Tập trung phát triển thế mạnh thay vì chỉ tìm cách khắc phục điểm yếu

Tập trung phát triển thế mạnh trong viết lách dễ mang đến cho bạn niềm vui, sự tự tin và thành tựu nhanh hơn là lặn ngụp tìm cách để loại bỏ những điểm yếu.

Tập trung phát triển thế mạnh trong viết lách dễ mang đến cho bạn niềm vui, sự tự tin và thành tựu nhanh hơn là lặn ngụp tìm cách để loại bỏ những điểm yếu.
Tập trung vào thế mạnh hay hạn chế điểm yếu quan trọng hơn?

Trong cuộc sống, chúng ta thường được khuyên “sửa chữa điểm yếu” để hoàn thiện hơn. Việc này là cần thiết nhưng liệu có phải cách duy nhất để bạn tiến bộ? Câu trả lời là không, vẫn có một cách tiếp cận khác – đơn giản nhưng hiệu quả hơn rất nhiều – chính là bạn nên tập trung phát triển thế mạnh của bản thân.

Hãy thử nghĩ: thay vì mãi nỗ lực để “hoàn hảo”, “không thua kém ai,” tại sao bạn không dành thời gian để làm nổi bật những điểm mạnh của mình?

Chị Thủy Thủy – học viên trong khóa Viết truyện VT03 của mình rất thích viết những câu chuyện tình yêu của phụ nữ từng đổ vỡ và tổn thương. Dẫu vậy, chị chưa biết cách tạo ra những rung động cảm xúc giữa hai nhân vật đủ để làm người đọc thổn thức. Trong khi đó, truyện thiếu nhi về sinh vật biển chị viết vừa cuốn hút lại cung cấp nhiều thông tin thú vị về chúng. Bởi nghiên cứu về sinh vật biển vốn là chuyên môn của chị. Mình và các bạn cùng khóa đều khuyến chị nên theo đuổi việc thế mạnh là các sáng tác cho thiếu nhi, lồng những bài học nhẹ nhàng vào chuyện của các loài sinh vật sống dưới biển. Viết thể loại và đề tài này, chị tự tin và nhiều ý tưởng, diễn đạt cũng mạch lạc và phù hợp với độ tuổi độc giả hơn.

Điểm yếu có thật sự cần phải sửa chữa triệt để?

Ai cũng có những điểm yếu, đó là điều tự nhiên. Bạn có thể không giỏi số liệu, không thích nói trước đám đông hoặc chưa quen với việc quản lý thời gian… nhưng việc cố gắng sửa từng điều đó có thực sự cần thiết? Liệu bạn có thật sự sẽ cải thiện triệt để được chúng? Và chúng có phải là kỹ năng hay năng lực bắt buộc trong công việc của bạn?

Hãy tưởng tượng một người viết lách xuất sắc lại dành cả năm chuyên tâm học lập trình website hoặc thiết kế hình ảnh chỉ vì nghĩ rằng “mình không giỏi công nghệ”. Rõ ràng, nếu dùng khoảng thời gian đó để học thêm về cách viết tản văn đăng báo, cách kể chuyện, phát triển ý tưởng hay khám phá phong cách viết mới, họ sẽ đi xa hơn rất nhiều trong nghề nghiệp của mình.

Chị Đan Ngọc dành 1 năm để học 4 khóa viết của mình. Chị vừa học vừa biên tập, chỉnh sửa các bài tập trong khóa để gửi cộng tác báo. Tới hiện tại, chị đã có 55 tác phẩm được đăng, bao gồm truyện ngắn, truyện dịch và tản văn. Chị cũng xuất sắc giành được Giải Ba Cuộc thi “Viết cảm tưởng tự hào hàng Việt năm 2024”, Giải Khuyến khích Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” năm 2024. 

Điểm yếu chỉ nên được cải thiện ở mức đủ để chúng không cản trở bạn, còn trọng tâm phát triển nên đặt vào nơi bạn thực sự tỏa sáng – điểm mạnh của chính bạn.

Tập trung phát triển thế mạnh trong viết lách dễ mang đến cho bạn niềm vui, sự tự tin và thành tựu nhanh hơn là lặn ngụp tìm cách để loại bỏ những điểm yếu.
Combo 4 tài liệu hướng dẫn giúp bạn phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu khi viết

Tại sao nên tập trung vào điểm mạnh?

Điểm mạnh tạo nên sự khác biệt

Chúng ta không ai giống ai và điểm mạnh chính là thứ làm mỗi người  nổi bật giữa những người khác. Đó có thể là sự sáng tạo, khả năng giao tiếp, tư duy phân tích, hoặc bất kỳ điều gì bạn làm dễ dàng mà người khác thấy khó khăn. Khi tập trung phát triển thế mạnh, bạn không chỉ làm tốt công việc mà còn tạo nên dấu ấn riêng.

Trong những học viên của mình, có người viết văn đầy chất trữ tình, dạt dào xúc cảm như chị Đặng Hồng Nhung; lại cũng có những giọng văn mộc mạc, chân phương như Ngọc Nữ; một số người rất cầu kỳ trong chữ nghĩa như Thanh Ly, Thùy Linh và có cả những người kể chuyện tự nhiên, thu hút như Vĩ Nguyên, Thảo Quyên. Mỗi người họ có thế mạnh riêng khi viết. Điều ấy tạo nên nét riêng đặc biệt trong chất văn mà nếu có thể phát huy sẽ ghi được dấu ấn với người đọc và cả giới chuyên môn.

Hiệu quả nhanh và bền vững hơn

Đầu tư vào thế mạnh luôn mang lại kết quả nhanh hơn và bền vững hơn so với việc loay hoay cải thiện điểm yếu. Bởi lẽ, khi bạn làm điều mình giỏi, bạn cảm thấy hứng thú, tự tin và dễ dàng phát huy năng lực ở mức cao nhất.

Chị Cao Hy – học viên khóa Tự do Biểu hiện của mình – quen viết kể chuyện và lối kể chuyện của chị cũng được nhiều người yêu thích. Rồi chị quyết định thực hành theo Sổ tay tản văn vì muốn viết nhẹ nhàng, mềm mại và có chất văn hơn. Chị đã thực hành được vài tuần, câu từ của chị đã nhẹ nhàng hơn so với trước. Nhưng nếu cho chị viết tự do, chị sẽ kể một câu chuyện rất nhanh, chỉ vài chục phút để có bài đăng FB còn với tản văn, chị sẽ cần thời gian dài hơn gấp mấy lần để viết và biên tập. Sự khác biết giữa phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu có lẽ chính là ở tính hiệu quả và tính bền vững như vậy. Học để nắm bắt, hiểu rõ và cải thiện những cái yếu, cái sai thì khó và lâu còn để phát triển thứ mà ta vốn giỏi thì lại rất nhanh.

Niềm vui và động lực lâu dài

Khi làm việc dựa trên thế mạnh, bạn cảm nhận rõ niềm vui từ những thành tựu nhỏ và lớn. Điều này tiếp thêm động lực để bạn không ngừng tiến về phía trước, thay vì cảm thấy mệt mỏi khi phải khắc phục những điều không thuộc về bản chất của mình.

Nhiều người nói thích văn của mình vì nó đẹp, nó thơ và đầy tính nhạc. Đọc câu chữ tới đâu, họ có thể hình dung tới đó nên dễ dàng rung động và đồng cảm. Cũng có bạn đọc nhận xét đọc văn mình như đang đọc những tác phẩm trong sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ Văn ngày xưa, có chút gì đó của Thạch Lam, Thanh Tịnh… Những tình cảm ấy cho mình thêm động lực và trách nhiệm với câu chữ mình viết ra. Nhưng nếu có ai đó nói mình hãy viết văn gai góc hơn, châm biếm hơn, giễu nhại hơn thì mình khó mà làm tốt được. Tập trung vào thế mạnh của bản thân thôi thúc mình tiến tới, nỗ lực nhiều hơn trong khi loay hoay với những điểm yếu dễ khiến mình thấy mắc kẹt hoặc mất rất lâu mới có thể đạt tới mức tạm ổn.

Làm thế nào để phát triển thế mạnh?

Hiểu rõ bản thân

Điểm mạnh không phải lúc nào cũng rõ ràng. Hãy tự hỏi: bạn làm tốt nhất điều gì, điều gì khiến bạn hào hứng, tràn đầy năng lượng… Hãy lắng nghe cả những lời khen từ đồng nghiệp, bạn bè, độc giả hoặc tham gia vào các hội nhóm viết lách, các cuộc thi, thử thách viết, chương trình cộng tác để có thể nhận được phản hồi và đánh giá từ những người có chuyên môn.

Nếu bạn được khen vì kể chuyện hấp dẫn, hãy vận dụng kỹ thuật kể chuyện vào các nội dung hay sáng tác của bạn. Nếu bạn có khả năng miêu tả sinh động, hãy làm cho những bối cảnh và tâm lý nhân vật trở nên sống động dưới ngòi bút của bạn.

Đầu tư thời gian và công sức

Khi đã xác định được thế mạnh, hãy dành thời gian rèn luyện và phát triển. Bạn có thể đăng ký các khóa học, tìm cho mình người hướng dẫn hoặc các tài liệu liên quan. Bạn cũng nên luyện tập viết lách mỗi ngày vì tất cả đều giúp bạn tiến bộ và củng cố năng lực vốn có. Những việc này sẽ giúp bạn đi nhanh hơn và đúng hướng hơn.

Bạn thích viết, muốn thử sức với tản văn hay truyện ngắn, vậy hãy thử tham gia những khóa học viết cùng mình. Mình sẽ khai giảng khóa Viết tản văn đăng báo TV07 ngày 3/12 và Tự do Biểu hiện BH19 ngày 20/12.

Tập trung phát triển thế mạnh trong viết lách dễ mang đến cho bạn niềm vui, sự tự tin và thành tựu nhanh hơn là lặn ngụp tìm cách để loại bỏ những điểm yếu.
Tham gia vào các khóa học của Hòa để biết đâu là điểm mạnh – điểm yếu của bạn khi viết

Ứng dụng điểm mạnh vào thực tế

Hãy tìm cách đưa thế mạnh của bạn vào cuộc sống và công việc. Nếu bạn giỏi giao tiếp, hãy thử ứng dụng vào việc xây dựng mối quan hệ hoặc thuyết trình. Nếu bạn sáng tạo, hãy dùng nó để giải quyết vấn đề theo cách mới mẻ. Điểm mạnh sẽ trở thành công cụ đắc lực khi được vận dụng đúng chỗ.

Người có khả năng kể chuyện sẽ phát huy được thế mạnh của họ khi làm nội dung trên mạng xã hội để tăng mức độ ảnh hưởng hoặc thậm chí là để bán sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp. Khả năng này cũng cần thiết với khi viết tản văn tự sự hoặc các tác phẩm tự sự như truyện ngắn, tiểu thuyết… để giữ chân họ đọc tới cuối.

Điểm yếu thì sao?

Việc tập trung vào phát huy điểm mạnh không có nghĩa là bạn nên lơ là những điểm yếu. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu với việc cải thiện ở mức căn bản trước, đủ để chúng không ảnh hưởng đến những mục tiêu lớn hơn của bạn. Ví dụ, nếu bạn không giỏi viết báo cáo nhưng công việc yêu cầu, hãy học cách đọc báo cáo và viết được một báo cáo cơ bản. Nhưng nếu báo cáo không phải trọng tâm công việc của bạn, đừng ép mình phải đạt mức xuất sắc.

Thành công không đến từ việc trở nên “đủ giỏi ở mọi mặt” mà là biết tận dụng tối đa những gì bạn làm tốt nhất. Tập trung phát triển thế mạnh không chỉ giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp mà còn mang lại niềm vui và sự tự tin mỗi ngày.

Vậy nên, thay vì mãi lo sửa chữa những thiếu sót, hãy dồn tâm sức để làm tốt nhất những điều mà chỉ bạn mới có thể làm. Điểm mạnh chính là “vũ khí” đặc biệt giúp bạn tạo nên sự khác biệt và chạm tới thành công trong lĩnh vực bạn theo đuổi.

Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ với mình ở phần bình luận nếu bạn thấy bản thân trong bài viết này.
Bạn có thể đọc thêm về kỹ thuật viếthành trình trở thành người kinh doanh chuyên môn và các sáng tác của Sẻ nâu.
 Ghé thăm mình tại FacebookInstagram để kết nối nhiều hơn nghen!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tìm kiếm điều gì đó . . .