Tạp bút là gì? Đặc điểm của tạp bút

Tạp bút là một biến thể của đoản thiên tùy bút, thể loại giáp ranh giữa trữ tình – tự sự với dung lượng từ ngắn, tập trung vào một cảnh huống để qua đó bộc lộ thế giới tinh thần của nhân vật trữ tình.

Tạp bút là một biến thể của đoản thiên tùy bút, thể loại giáp ranh giữa trữ tình - tự sự với dung lượng từ ngắn, tập trung vào một cảnh huống để qua đó bộc lộ thế giới tinh thần của nhân vật trữ tình.

Tạp bút là gì?

Khi tìm từ khóa “tạp bút là gì” trên Google, kết quả trả về đầu tiên sẽ dẫn chúng ta tới Wikipedia – Bách khoa toàn thư mở. Trang này định nghĩa về tạp bút như sau:

“Tạp bút là một thể loại văn học gần giống như tạp văn hay tùy bút với mớ bòng bong, rối rắm chữ nghĩa mà người viết nghĩ gì viết nấy còn người đọc muốn tìm “vàng” thì phải chịu khó “đãi” chữ. Thể loại này được cho là bức “biếm họa bằng chữ”, là thể văn tranh đấu, tranh luận, luôn có đối thủ, đối phương (dù là tưởng tượng) xuất hiện trước mắt người viết.”

Đọc phần giải thích này, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy càng thêm mông lung, mơ hồ về tạp bút. Làm sao “mớ bòng bong chữ nghĩa” lại có thể dùng để “tranh đấu, tranh luận” với “đối phương”? 

Trong Từ điển văn họcTừ điển tiếng Việt không đề cập tới khái niệm tạp bút mà chỉ có tạp văn, tùy bút. Trong luận án Tiến sĩ Thể loại tùy bút trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 của Trần Văn Minh có một nhận định đáng chú ý:

“Tạp bút, tạp văn là một dạng biến thể, mang đầy đủ đặc điểm của đoản thiên tùy bút, vừa đủ để diễn tả gọn ghẽ một trạng huống và bộc lộ một cách đơn tuyến những suy tư, xúc cảm của chủ thể trữ tình (chứ không đa tuyến, đa diện như trong những tùy bút dài hơi).” 

Như vậy, nhà nghiên cứu xếp tạp bút như một loại con của thể ký, cụ thể là đoản thiên tùy bút, nghĩa là những tùy bút có dung lượng từ ngắn. Trong đó, tác giả chỉ đủ không gian để diễn tả về một trạng thái, một tình huống cụ thể dưới góc nhìn và cách thể hiện mang đậm dấu ấn cá nhân. Thế giới nội tâm của người viết (chủ thể trữ tình) được bộc lộ chân thật, một chiều nhưng vẫn sâu sắc, tinh tế. Bởi lẽ khi viết thể ký nói chung và tạp bút nói riêng, nhà văn bao giờ cũng cần có sự quan sát tỉ mỉ với đời sống, với đối tượng trữ tình trước khi thông qua nó mà phơi bày những suy tư, xúc cảm của mình.

Để hiểu rõ hơn về tạp bút, ta cũng cần biết thêm về thể loại tùy bút. Các tác giả Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương trong cuốn Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ định nghĩa tùy bút như sau:   

“Nét nổi bật trong tùy bút là qua việc ghi chép những con người và sự việc cụ thể có thực, tác giả đặc biệt chú ý đến việc bộc lộ cảm xúc, suy tư và nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc đời”, “Trong văn học hiện đại, thể tùy bút được dùng để chỉ những tác phẩm viết một cách phóng khoáng, tự do, theo dòng suy nghĩ, liên tưởng của người viết. Tùy bút cũng là ký, là ghi chép, nhưng không chỉ ghi chép sự việc, mà ghi chép suy nghĩ, cảm xúc của người viết khi tiếp xúc với thực tế.”

Cái thực tế khách quan, cái hiển lộ bên ngoài của đời sống vốn không phải là đối tượng trung tâm của tùy bút, tạp bút mà chỉ là phương tiện để người viết cất lên tiếng nói của mình, căng tâm hồn mình ra như tấm chăn thêu đầy họa tiết được phơi mình đón nắng trời rực rỡ. 

Viết tạp bút không đơn thuần là để tác giả nói lên những cảm xúc, suy nghĩ vu vơ, nhẹ nhàng, không đòi hỏi bề sâu. Để tạp bút thật sự hay và có giá trị, các tác giả thường đưa vào trong đó hiểu biết sâu sắc của mình về đối tượng mà đối tượng ấy lại được lồng ghép vào với văn hoá, lịch sử, xã hội, thổ nhưỡng… Có một chi tiết đáng lưu ý trong các định nghĩa trên, đó là tạp bút rất thích hợp cho việc phô diễn vẻ đẹp của cội nguồn văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần của xã hội… Cũng vì vậy mà người viết tạp bút thường là những người có vốn kiến thức sâu rộng, uyên thâm. Họ quan sát đối tượng, nâng lên đặt xuống, vần vò nó trong tâm thức không phải chỉ ở một khoảnh khắc mà trong cả một thời gian rất dài. Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam hay Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài không chỉ tả về đường phố, quán hàng Hà Nội mà cái làm nên giá trị của những tác phẩm này là tính thời đại, tính lịch sử, tính văn hoá và cả tính thẩm mỹ của nó. 

Tạp bút cũng không kể một câu chuyện duy nhất từ đầu tới cuối mà có thể gồm nhiều mẩu chuyện, xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng đều liên quan tới đối tượng trung tâm của bài, làm nổi bật nó lên, đồng thời cũng qua đó thể hiện được nội tâm của người sáng tác. Nếu nói tạp bút khác gì nhất với tản văn thì đó chính là chiều sâu của hiểu biết. Hiểu biết không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt thực tế xã hội và trải nghiệm cuộc sống.

Tham gia sự kiện viết tạp bút Chuyện mình chuyện người của Những ngón tay đan

Đặc điểm của tạp bút

Khi đã phần nào nắm được tạp bút là gì, ta cũng nên tìm hiểu thêm về những đặc điểm của tạp bút để tiện bề phân biệt nó với những thể loại khác trong văn xuôi.

Vì được xếp vào biến thể của đoản thiên tùy bút nên tạp bút cũng mang những nét đặc trưng của thể loại này.

Đề tài của tạp bút

Đề tài của tạp bút đa dạng, khái quát được bức tranh rộng lớn của đời sống lẫn nội tâm con người. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong khía cạnh này là khả năng phô diễn những vẻ đẹp của cội nguồn văn hoá dân tộc, những giá trị tinh thần của xã hội, những phong tục – tập quán mang đậm dấu ấn cộng đồng… bên cạnh việc khai thác sâu vào những địa tầng của tâm thức cá nhân.

Tập Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài (bản in năm 2010) gồm 114 bài viết. Mỗi bài viết là một lăng kính nhỏ mà khi đã xem qua tất cả, người đọc sẽ thấy hiện ra Hà Nội của một thời đã xa với những thanh bình, trang nhã, cổ điển xen lẫn rối ren thời cuộc, bát nháo, đổi mới… 

Cảm hứng chủ đạo khi viết tạp bút

Cũng giống như tùy bút, cảm hứng chủ đạo của tạp bút là cảm hứng lãng mạn. Nó chịu sự chi phối của tính trữ tình trong việc thể hiện cái tôi của người viết. Như đã nói ở phần trên, nếu tự sự là phương thức chuyển tải nội dung, ý nghĩ thì trữ tình là mục đích sau cùng của tạp bút. Bất cứ một ý tưởng, một chủ đề nào khơi dậy những con sóng đầy thổn thức trong tâm khảm người viết thì nó có thể trở thành cảm hứng chủ đạo cho tác phẩm. Với Vũ Bằng có thể là tiết trời trong mười hai tháng cùng với những nếp sinh hoạt, những ký ức mang đậm màu Bắc Việt trong Thương nhớ mười hai. Với Thạch Lam lại là những góc nhỏ phố phường Hà Nội vừa bình dị, thân thương cũng vừa gắn với địa tầng văn hóa, mang theo những trầm tích của kinh đô ngàn năm trong Hà Nội băm sáu phố phường

Giọng điệu và lời văn trong tạp bút

Giọng điệu, lời văn trong tạp bút cũng như trong tùy bút nói chung là màn khiêu vũ của văn phong người sáng tác dưới sự chi phối của thể loại lai ghép giữa tự sự – trữ tình nên vừa mang chất thơ vừa có cả yếu tố trần thuật. Nghĩa là vừa có biểu cảm, miêu tả, triết luận nhưng đồng thời cũng có kể chuyện, nêu sự việc. Tuy nhiên, giọng kể chuyện không phải trọng tâm của tạp bút mà là giọng trữ tình trong những diễn ngôn đầy tính thơ – nhạc – họa. Vì vậy mà lời văn trong tạp bút cũng thường có tính thẩm mỹ cao. Thử đọc những dòng giới thiệu tác phẩm Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng mà xem:

“Thoạt đầu ai cũng tưởng chẳng làm sao. Cùng là đất nước, đi đâu mà chả thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm?

Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đạp vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo.

Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.”

Kết cấu của một tạp bút

Kết cấu của tạp bút là sự dàn trải của dòng thời gian với nhịp điệu chậm rãi, tựa như những tiếng thủ thỉ ân tình, như lời bạn kể thủng thẳng trong một tối ngồi cùng nhau bên đống lửa ấm mùa đông, ly trà còn đương bốc khói trong hai lòng bàn tay ôm trọn lấy. Tạp bút không phải truyện ngắn nên không có một cốt truyện rõ ràng, xuyên suốt cũng không có sự kết nối liên tục của các sự kiện mà nó là tập hợp của rất nhiều khoảnh khắc cụ thể, cảnh huống cụ thể và tâm tư sống động. 

“Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du, – phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có – ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.”

(Hà Nội băm sáu phố phường – Thạch Lam)

Dung lượng bài tạp bút

Dung lượng của tạp bút không dài, chỉ khoảng 700-1000 từ, vừa đủ để người đọc theo dấu chân người viết mà khám phá một đối tượng cụ thể nào đó. Theo TS. Trần Văn Nam: “Những tác phẩm tùy bút dài hơi như Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Phút thoát trần của Lư Khê, Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc của Bình Nguyên Lộc, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, thực chất được ghép lại từ nhiều đoản thiên, có mối liên hệ nội tại chặt chẽ với nhau.”

Tựu trung lại, tạp bút là một biến thể của đoản thiên tùy bút, thể loại đứng giữa trữ tình và tự sự nên mang đặc điểm của cả hai. Tạp bút dùng tự sự để làm nổi bật cái trữ tình, lấy những đối tượng bên ngoài để biểu hiện một cách ý nhị, tinh tế nội tâm bên trong của người cầm bút. Nó không phải sản phẩm hư cấu mà dựa trên những gì có thật, được soi qua cặp mắt và tâm hồn của người viết rồi dàn trải lên bề mặt ngôn từ vừa có chất thơ lại vừa có tính trần thuật. 

Tạp bút là màn khoe “vũ đạo cá nhân” của người cầm bút, cũng là sự phản chiếu sống động của tâm hồn và tri thức. Chữ “tạp” không bao giờ là “tạp nham, đại khái” mà hàm chỉ sự rộng mở tối đa trong phạm vi đề tài, sự tự do và phóng túng trong cách thể hiện của mỗi cá nhân người nghệ sĩ.

Trong bài giảng tại lớp Văn học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thành Thi từng nói các thể ký là một phần của tản văn mà tạp bút là biến thể của tùy bút nên theo tính chất bắc cầu, ta có thể coi tạp bút cũng là một nhánh của tản văn. Khi đó, cho dù trong suốt chiều dài văn bản, ta có đưa các ý các tứ đi tới đâu thì cũng cần quy vào “hồng tâm” – chính là đối tượng trung tâm của bài viết. Có như vậy, bài tạp bút của ta mới là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thay vì những mảnh ghép lem nhem không tạo thành bức tranh nào trọn vẹn.

Để kết lại, mời bạn đọc một đoạn trong luận án tiến sĩ của TS. Trần Văn Nam:

“Xuất phát từ những điều trông thấy hoặc những khoảnh khắc tâm trạng, hồi ức, dự cảm, nhà văn mở rộng liên tưởng, phán đoán, suy tư, chiêm nghiệm để khám phá những chiều kích, tầng bậc sâu thẳm trong thế giới tinh thần con người. Về phương diện này, tạp bút, tạp văn gần với thơ trữ tình. Nó cũng cần có cái tứ để khơi nguồn, để làm thăng hoa tư tưởng, cảm xúc. Chữ “tạp” ở đây cần được hiểu là đa dạng, muôn màu muôn vẻ, chứ không phải phức tạp hay hỗn tạp. Với một mối quan hoài thường trực (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu) trước hiện thực và thân phận con người, người nghệ sĩ luôn có nhu cầu phát biểu quan điểm, giãi bày xúc cảm của cá nhân để can dự vào đời sống một cách kịp thời. Có thể nói trong lĩnh vực văn xuôi, đây là hình thức sáng tác tự do, linh hoạt và không đòi hỏi nhiều công phu về kết cấu, hệ thống nhân vật, tình huống, chi tiết như ở các thể loại khác. Nó ghi nhận và thể hiện một nét tư tưởng, một trạng thái cảm xúc – cái khoảnh khắc bất chợt lóe sáng trong trí tuệ và tâm hồn người nghệ sĩ.”

Tài liệu tham khảo:

Thể loại tùy bút trong văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975, TS. Trần Văn Minh

Lý luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Nguyễn Văn Hạnh – Huỳnh Như Phương

Các loại hình truyện hiện đại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thành Thi

Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài

Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam

Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .