Hà Nội nắng trong từng ngõ vắng xôn xao

Hà Nội, nơi tôi yêu bằng tâm hồn lãng đãng, bằng những ký ức mang dáng hình người xưa, bằng những giấc mơ dịu êm mà khắc khoải.

Hà Nội nắng trong từng ngõ vắng xôn xao
Hà Nội nắng trong từng ngõ vắng xôn xao minh họa tranh Phạm Ánh

“Những ngày tôi lang thang,
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội.
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi.
Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi…”

Bài hát Hà Nội và tôi, nhạc Lê Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Sáng nay trời se se lạnh sau cơn mưa dữ dội và ướt đầm suốt đêm qua. Cái lạnh của buổi sớm mai thanh lành gợi nhớ tới những cảm giác mơn man của Hà Nội ngày chớm đông. Lòng tôi lại bâng khuâng nhớ bài hát Hà Nội và tôi của nhạc sĩ Lê Vinh, nhớ câu hát bồi hồi, thổn thức “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó – đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than”.

Bật một trang nhạc số, gắn thêm dây loa, tôi thả trôi hồn mình bồng bềnh theo âm thanh phát ra trầm ấm, dìu dặt. Tôi miên man theo giọng hát sâu lắng mà bay bổng, khắc khoải nhớ nhung về một vùng đất thân thương mang tên Hà Nội.

Âm nhạc nhắc tôi nhớ tới những bức tranh của hoạ sĩ Phạm Ánh. Tôi chẳng thể lang thang khắp các con đường ngõ phố để hiểu hết tâm hồn người Hà Nội nhưng tôi có cách riêng để lưu giữ tình yêu trong sâu thẳm tim mình. Nghe nhạc, xem tranh hoặc đắm chìm vào những bức ảnh chụp là cách tôi đặt chân mình lên từng góc nhỏ chợt quen chợt lạ của một vùng đất nửa lạ lẫm, nửa thân thương.

Ông bà ta nói:

“Yêu nhau yêu cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”

Ấy vậy mà Hà Nội vẫn luôn là một ngoại lệ của riêng tôi, một ngoại lệ đầy vị tha và cố chấp. Bởi sau những vấp ngã thanh xuân, những cuồng nhiệt yêu đương, người với người chẳng còn vương vấn gì nhau nhưng Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm, trinh nguyên như mối tình đầu. Những khi tôi rệu rã, những lúc đời phong ba, Hà Nội vẫn là niềm an ủi, là chốn yên bình để tôi trú ngụ.

Những bài hát, những bức ảnh, những câu chuyện và cả những bức tranh Hà Nội vỗ về tình yêu trong tôi, là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng hoài một cảm thức thân thuộc đầy quyến luyến.

Tôi không phải hoạ sĩ càng không phải người bình tranh để có thể đánh giá trọn vẹn các tác phẩm hội hoạ nhưng mỗi khi ngắm tranh của Phạm Ánh, lòng tôi rung động, bồi hồi. Một Hà Nội gần gũi, mộc mạc, nhỏ bé và thinh lặng. Không có những xô bồ phố xá, chật chội người xe. Không có những công trình kiến trúc hiện đại, những nhịp đời hối hả.

Hà Nội trong tranh của Ánh có thể chỉ đơn giản là những góc phố nhỏ đầy hoa giấy bay, hoa tím bằng lăng xao xác phố dài và ngập tràn hoa nắng. Hà Nội là những căn nhà cổ tường vàng thời Pháp thuộc; những ngôi nhà tập thể cao tầng với ban công láo nháo đầy dây phơi, những khung cửa sổ gỉ sét, những đường dây điện chằng chéo. Tất thảy đều giống như những nét chạm trổ li ti mà tinh vi, khảm vào sâu thẳm tâm tư của bất kì ai vốn đem lòng thương Hà Nội.

Màu tranh của Ánh khi vẽ Hà Nội cũng có chút gì cũ kĩ như màu của những nước phim xưa, ghi lại không gian tĩnh tại của những con phố nhỏ nơi các mảng màu sáng tối đan xen. Màu vàng của những bức tường vôi cũ, màu sáng của nắng, màu thâm trầm của những vệt tường loang lổ, màu râm mát của những bóng cây, màu phơn phớt hồng của giàn hoa giấy, màu tim tím của hoa bằng lăng, màu xanh của cánh cổng sắt và cả màu tươi mát của lá cây… Tất cả những điều đó mang lại cho người thưởng thức cảm giác vắng và tĩnh nhưng chính trong dáng vẻ vắng lặng ấy vẫn nổi bật lên một không gian đường phố Hà Nội sáng sủa, tươi mới và chân thực.

Ấn tượng nhất trong tranh Phạm Ánh có lẽ là nắng. Lối vẽ nắng rất thật, thoạt nhìn không khác gì một tấm ảnh chụp bởi vì nắng vốn là thứ khó nắm bắt và tái hiện trong nghệ thuật hội hoạ. Đã chủ ý vẽ nắng, người hoạ sĩ phải làm cho ra được chất của nắng, tức là có sáng có tối, hơi gợi cảm giác chói mắt và quan trọng là vẽ cho ra được bóng nắng trên các con đường, trên những bức tường và cả bóng râm mát của hàng cây, ngôi nhà nơi vạt nắng không chiếu tới.

Hà Nội theo một cách nào đó, tự nhiên và mộc mạc, thanh bình và tĩnh tại, hiện ra qua những nét vẽ của một “nhiếp ảnh gia”, một hoạ sĩ rất tài.

Hà Nội là như vậy, pha lẫn giữa những mộc mạc trăm năm với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Trong tranh Phạm Ánh, Hà Nội hiện ra chân thực chẳng khác nào thiếu nữ bán khoả thân. Chỉ một nửa hững hờ gợi mở mới xiêu lòng người hữu ý, mới khơi những xúc cảm muốn dấn tới để khám phá kiện toàn.

Trước đây tôi từng nhờ một người Hà Nội chụp cho mình vài bức ảnh. Cứ tưởng rằng người Hà Nội sẽ chụp Hà Nội hoàn hảo nhất. Nhưng không, khi nhận được ảnh gửi, tôi cau mày: “Sao ảnh xấu vậy?” Bức ảnh đầy những đường dây điện chằng chịt, những cảnh vật lộn xộn, chen nhau. Nó đâu phải những gì tôi thấy trong các bức hình được người ta đăng trên mạng. Bạn bảo rằng vậy mới là Hà Nội, rằng tôi chẳng hiểu gì về Hà Nội. Một Hà Nội dung chứa nhiều điều đối lập, một Hà Nội có phần pha tạp, hỗn dung, trong hiện đại vẫn còn nét cổ điển. Những công trình trăm tuổi xen giữa các toà nhà kính cao tầng, hay trên tường những căn nhà cổ vẫn đầy dấu tích của máy điều hoà và dây điện, dây phơi quần áo.

Từ dạo đó, tôi nhìn Hà Nội thật hơn, mộc hơn, không còn lí tưởng hoá lên nhưng vẫn tha thiết yêu. Giống như thương một người là chấp nhận toàn vẹn người đó, cả ưu cả khuyết. Đôi khi ta chẳng thể thay đổi một ai dù biết rằng điều ấy tốt. Vậy nên ta chỉ có thể thoả hiệp và học cách yêu lại từ đầu. Nếu chân thành ắt hẳn không dễ dàng từ bỏ nhau.

Và tranh Phạm Ánh cũng đã chạm đến tôi tự nhiên như thế. Giữa một bức tranh có bố cục hợp lí với nhiều chi tiết đẹp vẫn nhìn ra được cũ – mới cứ thế đan chen, hoà hợp làm nên diện mạo của Hà Nội ngày nay mà người phương xa thường nhớ đến. Nó là một thứ gì đó mang đủ đặc trưng của một Hà Nội đầy hoài niệm, nhung nhớ!

Nhạc trong máy đã tự động phát sang bài hát Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang:

“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm…”

Phải rồi, “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” còn “bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường” thì khách phương xa như tôi làm sao hiểu hết được một Hà Nội nghìn năm. Tôi chỉ có thể mang nỗi nhớ của mình gói ghém trong từng con chữ. Và những bức tranh sơn dầu đầy hoa nắng của Phạm Ánh đủ để vỗ về kẻ phương xa mãi mong ngóng ngày trở lại với phố cũ nặng thương!

Hà Nội có thể không phải nơi tôi định cư nhưng mãi vẫn là nơi tâm hồn tôi tìm về an trú. Bởi Hà Nội – Thương một đời đâu phải Tạm Thương.

Thành phố này còn là một Hà Nội tan trong ly cà phê Giảng nồng đậm hương mùa hè.

Nếu bạn muốn đọc những tản văn hay truyện ngắn của Sẻ nâu thì nhấn vào đây nhé!

3 bình luận

  1. Đôi khi người ta yêu một thành phố nhộn nhịp, xô bồ chỉ bởi vì trót thương những khoảng lặng hiếm hoi, những con đường yên ả.
    Đôi khi người ta yêu một người chỉ vì người ấy là họ thôi.

    1. Bài này hay quá, đọc thấy rưng rưng. Sống giữa thành phố, sống với HN hơn 10 năm rồi, cx cũng chai lỳ rồi, nay bao nhiêu rung cảm được đánh thức dậy qua bài văn này 🙂

      1. Nhiều khi em còn không hiểu nỗi vì sao mình lại dành cho Hà Nội nhiều cảm tình như thế. Hay tại đặc ân của một người ở xa, chỉ thi thoảng mới được đặt chân đến là nỗi nhớ. Nỗi nhớ khiến em muốn viết, muốn thương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .