một lối khác.”

Vốn tưởng ba nhân vật trong truyện là những người bạn thân với nhau nhưng khi Kenny – kẻ mạnh nhất trong ba người – bị thương và cần đến bệnh viện thì hai người còn lại vẫn thản nhiên vào quán làm ấm bụng rồi tâm sự riêng tư với nhau. Hành trình đến bệnh viện chữa trị cho Kenny càng bế tắc hơn khi ở câu cuối truyện, tác giả cho biết chiếc xe đã rẽ nhầm một lối khác từ lâu rồi. Kết thúc này khiến người đọc không khỏi bàng hoàng và phải lật lại toàn bộ câu chuyện để xem có thực sự họ là những người bạn thân không, còn uẩn khúc nào trong tình bạn của họ và có phải xã hội luôn nghiệt ngã đến thế không.

Kết cấu chặt chẽ

Một câu chuyện được viết tốt sẽ có kết cấu chặt chẽ. Kết cấu là toàn bộ những yếu tố trong tác phẩm. Chúng được người viết tính toán làm sao để mang lại hiệu quả tốt nhất cho truyện. Vì vậy, nếu kết cấu lỏng lẻo hay rời rạc thì không thể thuyết phục người đọc tin vào những gì được viết.

Ví dụ với câu chuyện Chí Phèo quen thuộc. Tất cả những yếu tố như nhân vật, bối cảnh, cốt truyện, các tình tiết, cao trào… đều ăn khớp với nhau để cho người đọc thấy được cuộc đời bi kịch của nhân vật bị lưu manh hóa trong xã hội một cổ hai tròng. Người nông dân có lương thiện cũng khó giữ được thiện lương trước những cạm bẫy và gian trá của xã hội. Đồng thời cái nghèo khổ, thiếu tiếng nói của tầng lớp thấp trong xã hội cũng khiến họ bị trượt dài trong một số phận mà chỉ có cách tự kết liễu mới là sự giải thoát tốt nhất.

Nhân vật có cá tính riêng

Nếu như trong văn học dân gian và sử thi thường xây dựng những nhân vật chính diện là người tốt đẹp toàn diện từ ngoại hình tới tính cách thì trong văn học hiện đại, nhân vật trong tác phẩm giống như con người ở xã hội thực tế. Họ có nhiều “khuôn mặt”, không hoàn hảo, không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Họ hiện lên chân thật và sinh động với những cá tính riêng làm người đọc nhớ đến.

Người ta có thể thấy Thị Nở xấu đau xấu đớn và thương cho thị là đàn bà mà chẳng chút nhan sắc nhưng thị vẫn được hạnh phúc, dù chỉ trong thoáng chốc, khi bên cạnh Chí Phèo. Và dù xấu xí, ngớ ngẩn thì Nở vẫn có lòng thương người, vẫn biết chăm sóc cho “người tình” đang say rượu và bị cảm mệt của mình. Hay như chính Phéo, tưởng chừng đã là con quỹ dữ thì chỉ biết phá làng phá xóm nhưng anh ta lại có lúc khát khao được trở lại làm người lương thiện, có lúc mong muốn được sống cuộc đời bình thường như bao người khác. Và hơn cả, anh ta cũng còn tri nhận để biết mình đã lâm vào cảnh khốn cùng, đã không còn đường nào để trở lại làm người bình thường nên chỉ có thể tìm cách để giải thoát cho chính mình. Cách đó là giết kẻ đã đẩy mình đến con đường ấy rồi giết cả bản thân.

Chí Phèo hay Thị Nở rõ ràng không phải những nhân vật chính diện nhưng họ làm cho người đọc vừa thương vừa xót vừa thấy có khi đáng trách, đáng tội. Chính cách xây dựng nhân vật có cá tính riêng, đặc điểm riêng, số phận riêng khác biệt lại tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm và biến nhân vật trở thành những kinh điển văn học trong văn học Việt Nam.

Trần thuật thú vị

Trần thuật là tất cả phần văn bản của một tác phẩm, bao gồm lời của người kể chuyện, lời của nhân vật, diễn ngôn của tác giả. Mỗi người viết thường có lối trần thuật riêng. 

Trong văn học Việt Nam, Thạch Lam nổi tiếng với giọng trần thuật nhẹ nhàng, trữ tình, lãng mạn và man mác buồn. Trong khi đó, Vũ Trọng Phụng chuộng lối viết trào phúng mang tính châm biếm và phê phán xã hội cao. Nguyễn Ngọc Tư lại thường sử dụng những diễn ngôn đặc tính phương ngữ Tây Nam Bộ và dễ gây cảm giác ức chế cảm xúc trước những thân phận quá sức éo le cũng như những lời thoại quá bẽ bàng, chua chát.

Nhìn chung, có nhiều cách để đánh giá một câu chuyện hấp dẫn hay không. Nhưng với 9 tiêu chí được nêu ra trên đây, bạn sẽ có cái nhìn chuyên nghiệp hơn khi tiếp cận một tác phẩm dưới góc nhìn của người phê bình.

Nếu bạn muốn biết làm thế nào để đạt được những tiêu chí trên trong câu chuyện bạn viết, khóa học Viết truyện chuyên sâu sẽ cho bạn những hướng dẫn cụ thể từ lí thuyết tới thực hành, chỉnh sửa. Nhắn cho mình nếu bạn cần được tư vấn kỹ hơn về khóa học hoặc muốn biết lộ trình học phù hợp với năng lực hiện tại của bản thân.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Mình sẽ rất hạnh phúc nếu bạn ghi lại đây những cảm nhận của bạn hoặc là những thắc mắc muốn được giải đáp thêm. Mình sẽ phản hồi bạn trực tiếp qua bình luận hoặc nếu cần, mình sẽ lên một bài viết mới để hồi đáp đầy đủ và chi tiết.

Bạn có thể kết nối với mình nhiều hơn tại: https://linktr.ee/hoaluongwriter

2 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .