Chúng ta đã nói nhiều về tản văn, truyện ngắn nhưng dường như quên mất trong văn học còn có thơ ca. Nhiều người e dè khi nhắc tới nó bởi chưa nắm được một số quy tắc để giúp việc làm thơ trở nên dễ dàng hơn. Tất nhiên, làm được thơ và làm được thơ hay là hai chuyện khác nhau nhưng trước tiên ta nên biết đôi điều về thơ đã.
1. Đôi điều về thơ
Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê: “Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn từ giàu hình ảnh và nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc.”
Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ làm chất liệu và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp từ được sắp xếp dưới hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mĩ cho người đọc, người nghe.
2. Một số đặc điểm của thơ
Tính nhạc trong thơ (nhạc tính): là một hình thức làm cho bài thơ dễ được cảm nhận bởi người nghe hay người đọc thông qua sự xuống lên, nhấn nhá của nhịp điệu, giọng điệu dựa trên sự sắp xếp các âm tiết và thanh điệu.
Nhạc tính còn được tạo ra bằng cách sử dụng các từ tượng thanh như: rì rào, vi vút, ầm ầm, lanh canh… Chính bởi đặc điểm này mà người xưa có câu “thi trung hữu nhạc” tức là trong thơ có nhạc.
Ví dụ:
” Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn. “
(Em ơi… Ba Lan – Tố Hữu)
Ngoài nhạc tính, thơ còn nổi bật bởi tính hội họa hay còn gọi là tính tạo hình như câu nói “thi trung hữu hoạ”. Hình ảnh trong thơ rõ đến mức người đọc cảm tưởng có thể động vào các vật thể, ngửi thấy các mùi vị, nhìn thấy sự chuyển động…
Sự hưng phấn được khơi nguồn từ khi người viết nâng sự quan sát lên đến mức độ nhạy bén, hoa mĩ, không tầm thường – đây chính là sự khác biệt giữa thơ và truyện hay với các loại hình nghệ thuật khác.
Ví dụ: thay vì diễn tả nỗi buồn bằng các từ thảm, rầu thì người làm thơ chuộng cách viết lãng đãng, đặc sệt, nhỏ giọt, bám rễ, nặng tựa đá đeo…
Việc chọn lọc từ ngữ rất quan trọng trong việc tạo nên các hình ảnh thơ. Có hình ảnh mềm mại, thơ mộng cũng có hình ảnh khắc khổ, gồ ghề hoặc đồ sộ, gớm ghiếc. Mỗi một hình ảnh đều nhằm tái tạo lại thị giác, cảm quan của người làm thơ.
Ví dụ trong tập Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Cảnh trong thơ như gần như xa, khi rõ ràng lúc mộng ảo, cũng có lúc như bức tranh thuỷ mặc bàng bạc được chấm phá bởi một hình ảnh nổi bật.
Không chỉ trạng thái tĩnh tại, hình ảnh trong thơ còn động đậy, hoạt bát. Chẳng hạn Trần Đăng Khoa đã viết trong bài Mặt bão:
“Bão đến ầm ầm
Như đoàn tàu hỏa
Bão đi thong thả
Như con bò gầy”
Tính ẩn dụ, so sánh làm cho người đọc dễ liên tưởng hơn, đặc biệt khi miêu tả một trạng thái với nhiều chi tiết. Điều này cũng giúp hình ảnh thơ sinh động hơn.
Nguyễn Mỹ trong bài Con đường ấy có viết:
“Nắng bay từng giọt – nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông”
Một điểm khá quan trọng trong phim ảnh, nhạc, thơ hoặc bất cứ một hình thức nghệ thuật nào là tính lôgic của các sự kiện. Sự phát triển của các hình ảnh từ nhỏ đến lớn, từ trầm đến thanh phải luôn được cân nhắc. Tiến trình của cao trào/thoái trào trong thơ cũng tương tự như tiến trình của âm nhạc, đòi hỏi phải theo cung, theo nhịp và theo sự tiến triển của thời gian.
Tứ thơ là tình cảm, hình ảnh chủ đạo mà người viết muốn truyền đạt, tạo nên thế cân bằng vững chắc của bài thơ.
Phong cách là cách chọn từ, cách diễn đạt ý tưởng của mỗi tác giả như nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Cấu tứ của bài thơ là cấu trúc và ý tưởng gộp lại. Cách sắp xếp các câu thơ, luật thơ, vần điệu và tính nhạc đều là một phần của cấu tứ. Để có một cấu tứ tốt, người làm thơ thường phải nâng tầm mắt mình cao hơn tình cảm, bao quát toàn bộ bài thơ, làm chủ chính tác phẩm của mình.
Một điểm nữa khá quan trọng, song lại có thể là lỗ hổng lớn nhất trong tất cả các bài bàn luận về thơ là dư âm. Dư âm là cảm quan người đọc có được sau khi đọc một cụm từ, một câu thơ, một đoạn thơ hay một bài thơ. Có thể nói dư âm là kết xuất của cảm quan của người viết thơ cộng với cảm quan của người đọc thơ. Dư âm còn có thể là cái hương vị của bài thơ, từ đó người đọc cảm nhận được phong thái, cái hay cái đẹp trong tâm tư của nhà thơ.
Nhiều khi người ta cho rằng khả năng làm thơ là một thiên phú. Người làm thơ phải có hiểu biết nhất định, song kể cả như vậy thì họ vẫn bị cảm xúc chủ quan chi phối.
Nói tóm lại thi ca là tất cả những gì thuộc tình cảm và lý trí chịu sự chi phối của cảm xúc rung động đa dạng của con người. Khi nào bạn còn những rung động đó, nghĩa là tâm hồn bạn còn chất thi ca, còn khiến bạn thấy cuộc đời thi vị hơn.
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau.
Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ. Có hai loại vần:
– Vần bằng: những chữ không dấu hoặc dấu huyền như ba, bà.
– Vần trắc: những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng như bả, bã, bá, bạ.
– Vần chính: những chữ có cùng âm và thanh.
Thanh bằng: Phương, sương, cường, trường.
Thanh trắc: Thánh, cảnh, lãnh, ánh.
– Vần thông: đồng thanh nhưng không hoàn toàn trùng âm.
Thanh bằng: Minh, khanh, huỳnh, hoành.
Thanh trắc: Mến, lẽn, quyện, hển.
– Cưỡng vận: các câu dùng vần thông.
“Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”
– Lạc vận: hai vần không thuộc vần chính hay vần thông nhưng cùng thanh.
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”
– Gieo vần: trong tiếng Việt có 2 cách gieo vần phổ biến là giữa câu và cuối câu.
+ Gieo vần ở giữa câu (yêu vận hay vần lưng): Chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm bên trong câu dưới.
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
+ Gieo vần ở cuối câu (cước vận hay vần chân): Các chữ ở cuối câu vần với nhau.
• Vần tiếp:
Các cặp trắc bằng xen kẽ tiếp nhau.
Chẳng hạn Xuân Diệu trong Tương tư chiều (câu 2,3) (câu 4,5) (câu 6,7):
“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối”
• Vần chéo:
Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ ba và chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư.
Chẳng hạn Anh Thơ trong bài Tiếng chim tu hú (câu 1,3) (câu 2,4):
“Nắng hè đỏ hoa gạo
Nước sông Thương trôi nhanh
Trên đường đê bước rảo
Gió nam giỡn lá cành”
Nhiều khi chỉ cần chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư mà thôi.
Chẳng hạn Quang Dũng trong bài Đôi bờ (câu 2,4):
“Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?”
• Vần ôm:
Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ tư và chữ cuối câu hai vần với câu thứ ba. Vần trắc ôm vần bằng, hay ngược lại.
Chẳng hạn Nguyên Sa trong Áo lụa Hà Đông (câu 2,3):
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”
• Vần ba tiếng:
Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu một, câu hai và câu thứ tư vần với nhau. Câu ba khác vần.
Chẳng hạn Thâm Tâm trong Tống biệt hành (câu 1,2,4).
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Điệu hay còn gọi là nhạc điệu tạo nên do âm thanh của từ được chọn và nhịp điệu ngắt câu. Nhạc trong thơ được tạo nên bởi ba yếu tố: vần, tiết tấu và từ.
– Âm hưởng của vần:
+ Vần bằng thường gây cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại.
“Gió mơn man sợi nắng mành
Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài
Dương gian hé rạng hình hài
Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi”
+ Vần trắc thường gây cảm giác mạnh mẽ, động đậy, tỉnh thức.
“Gió mơn man sợi nắng mành
Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài
Dương gian hé rạng hình hài
Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi”
– Tiết tấu của câu là nhịp của câu thơ dựa vào chỗ ngắt đoạn chia câu thành từng vế, mỗi vế có nghĩa trọn vẹn. Đó là nhịp dài (–), khi ngâm người ta ngừng lại ngân nga lâu một chút. Ngoài ra, trong mỗi vế, khi ngâm tùy theo hứng, người ta cũng có thể ngừng lại ngân nga ngắn hơn ở những chỗ vế chia thành từng bộ phận, đó là nhịp ngắn (-).
“Dương gian (-) hé rạng (-) hình hài (–)
Trời (-) se sẽ lạnh (-), đất ngai (–) ngái mùi(–)”
– Nhịp trong thơ: tạo nên do sự phân định của câu và của từ, tương tự khi viết cho dấu phẩy, khi đọc ngưng hơi.
+ Nhịp (4/4) – (2/2/2/2)
“Em ngồi cành trúc (–) em tựa cành mai (–)
Đông đào (-) tây liễu (-) biết ai (-) bạn cùng (–)”
+ Nhịp (2/2/2) – (2/2/2/2)
“Trời mưa (-) ướt bụi (-) ướt bờ (-)
Ướt cây (-) ướt lá (–) ai ngờ (-) ướt em (–)”
+ Nhịp (2/4) – (2/2/2/2)
“Yêu mình (–) chẳng lấy được mình (–)
Tựa mai (-) mai ngã (–) tựa đình (-) đình xiêu (–)”
+ Nhịp (2/4) – (4/4)
« Đố ai (-) quét sạch lá rừng (–)
Để ta khuyên gió (–) gió đừng rung cây (–) »
+ Nhịp (2/4) – (2/4/2)
« Hỡi cô (-) tát nước bên đàng (–)
Sao cô (-) múc ánh trăng vàng (–) đổ đi (–) »
+ Nhịp (4/2) – (2/4/2)
« Trách người quân tử (-) bạc tình (–)
Chơi hoa (–) rồi lại bẻ cành (–) bán rao (–) »
+ Nhịp (3/2/2) – (4/3/2)
« Đạo vợ chồng (-) thăm thẳm (-) giếng sâu (–)
Ngày sau cũng gặp (–) mất đi đâu (-) mà phiền (–) »
3. Làm thơ
Mỗi thể thơ đều có luật thơ riêng. Trong thơ có vần bằng (B) và vần trắc (T). Việc làm thơ cần tuân thủ luật thơ để đạt được hiệu quả nghệ thuật và thẩm mĩ nhất định. Tuy nhiên, các nhà thơ vẫn thường có sự phá cách để tạo nên tính độc đáo, riêng biệt.
3.1. Thơ lục bát
– Số câu: tối thiểu là 1 cặp (2 câu) câu lục bát, không giới hạn về số câu.
– Các tiếng chẵn : 2,4,6,8 bắt buộc phải đúng luật còn các tiếng 1,3,5,7 tự do.
+ Câu lục : B – T – B
+ Câu bát : B – T – B – B
– Vần :
+ Tiếng thứ 6 câu lục vần với tiếng thứ 6 câu bát.
+ Tiếng thứ 8 câu bát mở ra một vần mới, vần này vần với tiếng thứ 6 của câu lục và tiếng thứ 6 câu bát tiếp theo. Các vần này thường là thanh bằng.
« Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng »
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
– Nhịp :
+ Câu lục : nhịp 2/2/2 ; 2/4 ; 3/3
+ Câu bát : 2/2/2 ; 4/4 ; 3/5 ; 2/6.
3.2. Thơ bốn chữ
Thơ 4 chữ thể thơ khá đơn giản về về niêm luật. Gieo vần ở chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu. Nếu chữ thứ 2 là 1 thanh bằng (B.) thì chữ thứ 4 là thanh trắc (T) và ngược lại.
Cách gieo vần trong thể thơ 4 chữ được chia làm ba loại gồm: cách gieo vần tiếp, cách gieo vần chéo và gieo vần ba tiếng.
– Cách gieo vần tiếp: câu 2,3 – 4,5 – 6,7…
Ví dụ trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư:
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang…”
– Cách gieo vần chéo: câu 1,3 – 2,4.
Như bài Buổi trưa hè của Huy Cận.
“Buổi trưa lim dim
Nghìn con mắt lá
Bóng cũng nằm im
Trong vườn êm ả.”
– Cách gieo vần ba tiếng: câu 1,2,4.
Bài Chuỗi cười của Hàn Mặc Tử:
“Lá đổ rào rào,
Trăng vàng xôn xao
Chuỗi cười ha hả,
Trên cánh đồi cao”
– Nhịp: 2/2.
3.3. Thơ năm chữ
Cũng giống như thơ 4 chữ, nếu chữ thứ 2 trong câu là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại. Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm ba loại thường được gọi là cách gieo vần liền, cách gieo vần ôm, và cách gieo vần chéo.
– Cách gieo vần liền : câu 1,2 – câu 3,4.
« Da trắng và mắt trong
Tóc nâu và môi hồng
Nhỏ mà ưa chải chuốt
Chữ O đọc không thuộc »
– Cách gieo vần ôm : câu 1,4 – câu 2,3.
« Rằm theo ngoại lên chùa
Nghe tiếng kinh tiếng mõ
Xạc xào nghe tiếng gió
Chốc chốc tiếng chuông khua »
– Cách gieo vần chéo : câu 1,3 – câu 2,4.
« Vừa sủa vừa chạy lui
Giữ nhà cái kiểu đó
Tối xó bếp ngủ vùi
Vậy cũng giành chức chó »
– Nhịp : 2/3 hoặc 3/2.
3.4. Thơ bảy chữ
Thể thơ 7 chữ – một trong những thể thơ hiện đại nhưng nó vẫn còn mang âm hưởng luật của thể thơ đường. Chính vì vậy cũng có hai loại vần là vần bằng và vần trắc.
– Vần bằng :
0 B 0 T 0 B B
0 T 0 B O T B
0 T 0 B 0 T T
0 B 0 T 0 B B
« Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông »
– Vần trắc :
0 T 0 B 0 T B
0 B 0 T 0 B B
0 B 0 T 0 B T
0 T 0 B 0 T B
« Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu »
– Thơ 7 chữ hiện đại :
0 T 0 B 0 T B
0 B 0 T 0 B B
0 B 0 Y 0 B T
0 T 0 B 0 T B
« Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi »
– Nhịp: 2/2/3 – 4/3 – 3/4
3.5. Thơ tám chữ
– Cách gieo vần :
+ Vần tiếp : câu 1,2 – câu 3,4…
« Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách — cố nhiên — nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xưa… »
(Hồ Dzếnh – Ngập ngừng)
+ Vần chéo: câu 1,3 – câu 2,4.
« Trong ánh nắng hạt sương dần nhẹ bỗng
Rồi tan vào thoáng đãng trời xanh
Cánh hoa mỏng rập rờn với gió
Có nhớ về hạt sương sớm long lanh?”
(Hải Kỳ – Giấc mơ)
+ Vần ôm: câu 1,4 – câu 2,3 .
“Đêm Trường Sơn. Lá với nước rầm rì
Hơi đá lạnh nép mái nhà nghe ngóng
Chúng tôi ngồi xòe tay trên lửa nóng
Máu bàn tay mang hơi lửa vào tim”
(Nguyễn Khoa Điềm – Bếp lửa rừng)
– Nhịp: 2/2/2/2 – 4/4.
3.6. Thơ tự do
Thơ tự do không khắt khe trong vần điệu hay nhịp thơ. Người viết thoải mái trong việc lựa chọn cách thể hiện nhưng vẫn đảm bảo được tính hàm súc, hình tượng và tính nhạc của bài. Số chữ trong câu và số câu trong bài không hạn định.
Tuy tự do nên cũng cần đảm bảo tứ thơ vững, có tính hình tính nhạc như vậy thơ mới chạm được vào tầng xúc cảm của người đọc.
Ví dụ như bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi :
« Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!…”
Như vậy có thể khái quát lại rằng thơ là một thể loại trữ tình ngắn gọn, hàm súc nhưng có khả năng bộc lộ sâu sắc tình cảm của con người. Thơ là loại hình nghệ thuật giàu tính nhạc, tính hoạ và có khả năng tác động mạnh mẽ tới người đọc thông qua các đặc điểm về ngôn từ, nhịp điệu. Khi làm thơ cần chú ý tới các hình ảnh, vần, điệu, nhịp và cả cấu tứ để bài thơ hay hơn, độc đáo hơn.
Đọc nhiều hơn về thuật viết văn tại đây nhé!