Giọng văn là gì? Cách hình thành giọng văn riêng cho người viết

Giọng văn là gì? Làm thế nào để hình thành một giọng văn riêng biệt, độc đáo? Hãy cùng khám phá qua bài viết dưới đây!

Giọng văn là gì? Làm thế nào để hình thành một giọng văn riêng biệt, độc đáo? Hãy cùng khám phá qua bài viết.

1. Giọng văn là gì?

1.1. Khái niệm về giọng văn

Viết lách không đơn thuần là truyền tải thông tin mà còn là nghệ thuật thể hiện cá tính, cảm xúc và tư duy của người viết. Trong quá trình sáng tạo ấy, giọng văn giúp hình thành một dấu ấn riêng để người đọc nhận ra bạn giữa muôn vàn ngòi bút khác. 

Giọng văn là “tiếng nói” riêng biệt của người viết, là cách chúng ta bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và quan điểm thông qua ngôn ngữ, nhịp điệu và cách diễn đạt. Nó không chỉ là phong cách viết mà còn là dấu ấn cá tính, phản ánh con người cá nhân, những trải nghiệm và cách tư duy của chính tác giả trước các đối tượng khác nhau. Giọng văn giống như dấu vân tay trong văn chương của từng người – không ai có thể sao chép hoàn toàn. Tuy vậy, giọng văn vẫn có thể thay đổi tùy theo mục đích viết, đối tượng độc giả hoặc bối cảnh, thời gian nhưng nhìn chung, nó luôn có những nét đặc trưng xuyên suốt trong các tác phẩm của cùng một tác giả, ít ra là ở một thời đoạn của hành trình cầm bút.

Trong bài viết Đôi điều về giọng điệu trong viết văn, mình từng nhấn mạnh rằng giọng điệu là “một phương tiện văn học phản ánh thái độ của người viết đối với chủ đề hoặc đối tượng của tác phẩm văn học”. Giọng văn, theo mình, cũng mang ý nghĩa tương tự. Nó là cách chúng ta truyền tải những tâm tư, tình cảm, những ý thức và nhận định của mình vào chữ. Từ đó tạo nên một mối quan hệ đặc biệt với người đọc. Ví dụ, giọng điệu “lẳng lơ mà xa vời” trong thơ tình của Thế Lữ hay giọng điệu “mỉa mai, châm biếm” trong Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, đều là những biểu hiện rõ nét của giọng văn, thể hiện thái độ và cảm xúc của tác giả.

Giọng văn không chỉ được biểu hiện qua từ ngữ mà còn nằm trong cách người viết xây dựng câu văn câu thơ, cách lựa chọn hình ảnh và tạo ra nhịp điệu trong câu. Một giọng văn đủ gây ấn tượng thường có thể khiến người đọc cảm nhận được cảm xúc của tác giả, đồng thời tạo ra sự kết nối sâu sắc với người đọc. Giọng văn chính là “hơi thở” của bài viết, là thứ khiến người đọc nhớ đến bạn, ngay cả khi ý tưởng nội dung của bạn có bị ai khác sao chép.

1.2. Phân biệt giọng văn, phong cách viết và kỹ thuật viết

Để hiểu rõ hơn về giọng văn, chúng ta cần phân biệt nó với phong cách viết và kỹ thuật viết – hai khái niệm thường bị nhầm lẫn. Phong cách viết là “dấu hiệu cá nhân”, thể hiện qua cách tác giả sử dụng ngôn ngữ, cấu trúc bài viết và cách triển khai ý tưởng. Trong khi đó, giọng văn là “dấu ấn” cảm xúc, là sắc thái riêng biệt trong cách tác giả diễn đạt. Kỹ thuật viết là các kỹ năng cụ thể như cách dùng từ, xây dựng câu hoặc sử dụng biện pháp tu từ để tạo nên giọng văn hay phong cách của từng cây bút.

Trong khi giọng văn là cách nhà văn bộc lộ thái độ và tình cảm chủ quan thì phong cách viết có thể bao gồm cả cách tổ chức bài viết và lựa chọn ngôn ngữ. Trong truyện ngắn Làng, phong cách viết của Kim Lân đậm chất dân dã với ngôn ngữ người làng quê Bắc Bộ gần gũi, nhiều khẩu ngữ. Qua đó phản ánh sinh động đời sống nông thôn Việt Nam thời bấy giờ. Tuy nhiên, giọng văn của ông trong tác phẩm này lại rất trầm ấm, thể hiện rõ sự đồng cảm sâu sắc và tình yêu thương dành cho người nông dân. Kỹ thuật viết truyện của ông được thể hiện qua cách xây dựng khung cảnh làng quê điển hình, những đoạn đối thoại tự nhiên, sử dụng từ ngữ địa phương một cách tinh tế…

1.3. Tầm quan trọng của giọng văn

Giọng văn vừa giúp tác giả thể hiện bản thân vừa tạo sự khác biệt trong một thế giới đầy rẫy nội dung. Giọng văn độc đáo giúp bạn nổi bật giữa hàng trăm bài viết cùng chủ đề, đồng thời khiến người đọc luôn nhận ra bạn ngay cả khi nội dung tương tự xuất hiện ở nhiều nơi. Giọng văn cũng là cầu nối cảm xúc giúp người đọc cảm nhận được sự chân thành, cá tính và mức độ quan tâm của bạn với đối tượng trung tâm trong bài viết.

Giọng văn không phải là sự phản ánh một chiều từ tác giả tới đối tượng được viết. Theo chiều khác, nó ảnh hưởng ngược lại đến ý nghĩa của các từ được viết ra, tạo nên một mối quan hệ đặc biệt giữa nhà văn và người đọc. Chẳng hạn, giọng điệu “suồng sã, đay nghiến” trong Chí Phèo của Nam Cao là sự phản chiếu thái độ của tác giả đối với xã hội thực dân nửa phong kiến bất công. Nó đồng thời cũng khiến người đọc cảm nhận sâu sắc nỗi đau của nhân vật, từ đó đồng cảm với số phận của những con người bị tha hóa.

2. Các yếu tố tạo nên giọng văn

Giọng văn được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau, từ cách sử dụng ngôn ngữ, nhịp điệu đến cách tác giả lựa chọn hình ảnh và thể hiện cảm xúc. 

2.1. Ngôn ngữ và cách diễn đạt

Ngôn ngữ là công cụ chính để tạo nên giọng văn. Tùy vào mục đích và đối tượng, tác giả có thể chọn ngôn ngữ trang trọng, gần gũi, hài hước hoặc sâu lắng. Trong tùy bút Một món quà của lúa non: Cốm, Thạch Lam viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, trau chuốt qua những từ ngữ tinh tế. Ngôn ngữ của Thạch Lam không chỉ miêu tả mà còn gợi lên cảm giác thanh tao, khiến người đọc như đang thưởng thức hương vị cốm ngay trên trang giấy.

“Cốm là thức quả riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu Tết. Không gì còn hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… Và không bao giờ có hai màu lại hoà hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền…”

Cách diễn đạt của mỗi tác giả có thể khác nhau, tùy vào thói quen khi viết. Có người ưa viết câu súc tích, ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần biểu đạt. Có người lại thích lối nói ẩn dụ đường vòng, có rào trước đón sau nhịp nhàng hô ứng. 

2.2. Nhịp điệu và cấu trúc câu

Nhịp điệu trong bài viết nhanh, chậm, dồn dập, thong thả… cũng góp phần tạo nên giọng văn. Nhịp điệu chậm và những câu văn dài thường gợi cảm giác trầm lắng, phù hợp với giọng văn buồn bã hoặc hoài niệm. Ngược lại, nhịp điệu nhanh, câu văn ngắn tạo cảm giác gấp gáp, sôi động. Trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (trích tác phẩm Tắt đèn) của Ngô Tất Tố, khi chị Dậu phản kháng tên cai lệ, nhịp điệu câu văn trở nên dồn dập hơn với những câu ngắn, câu cầu khiến như “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Nhịp điệu này làm nổi bật giọng văn phẫn uất, căm hờn của tác giả, đồng thời thể hiện sự vùng lên mạnh mẽ của người nông dân.

2.3. Hình ảnh và biện pháp tu từ

Các hình ảnh được sử dụng trong tác phẩm và các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ cũng góp phần tạo nên giọng văn của từng tác giả. Trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, giọng văn châm biếm, hài hước được thể hiện qua những hình ảnh phóng đại đến mức “chân thật” như là trong cái tang gia, người nhà cụ cố Hồng “tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma…” , bà phó Đoan “thủ tiết thờ hai đời chồng”…. Tác giả cũng sử dụng các biện pháp tu từ như nói quá, điệp ngữ… về cặp sừng vô hình trên đầu ông Phán, sự Âu hóa của vợ chồng Văn Minh, tính sĩ diện hảo của cụ cố Hồng… để tăng thêm sự trào phúng cho tác phẩm. Những chi tiết nghệ thuật này không chỉ gây cười mà còn thể hiện thái độ mỉa mai của tác giả đối với tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

2.4. Cảm xúc và thái độ của tác giả

Giọng văn luôn phản ánh cảm xúc và thái độ của tác giả đối với vấn đề được đề cập. Trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Bác Hồ, câu thơ “Cuộc đời cách mạng thật là sang” có chút hóm hỉnh, thể hiện được tinh thần lạc quan của Người trong hoàn cảnh gian khổ. Điều ấy truyền cảm hứng cho toàn quân toàn dân và tạo nên một giọng văn rất riêng, đậm chất Hồ Chí Minh.

Giọng điệu là cách nhà văn bộc lộ tình cảm chủ quan, thái độ và cách đánh giá của mình về sự vật, hoàn cảnh và con người. 

2.5. Bối cảnh văn hóa và trải nghiệm cá nhân

Một yếu tố quan trọng khác hình thành nên giọng văn mà mình đã đề cập trong bài viết Đôi điều về giọng điệu trong viết văn là bối cảnh văn hóa và trải nghiệm cá nhân của tác giả. Giọng điệu của một tác giả chịu những ảnh hưởng từ môi trường sống, văn hóa và những gì mà họ đã trải qua trong cuộc sống và cả tinh thần. Giọng điệu của Nam Cao trong Chí Phèo mang tính “suồng sã, đay nghiến” vì bản thân tác giả cũng là một người trí thức – nông dân từng chứng kiến những bất công trong xã hội đương thời. Chính những điều ấy cũng góp phần tạo nên giọng điệu đầy phẫn uất và xót xa trong tác phẩm của ông.

3. Cách hình thành giọng văn riêng cho người viết

Hình thành giọng văn riêng không phải chuyện một sớm một chiều hay chỉ với vài tác phẩm là được. Đó là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, luyện tập, tự khám phá bản thân và thể nghiệm không ngừng của mỗi cây bút. 

3.1. Xác định những tác giả bạn yêu thích

Chúng ta thường bị hấp dẫn bởi những giọng văn mà mình khao khát đạt được. Bạn có thể bắt đầu quá trình xây dựng giọng văn bằng việc liệt kê 1-3 tác giả mà bạn thích giọng văn của họ. Hãy phân tích xem điều gì ở giọng văn của họ khiến bạn ấn tượng. Đó có thể là sự hài hước, sâu lắng trong cách diễn đạt, sự tinh tế và công phu trong dùng từ hay kỹ thuật áp dụng các biện pháp tu từ nhuần nhuyễn… 

Nếu bạn yêu thích giọng văn của Thạch Lam, hãy chú ý đến cách ông sử dụng những từ ngữ tinh tế, gợi lên cảm giác thanh tao trong câu chữ. Nếu bạn thích giọng văn châm biếm của Vũ Trọng Phụng, đừng bỏ qua cách ông dùng những hình ảnh phóng đại và những từ ngữ mỉa mai để tạo hiệu ứng hài hước. Còn nếu bạn thích giọng văn nhẹ nhàng, giàu chất thơ và tính nhạc, bạn có thể đọc các bài viết trên mục Sẻ Nâu nhặt chữ của blog mình. Việc đọc và phân tích các tác giả yêu thích sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách họ sử dụng giọng điệu để truyền tải cảm xúc, từ đó tìm ra những yếu tố phù hợp với bản thân.

Nếu bạn cần tài liệu để tự rèn luyện giọng văn, đừng nên bỏ qua Sổ tay tản văn với các phần lí thuyết đi kèm bài thực hành cụ thể. 

3.2. Bắt chước giọng văn yêu thích và viết lại

Sau khi xác định được những tác giả yêu thích, bạn nên thử bắt chước giọng văn của họ bằng cách viết lại những bài hoặc những đoạn văn theo phong cách đó. Việc bắt chước không chỉ giúp bạn học hỏi mà còn giúp bạn khám phá những phong cách phù hợp với mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý phân biệt 3 khái niệm: copyworking – đạo văn – liên văn bản để tránh mắc sai lầm.

Thùy Linh – một học viên xuất sắc của mình – chia sẻ rằng khi mới bắt đầu viết, em đã bắt chước giọng văn của mình vì quá yêu thích chất văn lãng mạn, bay bổng, trau chuốt ngôn từ như vậy. Trong khóa học Viết tản văn đăng báo, mình cũng thiết kế các bài thực hành mô phỏng văn phong để học viên trải nghiệm, học hỏi và tìm ra giọng văn của chính mình.

Nếu bạn thực hành mô phỏng giọng văn của tác giả yêu thích, hãy nhớ là sau khi viết, bạn cần đọc lại và cảm nhận xem phong cách này có thực sự phù hợp với bạn không. Đây một cách để “làm quen” với các giọng điệu khác nhau, từ đó tìm ra những yếu tố bạn có thể kết hợp vào giọng văn của mình.

Trong khóa học Viết tản văn đăng báo, mình cũng thiết kế các bài thực hành mô phỏng văn phong để học viên trải nghiệm, học hỏi và tìm ra giọng văn của chính mình.
Trong khóa học Viết tản văn đăng báo có các bài thực hành mô phỏng giọng văn của tác giả khác

3.3. Điều chỉnh giọng văn để tạo phong cách riêng

Khi đã quen hơn với giọng văn mà bạn yêu thích sẽ đến bước điều chỉnh để tạo ra giọng văn của riêng bạn. Bạn có thể thay đổi cấu trúc câu, nhịp điệu, cách dùng từ hoặc thêm vào những yếu tố cá nhân như trải nghiệm, cảm xúc của mình. Nếu bạn bắt chước giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, tao nhã của Thạch Lam nhưng muốn thêm chút hài hước, bạn có thể thêm vào những câu nói vui hay gặp trong đời thường hoặc sử dụng các ẩn dụ gây cười. 

Giọng điệu phản ánh con người thật của bạn. Đừng cố gắng bắt chước ai đó một cách gượng ép mà hãy để giọng văn của bạn thể hiện những trải nghiệm và cảm xúc riêng. Bạn có những kỷ niệm sâu sắc về quê hương, vậy hãy để chính những kỷ niệm ấy thấm đẫm trong giọng văn của bạn, tạo nên một dấu ấn riêng như cách cô bé học viên Thùy Linh của mình đã làm với những tản văn viết về Hà Nội của em ấy.

3.4. Luyện viết thường xuyên

Giọng văn chỉ có thể hình thành qua quá trình viết đều đặn. Bạn nên viết mỗi ngày, dù chỉ là một đoạn ngắn và đừng ngại thử nghiệm với các phong cách khác nhau. Viết càng nhiều, bạn càng dễ phát hiện ra giọng văn tự nhiên nhất của mình.

Bạn cũng nên thử nghiệm với nhiều thể loại khác nhau, từ tản văn, truyện ngắn đến thơ ca để tìm ra giọng điệu phù hợp. Nếu bạn cần thêm hướng dẫn chi tiết về cách luyện viết truyện, Sổ tay viết truyện sẽ là một tài liệu hữu ích với nhiều bài thực hành giúp bạn hiểu rõ về thể loại và phát triển tác phẩm truyện của chính mình.

Nếu bạn cần tài liệu để tự rèn luyện giọng văn, đừng nên bỏ qua các tài liệu số của Yêu lại tiếng Việt với các phần lí thuyết đi kèm bài thực hành cụ thể. 
Các tài liệu số của Yêu lại tiếng Việt giúp bạn phát triển giọng văn cá nhân độc đáo

3.5. Lắng nghe phản hồi từ người đọc

Đừng ngại chia sẻ bài viết của bạn với bạn bè, đồng nghiệp hoặc người đọc để nhận phản hồi. Đăng bài trong cộng đồng Yêu lại tiếng Việt cũng là một gợi ý không tồi cho bạn. Hiểu được cảm nhận của người khác sẽ giúp bạn xác định rõ hơn giọng văn của mình. Ví dụ, nếu người đọc nhận xét rằng bài viết của bạn hài hước, dí dỏm và rất cuốn hút, bạn có thể tập trung phát triển giọng văn này.

3.6. Chấp nhận sự thay đổi

Giọng văn không phải là thứ bất biến. Nó có thể thay đổi theo thời gian, phản ánh sự phát triển về nhận thức và trải nghiệm của bạn. Đừng ngại đón nhận sự thay đổi này, bởi đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang trưởng thành trong hành trình viết lách.

Nếu bạn muốn học hỏi thêm về cách phát triển giọng văn cá nhân, các khóa học viết của mình sẽ rất phù hợp. Vì không chỉ cung cấp kiến thức về viết lách, mình còn hướng dẫn bạn khám phá và hoàn thiện giọng văn dựa trên các ưu – khuyết khi viết. 

4. Một số lưu ý khi rèn luyện giọng văn

  • Hãy là chính mình: Đừng cố gắng bắt chước giọng văn của ai khác một cách gượng ép. Cứ để giọng văn của bạn phản ánh con người thật của bạn, dù bạn có “kỳ quặc” đến đâu.
  • Đa dạng hóa tài liệu đọc: Đọc nhiều thể loại khác nhau, từ văn học cổ điển đến hiện đại để tăng vốn từ tiếng Việt và cải thiện cách diễn đạt.
  • Tránh diễn đạt dài dòng: Giọng văn dài dòng, phức tạp và rối rắm thường khiến người đọc cảm thấy nhàm chán. Bạn nên ưu tiên sự tự nhiên và súc tích khi viết.
  • Tập trung vào cảm xúc: Những giọng văn có sức tác động mạnh mẽ thường là giọng văn giàu cảm xúc. Hãy để cảm xúc dẫn dắt ngòi bút của bạn.

Giọng văn không chỉ là cách bạn viết mà còn là cách bạn thể hiện con người mình qua từng con chữ. Hãy bắt đầu bằng việc đọc từ những tác giả bạn yêu thích, viết từ chính bản thân bạn và lắng nghe từ người đọc. Dù bạn chọn giọng văn như thế nào, điều quan trọng nhất là nó phản ánh đúng con người và cảm xúc của bạn.

Giọng điệu còn là cách người viết tạo nên mối quan hệ với người đọc, từ đó truyền tải cảm xúc và thông điệp một cách hiệu quả. Hành trình tìm kiếm giọng văn riêng của bạn cũng chính là hành trình bạn khám phá bản thân nên mỗi bước đi trên hành trình ấy đều đáng giá.

Tài liệu tham khảo:

Cảm ơn bạn đã đọc bài. Chia sẻ bài viết này cho những người yêu viết khác để cùng nhau học viết và thảo luận nhé! Đừng quên theo dõi Facebook, Podcast, Youtubetham gia Group để học viết mọi lúc mọi nơi hoàn toàn miễn phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tìm kiếm điều gì đó . . .