Một bài review sách (hay cảm nhận sách, điểm sách) không phải là bài tóm tắt nội dung sách mà là những nhận định và cảm xúc chân thật của người viết khi khám phá thế giới của cuốn sách qua lăng kính cá nhân.

1. Tại sao nên viết review sách sau khi đọc?
Với mình, viết review sách sau khi đọc không chỉ là cách lưu giữ những cảm xúc đã có từ cuốn sách mà còn là một cách để tìm mình, khám phá lại mình. Khi đặt bút viết, mình buộc phải suy nghĩ sâu hơn: Đâu là những điểm trong cuốn sách đã chạm đến nhận thức hay cảm giác của mình? Nó khiến mình thay đổi cách nhìn cuộc sống như thế nào? Đối với những loại sách thiên về kiến thức và kỹ năng, viết review chính là cách để mình nhìn nhận một lần nữa và hệ thống lại những giá trị mà sách mang đến.
Hơn nữa, viết review sách còn là cách để mình rèn luyện tư duy phản biện. Khi viết về nó, mình đã hoàn thành việc đọc và đánh giá không chỉ bằng những xúc cảm đã có mà còn bằng tư duy logic. Mình có thể nhận định được điểm nào hay, điểm nào chưa thuyết phục và có thể áp dụng được bài học nào vào cuộc sống cá nhân. Điều này giúp mình đọc sách chủ động hơn, không chỉ tiếp nhận mà còn biết phân tích, chọn lọc, đánh giá.
Và cuối cùng, nếu một bài review sách có thể khiến ai đó tò mò muốn tìm đọc nó thì đó là một niềm vui nhỏ nhưng đầy ý nghĩa với một người thích đọc, thích viết như mình. Vì sách chỉ thực sự sống trong từng hơi thở của độc giả khi đọc nó và những bài review sách chính là cánh cửa đưa một cuốn sách đến với nhiều người hơn.
Đọc thêm:
Cuộc thi viết review sách: Đọc sách mùa xuân 2025
2. Chuẩn bị gì trước khi viết review sách?
Bài review sách hấp dẫn không phải đến từ quá trình viết mà nó bắt đầu ngay trong khi mình đọc cuốn sách ấy một cách kỹ lưỡng và ghi chú lại những điểm nhấn thú vị. Mình thường chuẩn bị cho việc viết review sách với vài bước nhỏ:
- Đọc sách chủ động:
Nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách và để mọi thứ lướt qua mà không đọng lại gì, bạn chỉ đang lãng phí thời gian. Mình thường không chỉ đọc để nắm nội dung mà thích thú với những trải nghiệm cuốn sách mang tới. Khi lật từng trang, mình sẽ tự hỏi: Tác giả muốn nói điều gì với mình, chi tiết nào trong sách khiến mình ấn tượng, có góc nhìn nào hay quan điểm nào mà tác giả đưa ra khác với mình… Thói quen đặt câu hỏi trong lúc đọc giúp mình ghi nhớ sâu hơn và có nhiều chất liệu để viết review sách sau đó.
- Ghi chú cảm nhận cá nhân:
Mình thường không chọn viết review sách bằng cách tóm tắt nội dung vì trong suy nghĩ của mình, đó là việc mà mỗi người nên tự rút ra cho mình. Nếu nội dung sách đã được nói đến trong bài review thì bản thân cuốn sách sẽ không còn đủ hấp dẫn để ai đó dành thời gian đọc toàn bộ. Viết review sách với mình là phương pháp để phản ánh suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Khi đọc, mình sẽ dành thời gian đủ thảnh thơi để có thể ghi lại những câu trích dẫn hay, những đoạn làm mình rung động, những suy nghĩ nảy ra trong đầu hoặc những bài học quan trọng mà mình không muốn quên đi. Chính những ghi chú này giúp bài review của mình có màu sắc riêng, không lẫn với bất kỳ ai.
- Xác định đối tượng độc giả:
Một điểm mình thường lưu ý khi viết review là xác định đối tượng độc giả mà cuốn sách hướng đến. Mình sẽ đặt ra các câu hỏi: cuốn sách này dành cho ai, nó phù hợp với những người đang tìm kiếm điều gì… Bởi mỗi cuốn sách sẽ dành cho những độc giả khác nhau với những mục đích khác nhau khi đọc. Giới thiệu một cuốn sách hướng dẫn viết cho một người ghét đọc, ghét viết thì thật vô nghĩa nhưng khi mình làm điều đó với các học viên, cuốn sách được bàn luận rôm rả và đến tay đúng người quan tâm tới nó.
Khi có thể trả lời những câu hỏi trên, mình hiểu hơn về chân dung độc giả của cuốn sách. Nhờ đó, mình cũng sẽ tìm được định hướng triển khai để bài review thuyết phục hơn. Nếu người đọc nhận ra chính họ trong bài viết của mình, họ sẽ có động lực để tìm đọc cuốn sách vì họ có những mong muốn tương tự đủ lớn để thôi thúc cảm giác sở hữu nó trong tay.

3. Viết review sách như thế nào để chân thực và mang màu sắc cá nhân nhiều hơn?
Một bài review sách hấp dẫn nên có cấu trúc rõ ràng để người đọc dễ theo dõi và cảm nhận.
3.1. Gây ấn tượng ngay từ đầu
Ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng, với một bài review sách cũng vậy. Nếu bạn muốn người đọc bị cuốn hút ngay từ đầu, đừng vào bài bằng một bản tóm tắt khô khan. Hãy thử một cách tiếp cận thú vị hơn: một câu hỏi gợi mở, một trích dẫn đầy sức nặng hoặc một câu chuyện cá nhân khiến người đọc cảm thấy kết nối.
Thay vì viết: “Đây là một cuốn sách nói về…”, bạn có thể tạo được sự quan tâm của độc giả bằng câu hỏi: “Bạn sẽ sống như thế nào vào ngày nhận được tin “cha” mình bị đoàn tàu hoả mạnh nhất vùng cán bẹp cùng chiếc xe hơi mà bạn đã bao lần ngồi trên đấy để tỉ tê kể chuyện và ngắm những chân trời tươi đẹp rộng mở? Sẽ thế nào nếu đó là người bạn chân thành nhất, người rơi nước mắt khi nghe bạn kể về những trận đòn thập tử nhất sinh do chính người thân trong gia đình hành hạ, đã xót xa khi thấy tấm lưng nhỏ chi chít những vết bầm và vết sẹo, đã ngồi cả đêm chờ đoàn tàu chạy qua vì sợ bạn quá đau thương mà tự quăng mình lên đường ray xe lửa, kết thúc cuộc đời bé mọn mới chỉ hơn năm năm?”.
Đọc thêm:
Review sách “Cây cam ngọt của tôi” – Bông hoa trắng của cây cam ngọt
Bạn cũng nên thử mở bài với một câu trích dẫn đắt giá từ sách: “Nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu thấy vui sướng. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc!” (trích Hoàng Tử Bé – Antoine de Saint-Exupéry).
Đơn giản hơn, bạn có thể dùng chính câu chuyện cá nhân để dẫn dắt người đọc đến với thế giới của cuốn sách: “Mình đọc cuốn sách Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo vào những ngày ở viện cùng mẹ. Bên ngoài cánh cửa kính khép kín lạnh tanh, bầu trời dường như cũng xám xịt. Vậy mà tâm trí mình lại bước vào một chuyến phiêu bồng về miền quê Bắc Trung Bộ xa xôi và xưa cũ theo từng mẩu chuyện được tác giả ghi trong những trang sách.”
Đọc thêm:
Review sách: Hơi thở trong bàn tay – níu một âm giai vào lòng cổ độ
3.2. Điểm qua nội dung thay vì tóm tắt toàn bộ
Một bài review sách không phải là bản tóm tắt nội dung từ đầu đến cuối. Nếu kể lại toàn bộ câu chuyện, bạn không chỉ làm mất đi sự hấp dẫn mà còn vô tình lấy đi niềm vui khám phá của người đọc. Thay vào đó, mình thường chọn lọc những chi tiết quan trọng hoặc những điểm nhấn làm cuốn sách trở nên đáng nhớ và viết theo cách gợi mở để người đọc tò mò.
Những câu hỏi tương tác trong bài review có thể kích thích suy nghĩ của độc giả: “Khi nhân vật chính phải đối mặt với một lựa chọn có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình, bạn nghĩ cô ấy sẽ chọn con đường an toàn hay lao vào một hành trình đầy rủi ro?”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đề cập tới một tình huống hấp dẫn mà không tiết lộ quá chi tiết: “Cuốn sách này bắt đầu bằng một lá thư bí ẩn gửi tới nhân vật A. Không ai biết người đã gửi nó nhưng chính lá thư nặc danh ấy sẽ thay đổi số phận của tất cả những người liên quan…”
Bằng cách này, bạn giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan về cuốn sách, nhưng vẫn giữ lại sự hồi hộp và hiếu kỳ – những điều cần thiết để ai đó muốn cầm sách lên và tự mình khám phá.
3.3. Bộc lộ những cảm nhận cá nhân: chìa khóa của một bài review sách hấp dẫn
Đưa cảm nhận cá nhân vào bài review sách giúp chúng trở nên sống động và gần gũi hơn. Chính cảm xúc chân thực của bạn sẽ là cầu nối giữa tác phẩm và người đọc, khiến họ cảm nhận được sức mạnh của câu chuyện hơn là chỉ những nhận xét chung chung.
Khi bạn viết, hãy nghĩ đến những gì ở cuốn sách khiến bạn phải dừng lại, suy ngẫm hay thậm chí là rơi nước mắt. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến giá trị cá nhân mà còn khiến bài review của bạn thêm phần đặc biệt. Chẳng hạn, bạn có thể viết: “Câu chuyện khép lại trong dòng nước mắt chảy không ngừng được của tôi. Những đứa trẻ chịu tổn thương từ chính gia đình, cha mẹ, anh chị em của mình. Chúng sinh ra trong một gia đình nghèo đói, thiếu thốn cả vật chất và tình yêu thương. Càng thông minh, càng hiểu chuyện chúng sẽ càng đau đớn, càng dễ thấy mình “đáng lẽ không nên được sinh ra”. Đứa trẻ nghịch ngợm không hẳn đã là đứa trẻ mang trái tim của quỷ. Có thể đó chỉ là chúng đang mong được nhìn thấy, được quan tâm, được lắng nghe và được yêu thương.”
Cảm xúc thật sự của bạn, dù là những niềm vui hay những băn khoăn đều khiến bài review sách mà bạn viết không giống với bất cứ ai từng viết. Khi bạn chia sẻ về chúng, không chỉ là người đọc mà chính bạn cũng sẽ thấy mình được sống lại trong từng trang sách.
3.4. Nêu những điểm nổi bật của cuốn sách
Đừng cố viết tất tần tật về cuốn sách, hãy chỉ nêu những điểm độc đáo của nó. Đó có thể là cách hành văn của tác giả, cách xây dựng nhân vật, hay những thông điệp sâu sắc được cài cắm. Bạn cũng có thể đề cập đến những điểm có thể cải thiện trong cuốn sách hay những kỳ vọng để hoàn thiện tác phẩm hơn nhưng vẫn cần chú ý giữ sự cân bằng và thái độ thiện chí.
Ví dụ như: “Zezé quậy phá, chửi tục, hay nguyền rủa nhưng em cũng là người đánh giày cả ngày để có tiền mua thuốc lá cho cha, đi bán lời bài hát mỗi tuần để kiếm một cuốn cho chị Gló, chịu đòn giùm anh Totoca, bao bọc em Luis và luôn đau lòng khi nghĩ tới sự vất vả đến thinh lặng của mẹ. Zezé hái trộm hoa cho cô Cécilia vì lọ hoa của cô luôn trống, ôm hôn bác Edmundo vì con cái bác không chịu sống cùng, nhờ cô giáo quan tâm cô bạn nghèo hơn trong lớp thay vì chỉ cho mình tiền. Em là quỷ trong mắt mọi người nhưng em cũng là thiên thần trong lòng những người khác.”
3.5. Đưa ra những đánh giá cá nhân và đề xuất
Đến phần cuối bài, bạn có thể tổng kết lại suy nghĩ của bản thân và đưa ra những lời khuyên xác đáng: Ai nên đọc cuốn sách này? Đối tượng nào sẽ thích nó nhất? Bạn có giới thiệu nó cho người khác không?
Ví dụ: “Chẳng phải bỗng dưng mà tác giả muốn chết ở tuổi lên năm, em trai và chị gái ông cũng từ bỏ cuộc sống sau đó vì thấy cuộc đời không đáng sống. Điều cuối cùng đọng lại trong tôi khi gấp cuốn truyện là hai từ bất hạnh và tình thương. Cuốn sách này không thay đổi tôi nhưng nó tác động tới tôi sâu sắc, như cánh hoa cam trắng ngần đương nở rộ thì bỗng dưng héo hon rồi âm thầm rụng xuống. Tôi mong rằng bạn cũng sẽ đọc “Cây cam ngọt của tôi” vào một ngày nào đó.”
Viết review sách không chỉ giúp bạn lưu lại những cảm nhận cá nhân mà còn qua đó lan tỏa tình yêu với sách đến nhiều người hơn. Hãy để mỗi bài review của bạn là một lời mời gọi, khiến người đọc không thể cưỡng lại mong muốn sở hữu cuốn sách ấy.
Đừng quên tham gia Cuộc thi viết Đọc sách mùa xuân 2025 của cộng đồng Yêu lại tiếng Việt để nhận giải thưởng là những cuốn sách cực kỳ thú vị cho người yêu viết lách và văn chương nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc bài! Chia sẻ những suy nghĩ của bạn ở phần bình luận để mình được hiểu nhiều hơn về bạn nhé!
Thương mời bạn ghé thăm tổ của Sẻ Nâu để kết nối với nhau nhiều hơn nghen!